Nhiều cái chết oan uổng vì ngủ trong ô tô
Sáng 19/9/2018, người dân ở Hạ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An (Hải Phòng) bàng hoàng phát hiện vị giám đốc trẻ tử vong trong ô tô đỗ trước nhà. Được biết đêm trước anh về nhà muộn, trời mưa nên không muốn làm người nhà thức giấc, vì vậy anh đã ngủ trong ô tô. Do đóng kín cửa xe, nổ máy chạy điều hòa nên anh đã bị ngạt khí.
Trước đó, ở Hoài Nhơn (Bình Định), ông Nguyễn Thanh Bình (39 tuổi, ngụ TP Quy Nhơn) đã chết trong xe ô tô khi đang ngủ trên Quốc lộ 20B thuộc địa phận xã Trạm Hành (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) do bị ngạt khí.
Tranh minh họa
Anh L.V.M có hơn 20 năm kinh nghiệm lái taxi đã 3 lần chết hụt vì ngủ trong ô tô chia sẻ, lần đầu tiên là khi anh mới vào nghề chở khách về quê bốc mộ và ra xe ngủ qua đêm. Gần sáng lạnh quá tỉnh dậy, anh thấy đầu đau và cực kỳ mỏi mệt… Mở cửa xe ra ngoài một lúc mới giật mình nghĩ ra là vừa bị thần chết gõ cửa. May mắn anh tắt máy vì sợ người quanh đó mất ngủ, trời lại mát nên hé cửa xe trước khi ngủ. Lần thứ hai anh đi nhậu bị say nên tấp xe vào lề đường bật điều hòa để ngủ. Khi buồn nôn, anh kéo cửa kính ra và quên đóng kín nên không sao. Lần thứ ba anh về nhà muộn, lại quên chìa khóa và ngại đánh thức người nhà nên ra bãi đỗ xe ngủ. May mắn là xe gần hết xăng, trời mát nên anh tắt điều hòa, hé cửa. Nhưng anh đã tự hứa sẽ không bao giờ ngủ trong ô tô nữa, sợ rủi lần sau không may mắn.
Theo các chuyên gia y tế, ngủ trong ô tô đóng kín, bật điều hòa dễ bị ngạt khí, nhất là với tài xế, phụ nữ, trẻ em, người có men bia rượu… Y học gọi là dạng ngạt hệ thống, rất khó cứu chữa. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ thiếu ôxy lên não, để lâu sẽ dẫn đến hôn mê, tử vong, cứu được cũng sẽ sống đời sống thực vật do não bị tổn thương.
Theo anh Minh Quang, kỹ thuật viên gara ô tô tại Hà Nội chia sẻ: Với các loại xe đời cũ không có chế độ tự động chỉ làm mát trong xe, chứ không điều hòa không khí trong - ngoài nên dẫn tới thiếu ô xy, người trong xe bị ngạt.
Xe đời mới điều hòa tự lấy gió ngoài để cân bằng không khí, nhưng khi nổ máy đóng kín cửa điều hòa hút khí trực tiếp quanh xe toàn khí CO từ ống pô xả ra thì càng mất ôxy, khiến cơ thể không thể hô hấp, mất nước, dịch và… tử vong trong 2 - 3 giờ và càng nhiều người trong xe thì ôxy càng mau hết.
Ngủ trong xe bật điều hoà, nhưng do xe hết xăng, hoặc do máy quá nóng vì dừng lâu một chỗ khiến hệ thống làm mát cưỡng bức không hoạt động - dẫn đến thiếu không khí, người ngủ trong xe lịm dần và tử vong.
Việc đóng kín cửa và bật điều hòa lấy gió trong là tiết kiệm nhiên liệu, đề phòng trộm cắp nhưng khiến nạn nhân tử vong chỉ sau một vài giờ ngủ quên. Một số mẫu xe đời mới hệ thống điều hòa chuyển linh hoạt giữa hai chế độ lấy gió trong và gió ngoài sau 5 phút. Nhưng cả khi đóng cửa, chọn chế độ lấy gió ngoài vẫn có thể bị tử vong nếu động cơ chết máy, ô xy khoang xe giảm và người ngủ ngạt khí dần dần.
Nếu buộc phải ngủ trong ô tô thì làm thế nào?
Theo PGS Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng bộ môn ô tô, Viện Cơ khí Động lực (Đại học Bách Khoa Hà Nội) từ kết cấu tới tính năng của ôtô của các nhà sản xuất là không phải đỗ xe một chỗ, đóng kín cửa, bật điều hòa - mà phải chạy mới bật điều hòa. Nếu đỗ xe, không bật điều hòa, không nổ máy thì ngủ không sao. Còn nếu ngủ trong ô tô mà nổ máy, bật điều hòa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Khi buộc phải nổ máy ngủ trong xe, bạn cần biết:
*Nên:
Tìm chỗ đỗ xe thoáng để khí thải nhanh tản đi.
Lái xe nên để chế độ lấy gió ngoài, dù ngồi, hay ngủ cũng cần hé cửa kính 1,5 – 2,5cm để lưu thông không khí trong - ngoài. Cách này đơn giản nhưng quan trọng vì tránh được rủi ro khi động cơ tắt máy đột ngột, hệ thống điều hòa xe hỏng, trộm cắp… Trời mát, mùa đông nên tắt máy, tắt điều hòa và mở hé cửa kính. Mùa hè giữ nhiệt độ trong xe ở mức vừa phải.
Trước khi ngủ, nghỉ cần đặt báo thức 15-30-45 phút/lần để kiểm soát tình huống, hoặc ra ngoài hít thở để không bị thiếu dưỡng khí.
Nếu bật điều hòa, đóng kín cửa xe cần chọn chế độ lấy gió ngoài (nếu xe không có chế độ tự động) và chỉ ngủ giấc ngắn kẻo xe hết nhiên liệu, tự dừng động cơ.
*Tránh:
Tránh chỗ đỗ xe ngủ chật hẹp, bí khí vì có mở cửa xe vẫn thiếu ô xy. Tuyệt đối tránh nổ máy, mở điều hòa trong garage nằm ngủ, nguy hiểm đến tính mạng vì cả động cơ xăng và diesel vận hành sẽ tăng nồng độ khí CO lên gấp nhiều lần.
Tránh hạ kính quá sâu quá, vì có thể bị cảm lạnh, không đảm bảo an toàn tài sản. Tránh để hệ thống gió điều hòa thổi vào mặt dễ cảm lạnh.
Không chỉ có bình ôxy, vì khi CO dành hết ôxy trong hồng cầu, não chết dần khi ngủ thì bình ôxy vô hiệu.
Tuyệt đối tránh để trẻ ở một mình trong xe. Nếu buộc phải để trẻ trong xe cần mở hé cửa kính, cho trẻ xuống ghế sau và chốt cửa không cho mở từ bên trong. Tuyệt đối không nổ máy.
Cần thông gió để đảm bảo an toàn?
Cũng theo PGS Đàm Hoàng Phúc, nếu xe hở gas, hoặc ống pô xe trục trặc khiến khí CO tràn vào xe thì đang lái xe, bạn sẽ nhận thấy mùi khó chịu để kịp thời dừng xe, xử lý. Nhưng nếu đã ngủ say thì không biết điều đó để kịp thời xử lý.
Hệ thống điều hòa ô tô có 2 chế độ lấy gió làm lạnh: Chế độ lấy gió trong làm mát nhanh, nhưng không khí chỉ tuần hoàn trong khoang lái. Chọn chế độ lấy gió ngoài làm mát chậm, nhưng có nhiều ôxy vào khoang lái. Nếu lấy gió trong thì trong khi đóng kín cửa xe, trong xe mát còn khí ôxy giảm dần, người trong xe đi càng lâu, càng đông sẽ thấy ngột ngạt, thần kinh và cơ bắp dần uể oải, mệt mỏi…
Vì vậy đi đường dài tài xế cần chọn chế độ lấy gió ngoài, hoặc mở cửa kính, hoặc nghỉ giữa hành trình nhiều lần để mở cửa thông khí, cho người ra ngoài hít thở tự nhiên.
Nếu đi xe cũ, luôn kiểm tra điều hòa không khí (AC) của xe xem hệ thống làm mát có bị rò rỉ khí ga không. Lưu ý nhất là đảm bảo thông gió, không bí hay đọng khí, ám mùi khó chịu để an toàn cho mọi người.
Khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn, do đó cơ thể người bị ngạt không được “cảnh báo” để thoát nạn. Bạn chỉ có thể nhận biết được qua dấu hiệu sau: Khi đi xe ô tô bị ngạt khí sẽ thấy: Đau ngực, hồi hộp, môi và đầu ngón tay – chân tím, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, mất định hướng, co giật, tiểu – đại tiện không tự chủ… dẫn tới hôn mê.
Trong xe thấy có người khó thở, ngất, thở trào bọt hồng, tay chân sưng đau, tím môi và đầu ngón tay, ngón chân, có những động tác bất thường... thì nhanh chóng mở hết các cửa để không khí tràn vào, đưa ngay nạn nhân ra chỗ thoáng, đồng thời gọi 115 để bác sĩ sớm trợ giúp bằng hô hấp nhân tạo và đưa tới bệnh viện cấp cứu. Cơ hội sống sót và hạn chế di chứng của nạn nhân phụ thuộc vào thời gian cấp cứu nhanh hay chậm.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon