Không chỉ nổi tiếng nhờ vào yếu tố con người, bề dày lịch sử hay các danh thắng đẹp đến nao lòng, Nhật Bản còn được bè bạn trên thế giới biết đến vì có một nền văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc với những món ăn được làm ra bằng nhiều phương pháp cầu kỳ và tinh tế. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, giữa một nền ẩm thực được tán thưởng từ nhiều năm nay, ở đất nước Mặt trời mọc vẫn có tồn tại một món ăn đầy tai tiếng, khiến ai hay biết về cách làm ra nó đều không khỏi giật mình.
Món ăn ấy chính là dojo tofu - "tàu hủ địa ngục", hay còn được người phương Tây gọi bằng cái tên "baby eel tofu". Sở dĩ có tên gọi đó là vì món này được làm ra từ 2 nguyên liệu chính: cá chạch con (dojo) và tàu hủ (tofu). Thoạt nghe, món này có vẻ bình thường như bao món ăn được người Nhật tạo ra từ các loại hải sản và các chế phẩm đậu nành tương tự. Nhưng không, điểm đáng sợ và gây tai tiếng của món ăn này gói trọn trong cách chế biến tàn nhẫn ít ai hay.
Đầu tiên, người ta thả những con cá chạch tươi sống vào trong một nồi nước lạnh để cá lầm tưởng đây là bể bơi của mình và cứ thế ung dung bơi lội. Đáng tiếc, chúng không ngờ rằng, khoảnh khắc chúng nghĩ mình đã được tự do, thực chất là lúc chúng chỉ còn rất ít thời gian để sống. Cánh cửa địa ngục đang hé mở dần.
Sau đó, người đầu bếp sẽ cho cái nồi cá sống lên bếp lửa nhỏ. Thời gian trôi qua, nhiệt độ nước trong nồi cứ thế nóng lên, bầy cá con bé nhỏ bắt đầu hoang mang lo sợ về một mối hiểm nguy nào đó đang cận kề. Cá mà, chúng rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường nước. Kế tiếp, người ta sẽ thả vào nồi một miếng tàu hủ non mát lạnh. Miếng tàu hủ non mềm mại, mát mẻ xuất hiện như chiếc phao cứu sinh đúng lúc đàn cá đang hoang mang vì "bể bơi" của mình bỗng dưng nóng lên.
Thế là chúng chen chúc nhau chui vào miếng tàu hủ lạnh và tận hưởng những phút giây thoải mái… cuối cùng của cuộc đời. Nước sôi, miếng tàu hủ lạnh đã không còn lạnh nữa, thay vào đó nó lại là mồ chôn của những con cá chạch con tội nghiệp. Chúng không còn sức lực để thoát thân, không còn giãy giụa, không còn cố gắng nảy mình ra khỏi nồi nước, nhiệt độ cao đã khiến miếng tàu hủ đông cứng lại hơn bao giờ hết. Cứ thế chúng đã phải chịu cảnh bị luộc tới chết.
Chứng kiến cảnh tượng đàn cá con bị lừa và chết trong nỗi thống khổ tột cùng như trên, nhiều thực khách thẳng thắn từ chối món ăn này. Họ cho rằng, dù chúng chỉ là cá nhưng cũng nên cho chúng một cái chết nhẹ nhàng, không nên giày vò chúng và biến chuyện đó thành niềm thích thú. Thậm chí, một số người đã chia sẻ:
"Sự độc ác nằm ở chỗ, ngay giờ phút những con chạch tưởng đã thoát được tử thần thì hóa ra chúng lại đến với một địa ngục đáng sợ hơn. Có nhiều người thậm chí còn chẳng chờ cho những con chạch chết hẳn mà thản nhiên ăn khi chúng còn thoi thóp. Đó là tầng địa ngục thứ 3. Ăn ở mức độ nào là tuỳ khẩu vị của mỗi người".
Chưa kể, cách đây vài năm, một chương trình truyền hình ở Nhật Bản đã vướng phải làn sóng chỉ trích gay gắt khi thử quay lại cách chế biến món dojo tofu này tại một nhà hàng có tên Konsori. Cảnh tượng những con chạch bé nhỏ liên tục bị luộc chín tới chết đã khiến người xem phẫn nộ, buộc chương trình phải dừng sau một thời gian ngắn phát sóng.
Chính vì vấp phải nhiều sự phản đối như vậy, nên ngày nay, cái tên dojo tofu gần như đã bị xóa khỏi danh sách menu phục vụ của các nhà hàng ở Nhật. Chỉ còn những ai cảm thấy cách chế biến dojo tofu quá thú vị sẽ sẵn sàng dùng cách thức như miêu tả ở trên để làm tại nhà. Tất nhiên, lúc này đây, những con cá chạch con bé nhỏ không còn bị giày vò cho tới chết vì nhu cầu ẩm thực đơn thuần nữa, mà chết vì sự tò mò.
(Nguồn: Yonimokimyo, Donijan, Zazamushi)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon