Vào những năm 1980, tiến sĩ Carol Dweck, nhà tâm lý học đến từ Đại học Stanford, nhận thấy một số trẻ từ bỏ nhanh hơn những đứa trẻ khác. Khi phải đối mặt với khó khăn, có em đã ngừng cố gắng chỉ sau một lần thất bại, trong khi các em khác trải qua rất nhiều lần thất bại nữa mới đạt đến thành công.
Cuối cùng, bà phân loại trẻ thành 2 nhóm: Nhóm đầu tiên là những trẻ có tư duy rộng mở (hay tư duy cầu tiến), tin rằng thành công là kết quả của làm việc chăm chỉ và cố gắng không ngừng. Nhóm thứ hai là những trẻ có tư duy cố định (hay tư duy bảo thủ), tin rằng thành công là kết quả của kỹ năng và năng khiếu bẩm sinh.
Trẻ có tư duy rộng mở tin rằng thành công là kết quả của nỗ lực và làm việc chăm chỉ (Ảnh minh họa).
Bà cũng phát hiện thấy, khuynh hướng của trẻ với một trong hai tư duy trên có liên quan rất nhiều tới những lời khen ngợi mà trẻ nhận được khi lớn lên. Trẻ được khen ngợi trực tiếp về thành tích bắt đầu cho rằng tài năng là bẩm sinh và trở nên ngày càng thiếu động lực hành động, lo sợ thất bại. Trẻ nhận được những lời khen vì đã nỗ lực cuối cùng sẽ hứng thú đối mặt với các tình huống thử thách và tin rằng phần thưởng dành cho mình nằm ở chính quá trình cố gắng, bất kể kết cục có ra sao.
Sự khác biệt đơn giản này đã lý giải cho việc tồn tại 2 nhóm trẻ: hoặc dễ dàng từ bỏ khi đối mặt với các tình huống khó khăn hoặc luôn kiên trì, nhẫn nại bất chấp khó khăn.
Để giúp trẻ phát triển tư duy rộng mở, dễ dàng gặt hái được thành công trong tương lai, cha mẹ có thể thực hành bằng 5 câu nói sau:
1. "Con đã gần tới đích rồi" thay vì "Tại sao con lại không làm được thế?".
Dành cho trẻ những lời khen ngợi và động viên trước khi trẻ đạt được bất cứ mục tiêu nào. Điều này cho phép trẻ nhận ra, bản thân quá trình thực hiện cũng có giá trị của nó. Cùng với thời gian, ngay cả khi trẻ không nhất thiết phải đạt được mục tiêu, trẻ vẫn sẽ có cảm giác đạt được thành tựu nhất định.
2. "Con làm tốt lắm, bố/mẹ thấy con đã nỗ lực rất nhiều" thay vì "Con vẫn chưa giải quyết được sao?".
Khi nỗ lực của trẻ được đề cao, trẻ sẽ dần thay đổi trong cách suy nghĩ.
Một lần nữa, câu nói này nhấn mạnh tới nỗ lực, tới mồ hôi, công sức mà trẻ đã bỏ ra. Không có gì về kết quả được nhắc tới, chỉ có nỗ lực mà thôi nhưng thông điệp gửi gắm tới trẻ ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
3. "Đó là một nỗ lực tuyệt vời, hãy thử việc này thêm một lần nữa" thay vì "Con có vẻ không thực sự làm tốt việc này".
Bạn đang nói với con rằng thất bại cũng chẳng sao. Thất bại là một điều bình thường mà ai cũng sẽ trải qua. Nhưng hơn thế, bạn cũng khuyến khích con rằng, luôn có cơ hội để thử lại lần nữa và tạo ra những cải tiến so với lần nỗ lực trước.
Nếu được chỉ bảo, hướng dẫn đúng cách, trẻ sẽ dần nhận ra rằng, quá trình nỗ lực mới đáng ca ngợi (Ảnh minh họa).
4. "Con có thể thử làm gì nữa ở đây?" thay vì "Bước này quá khó với con rồi".
Nó giúp trẻ nhận ra có thể có cách khác để giải quyết vấn đề. Thay vì từ bỏ, trẻ sẽ hướng sự chú ý của mình sang cách thức xử lý vấn đề mới.
5. "Đó thực sự là một nỗ lực vô cùng tuyệt vời" thay vì "Con thực sự giỏi ở khoản này đấy".
Khi con hoàn thành được việc gì đó đáng ghi nhận, hãy sử dụng câu nói này để tập trung sự chú ý vào nỗ lực của trẻ thay vì khả năng bẩm sinh. Bằng cách đó, trẻ sẽ nhận ra, làm việc chăm chỉ tốt hơn năng khiếu bẩm sinh và đó mới chính là yếu tố đóng vai trò thiết yếu để thành công.
Một tư duy rộng mở không xuất hiện ngay từ lúc trẻ chào đời. Nhờ có cha mẹ, cách chúng ta cư xử và gắn kết với trẻ đã tạo rất nhiều ảnh hưởng lên kiểu tư duy mà trẻ sẽ có khi trưởng thành. Nếu bạn muốn con lớn lên kiên cường, không gục ngã, không khuất phục trước thất bại và dũng cảm chấp nhận thử thách, hãy tập trung vào quá trình phấn đấu, nỗ lực của trẻ ngay từ hôm nay. Nếu được chỉ bảo, hướng dẫn đúng cách, trẻ sẽ dần nhận ra rằng, quá trình nỗ lực mới đáng ca ngợi, thất bại là bình thường và chăm chỉ, chịu khó là chìa khóa cho bất cứ việc gì.
Nguồn: Asianparent
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon