Nhìn Phạm Thị Quỳnh Giang (28 tuổi, quê Vũng Tàu) tươi tắn cùng chồng đến Bệnh viện (BV), không ai nghĩ chị vừa sinh mới chỉ 20 ngày. Đến thời điểm hiện tại, con gái đầu lòng của sản phụ hoàn toàn khỏe mạnh, còn người mẹ cao 1m64 lấy lại cân nặng 50kg trong thời gian chóng vánh.
Chị Giang hạnh phúc bên chồng và con gái đầu lòng.
Bầu 34 tuần vẫn nâng tạ… 60kg
Sức khỏe ổn định của hai mẹ con đã đập tan mọi nghi ngờ, chỉ trích của rất nhiều người xung quanh về việc mẹ bầu tập gym, trong đó có cả người thân trong gia đình vợ chồng chị Giang. 38 tuần mang thai là 38 tuần bà mẹ một con lấy hành động làm câu trả lời.
Giang kể, chị bắt đầu tập gym hơn 2 năm về trước. Sau khi lập gia đình với anh Long (25 tuổi, quê Hà Nội), chị mang thai. Lúc này, nhiều người khuyên Giang nên dừng tập gym và hạn chế vận động mạnh để không gây nguy hiểm cho con.
Có được hạnh phúc hôm nay, chị Giang đã trải qua chuỗi thời gian chịu nhiều chỉ trích.
Bà mẹ một con thời điểm mới mang thai.
Quá đam mê bộ môn mình đang theo đuổi, Giang tự tìm hiểu cũng như tìm đến BS chuyên khoa Sản để được tư vấn. BS Lê Văn Hiền, Cố vấn cao cấp Sản khoa (BV Hạnh Phúc) chẳng những không cấm mà còn khuyến khích cô nên tiếp tục tập luyện theo sức của mình, vì cơ thể mẹ khỏe thì em bé trong bụng mới khỏe.
Tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, thai phụ vẫn quyết định tập gym suốt quá trình mang thai.
Quá trình mang thai, chị Giang luôn tự tin với vóc dáng của mình.
"Khó khăn lớn nhất là từ những người xung quanh. Đa phần họ chỉ trích em không quan tâm con trong bụng, chỉ muốn đẹp cho bản thân. Bụng em càng to thì sự chỉ trích càng dữ dội, họ nói em mang con làm thí nghiệm khiến em cũng hơi áp lực. Cũng may là ông xã em ủng hộ, động viên đừng quan tâm xung quanh, thời gian sau này, sinh con khỏe mạnh sẽ là câu trả lời" – chị Giang kể.
Mẹ bầu tập tạ suốt 38 tháng mang thai.
Có được điểm tựa từ chồng giúp thai phụ vững lòng tin. Vậy là từ khi bắt đầu mang thai, Giang vẫn duy trì chế độ tập luyện 2-3 buổi/tuần với các bài squat giúp cơ thể săn chắc, giảm mệt mỏi. Càng tập chị càng thấy khỏe. Thậm chí khi bụng đã rất lớn, Giang vẫn có thể nâng tạ với tổng khối lượng đến 60kg. "Sau tuần thứ 34, do thai đã rất lớn và cơ thể cũng nặng nề, mình giảm từ tạ 60kg xuống còn khoảng 50kg nhưng vẫn duy trì tập luyện" – Giang cho biết, lúc này một số thành viên trong gia đình cũng cảm thấy lo lắng cho hai mẹ con.
Cận thời điểm lâm bồn, Giang vẫn nhún nhảy theo điệu nhạc, tập các bài vận động thai kỳ trong phòng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Cả thai kỳ, Giang tăng đúng 10kg.
Người mẹ thời điểm sắp "vỡ chum".
Kết quả, Giang sinh thường một bé gái nặng 3.270 gram khỏe mạnh. Cuộc vượt cạn diễn ra vô cùng thuận lợi. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe bé không có bất thường nào.
18 ngày sau sinh, Giang đã có đủ sức khỏe để đến phòng gym. Và chỉ sau 20 ngày lâm bồn, từ 62kg, sản phụ đã giảm xuống 50kg như thời con gái.
Bé gái kháu khỉnh con chị Giang.
7 ngày sau khi sinh, dù vòng 2 vẫn còn to nhưng vóc dáng của Giang vô cùng săn chắc.
Tập gym có gây sảy thai, sinh non như nhiều người vẫn tưởng?
Ngắm con nằm ngủ trong nôi, Giang cho biết thời điểm mang thai, ngoài hạn chế ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào, chị không kiêng khem gì, từ rau quả, thịt cá đến tinh bột.
"Nhiều người lo ngại cho bé trong bụng. Nhưng mình thấy điều quan trọng là phải lắng nghe cơ thể, tập theo sức của mình. Mỗi lần đi tập về mình thấy rất thoải mái. Đôi lần bụng mình xuất hiện cơ gò, nhưng sau đó lại bình thường ngay. Con mình rất khỏe, thai máy liên tục, không ngày nào bé chịu nằm im" – người mẹ trẻ cười tươi chia sẻ.
Điều dưỡng hướng dẫn chị em vận động trong thai kỳ.
BS Lê Văn Hiền cho biết, Giang là trường hợp may mắn vì có chồng ủng hộ. Rất nhiều sản phụ khác phải lén gia đình để được đi tập gym. "Tôi luôn khuyến khích chị em phụ nữ nên duy trì luyện tập theo khả năng của mình. Nhiều người vẫn quan niệm khi có thai phải kiêng nhón chân, sợ cúi người, đi nhanh, tập thể dục sẽ gây sảy thai. Nhưng điều này là không đúng, bởi em bé được tử cung giữ, có tư thế cả nên không thể gây sảy thai" – BS phân tích.
Nhờ duy trì chế độ luyện tập đều đặn nên chị Giang lâm bồn rất thuận lợi.
Theo BS, khi mang thai, độ keo của máu sẽ tăng lên, tử cung lớn chèn ép mạch máu sẽ dẫn đến tình trạng phù chân. Nếu không vận động có thể dẫn đến huyết khối tĩnh mạch chi dưới. Nếu huyết khối chạy lên phổi, có thể gây thuyên tắc phổi, thậm chí tử vong sau sinh. Ngoài ra phụ nữ cũng như đàn ông, cũng có cơ bụng 6 múi nhưng không hiện lên vì ít tập luyện. Khi có thai, tử cung lớn làm phình cơ bụng 2 bên, dẫn đến bụng nhão ra sau sinh, gọi là thoát vị thành bụng.
Việc duy trì các bài tập vận động trong thai kỳ sẽ giúp máu huyết lưu thông, phòng ngừa, sa tử cung, són tiểu… Dù vậy, với những trường hợp thai kỳ ra máu, dọa sinh non, có khả năng sảy thai nên dừng luyện tập, nhưng không có nghĩa là nằm bất động. Việc nằm bất động sẽ khiến huyết khối lưu thông không tốt, gây loãng xương, mệt mỏi, trầm cảm trong lúc mang thai và sau sinh. Thai vào đó, sản phụ nên ra ngoài tập thể dục, vận động, hít thở khí trời thường xuyên để không bị stress.
Không phải ăn móng heo hầm, đây mới là cách giúp mẹ có nhiều sữa
BS Đào Thị Yến Thủy, Cố vấn cấp cao chuyên khoa Dinh dưỡng của BV cho biết thêm, khi có thai cơ thể người mẹ phải thay đổi để đáp ứng được nuôi dưỡng con. Nhiều người cho rằng thời điểm này phải ăn gấp đôi, ăn cho cả mẹ lẫn con. Nhưng chưa thấy con phát triển bao nhiêu mà người mẹ ngày càng nặng nề.
"Người mẹ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, không kiêng khem nhưng cũng không ăn thừa mứa. Chẳng hạn với tinh bột thì ngoài cơm cũng nên ăn thêm khoai, bắp, đậu. Mỗi thực phẩm có những chất ưu thế khác nhau, mỗi bữa nên ăn thay đổi các loại, trái cây khác nhau…" – BS Yến Thủy phân tích.
Bé gái con anh Long, chị Giang đã được 20 ngày tuổi.
Theo BS, mẹ bầu cần tăng cân phù hợp, điều này phụ thuộc vào thời điểm trước khi mang thai. Nếu mẹ bị suy dinh dưỡng thì suốt 9 tháng phải tăng từ 12-16 kg. Thể trạng bình thường chỉ cần tăg 10-12 kg, còn béo phì chỉ nên tăng 6-10 kg.
BS cũng khẳng định quan niệm để có nhiều sữa nuôi con phải ăn móng heo hầm đu đủ hay ăn cơm nếp tán nhuyễn là không đúng.
BS Thủy cung cấp kiến thức dinh dưỡng cho các bà mẹ.
"Có 3 yếu tố quan trọng giúp mẹ có nhiều sữa. Thứ nhất là phải ngủ đủ giấc. Kế đến, luôn giữ tâm trạng thoải mái, không bị stress. Và thứ ba là phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp, uống nhiều nước, không ăn quá nhiều trong một bữa. Để thai kỳ khỏe mạnh, thai phụ cần ăn thực phẩm bổ máu, giàu chất sắt, ăn nhiều rau để chống táo bón…" – BS đưa ra lời khuyên.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon