Câu chuyện của bà mẹ Julia
Julia chuyển đến một trang trại chăn nuôi lợn và gia cầm khi con trai đầu lòng của cô, Jedd, vẫn còn đang học mẫu giáo. Khi bé thứ hai chào đời, cô thường địu con trên lưng để tới chuồng gà nhặt trứng mỗi buổi sáng. Jedd hay đuổi bắt và chơi đùa với lũ gà – đôi khi cậu bé còn nếm thử thức ăn cho gà và sờ vào những quả trứng mới. Có đôi lần, Julia bắt gặp Jedd đang nhai thứ gì đó cậu bé vừa nhặt từ dưới đất lên.
Lúc đầu, tất cả những chuyện này khiến Julia rất lo sợ. Nhưng khi nhận ra Jedd không hề bị ốm sau những lần chơi đùa với lũ gà, cô bắt đầu thấy thoải mái hơn. Bé trai thứ hai của cô, Jacob, nhanh chóng bắt chước anh và không bao giờ ngần ngại trong việc làm cho mình bẩn từ đầu tới chân ở trang trại. Có lần Julia còn bắt gặp bé Jacob đang quỳ gối trong hầm chứa phân lợn. Nhưng cô cảm thấy mừng khi nhìn các con vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh và chẳng bị lây nhiễm bệnh tật gì.
Liệu Julia có phải là một bà mẹ vô trách nhiệm – hay tất cả chúng ta nên học được điều gì đó quan trọng từ câu chuyện của cô ấy?
Hiểu lầm nghiêm trọng về vi khuẩn
Phần lớn thế kỷ qua, chúng ta luôn coi vi sinh vật đồng nghĩa với điều xấu, vì một nguyên nhân hiển nhiên: Chúng gây ra bệnh tật, đại dịch và cái chết. Nhiều cộng đồng dân cư đã trải nghiệm lợi ích của tiến bộ y học như kháng sinh, vắc xin – vốn góp phần giảm thiểu cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng của vô số căn bệnh nhiễm trùng mà chúng ta mắc phải trong suốt cuộc đời. Chết vì bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra giờ đây là một việc hiếm khi xảy ra tại các nước phương Tây.
Cha mẹ có thể giúp con mình tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn khác nhau bằng cách khuyến khích trẻ dành thời gian chơi đùa ngoài trời.
Thật không may, tiến bộ này lại đi kèm với một cái giá không hề nhỏ. Sứ mệnh chống lại vi khuẩn đang song hành với sự bùng nổ các căn bệnh và rối loạn mãn tính không phải do vi khuẩn gây ra ở các nước công nghiệp hóa như tiểu đường, dị ứng, hen suyễn, viêm ruột, bệnh tự miễn, tự kỷ, béo phì và một số loại ung thư đang ở mức cao kỷ lục. Sự xuất hiện của những rối loạn này đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua và chúng bắt đầu sớm hơn bao giờ hết, thường là từ thuở ấu thơ.
Một nghiên cứu năm 2015 đăng tải trên tờ Science Translation Medicine cho thấy, một em bé 3 tháng tuổi có 4 loại vi khuẩn trong phân sẽ ít có nguy cơ bị hen suyễn sau này.
Vi khuẩn có vai trò vô cùng quan trọng. Chúng không chỉ giúp rèn luyện và hoàn thiện hệ miễn dịch mà còn đảm bảo hoạt động bình thường của quá trình trao đổi chất, thậm chí cả sự phát triển hệ thần kinh và sức khoẻ của từng mạch máu. Sức khỏe của chúng ta phụ thuộc phần lớn vào việc duy trì một cộng đồng đa dạng và lớn mạnh của các vi sinh vật trong cơ thể chúng ta và thiết lập sức khỏe đường ruột tốt ngay từ độ tuổi nhỏ là điều cực kỳ quan trọng.
Quá sạch đang trở thành nguy cơ cho sức khoẻ trẻ em
Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, bé sơ sinh và trẻ nhỏ lại lớn lên một cách sạch sẽ đến thế. Cũng chưa bao giờ chế độ ăn uống của chúng ta lại thiếu đi nhiều thành phần thiết yếu nhất cho sức khỏe đường ruột đến thế. Chúng ta trở thành những chủ nhà tồi tệ với các vi khuẩn.
Bằng cách ngăn cản trẻ tuân theo bản năng tự nhiên của mình là được vấy bẩn, chúng ta đã dựng tấm lá chắn, che chở con mình khỏi tiếp xúc với vi khuẩn – vốn thực ra là điều vô cùng cần thiết cho sự phát triển của một hệ miễn dịch khoẻ mạnh.
Một nghiên cứu năm 2010 đã tiến hành so sánh hệ vi sinh vật của trẻ em sống tại vùng sâu vùng xa Burkina Faso ở Tây Phi với những đứa trẻ thành thị ở Italia. Trẻ em châu Phi ăn nhiều loại giàu chất xơ như rau, ngũ cốc thô, cây họ đậu, không hề có thức ăn chế biến sẵn. Trong khi đó, chế độ ăn của trẻ em châu Âu lại bao gồm rất nhiều đường, chất béo động vật và ngũ cốc tinh luyện. Vi khuẩn đường ruột của trẻ em Burkina Faso rất khác – và nhất là phong phú hơn nhiều – so với trẻ em Italia.
Không thể nói trẻ em Burkina Faso có lối sống lành mạnh hơn trẻ em Italia. Chúng dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và tình trạng suy dinh dưỡng. Ngoài ra, tuổi thọ của trẻ em Burkina Faso cũng kém hơn so với trẻ em Tây Âu. Tuy vậy, chúng lại ít chịu nguy cơ mắc phải những căn bệnh miễn dịch đáng sợ, vốn đang trở thành đại dịch, ở nhiều nước phương Tây.
Có thể làm gì để cải thiện tình hình?
Cha mẹ có thể giúp con mình tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn khác nhau bằng cách khuyến khích trẻ dành thời gian chơi đùa ngoài trời như hai bé trai nhà Julia ở trang trại (tất nhiên không nhất thiết phải cần tới phân lợn và gà).
2. Chăm chút cho sức khoẻ đường ruột của bé
Cha mẹ cũng có thể tăng cường sức khoẻ đường ruột cho con thông qua chế độ dinh dưỡng. Dựa trên cơ sở vi khuẩn đáp ứng nhanh với chế độ ăn uống, thực hành các bữa ăn với nhiều loại thực phẩm khác nhau có lẽ là cách tốt nhất để tăng cường sự đa dạng vi khuẩn và không có thời điểm nào để làm việc này tốt hơn là những năm tháng đầu đời của trẻ.
Cụ thể là, không nên cho bé chỉ ăn ngũ cốc trong nhiều tuần cho tới khi hộp ngũ cốc đó hết. Nên cho bé thưởng thức nhiều loại hạt khác nhau, bao gồm yến mạch, gạo, đại mạch và hạt diêm mạch (quinoa). Thay vì ngũ cốc tinh luyện, cha mẹ nên lựa chọn ngũ cốc nguyên cám.
Cây họ đậu giàu protein, như đậu, đậu lăng và đậu Hà Lan, chứa làm lượng lớn chất xơ và có thể dễ dàng nghiền nhuyễn cho trẻ. Cũng đừng bỏ qua những loại củ chứa tinh bột như khoai lang, củ cải vàng, sắn thay vì chỉ tập trung vào những loại củ ít chất xơ như khoai tây. Với trẻ lớn hơn, thêm thực phẩm lên men, như sữa chua, men kefir, dưa cải muối Đức và những loại rau muối khác vào chế độ ăn.
Giai đoạn sơ sinh là thời điểm tốt nhất để giới thiệu cho bé những thực phẩm lành mạnh. Khi ăn thực phẩm lành mạnh trở thành thói quen từ nhỏ, nó sẽ dễ dàng được duy trì hơn khi bé lớn khôn.
3. Hạn chế sử dụng kháng sinh
Thực phẩm không phải cách duy nhất chúng ta làm xáo trộn hệ vi sinh vật trong người chúng ta. Vi khuẩn có lẽ đã bị tấn công bởi một trong những thứ tuyệt vời nhất mà loài người từng phát minh ra: kháng sinh. Những viên thuốc kỳ diệu này đã cứu sống hàng triệu người và sẽ còn cứu sống hàng triệu người trong tương lai.
Nhưng kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn xấu – là thủ phạm gây bệnh truyền nhiễm – mà chúng còn "dội bom" vào những vi khuẩn tốt. Chúng không phân biệt tốt-xấu. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa việc lạm dụng kháng sinh ở tuổi nhỏ và các vấn đề khi trưởng thành như béo phì, tiểu đường, hen suyễn, dị ứng, tự kỷ và bệnh viêm ruột.
Nếu một đứa trẻ bị viêm tai giữa, điều cần làm là theo dõi và chờ đợi trong vài ngày xem bệnh có thuyên giảm không trước khi bắt đầu liệu trình kháng sinh. Cha mẹ cũng nên lưu tâm tới việc bổ sung lợi khuẩn cho trẻ khi trẻ trong thời gian dùng kháng sinh.
Nguồn: The Wall Street
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon