Phát hiện nhiều loại côn trùng giàu chất sắt hơn cả thịt bò
Dailymail đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Hóa học Mỹ đã dành nhiều thời gian để kiểm tra những lợi ích dinh dưỡng từ các loại côn trùng như dế mèn, châu chấu, sâu bột, ấu trùng bướm đêm. So với thịt bò, dế mèn và châu chấu chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn cả, đặc biệt là sắt – nguồn chất dinh dưỡng chính trong thịt bò. Các báo cáo về vấn đề này đã được công bố vào thứ 4 vừa qua. Kết quả cho thấy, đây chính là cơ hội khám phá các nguồn cung cấp chất sắt khác nhau cũng như đảm bảo cân bằng dinh dưỡng hơn cho mỗi người.
Từ lâu, các nghiên cứu đã cho thấy hàm lượng protein cao trong những loại côn trùng vừa kể trên. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất này mới cho ta thấy những nguồn thực phẩm cung cấp đủ dinh dưỡng cho con người mà không cần phải ăn thịt. Trưởng nhóm nghiên cứu Yemisi Latunde-Dada đã nhìn thấy rõ điều này và khẳng định đây là thực phẩm hoàn hảo thay thế cho thịt bò, thịt đỏ nói chung trong vấn đề cung cấp sắt cho cơ thể.
Theo các chuyên gia, sắt là một chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng cần cung cấp trong chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, với những chế độ ăn kiêng, chế độ ăn không có thịt, loại chất này thường không được nạp vào cơ thể. Từ đó dẫn đến hiện tượng thiếu máu, thiếu sắt, có thể dẫn đến nhận thức kém, suy giảm miễn dịch, sức khỏe thai nhi yếu và nhiều vấn đề khác nữa.
Nghiên cứu cũng phát hiện thấy, dế mèn chứa lượng sắt dồi dào nhất và có khả năng hấp thụ tốt hơn vào cơ thể con người so với thịt bò. Các loại khoáng chất như canxi, đồng, kẽm từ châu chấu, dế mèn và sâu bột cũng dễ dàng được hấp thu vào cơ thể hơn so với những khoáng chất chứa trong thịt bò.
Ông Latunde-Dada cho rằng, ủng hộ việc ăn côn trùng là điều vô cùng tuyệt vời, nhất là trong tình hình dân số ngày càng gia tăng trên thế giới. Liên Hợp Quốc ước tính có hơn 2 tỷ người trên thế giới sử dụng côn trùng vào chế độ ăn hàng ngày của mình.
Tính đến thời điểm hiện tại sẽ có khoảng 1.900 loài côn trùng có thể ăn được. Ví dụ như: Món ăn rất thịnh hành ở nước Thái Lan chính là dế chiên ăn kèm với một loại nước sốt đậu nành. Tại Mexico, bạn có thể thấy các món ăn từ côn trùng như sâu bướm chiên, trứng kiến và kiến rang chảo. Người Nhật lại rất khoái món ve sầu và ấu trùng bướm đêm chiên giòn, tẩm ướp đẫm gia vị. Kiến là món ăn phổ biến ở các nước Trung Quốc và Brazil. Người Anh hiện nay cũng rất yêu thích các món ăn từ côn trùng.
Côn trùng, ấu trùng tốt cho sức khỏe nhưng vẫn nên ăn đa dạng các thực phẩm
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) khẳng định, nhiều loại côn trùng, đặc biệt là dạng côn trùng còn non, ở dạng ấu trùng cung cấp rất nhiều protein và dưỡng chất khác cho cơ thể.
“Hiện nay, côn trùng, ấu trùng được chế biến thành rất nhiều những món ăn khoái khẩu. Đây cũng là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể con người. Chúng rất an toàn cho sức khỏe vì không trải qua quá trình chăn nuôi mà hoàn toàn sinh sôi, nảy nở từ trong tự nhiên. Mặc dù vậy, hàm lượng sắt cao hơn hay kém hơn trong những loại côn trùng, ấu trùng nói chung không có gì ghê gớm lắm”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phát biểu.
Theo chuyên gia, chúng ta có thể ăn côn trùng để đa dạng các bữa ăn, cung cấp chất dinh dưỡng theo nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn cho rằng ăn côn trùng, ấu trùng thay thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn để cơ thể được cung cấp sắt, protein khỏi lo bị ung thư thì hoàn toàn sai lầm.
“Nếu cho rằng ăn côn trùng, ấu trùng thay thịt đỏ vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, phòng chống ung thư thì chưa đúng. Thịt đỏ không hẳn là nguyên nhân gây ung thư. Nhìn chung, thịt đỏ có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein và hàm lượng sắt nhất định bên cạnh nhiều khoáng chất quan trọng khác. Nếu thường xuyên duy trì chế độ ăn quá nhiều thịt mà lại ít rau thì bạn có khả năng mắc nhiều loại bệnh tật khác nhau, trong đó có ung thư. Nếu ăn uống điều độ thì chúng không thể gây bệnh”, vị phó giáo sư khẳng định.
Hơn nữa, những loại côn trùng còn nhỏ mới giàu giá trị dinh dưỡng. Nếu là côn trùng trưởng thành thì lượng protein cung cấp sẽ không cao. Lúc này, những chiếc vỏ cánh cứng chiên giòn chỉ làm bạn ngon miệng hơn chứ không giàu giá trị dinh dưỡng nên đừng lầm tưởng. Đó cũng chính là lý do vì sao ăn trứng kiến, sâu non rất tốt cho sức khỏe. Người ta hay tìm những thực phẩm này để cho trẻ con ăn, nhằm cung cấp lượng protein dồi dào, cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Chuyên gia khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể chế biến côn trùng, ấu trùng thành nhiều món ăn khác nhau và ăn uống bình thường. Tất cả những thực phẩm có nguồn gốc động vật nói chung và những loại côn trùng, ấu trùng như cào cào, châu chấu, dế mèn, trứng kiến, bọ xít… đều có thể ăn được bình thường, an toàn cho sức khỏe.
“Mặc dù vậy, ở một số loại côn trùng, ấu trùng sẽ bị nhiễm protein gây dị ứng với một số đối tượng đặc biệt hoặc người có cơ địa bị dị ứng, chưa thể thích nghi được do không quen. Ví dụ như nhiều người ăn tôm là nổi mẩn ngứa hoặc khó chịu trong người”, ông Thịnh cho hay.
Theo ông, cách tốt nhất để thích nghi với những món ăn từ ấu trùng, côn trùng là ăn kiểu thăm dò, từng chút từng chút một. Nếu cơ thể hoàn toàn bình thường thì bạn có thể ăn bình thường như bao món ăn khác. Nếu có dấu hiệu bất thường như đau bụng, nổi mẩn ngứa, nôn mửa thì phải dừng lại ngay.
Ông Thịnh cũng cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, ăn thay đổi các loại thực phẩm có thể thay thế nhau. Ví dụ với protein, chúng ta không chỉ ăn thịt đỏ, thịt côn trùng mà nên ăn cả đậu phụ. Đây cũng là một nguồn chất protein mà cơ thể cần để sinh tồn và phát triển.
Ngoài ra, khi ăn những loại côn trùng, ấu trùng này, bạn cũng có khả năng nhiễm sán. Nguyên nhân là bởi những loại cào cào, châu chấu, dế... thường có ấu trùng giun sống ký sinh, nhất là với những loại côn trùng đã trưởng thành. Do đó, chúng ta cần chú ý một số điều sau khi ăn côn trùng, ấu trùng:
- Không nên "thử nghiệm" các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác thường để chế biến thức ăn.
- Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến.
- Việc sơ chế, chế biến côn trùng phải bảo đảm an toàn, tuyệt đối không ăn sống, ăn tái… để phòng chống nhiễm sán.
Bên cạnh đó, nếu sau khi ăn mà có các triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa… thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, người dân cần thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe của mình.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon