Người vàng như củ nghệ, ngộ độc vì thói quen mà người dân Việt hay mắc phải

Người vàng như nghệ vì thuốc hạ sốt

Bệnh nhân C. V. T. quê Ninh Giang, Hải Dương đang điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai với thân hình vàng như củ nghệ, da nhăn nheo.

Người nhà bệnh nhân cho biết ông T bị sốt nên ra hiệu thuốc mua ít thuốc hạ sốt dạng viên sủi về uống mấy ngày liền không đỡ và có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, người cứ vàng như củ nghệ.

Lúc này, gia đình đưa đi Bệnh viện tỉnh điều trị nhưng không đỡ, bác sĩ giới thiệu lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc Paracetamol. Đặc biệt, bệnh nhân T. có tiền sử men gan tăng cao nhưng không biết, khi uống thuốc quá liều khiến gan càng nặng hơn.

Theo bác sĩ Đặng Thị Xuân, tại trung tâm Chống độc thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc thuốc do uống thuốc quá liều hoặc tự tử.

Người vàng như củ nghệ, ngộ độc vì thói quen mà người dân Việt hay mắc phải - Ảnh 1.

Men gan tăng cao + uống paracetamol quá liều gây ngộ độc người vàng như củ nghệ.

Nhưng ngày nay, bệnh nhân bị ngộ độc thuốc do tự mua thuốc về uống là chính. Ngoài ra, còn có trường hợp do nhầm lẫn, do tự tử.

Bác sĩ Xuân cho biết các nhóm thuốc hay bị ngộ độc cũng mở rộng hơn trước như ngộ độc thuốc hạ sốt, thuốc trị bệnh tim, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ nhưng thuốc ngủ giờ ít hơn trong đó nhiều nhất vẫn là ngộ độc pracetamol.

Theo bác sĩ, paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường và phổ biến nhất hiện nay, được bán mà không cần sự kê đơn của bác sĩ. Người bệnh thường có tâm lý sử dụng ngay paracetamol khi có triệu chứng sốt và cảm cúm.

Người vàng như củ nghệ, ngộ độc vì thói quen mà người dân Việt hay mắc phải - Ảnh 2.

Bệnh nhân cấp cứu vì ngộ độc thuốc.

Nhưng người dân tự ý mua thuốc về uống và tâm lý chưa khỏi tự tăng liều dẫn đến ngộ độc. Theo bác sĩ tại Trung tâm chống độc, đây là loại ngộ độc thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, khi việc quản lý thuốc còn lỏng lẻo và kiến thức của người dân về an toàn dùng thuốc còn thiếu.

Tại nước ta, hiện phần lớn người dân có thói quen tự dùng thuốc. Hễ cảm cúm, đau đầu, cúm, hắt hơi, sổ mũi... là ra ngay hiệu thuốc mua và thường được cho thuốc chứa paracetamol.

Một số người đi viện nếu không được hướng dẫn đầy đủ, không báo đã dùng thuốc có chứa paracetamol hoặc các loại thuốc có tương tác bất lợi với paracetamol, nếu bác sĩ tiếp tục cho uống thêm sẽ dẫn đến ngộ độc do quá liều.

Với người lớn, liều paracetamol được khuyến cáo là 60-80 mg/kg/ngày và không được quá 4 gam một ngày. Nhưng nhiều người lại uống các loại thuốc cảm cúm cùng một lúc dù tên thuốc tên khác nhưng thành phần có thể giống nhau dẫn đến ngộ độc.

Đặc biệt, với những người bị sốt do virus, sốt do nhiễm trùng, có men gan tăng... khi sử dụng thuốc quá liều càng dễ nhiễm độc gan gây hậu quả nặng nề hơn.

Báo động cả ở trẻ em

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa cho biết ông cũng gặp nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc thuốc do quá liều.

Tâm lý của người bệnh, cha mẹ có trẻ nhỏ ốm là tự mua thuốc và thấy con uống không đỡ sẽ tự ý tăng liều, tự ý đổi thuốc dù tên thuốc có khác nhau nhưng thành phần thuốc đều có chung 1 thành phần như paracetamol, nếu lạm dụng thì sẽ gây ngộ độc.

Ví dụ điển hình trường hợp bé Nguyễn Bảo M. 3 tuổi, Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội bị ngộ độc pracetamol do uống thuốc hạ sốt. Mẹ bé M. cho biết con bị sốt, chị tự mua thuốc hạ sốt cho con uống vì muốn con khỏi nhanh chị cho uống 2 tiếng 1 lần thay vì 4 tiếng như khuyến cáo.

Ngoài cho bé uống, chị còn dùng viên hạ sốt nhét hậu môn. Kết quả, 3 ngày sau bé buôn nôn, quấy khóc, da vàng chị cho con đi cấp cứu bác sĩ cho biết cháu bị ngộ độc thuốc hạ sốt.

Ngộ độc thuốc hạ sốt gây biến chứng nặng nề, ban đầu các triệu chứng suy gan biểu hiện ngày càng nặng nề như vàng da, gan to, xuất huyết và bệnh não do gan, thậm chí có thể suy thận, bệnh cơ tim với suy tim và rối loạn nhịp tim.

Bác sĩ Dũng cho biết đối với trường hợp sử dụng paracetamol cho trẻ cần chú ý liều lượng, trung bình sử dụng 10mg đến 15mg paracetamol/1kg thể trọng của trẻ, ngày uống 3 – 4 lần, và liều tối đa cho trẻ không quá 60mg/kg/ngày.

Các bác sĩ đều khuyến cáo mọi người hãy tập thói quen uống theo theo đúng đơn bác sĩ kê, đúng liều lượng và không tự ý mua thuốc về uống nhất là những người có tiền sử bệnh lý khác có thể dẫn đến ngộ độc thuốc.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment