Cô gái Việt chỉ nhờ mua cafe lại được chàng trai Tây "dâng" nhẫn cầu hôn bên giường ngủ

Trước khi về chung một nhà, Đồng Thị Hương Linh (27 tuổi) và Péter Sas (30 tuổi) đã có tới 5 năm tìm hiểu. Còn nhớ, lần đầu tiên hai người gặp nhau đó là trong một cuộc họp thường niên của IAESTE - tổ chức trao đổi sinh viên các ngành kỹ thuật diễn ra tại thành phố Thái Nguyên. Lúc đó, Péter đang có chuyến thực tập 5 tháng tại đây. Ngay từ lần gặp đầu tiên tại hội nghị, anh chàng Hungary đã đặc biệt ấn tượng với phong thái tự tin và trình độ tiếng Anh của Linh, còn Linh cũng bị vẻ hiền lành của anh chinh phục. 

Vì muốn gần gũi hơn với Linh, Péter thường lấy cớ muốn tham quan Hà Nội và tranh thủ nhờ cô làm hướng dẫn viên. Khoảng 3 tuần sau lần gặp đầu tiên, Péter tỏ tình với Linh trên cầu Long Biên và thực hiện chuyến phượt dài 1 tháng từ Thái Nguyên vào Sài Gòn và quay trở về Hungary. Sau đó 6 tháng, Linh cũng lên đường sang Phần Lan du học. Hai người bước vào quãng thời gian yêu xa kéo dài suốt 3 năm trời đằng đẵng cho tới tháng 10/2014 mới có cơ hội yêu gần. 
đám cưới
Linh và Péter đã có 3 năm yêu xa trước khi kết hôn.
Tháng 1/2015, nhân một kỳ nghỉ Giáng sinh và đón năm mới tại Bỉ, Péter đã có màn cầu hôn lãng mạn tới bạn gái. Linh kể, tối hôm trước, Péter đã chu đáo hỏi Linh rằng cô muốn ăn gì vào bữa sáng hôm sau. Linh chỉ bâng quơ trả lời rằng mình muốn một ly cafe latte và một chiếc bánh croissant. Không ngờ, đó là một câu hỏi có mục đích đặc biệt của Péter. “Tối hôm trước mình có nhờ anh mua một ly cafe. Sáng sớm hôm sau, mình đang ngủ thì anh đánh thức dậy và nói là: 'Anh đã mua cà phê và bánh cho em rồi đây, nhưng anh còn có một thứ khác nữa muốn cho em xem'. Mình vẫn còn đang mơ màng chưa tỉnh hẳn thì anh quỳ xuống cầu hôn ngay cạnh giường. Lúc đó mình đang trong bộ dạng có thể nói là khá xấu xí vì vừa ngủ dậy nên ngượng đỏ mặt, nhưng anh bảo là với anh, em lúc nào cũng xinh đẹp nhất và anh muốn được nhìn thấy em mỗi sáng thức dậy. Mình rất cảm động và đồng ý”, Linh chia sẻ.
Sau màn cầu hôn lãng mạn cũng là chuỗi ngày tất bật của cặp đôi trẻ chuẩn bị cho sự kiện trọng đại nhất cuộc đời: đám cưới ở hai nước Hungary và Việt Nam. Cũng chính trong dịp này, Linh đã có cơ hội được trải nghiệm vai trò cô dâu theo đúng phong tục truyền thống của cả phương Đông lẫn phương Tây. Trong đó, có khá nhiều điểm khác nhau thú vị. Nếu ở Việt Nam, đám cưới của Linh mời tới 500 khách thì tại Hungary, quy mô nhỏ hơn hẳn với khoảng 150 khách. Chính bố chồng Linh đã phải tủm tỉm khi nói vui với con dâu rằng: “Ở nước bố, chắc chỉ có con gái Tổng thống cưới thì mới mời từng ấy”.

Tại Hungary, việc đi mời khách, chuẩn bị thiệp mời và đón tiếp khách khứa thường diễn ra trong nhiều tuần trước đám cưới để đảm bảo chu đáo và đúng tinh thần của buổi tiệc. Không kéo dài quá lâu như Việt Nam, đám cưới tại Hungary diễn ra trong khoảng 10 giờ đồng hồ, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, thủ tục cũng khá giản dị. Trong đó, cô dâu chú rể và bố mẹ hai bên sẽ ngồi ở một chiếc bàn dài, khách ngồi vuông góc để ai cũng nhìn thấy nhân vật chính. Mọi người ăn uống, nhảy nhót, chơi nhiều trò chơi và ca hát, đúng với tinh thần là "ngày vui". Chủ nhà sẽ lo toàn bộ chỗ nghỉ ngơi cho khách ở một khách sạn gần với tiệc cưới và tặng quà cho khách mang về.

đám cưới
Gia đình hai bên và cô dâu chú rể trong ngày trọng đại.
Một năm làm dâu tại Hungary, với Linh đó là khoảng thời gian đáng nhớ với không ít kỷ niệm. Sau đám cưới, hai vợ chồng ở riêng, chỉ thăm hỏi gia đình chồng vào ngày cuối tuần họặc ngày nghỉ lễ khi cả gia đình sum họp. Gia đình chồng cũng rất yêu thương, quan tâm chăm sóc đến tâm tư tình cảm của cô gái lấy chồng xa, luôn hỏi thăm và có dịp lại gọi điện để nói chuyện với thông gia. Các chị chồng thì quan tâm đến Linh bằng cách mua tặng em dâu rất nhiều đồ mỹ phẩm và kem dưỡng da hoặc luôn nhớ những món ăn, thức uống yêu thích của cô để mua tặng mỗi khi các chị về thăm nhà. 

“Mẹ chồng mình biết mình xa nhà, nhớ các món ăn Việt nên đã lên mạng tìm công thức để nấu các món ăn đó cho cả gia đình thưởng thức như: phở bò, nem, rau cải xào, nộm rau củ, quẩy rán. Mình rất yêu quý mẹ chồng và hai chị chồng và luôn tâm sự như những người bạn gái thân, cũng như khi mình tâm sự cùng mẹ ruột mình vậy. Gia đình chồng cũng rất yêu các nét văn hóa của Việt Nam nên mặc dù xa xứ nhưng mình luôn duy trì các phong tục tập quán của quê hương như thờ cúng tổ tiên, ăn Tết Nguyên Đán…”, Linh tâm sự.

Với nhiều cô gái, lấy một người đàn ông ngoại quốc cũng đồng nghĩa với việc “đổi đời” nhưng với Linh, cô luôn cho rằng nếu một cuộc hôn nhân không được xây dựng trên nền móng của tình yêu và sự đồng điệu về tâm hồn mà lại đến từ những động cơ khác thì đó là một sự đánh đổi mạo hiểm. “Cái "được" khi lấy chồng ngoại quốc là được sống trong một xã hội văn minh với những điều kiện sống tốt hơn, người chồng biết san sẻ công việc chung trong gia đình và cùng vợ gây dựng cuộc sống. Người phụ nữ cũng có tiếng nói và sống bình đẳng, được tôn trọng và được là chính mình mà không bị ràng buộc bởi các định kiến xã hội. Đó mới là "sự đổi đời" mà mọi người nên nghĩ đến, thay vì chỉ nghĩ đến tiền bạc”, Linh bộc bạch.

đám cưới
Linh đã được trải nghiệm hai đám cưới theo phong tục của Hungary và Việt Nam.
Chính vì suy nghĩ đó mà ngay từ khi còn yêu xa, cô đã sớm ý thức được việc kết hôn là một bước ngoặt lớn của cuộc đời. Theo thời gian, từ những suy nghĩ bi quan, Linh đã dần thích nghi được với cuộc sống mới và không còn cảm giác bỡ ngỡ của một nàng dâu lấy chồng xa. Thay vào đó, cô đã hòa nhập nhanh hơn với các thành viên trong gia đình chồng. 

Hiện tại, Linh và Péter đang trên đường thực hiện ước mơ lớn đã ấp ủ từ 3 năm trước: tham gia vào chuyến hành trình về quê hương bằng xe đạp, với quãng đường kéo dài 20.000km qua 12 nước lần lượt từ Hungary đến Croatia - Bosnia & Herzegovina - Montenegro - Albania - Hy Lạp - Iran - Sri Lanka - Ấn Độ - Myanmar - Trung Quốc và cuối cùng là Việt Nam. Với nhiều người, có thể đây là một kế hoạch có phần “điên rồ” nhưng với đôi vợ chồng trẻ, trải nghiệm một hành trình khó khăn với đủ các thử thách trên đường, đánh đổi bằng việc bán đi tất cả tài sản và nghỉ việc suốt 1 năm trời, là một điều vô cùng ý nghĩa.

“Bắt đầu chuyến đi cũng đồng nghĩa với việc mình từ bỏ tạm thời những nhu cầu thiết yếu của một cô gái như: mua sắm, thời trang hay tán gẫu với bạn bè. Thay vào đó là mặc những bộ quần áo chuyên dụng cho người đạp xe đường dài, không trang điểm, không làm tóc và da thì đen sạm đi dưới cái nắng khắc nghiệt của Nam Âu. Những cuối mỗi ngày, mình đều cảm thấy cuộc sống trôi qua từng phút thật ý nghĩa và không lãng phí, vì mình đang làm những điều mà mình mong ước”, cô gái Việt tâm sự.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment