Chàng HLV độc thân quyến rũ và những điều "thầm kín" trong sự nghiệp giúp chị em "lột xác"

Sở hữu thân hình đầy nam tính với cơ bắp cuồn cuộn và vẻ ngoài cao lớn, đủ khiến các cô nàng "gục" ngay tại chỗ, chàng trai có cái tên ấn tượng - Phạm Đồng Khởi - là một PT trẻ giàu kinh nghiệm, được nhiều người yêu mến. Nghề PT đã và đang dần trở nên quen thuộc trong nhịp sống đương đại. Nếu trong suy nghĩ của mọi người là công việc huấn luyện thể hình khô khan mệt nhọc, chỉ tưởng tượng thôi đã thấy toát mồ hôi, thì chính bản thân những người mang danh PT như Khởi lại có góc nhìn và cảm nhận rất khác về nghề này. Nó không phải là nghề được định nghĩa bằng những tính từ như "cực nhọc", "mệt mỏi", đem đến hành trình "đổ mồ hôi sôi nước mắt" cho bao người gặp vấn đề về ngoại hình, thực tế nó là một công việc đầy ý nghĩa, giúp thay đổi cả thể hình lẫn niềm vui sống cho những ai tìm đến.

Là "người trong cuộc" với suy nghĩ khá chín chắn, chàng PT điển trai Đồng Khởi đã có những chia sẻ cởi mở về đủ mọi phương diện xoay quanh công việc huẩn luyện thể hình.

Khởi đã gắn bó với công việc PT bao lâu rồi?

Mình làm được gần 3 năm rồi.

nghề PT nam
Từng học kỹ sư nhưng chàng trai gốc Nam Định lại quyết định gắn bó với nghề PT.

nghề PT nam
Khởi đang có những năm tháng tuổi trẻ đầy say mê nhiệt huyết với công việc giúp người khác cải thiện vẻ đẹp ngoại hình.

Vậy là Khởi trở thành PT trước cả khi tốt nghiệp ĐH?

Đúng rồi. Xuất thân học kỹ sư, nhưng sau đó mình nhận ra bản thân không đam mê và không muốn theo đuổi nghề đó bằng gym. Mình vẫn hoàn thành bằng kỹ sư cho bố mẹ cảm thấy yên tâm, nhưng mặt khác cũng vẫn nuôi dưỡng ước mơ, sở thích rèn luyện cơ bắp.

Bố mẹ mình chưa bao giờ phản đối chuyện gì cả, luôn ủng hộ giúp đỡ mình rất nhiều trong mọi quyết định, cả đi học lẫn đi làm. Tốt nghiệp ĐH xong mình có 2 bằng, 1 bằng kỹ sư, còn bằng thứ 2 về building cấp quốc gia. Mình đi học khoảng nửa năm, sau đó thi lấy bằng để có thể theo đuổi nghiệp huấn luyện viên thể hình.

PT vẫn được coi là nghề khá mới ở Việt Nam, Khởi nhận thấy đặc thù khác biệt của công việc này là gì, so với vị trí khác tương tự, ví dụ như giáo viên dạy thể dục ở trường?

Khác biệt đã thể hiện ở chính ngay cái tên PT – Personal Trainer – HLV cá nhân. 1 HLV chỉ dạy cho 1 người thôi, quan tâm sắp xếp cả bữa ăn, giấc ngủ, chế độ đi lại cho phù hợp... chuyên sâu và hiệu quả hơn rất nhiều. Kết quả nhận được là body của khách được cải thiện, tinh thần cũng tốt lên do khỏe mạnh hơn. Khi họ nản chí, mệt mỏi, muốn bỏ tập, mình lại ở bên thuyết phục, cho họ thấy còn có người đồng hành trong quá trình luyện tập, nhắc nhở về lý do khi họ bắt đầu đến với gym. Chi phí cho PT riêng cũng khá cao, không phải ai cũng có điều kiện trả một khoản lớn thuê HLV thể hình cá nhân. Còn giáo viên tiểu học hay các cấp khác thì 1 người có thể dạy lớp đông đến 30 – 40 em, họ không lên lịch cho chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của học sinh, kèm cặp riêng từng em một, học phí cũng rẻ hơn nhiều.

nghề PT nam
Đặc trưng lớn nhất của nghề huấn luyện thể hình cá nhân là chế độ dạy tập 1 - 1.
nghề PT nam
Làm PT không có nghĩa là chỉ có giảng dạy, còn phải quan tâm chăm sóc khách trong suốt khoá tập luyện.

Nghề này đòi hỏi bạn phải trau dồi nhiều, có nền tảng riêng vững chắc, với mục đích là luyện tập cho người khác tốt hơn cho bản thân. Còn giả sử như vận động viên builder, họ thiên về tập cho bản thân tốt trước. Ngoài ra, PT không chỉ có giảng dạy, nó còn mang tính dịch vụ, mình phải chăm sóc khách trước, trong và sau giờ dạy. Là người đồng hành nên bọn mình cũng phải làm gương cho khách nữa, có lối sống lành mạnh, cơ thể săn chắc khỏe khoắn, thế thì họ nhìn vào mới tin tưởng được. Chứ nếu bạn có một thân hình béo mập, nhưng suốt ngày đi giáo huấn người khác về cách ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt… liệu có ai tin không? Đấy là những đặc thù lớn nhất.

Khách hàng tìm đến PT thì đa dạng lắm, họ có thể là dân văn phòng, buôn bán kinh doanh, không hề liên quan gì đến thể dục thể thao, nên khi bắt đầu công việc, bọn mình phải nói chuyện, trao đổi với khách rất nhiều, nắm được thông tin cụ thể của khách như số đo hình thể, tiền sử bệnh lý, các thói quen ăn uống v.v… Với mỗi khách lại có hồ sơ lưu riêng, phục vụ cho việc giảng dạy được tốt nhất, theo sát được tình hình sức khỏe khách hàng để lựa chọn cường độ tập phù hợp, cái này cũng không đơn giản.

Khởi đã từng đối mặt với sự cố hay chuyện gì đó đặc biệt xảy ra trong 3 năm đứng ở vị trí PT chưa?

Cũng gọi là may mắn khi mình chưa từng vấp phải sự cố nào trong quá trình huấn luyện. Chỉ có một kỷ niệm khá đặc biệt, về một chị khách lớn tuổi hơn mình. Trước khi đi tập, chị ấy gặp vấn đề rất lớn về body, béo, thừa hẳn 17 cân mỡ. Sau này, khi thân thiết hơn, hiểu nhau hơn, chị ấy mới chia sẻ rằng bản thân bị trầm cảm nữa. Body quá khổ khiến chị bị tự ti, cản trở giao tiếp, bị đồng nghiệp chê bai sau lưng khiến tinh thần suy sụp.

nghề PT nam
Nghề PT đòi hỏi phải am hiểu tình trạng body, sức khoẻ khách hàng cực chi tiết, sát sao.

Ngày đầu tiên đi tập, chị ấy cố tỏ ra là mình mạnh khỏe, thường cố thực hiện những động tác khó. Đáng lẽ ra chị ấy chỉ nên tập ở mức vừa phải, nhưng lại yêu cầu mình cho tập ở cường độ cao hơn. Chị vẫn hoàn thành, nhưng một vấn đề nghiêm trọng xảy ra sau đó là chị ấy bị nôn. Có thể do hô hấp không tốt, hít thở kém, khiến cơ hoành co bóp nhiều, dạ dày phản ứng. Chị ấy đã giấu mình, không phải vì ngại chia sẻ, mà chị ấy không muốn mình nghĩ là chị ấy yếu, dẫn đến việc cho tập nhẹ. Chị thì muốn có kết quả nhanh, giảm cân cấp tốc, nên tỏ ra mạnh mẽ để tập cường độ cao. Tuy nhiên, do nhạy cảm nghề và kinh nghiệm quan sát nên mình nhận ra sức khỏe của chị ấy có vấn đề, biểu hiện qua sắc mặt, không thể đáp ứng bài tập nâng cao.

Mình phải trò chuyện, tâm sự rằng, việc tập luyện cũng giống như đi cầu thang, nên di chuyển từng bậc một, không nên nhảy 3 – 4 bậc, rất dễ ngã. Chị đồng ý, và kết quả là từ 63kg, chị đã giảm xuống còn 55kg trong vòng 2 tháng, chủ yếu nhờ ý chí mạnh mẽ cá nhân. Mình rất phục chị.

Sau đó thì sao?

Chị ấy đã tự mình thoát khỏi trầm cảm. Chị đăng một status rất dài trên facebook riêng về hành trình thay đổi body và lạc quan hơn trong cuộc sống, có tag tên mình. Nhờ có gym mà chị tìm lại được nụ cười, vóc dáng đáng ngạc nhiên. Chị đã thay mình truyền thông điệp đến mọi người rằng cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần cũng được giải phóng, dù không cảm ơn trực tiếp nhưng mình cũng rất vui vì đã giúp ích cho người khác.

nghề PT nam
Vì tính chất huấn luyện cá nhân như đúng tên gọi, nên PT phải tự tay làm rất nhiều việc.

nghề PT nam
Chăm sóc khách hàng từ việc nhỏ nhất như chuẩn bị đồ tập, hướng dẫn kỹ thuật đúng cách...
nghề PT nam
Đôi khi vì sự quan tâm tỉ mỉ dành cho khách, cộng thêm vẻ ngoài nam tính, nên PT nam dễ khiến chị em "xiêu lòng".

Nghe nói Khởi đã quyết định rời Hà Nội để đến một nơi lạ lẫm, nhận vai trò quản lý mới ở Hạ Long (Quảng Ninh)?

Mình còn trẻ, mình thích đón nhận thử thách, và mình cũng không phủ nhận rằng đang chọn đi về hướng khó khăn hơn so với môi trường mình đã gắn bó suốt bao lâu nay. Có không ít vấn đề phải đối mặt, cả trong công việc chuyên môn lẫn thích nghi cuộc sống ở nơi mới.

Tuy nhiên, mình sẵn sàng đón nhận tất cả, bởi trong thâm tâm mình muốn truyền bá lợi ích của việc tập gym, giúp mọi người có cuộc sống lành mạnh hơn, có cái nhìn tích cực hơn về các khía cạnh khác trong cuộc sống.

Hạn chế của nghề PT là gì, theo góc nhìn của Khởi – một PT trẻ nhưng đã có kha khá kinh nghiệm?

Nói thế nào nhỉ, nhiều lúc việc giảng dạy chiếm hơn 10 tiếng/ ngày, khiến mình không có thời gian làm việc khác, hoặc dành cho bạn gái (cười), nhưng chỉ có thời gian đầu là mình bị áp lực thôi, bây giờ thì ổn rồi, thời gian biểu của mình rất khoa học.

Hạn chế lớn nữa mà mình nhìn thấy là vẫn còn rất đông người hiểu nhầm tính chất, vai trò thực sự của PT. Họ chỉ nghĩ rằng, à, HLV thể hình thì chắc chỉ đưa ra bài tập gym nào đó, hét vào tai khách để họ tự tập, hoặc đơn giản là “chân” xếp tạ, đỡ tạ thuê… chứ không biết rằng PT là tổng hoà của rất nhiều hoạt động khác nhau: giúp khách quản lý lịch tập, kiểm soát chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt… nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất về việc cải thiện vóc dáng, sức khỏe cho họ.

nghề PT nam
Bên cạnh việc giảng dạy thì PT nam cũng phải thường xuyên tư vấn, trò chuyện với khách hàng.

Vậy chàng PT nam điển trai của chúng ta từng gặp chuyện éo le nào khi di dạy chưa, nhất là giữa thời buổi chị em đổ xô đi tập gym các loại?

Gặp rồi chứ, nhưng hiếm lắm. PT có cả nam lẫn nữ, nhiều khách hàng nữ họ biết rằng PT nam hình thể tốt hơn, dạy rất OK, không e ngại bất kỳ vấn đề gì xảy ra, đem lại kết quả ưng ý hơn PT nữ. Song, có một số chị em “sở hữu” ông chồng yêu thương vợ quá, gia đình êm ấm hạnh phúc quá, nên dù rất muốn chọn PT nam vẫn phải chuyển sang PT nữ, để đảm bảo gìn giữ tình cảm vợ chồng.

Cũng có tình huống khách hàng nữ thích PT nam, khá nhạy cảm, khó nói, nên bọn mình phải chuẩn bị sẵn tâm lý để xử lý sao cho ổn thỏa, tránh xảy ra “tai nạn nghề nghiệp” (cười). Bởi vì trong các buổi tập, bọn mình vẫn thường theo sát khách hàng, hướng dẫn họ tỉ mỉ, nhiều người cảm thấy được quan tâm hơn cả bạn trai, nên mới xảy ra chuyện dở khóc dở cười. Nó đòi hỏi mình thêm bản lĩnh nữa, và giải quyết sao cho khéo léo, cân bằng giữa công việc và đời tư.

Khởi thử nhận xét về bản thân trong 3 từ đi?

Tự tin, cẩn thận, và lắng nghe.

nghề PT nam
Nghề PT đã đem lại cho Khởi nhiều trải nghiệm, học hỏi bổ ích, trưởng thành hơn, chín chắn hơn.
nghề PT nam
Chàng HLV thể hình trẻ tuổi khá tự tin về bản thân, ở nhiều phương diện.

Làm một PT đã đem lại cho Khởi những điều gì?

Đầu tiên là một cơ thể cực kỳ khỏe mạnh săn chắc. Gia đình mình không có ai theo nghiệp thể dục thể thao, cơ địa vốn dĩ cũng không to cao vạm vỡ, để có được cơ bắp như thế này mình phải trải qua thời gian rèn luyện khá dài. Mới cách đây vài năm, hồi còn sinh viên mình cũng hơi “còm”, khoe ra chẳng ai tin, thế nên ảnh cũ phải giấu nhẹm đi hết, trông chẳng giống mình bây giờ chút nào. Ngoài ra thì việc thay đổi thể chất cũng khiến giọng mình khác đi, trầm hơn, nam tính hơn, vẻ ngoài cũng “ngầu” hơn (cười). Và làm PT cũng đem lại cho mình khoản thu nhập hài lòng.

Nghề PT không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân mình như vậy, mà còn cả cộng đồng nữa. Khách của mình thường không nói trực tiếp là em dạy tốt, em tập tốt, em hiểu anh/ chị quá, em giúp đỡ chị nhiều… mà họ chia sẻ theo cách rất tế nhị. Ví dụ như lúc giải lao, họ kể chuyện vui rằng “hôm qua chị đã nhích vừa chiếc váy lâu không mặc, được đồng nghiệp khen nhìn duyên dáng gọn gàng hơn”, ánh mắt họ chứa đầy sự phấn khích, vui mừng. Đó là động lực khiến mình cố gắng hơn trong công việc, tích cực giúp nhiều người tự tin hơn, body đẹp hơn, sống lạc quan yêu đời hơn. Kiểu thế.

nghề PT nam
Cởi bỏ chiếc áo PT, Khởi lại dành thời gian theo đuổi đam mê hoang dại khác - đi phượt.

Công việc bận rộn như vậy thì Khởi còn thời gian đâu cho những sở thích khác và chăm sóc bản thân?

Mình vẫn sắp xếp được, và thực tế rời khỏi phòng tập thì mình không còn là một PT nghiêm khắc, nói nhiều và hơi “đạo mạo” nữa. Vì thích phượt, nhất là các vùng núi vừa sâu vừa xa, nên có thể ngay bây giờ mình hứng lên xách xe chạy quãng đường dài lên Tây Bắc, để tận hưởng cảm giác sáng mai tỉnh dậy được hít thở không khí núi rừng trong lành, mùi của rừng thông, ăn một món dân dã gì đó, rồi lại quay trở về chỗ làm.

Nghe hơi điên rồ, nhưng mình thích những trải nghiệm như thế. Yên tâm là mình không cô độc trên đường đâu, đi phượt xe phân khối lớn bao giờ mình cũng đi cùng nhóm từ 5 – 6 người trở lên, bởi suốt chặng đường bạn không biết sẽ gặp phải chuyện gì, sự cố nào, rủi ro ra sao, tốt nhất nên có hội. Khi mình xảy ra vấn đề sẽ có ngay người hỗ trợ, đó là điều quan trọng và cực kỳ cần thiết. Nhờ đam mê các cung đường mà mình cũng gặp gỡ, quen biết thêm nhiều người bạn mới, học hỏi được bao điều thú vị về cuộc sống rộng lớn ngoài kia.

Cảm ơn Khởi vì những giây phút chia sẻ đầy cảm hứng!

Previous
Next Post »
Thanks for your comment