Tinh thần thể thao chân chính
Undoukai ngoài thi đấu thể chất thì bản thân nó cũng mang ý nghĩa kết nối cộng đồng rất lớn: việc chuẩn bị Undoukai tăng cường sự trao đổi của các thầy cô với nhau, thầy cô với học trò và cả với các bậc phụ huynh. Có lần nghe tôi tâm sự rằng nhà trường nhiều hoạt động quá, tháng nào cũng có event tham dự, thầy hiệu trưởng mới cười hiền kể, nếu không có các hoạt động này thì nhà trường, phụ huynh và học sinh sao có dịp để giao lưu và hiểu nhau hơn được. Quả thật có “chạy theo lũ trẻ” mà các mẹ mới có dịp trao đổi thêm về phương pháp giáo dục, cập nhật các lớp học ngoại khóa, hiểu biết thêm về tính cách của bạn bè con cái mình, tám chuyện, lấy số điện thoại để liên hệ với nhau.
Phụ huynh hoá trang thành các nhân vật trong truyền thuyết nổi tiếng mà lũ trẻ rất thích, rồi còn mặc nguyên quần áo thi chạy khiến trẻ con hò reo cổ vũ khản giọng thì thôi.
Undoukai cũng là dịp để học sinh tới thăm lại trường cũ, là dịp để cộng đồng cũng tham gia trải nghiệm sự kiện, nuôi dưỡng ý thức cộng đồng của tất cả mọi người. Undoukai cũng là dịp để lũ trẻ được tương tác với nhau nhiều hơn, vì các em được sắp xếp thi đấu một cách ngẫu nhiên, không nhất thiết phải cùng lớp, cùng lứa.
Ở các cấp học lớn hơn, làm việc cùng nhau chuẩn bị cờ, thiết kế áo, điệu múa, và tuần hành, kumitaiso, kéo co... nuôi dưỡng một tinh thần hợp tác giữa lũ trẻ. Ngay cả trong các cuộc đua cũng dễ dàng cảm nhận được không khí thúc đẩy sự hợp tác và đoàn kết vô hình giữa mọi người thông qua việc cùng nhau cổ vũ thi đấu.
Tuy được tổ chức nghiêm túc, có trao giải, có cúp có cờ lưu niệm ghi nhận thành tích, nhưng đối với học sinh và thầy cô, Undoukai mang nhiều ý nghĩa hơn sự thi đấu: nó là thành quả của sự nỗ lực sau nhiều ngày tháng nay được đền đáp, nó là ghi nhận sự không bỏ cuộc trên các đường chạy của học sinh, và nó đặt ra những cái đích mới để học trò phấn đấu hơn cho những lần sau. Đó chính là những phẩm chất quan trọng để rèn luyện nên những cá nhân luôn nhẫn nại vì mục tiêu trước mặt và không bao giờ từ bỏ.
Tất cả trẻ em tham dự Undoukai đều được nhận quà như nhau cho một ngày vận động vui vẻ. Các bạn nhỏ không phải học sinh của trường tới tham dự Undoukai cũng có phần thi riêng, và cũng được nhận quà. Ông bà, bố mẹ cũng đều có “phần thi” chung với con cháu và cả phần thi riêng, thi xong ai cũng hỉ hả có quà mang về, ai cũng được vận động và ai cũng là người chiến thắng và được đánh giá đúng sự nỗ lực.
Các bố cũng có phần thi thể dục đồng diễn, rồi cả hoá trang chạy tiếp sức nữa.
Với nhiều trẻ em, có thể Undoukai chỉ là dịp vui vẻ sau những giờ học hành căng thẳng, nhưng dù chúng có nhận ra hay không, thì có những điều còn quan trọng hơn cả sự chiến thắng: khi ngày hội thể thao kết thúc, thua thắng không còn quan trọng khi thành quả của một ngày chính là việc mọi người đến gần với nhau hơn, chia sẻ với nhau những cảm xúc buồn vui của một ngày và nỗ lực của mình.
Điều đọng lại sau những bộ quần áo thể thao lấm bẩn bùn đất, những giọt mồ hôi, nước mắt của lũ trẻ không hẳn là sự giải phóng năng lượng và cạnh tranh thi đấu, mà thứ lớn lao hơn chúng thu được từ tinh thần của Undoukai chính là sự hợp tác và tinh thần vì cộng đồng.
Và rất rất nhiều những khoảnh khắc nghe mắt cay cay
Undoukai luôn là ngày hội nhiều cảm xúc. Với lũ trẻ, đa phần là niềm vui, nụ cười và sự quyết tâm cố gắng. Với cha mẹ, có lúc là hào hứng vui cười chảy nước mắt, nhưng cũng có lúc rơi lệ và nghe sống mũi cay cay.
Đó là khi tôi chứng kiến một em bé gái 5 tuổi đội xanh vì bị ngã mà bị các bạn cùng chạy bỏ xa một quãng, nên em chỉ có thể giúp đội của mình giành thành tích hạng cuối khi về sau cùng. Trong lúc em còn đang ngơ ngác thì bạn chạy ở đội khác đã quay ngược lại đường chạy kéo em đi cùng. Về cuối, tiếc nuối có, thất vọng cũng có, em bé mắt hoe đỏ không thể ngừng rơi lệ. Nhưng cha mẹ, thầy cô không bỏ rơi cảm xúc của em, cô giáo và các mẹ xúm vào an ủi và tất cả cùng rơi nước mắt.
Hay là những lúc nghe thổn thức khi chứng kiến ở các trường học ở Nhật, các bạn học sinh khuyết tật cũng sẽ được tham dự Undoukai một cách bình thường với sự trợ giúp của thầy cô giáo.
Người bạn của tôi khi tham dự Undoukai của con mình đã xúc động kể lại, cô giáo đã gần như bồng một bạn bị down chạy thi cùng các bạn trong phần thi tiếp sức. Có thể đối với những đứa trẻ khuyết tật, điều này chẳng mấy ý nghĩa, nhưng với các bậc làm cha mẹ thì thật là món quà tinh thần vô giá. Tuy vậy, ở Nhật, dường như không ai coi đấy là một sự khác biệt. Việc một em bé khuyết tật thi chạy trên đôi chân của cô giáo cũng bình thường với tất cả các phụ huynh khác như con em họ đang thi chạy. Các bậc phụ huynh ngồi xe lăn cũng tham dự vào phần thi cùng con em mình như bao người khác, tất cả cùng được hòa mình vào ngày hội.
Phụ huynh đang chung tay thấm bùn bẩn và nước mưa trên sân đất, dùng đủ mút, khăn, kiên nhẫn vắt và lau thật sạch.
Hay là khoảnh khắc tôi thấy mình như nghẹn lại vì thấy sau nửa ngày thi đấu, trời bỗng đổ cơn mưa tầm tã làm ướt hết sân thi đấu của lũ trẻ. Tôi đã nghĩ rằng nửa ngày thi đấu còn lại sẽ phải dừng lại, mọi người sẽ bỏ cuộc nhưng không. Mưa vừa ngớt, gần như toàn bộ phụ huynh đã đứng dậy, cùng nhau dùng xốp, mút thếm, giẻ lau, nhẫn nại lau từng góc sân, vắt kiệt nước bẩn và bùn nhão đem đổ đi. Rồi các bố tới sân cát của lũ trẻ, lấy từng xô cát khô đã được che chắn trước đó, đem phủ lên phần sân còn âm ẩm, và chẳng mấy chốc ,chỉ sau 15 phút, mặt sân lại khô ráo phẳng phiu như chưa từng có cơn mưa nào ngang qua, và cuộc thi lại tiếp tục.
Chỉ sau 10 phút sân thi đấu được trả lại khô như chưa hề có cơn mưa nào ngang qua.
Nhà trường, các bậc cha mẹ Nhật là thế, họ luôn có phương pháp dự liệu chuyên nghiệp cho mọi tình huống, nhưng sao tôi vẫn nghe như mình muốn khóc. Tôi đã chứng kiến tất cả cùng vì nhau chung tay, bảo vệ ngày hội của lũ trẻ, đem lại cho chúng niềm vui thể thao vẹn toàn, và dạy cho chúng những bài học nho nhỏ đáng nhớ về ý thức cộng đồng, để chúng lớn lên và trưởng thành thành những người như cộng động xung quanh chúng vậy.
Ngày hội kết thúc, chúng tôi không vội về vì ai cũng phải ở lại, giúp nhà trường dọn dẹp. Ở các cấp học lớn hơn, trẻ em tự bê ghế về lớp học của mình. Ở các cấp học bé hơn, cha mẹ giúp nhà trường gọn dẹp, gỡ băng rôn, cờ hoa, làm sạch khu vực mình tham dự. Mọi thứ trở lại bình thường nhưng dư âm của nó thì luôn còn mãi.
Từng có 6 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao bắt đầu đi học, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao hẳn sẽ khiến chúng ta có một cái nhìn khác về giáo dục Nhật Bản. |
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon