Chúng ta cũng như Anh Lạc, trong cuộc đời sẽ gặp gỡ, yêu đương một hoặc một vài người nào đó, có mối tình khắc cốt ghi tâm nhưng cuối cùng ta lại kết hôn với một người khác. Có thể đó không phải là người mà ta yêu nhất nhưng là người phù hợp và đến đúng thời điểm nhất. Chúng ta gọi đó là sự an bài của số phận.
Xem Diên Hi Công Lược, bên cạnh những người ủng hộ cặp đôi Càn Long – Anh Lạc thì không ít người ghét cay ghét đắng ông vua này, nhất là những người "chèo thuyền" Hằng – Lạc nhưng chẳng may bị "lật thuyền". Vậy là bao nhiêu căm hờn, tội vạ đổ hết lên đầu vua Càn Long. Nào là chia rẽ uyên ương, nào là trăng hoa đa tình, nào là nhỏ nhen ích kỷ, không xứng đáng làm chỗ dựa cho nữ chính.
Chung quy ông bị ghét vì hai lý do, thứ nhất dám chia rẽ "cặp đôi quốc dân", thứ hai là ông có nhiều thê thiếp quá, không bằng một góc chung tình của Phó Hằng. Nhưng quả thực Càn Long có phải là người đàn ông đáng ghét như vậy không? Hay ông cũng chỉ là một nạn nhân của… tình yêu?
Càn Long – kẻ tội đồ hay nạn nhân của tình yêu?
Trót yêu mà không hay biết
Bây giờ thì có lẽ nhiều người đã hiểu vì sao những tập đầu Càn Long thích làm khó Anh Lạc đến thế. Người ta bảo "yêu nhau lắm, cắn nhau đau", quả không sai chút nào. Chốn hậu cung trăm hoa khoe sắc, vậy mà quân vương lại để ý đến bông hoa dại mạnh mẽ, kiên cường. Tình yêu có lẽ bắt đầu từ cái chạm tay thật khẽ (khi Anh Lạc bôi thuốc lên những nốt ghẻ ngứa cho vua). Tình yêu nhen nhóm từ những cơn ghen nhẹ. Cùng là thân phận cung nữ, Phó Hằng thích Nhĩ Tình hay Minh Ngọc thì không sao, nhưng hễ có tình ý với Anh Lạc thì mặc địch là Anh Lạc ham hư vinh, thích trèo cao.
Chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời.
Cũng chính vì vua "đã nghiện còn ngại" nên mới có những pha ngược tâm đến đau lòng. Miệng thì mắng: "Đừng có giương cái vẻ mặt tội nghiệp đó ra với trẫm" nhưng lại cục súc vất cho nàng cái ô. Đi rồi vẫn không yên tâm phải quay lại xem thế nào. Phạt người ta đi khắp Tử Cấm Thành, ba bước một lạy dưới trận tuyết đầu mùa, rồi khi người ta ngất ra đấy lại vội vàng chạy ra bế vào chăm sóc.
Lỡ yêu rồi nhưng cứ phải hành hạ nhau mới hả dạ.
Có lẽ chính vua cũng không biết hoặc không chịu thừa nhận là ông đã phải lòng Anh Lạc, để rồi khi bị Phú Sát Hoàng hậu bóc mẽ, ông mới ra sức chối cãi, bao biện. Nhưng chẳng kẻ đang yêu nào giấu nổi lòng mình.
Rõ ràng là vì yêu nên vua mới muốn chiếm hữu. Vì vua đã để mắt đến Anh Lạc nên kẻ khác đừng hòng động vào nữ nhân của ngài. Nhưng đó chỉ là sự ham muốn nhất thời hay là chân ái? Chỉ có thời gian và những gì họ đã trải qua mới cho ta câu trả lời chính xác.
Phải chăng là duyên phận?
Mấy ai có thể yêu duy nhất một người suốt cả cuộc đời? Chúng ta cũng như Anh Lạc, trong cuộc đời sẽ gặp gỡ, yêu đương một hoặc một vài người nào đó, có mối tình khắc cốt ghi tâm nhưng cuối cùng ta lại kết hôn với một người khác. Có thể không phải là người mà ta yêu nhất nhưng là người phù hợp và đến đúng thời điểm nhất. Chúng ta gọi đó là sự an bài của số phận.
Trong cuộc tình Hằng – Lạc, rõ ràng Phó Hằng là kẻ nóng vội quay lưng trước, dù Hoàng hậu đã hết sức can ngăn, rằng nhất định một ngày chàng sẽ hối hận, và quả thực chàng đã vô cùng hối hận. Có những thứ tuột khỏi tay rồi sẽ không thể nào lấy lại được, như là tình yêu mà ta lỡ đánh mất.
Anh Lạc lập mưu tiếp cận Hoàng đế.
Việc Anh Lạc trở thành Lệnh phi của Hoàng thượng cũng là do nàng tự lên kế hoạch. Chính Anh Lạc đã bày mưu tính kế để chiếm được sự sủng ái của Hoàng thượng, từng bước leo lên vị trí Lệnh phi cao quý chỉ vì muốn báo thù. Ngay từ đầu, Anh Lạc đã hết lần này đến lần khác mượn tay Hoàng thượng để triệt hạ những kẻ thù. Như vậy, ở đây ai mới là nạn nhân trong vòng xoáy hận thù?
Là người hiểu Hoàng thượng hơn ai hết, Phó Hằng cho rằng Hoàng thượng cũng sớm đoán được ý đồ của Anh Lạc, nhưng ngài nhắm mắt cho qua, chỉ có thể vì ngài đã dành tình cảm thật sự cho nàng. Sự quan tâm của Càn Long dành cho Anh Lạc không đơn thuần là sự sủng ái của vua với phi tần mà đó là sự yêu thương thực sự. Vì yêu nên mới phá vỡ bao quy tắc, vua vẽ nhành hoa lan tượng trưng cho người quân tử, Anh Lạc vẽ thêm con bọ ngựa, vua vẫn coi bức tranh như vật quý, còn treo lên thư phòng. Chính vua khẳng định rằng nếu không phải vì ông bao dung thì không biết cái đầu của Anh Lạc phải rơi bao nhiêu lần rồi.
Trở thành phi tần đắc sủng nhất hậu cung.
Vì yêu nên vua mới chiều chuộng nàng vô điều kiện, sủng nàng lên tận mây xanh. Nàng xin gì cũng cho, từ nghiên mực đến đồng hồ, chén, đồ rửa bút, thậm chí cả đầu bếp nấu ăn ngon nhất.
Vì yêu nên vua không tiếc thân mình lao ra đỡ khi nàng ngã ngựa, như một phản xạ vô điều kiện. Để rồi chính vua cũng bị thương nhưng vẫn luông miệng nhận lỗi về mình: "Tại trẫm không tốt, để nàng phải chịu khổ".
Vì yêu nên vua mới ghen. Phải nghe những tin đồn nóng tai về gian tình giữa Anh Lạc và Phó Hằng, thậm chí phải nhìn cả hình ảnh nóng mắt khi Anh Lạc với Phó Hằng chuyện trò ngay giữa ngự hoa viên, vua vẫn vô cùng nhẫn nhịn. Để rồi chỉ cần nghe câu: "Cả đời Anh Lạc chỉ có một chủ tử, và một đời chồng" là bao nhiêu hờn ghen tan biến hết. Ngay cả cái véo má cũng không nỡ véo mạnh mà chỉ vuốt nhẹ như bảo bối trân quý nhất trần đời. Thậm chí còn xuống nước xin lỗi nàng. Nếu không phải là tình yêu thì đó là gì?
Được vua sủng lên tận mây xanh.
Kẻ yêu chân thành là kẻ phải chấp nhận tổn thương
Người ta bảo khi mở lòng cho ai đó bước vào là ta đã trao cho họ cái quyền làm tổn thương mình. Chính Càn Long đã trao cho Anh Lạc cái quyền đó. Mọi yêu thương như sụp đổ khi nàng thừa nhận chỉ coi ông như một công cụ báo thù và khi đạt được mục đích rồi thì nàng bèn trở mặt lạnh lùng. Đỉnh điểm của nỗi đau là khi biết nàng luôn uống thuốc tránh thai. Còn gì đau đớn hơn khi biết người mình luôn yêu thương, vẫn má ấp môi kề nhưng thậm chí nàng lại chẳng muốn mang cốt nhục của mình?
Nếu như là người khác thì Anh Lạc đã bị khép vào đại tội khi quân, khinh thường hoàng đế, có thể bị tước hết phong hiệu, tống vào lãnh cung, thậm chí còn mất cả mạng. Nhưng không, Càn Long vẫn cam chịu và bấu víu vào niềm hy vọng cuối cùng khi hỏi nàng tại sao vẫn khâu mũ cho ông? Ông chỉ chờ đợi một sự hồi đáp nhỏ nhoi thôi. Nhưng càng lúc ông càng rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Từng khẳng định đế vương thì không bao giờ rơi nước mắt vậy mà khi đó đôi mắt ông đã đỏ hoe như sắp khóc. Cuối cùng, chỉ biết bất lực buông câu lạnh lùng: "Có lẽ trẫm đã quá sủng ái nàng nên khiến nàng quên mất rằng trẫm cũng là một hoàng đế."
Có phải trẫm quá chiều chuộng nàng rồi không?
Càn Long trong Diên Hi Công Lược được xây dựng với hình tượng một hoàng đế thông minh, mưu lược, đa tình mà cũng rất vô tình. Vua từng nói với Anh Lạc rằng: "Dù trẫm muốn nàng, nhưng trẫm không bao giờ muốn một nữ nhân có trái tim xấu xa, đừng có vọng tưởng điều gì cả!"
Tình yêu của những người trưởng thành
Nếu như tình yêu của Phó Hằng và Anh Lạc là tình đầu trong sáng thì tình yêu giữa Càn Long và Anh Lạc là tình yêu của những người trưởng thành. Có hiểu lầm, có bao dung, có thăng trầm nhưng đủ sâu sắc. Đó không phải là kiểu tình yêu một sớm một chiều mà là một tình yêu được dệt nên từ những tháng năm gắn bó.
Khoảnh khắc ngọt ngào đốn tim fan.
Anh Lạc có chút tình cảm nào với Càn Long không? Đó cũng là câu hỏi mà nhiều người đang thắc mắc. Đến tận cuối cùng, có lẽ đã hiểu ra nhưng mới thấy cuộc tình của họ thật sự là kì lạ. Hãy nhìn nụ cười tươi rói của Hoàng thượng khi biết Anh Lạc có bầu mà xem, chưa bao giờ biết một phi tần có long thai mà ngài hớn hở ra mặt như vậy. Vẻ mặt hạnh phúc đó chỉ có thể dành cho người mà ông ta yêu thật lòng. Anh Lạc từ chỗ… sợ đẻ đã chấp nhận mang thai, dù bị Thuận tần xúi giục "bỏ chồng theo trai" vẫn quyết chung thủy "một đời chỉ có một chồng" đến tận cùng. Đủ để biết tình cảm nàng dành cho Hoàng thượng cũng đã lớn lên theo ngày tháng, vượt qua những mưu toan, để đáp lại sự kiên nhẫn đầy chân thành của hoàng đế đại Thanh.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon