Amiko Seiya là học sinh cấp 3. Bên ngoài, ai cũng có thể nhìn thấy rằng Amiko có điện thoại iPhone đời mới nhất. Em cũng ăn mặc khá sành điệu theo gu thời trang cập nhật nhất. Năm nào cặp xách của em cũng mới tinh.
Thế nhưng không ai có thể ngờ rằng ngoài diện mạo hoành tráng đó, em thậm chí không có nổi 100 yên để mua chai nước uống. Amiko cũng luôn lảng tránh các cuộc gặp gỡ bạn bè. Bởi đơn giản dù vẻ ngoài đẹp đẽ vậy nhưng cô bé thực ra không có đồng nào trong túi. Dù nghèo, nhưng mẹ Amiko không muốn mất thể diện với mọi người, cô không muốn người ta nhìn vào con gái mình và thương hại rằng mẹ nó không có tiền nuôi nó.
Tại một căn hộ nhỏ ở Tokyo một buổi chiều thứ Năm tháng 7/2016, người ta nhìn thấy rất nhiều những em học sinh cùng ngồi nói chuyện với nhau vui vẻ. Xung quanh là khá nhiều người tình nguyện đang chuẩn bị bữa tối cho các em. Bữa cơm hôm nay bao gồm cơm cà ri, salad và hoa quả.
Những bữa tối như thế này đang trở nên phổ biến trên khắp nước Nhật. Người tổ chức cảm thấy họ cần phải giúp đỡ những đứa trẻ bị gia đình bỏ rơi, do đói nghèo, do cha mẹ không quan tâm đến chúng để đảm bảo cho các em được ăn tối ngon lành và vui vẻ. Theo một thống kê, hiện nay trên khắp nước Nhật có khoảng 319 địa điểm phục vụ các bữa ăn tối miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em trên khắp nước Nhật. Vào năm 2013, con số này mới chỉ là 21.
Từ sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, nước Nhật đã giàu lên rất nhiều. Thế nhưng ngay cả như vậy, người Nhật vẫn chưa mang đến được cho trẻ em cuộc sống thật sự tốt. Tỷ lệ đói nghèo tại Nhật hiện cao nhất trong số 31 nước giàu nhất thế giới, theo số liệu từ UNICEF.
Không giống như các nước khác, các bậc cha mẹ Nhật thường giấu giếm rất kỹ tình trạng tài chính của gia đình. Trong gia đình, họ không dám mua đồ ăn ngon, thậm chí không dám sắm cả những trang thiết bị thiết yếu cho cuộc sống thế nhưng cùng lúc lại cố gắng hết sức để cho con mặc đẹp, đeo cặp xịn và dùng điện thoại tốt để người ngoài nhìn vào không biết nhà họ khó khăn.
Trung tâm của cô Akiko Sekiya đã bắt đầu hỗ trợ cho trẻ em từ năm 2014. Lý do để cô làm việc đó xuất phát từ chính trải nghiệm của cô, cô gặp quá nhiều em nhỏ bị gia đình, trường học và cộng đồng xung quanh em bỏ rơi. Cô lập ra một quỹ kêu gọi sự hỗ trợ tài chính của cộng đồng để giúp các em nhỏ. Để có được bữa tối no nê với đầy đủ rau hoa quả, mỗi em nhỏ chỉ cần phải trả 300 yên, con số quá thấp so với mức chi tiêu ở Nhật.
Cô Sekiya cho biết không phải đứa trẻ nào tìm đến những bữa tối của cô cũng đến từ gia đình nghèo khó. Có nhiều khi các em đến vì không muốn phải ăn tối ở nhà một mình khi cha mẹ liên tiếp đi làm về muộn hoặc thậm chí không về. Hiện nay ước tính có khoảng hơn một nửa các gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân đang sống dưới mức nghèo khổ, tức là đồng nghĩa với việc mức thu nhập hàng tháng dưới 1.500 USD/tháng và gần như không nhận được hỗ trợ gì từ trợ cấp xã hội.
Có một thực tế mà ít ai có thể phủ nhận, đó chính là việc nhiều gia đình trong xã hội Nhật đang nghèo đi. Theo giáo sư chuyên nghiên cứu về đói nghèo và an sinh xã hội tại đại học Tokyo, nhóm 10% gia đình nghèo nhất nước Nhật nghèo đi theo thời gian.
Vào năm 1985, thu nhập của nhóm hộ gia đình nghèo nhất này là 902.500 yên/năm (chưa trừ thuế). Tuy nhiên đến năm 2012, con số này chỉ còn lại 804.000 yên dù từng có lúc tăng lên 1.146.000 yên vào năm 1994.
Còn theo chính quyền của ông Abe, khoảng cách chênh lệch thu nhập của Nhật đang giãn rộng theo thời gian. Tất cả những yếu tố trên chắc chắn tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em, khả năng học tập và những điều kiện chăm sóc mà các em được hưởng.
Năm 2013, chính phủ Nhật từng thông qua luật giúp điều phối hoạt động hỗ trợ giáo dục, kinh tế cho chính quyền của nhiều tỉnh, tuy nhiên, dường như sự hỗ trợ này chưa đến được với nhiều người dân, theo giáo sư ngành giáo dục và tài chính tại đại học Nihon, bà Kaori Suetomi.
Bà Suetomi nhấn mạnh: “Cho đến nay, chính phủ Nhật chưa có chính sách phù hợp để giải quyết tình trạng đói nghèo và các nhà hoạch định chính sách thậm chí còn không chắc họ nên làm gì.”
Vấn đề cốt yếu ở đây là tài chính, khi nguồn tài chính từ chính phủ không được đảm bảo thường xuyên và liên tục, chính quyền các tỉnh buộc phải cắt giảm ngân sách cho việc hỗ trợ trẻ em.
Ngoài ra, trách nhiệm hỗ trợ cho trẻ em hiện đang không trực tiếp thuộc cơ quan nào quản lý, người ta không hiểu Bộ Giáo dục hay Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật phải giải quyết nó. Và như vậy, những đứa trẻ tội nghiệp vẫn bị bỏ rơi, chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ phía các tổ chức xã hội và cá nhân tình nguyện.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon