Nhận thức rõ về từng giai đoạn, từng mốc phát triển của thai nhi, đặc biệt là ngay từ lúc bắt đầu thụ thai là một việc vô cùng quan trọng đối với các mẹ bầu. Đoạn clip sau đây sẽ cung cấp cho các mẹ cái nhìn toàn cảnh về cuộc đua của tinh trùng gặp trứng và sự phát triển của thai nhi trong từng chặng thời gian cụ thể, từ đó giúp bạn không chỉ có thể chuẩn bị về mặt tinh thần, mà còn biết cách chăm sóc để thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Trọn vẹn quá trình hình thành và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
1. Giai đoạn thụ thai
Sau khi quan hệ tình dục và xảy ra quá trình xuất tinh, bên trong cơ thể người phụ nữ diễn ra rất nhiều hoạt động. Từ trong âm đạo, các tinh trùng bắt đầu từ những vị trí khác nhau bơi qua vùng chất nhầy để tìm đến trứng. Trứng sẽ kết hợp cùng với tinh trùng nhanh nhẹn và khỏe mạnh nhất và tạo thành một tế bào gọi là "hợp tử" (hay "trứng thụ tinh").
Trải qua quá trình phân bào (hay quá trình phân cắt), hợp tử không có sự tăng trưởng đáng kể, dẫn đến sự phát triển của phôi đa bào. Bạn sẽ chưa thực sự mang thai cho đến khi nhóm các tế bào mới này, gọi là phôi thai, được đưa xuống ống dẫn trứng và đến khoang tử cung để bám vào thành tử cung "làm tổ".
Giai đoạn cuối cùng của quá trình thụ thai có thể mất thêm ba ngày hoặc lâu hơn. Nó có thể mất thêm một vài tuần cho đến khi bạn thấy mình bị trễ hay mất kinh và có thể nghi ngờ rằng bạn sẽ có em bé.
2. Tuần thứ 4 - tuần thứ 5
Trong hai tuần đầu của thai nhi, nhau thai và hệ thần kinh bắt đầu được hình thành. Ở khoảng tuần 5 hoặc tuần 6, tim thai cũng được hình thành và sẽ đập để bơm máu. Lúc này, qua thiết bị siêu âm thai mẹ đã có thể nghe được tim thai của bé nhưng nếu chưa nghe được mẹ cũng đừng quá lo nhé. Vào khoảng tuần thứ 7-8 đi nghe tim thai là rõ nhất.
3. Tuần thứ 12
Khi bé được 12 tuần tuổi, chiều dài từ đỉnh đầu đến mông của thai nhi mới chỉ khoảng 5cm, nặng khoảng 28 gr nhưng hầu hết các cơ quan chính trong cơ thể bé đã được hình thành đầy đủ bao gồm cả ngón tay với móng tay, ngón chân và nhiều bộ phận khác. Thai nhi 12 tuần có sự phát triển ấn tượng nhất chính là phản xạ với những thứ xung quanh. Các ngón tay của bé sẽ đóng, mở linh hoạt hơn, ngón chân cong, mắt nhắm chặt, miệng có động tác giống như mút mút nước ối.
4. Tuần thai thứ 20
Ở giai đoạn này, thai nhi phát triển với tốc độ rất nhanh và bắt đầu chuyển động rất nhiều trong bụng mẹ. Qua siêu âm mẹ bầu cũng đã có thể thấy rõ giới tính của con mình khi cơ quan sinh dục đã phát triển hoàn thiện và các hoạt động uốn người, với tay… cũng được thấy khá rõ. Chiếc bụng bầu của bạn lúc này đã khá to nên để đảm bảo an toàn cho thai nhi, bạn nên cân nhắc đi giày đế bệt, đi lại nhẹ nhàng và nằm ngủ nghiêng về bên trái.
5. Tuần thứ 28
Tuần thứ 28 có thể đánh dầu mức cân nặng 1kg của thai nhi. Phần lông tơ sẽ dần bao phủ khắp cơ thể, có tác dụng bảo vệ làn da mỏng manh của bé yêu. Lớp lông tơ này có thể được nhìn rõ khi bạn đi siêu âm trong khoảng từ tuần 23 trở đi. Chiếc túi ối ngày càng trở nên chật chội và điều này cũng là một nguyên nhân khiến bé đạp mẹ nhiều hơn. Vị giác của thai nhi đã hình thành và phát triển, bé biết phân biệt vị thức ăn và cơ thể đã tương đối hoàn chỉnh.
6. Tuần thứ 32
Vào khoảng tuần thứ 32 thai kỳ, em bé sẽ mở mắt trong bụng mẹ. Bé có thể nhắm, mở mắt và có thể nhìn thấy xung quanh, phân biệt được ánh sáng mờ và bị hấp dẫn bởi nguồn sáng. Ở giai đoạn này, mẹ cũng sẽ cảm nhận rất rõ rệt những chuyển động, những cú đạp, xoay người của bé.
7. Tuần thứ 36
Đến giai đoạn này, thai nhi chủ yếu sẽ tăng về cân nặng, cơ thể đã cơ bản hoàn thiện. lông tơ xuất hiện trên da của bé bắt đầu rụng dần cùng với bã nhờn. Bã nhờn là một chất kem khá dày để bảo vệ da thai nhi trong khi ngâm trong nước ối chín tháng. Bã nhờn và dịch ối kết hợp với nhau tạo thành phân của thai nhi. Hầu hết các bé đã bắt đầu quay đầu dần về phía tử cung để sẵn sàng chào đời.
8. Tuần thứ 37 - tuần thứ 40
Đây được gọi là giai đoạn đủ tháng, thai nhi đã phát triển hoàn thiện và sẵn sàng để chào đời. Đầu của bé lúc này đã lọt vào hố chậu và được bảo vệ bởi khung xương chậu. Vị trí này sẽ giúp chân và mông bé dễ vận động hơn nhờ không gian rộng hơn. Lúc này bàng quang của mẹ bị chèn ép ghê gớm, mẹ sẽ thường xuyên phải đi tiểu. Mẹ hãy sẵn sàng tinh thần chào đón con yêu ra đời nhé, vì bé có thể ra bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian này.
Nguồn: ScienceNature
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon