Mang thai khi còn đang học năm thứ 3 đại học, Nhung bảo lưu kết quả để lấy chồng, sinh con. Quyền - người yêu cô khi ấy cũng đang học năm thứ 4 nhưng bố mẹ chồng vẫn quyết định cho cưới vì không muốn bỏ đi máu mủ của mình.
Về làm dâu nhà Quyền, Nhung chẳng biết làm gì, vẫn tự tung tự tác và phó mặc cho mẹ chồng như lúc còn ở nhà với mẹ đẻ. Bố mẹ chồng biết con dâu đương tuổi ăn tuổi học, trẻ người non dạ nên cũng thông cảm nên vẫn thông cảm, chăm sóc, bồi bổ cho Nhung đến nơi đến chốn.
Sinh con được 6 tháng, Nhung để con ở nhà cho bố mẹ chồng trông để tiếp tục đi học. Tiền học phí, tiền ăn, tiền nuôi con của cô đều do một tay bố mẹ chồng đài thọ. Lúc này Quyền đã ra trường đi làm, lương lậu chưa được bao nhiêu, mà nay Nhung xin ít tiền mua váy áo, mai đòi tiền mua mĩ phẩm, thành ra Quyền chẳng còn mấy đồng đỡ đần bố mẹ. Được cái bố mẹ Quyền đều có lương hưu, trước đó cũng tích lũy được một khoản, nên ông bà vẫn lo được.
Tốt nghiệp ra trường nhưng Nhung chưa muốn đi làm ngay mà tiếp tục học lên thạc sĩ. Tiền lương của Quyền lúc này đủ cho vợ đi học và hai vợ chồng chi tiêu, ăn uống hàng ngày còn nuôi con vẫn nhờ bố mẹ chồng. Thời gian học không quá bận nhưng Nhung luôn kiếm cớ ra ngoài để trốn con, trốn việc nhà. Bố mẹ Quyền biết cả, nhưng vốn tính hiền lành, tốt bụng, thương con thương cháu nên ông bà đành thở dài cho qua.
Học xong thạc sĩ, cuối cùng Nhung cũng xin việc đi làm. Ngay tháng đầu tiên đi làm cô đã tậu xe tay ga đắt tiền và điện thoại xịn. Quyền thắc mắc thì Nhung bảo nhà ngoại cô cho. Bố mẹ Quyền và anh nghe thế cũng không nói gì thêm. Từ khi cưới đến giờ, mọi thứ của Nhung và con đều một tay nhà chồng lo liệu, bố mẹ cô chưa một lần đề xuất góp thêm vào khoản nào như thể Nhung đã lấy chồng thì đằng bên ấy hết trách nhiệm vậy. Bây giờ ông bà bên đó có mua cho con gái chiếc xe làm phương tiện đi làm cũng là điều bình thường.
Ảnh minh họa
Thời gian sau đó, Nhung đi làm nhưng vẫn không đóng góp đồng nào cho nhà chồng. Cô nói với mẹ chồng: “Con mới đi làm chẳng có bao nhiêu, chi tiêu lặt vặt cũng hết, mọi chuyện vẫn đành nhờ bố mẹ vậy”. Thế là xong, con dâu đã nói thế, ông bà nỡ lòng nào đòi tiền ăn của con. Con trai Nhung lại cũng là cháu ông bà, ai lại đành để cháu thiếu thốn?
Vậy mà mấy tháng sau, chuyện vỡ lở ra nhà Quyền mới biết: Nhung vay lãi cao để mua xe, mua điện thoại, hòng ra oai với đồng nghiệp, chứ nào có phải nhà ngoại cho tiền! Nhung không có khả năng trả nợ, thậm chí tiền lãi còn khất lần nên chủ nợ tới tận nhà Quyền để đòi. Bố mẹ Quyền và anh đành bấm bụng bỏ tiền túi ra trả cho Nhung.
Cứ tưởng sau chuyện này Nhung sẽ cảm kích bố mẹ chồng mà sửa đổi tính nết nhưng cô vẫn đâu đóng đấy. Tan làm không về nhà ngay để đỡ đần bố mẹ chồng cơm nước, trông con, mà vẫn tụ tập bạn bè bù khú, tung tẩy mua sắm như trước. Đến nước này thì dù muốn thông cảm bố mẹ Quyền cũng không thể chấp nhận được nữa. Nhung đâu còn trẻ người non dạ như lúc mới cưới. Ông bà cũng vì vợ chồng cô hi sinh nhiều thứ nhưng Nhung vẫn không lấy đó làm biết ơn mà còn “được voi đòi tiên”, coi việc ông bà phải cung phụng, phục dịch mình là đương nhiên!
Một lần, vì cháu thì ốm quấy khóc suốt, bản thân bà cũng mệt từ hôm qua, bố chồng Quyền và Quyền thì về quê giỗ cụ ngoại, thế mà cả ngày cuối quần Nhung tót ra ngoài chơi với bạn, tới tối mịt cũng chưa chịu về, để hai bà cháu ở nhà tự xoay xở với nhau đến cơm cũng chẳng nấu được mà ăn. Tối Nhung về, mẹ chồng cô mới bực bội mắng vài câu, Nhung liền quay ra giận lẫy, làm mình làm mẩy bỏ ăn cả ngày hôm sau, nhốt mình trong phòng không chịu ra ngoài. Mẹ chồng cô từ ấy cũng chán ngán không muốn nói động đến nàng dâu nữa.
Chuyện vẫn cứ như thế cho đến một ngày, Nhung bỗng phát hiện chồng mình ngoại tình với cô nàng mẹ đơn thân ở cách nhà mấy hộ. Cô nàng li dị chồng đã 5 năm nay, thường hay đưa con nhỏ sang nhà chơi với mẹ chồng và con trai cô. Những lúc mẹ chồng cô bận nọ bận kia vẫn hay mang cháu sang gửi đỡ cô ta. Biết được sự thật, Nhung gào khóc ầm ĩ, gọi ngay bố mẹ chồng đến để ông bà “dạy lại con trai”. Mẹ chồng Nhung thở dài nói với Quyền: “Vợ chồng có gì thì ngồi lại nói chuyện cho đàng hoàng, sao con lại đi làm cái việc vô đạo đức như thế?”.
Nhung được bố mẹ chồng đứng về phe mình, cứ nghĩ Quyền sẽ quỵ lụy xin cô tha thứ, nhưng chẳng ngờ anh lại điềm nhiên nói: “Con xin lỗi bố mẹ, là do con chưa suy nghĩ kĩ càng, đáng nhẽ con nên ly hôn xong xuôi rồi mới bắt đầu mối quan hệ mới. Thôi thì bây giờ chuyện đã vỡ lở, con cũng xin thông báo với bố mẹ, con muốn ly hôn, cũng mong bố mẹ đừng ngăn cản. Hơn nữa cô ấy cũng đang mang thai đứa con của con rồi”.
Nhung nghe những lời chồng nói mà tưởng như sét đánh ngang tai. Cô thét lên: “Anh nói gì? Con đàn bà nạ dòng xấu xí ấy cho anh ăn bùa mê thuốc lú gì mà anh lại đi bỏ vợ đẹp con ngoan theo nó? Anh là đồ khốn nạn!”.
Quyền chẳng e dè, thẳng thắn nói: “Tôi đã quá chán cô rồi, chịu đựng cô tới ngày hôm nay đã là vượt giới hạn. Từ ngày cô về làm dâu, tôi với bố mẹ lo lắng, chăm sóc cho cô như thế nào, nhưng cô đã đáp trả ra sao, tự cô hãy đi hỏi bản thân mình ấy! Tôi thấy mình thật có lỗi với bố mẹ khi cưới về một người vợ như cô! Nhà chúng tôi sẽ nuôi thằng bé, cho cô tự do chơi bời và tìm hạnh phúc mới. Tôi nghĩ cô cũng đừng nên tranh giành quyền nuôi con, vì với cái tính của cô, nếu có nuôi thằng bé cũng dăm bữa là trả vội nó về cho tôi thôi”.
Nhung gục đầu khóc nức nở. Cho dù bây giờ cô có hối hận đã là quá muộn rồi. Quyền và bố mẹ anh đã nhân nhượng, bao dung cho cô quá nhiều lần, nhưng chính cô đã bỏ lỡ cơ hội để được tha thứ.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon