Đừng bỏ qua video này để hiểu rõ hơn về thế giới hỗn loạn trong mắt những đứa trẻ tự kỷ

Âm thanh của những giọt nước rơi xuống bồn rửa từ chiếc vòi ai đó không cẩn thận chưa khóa hết, tiếng chó sủa từ một căn nhà cách mấy con phố theo gió vẳng lại hay tiếng còi vội vã của chiếc xe cứu thương hối hả trên đường, với người bình thường như chúng ta thì đó không phải là mối bận tâm nhưng với những đứa trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ, các âm thanh đó lại khiến não bộ của chúng phải bận rộn.

Đừng bỏ qua video này để hiểu rõ hơn về thế giới hỗn loạn trong mắt những đứa trẻ tự kỷ - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Bệnh Tự kỷ quốc gia Vương Quốc Anh (National Autistic Society – NAS), rất nhiều người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) gặp khó khăn trong quá trình xử lý, bao gồm việc tiếp nhận và phản ứng với các thông tin thuộc về cảm giác (gọi tắt là rối loạn xử lý cảm giác – sensory sensivity) như âm thanh, ánh sáng, mùi vị. Tình trạng này còn được gọi là khó khăn trong việc tích hợp cảm giác, nó có thể gây ra ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của trẻ.

Để nhận thức rõ hơn về tình trạng này, chúng ta có thể hiểu như sau.

Có những điều mà chúng ta chẳng hề để bộ não phải nghĩ đến lần thứ 2 chẳng hạn như những ánh sáng đèn điện, những tờ giấy dán tường nhiều màu sắc, tuy nhiên với những trẻ mắc chứng rối loạn xử lý cảm giác thì những thứ tưởng chừng vô nghĩa này lại xuất hiện liên tục trong đầu và khiến bộ não của chúng luôn bận rộn.

Tiếng ồn với người bình thường là nhỏ nhưng lại có cường độ lớn và thậm chí bị méo mó đối với cơ quan tiếp nhận âm thanh của trẻ rối loạn tự kỷ, hay đơn giản như những mùi vị rất nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng mạnh và nồng nặc trong khứu giác của các em. Đó thực sự là những cảm giác vô cùng khó chịu mà ngoài những người mắc phải, hầu như không ai có thể cảm nhận được.

Đừng bỏ qua video này để hiểu rõ hơn về thế giới hỗn loạn trong mắt những đứa trẻ tự kỷ - Ảnh 2.

Hiện nay, ngày càng có nhiều trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ. Bằng chứng là theo một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Center for Disease Control) thì cứ 68 trẻ lại có 1 trẻ mắc phải chứng bệnh này. Điều này có nghĩa là, mỗi ngày, xã hội lại có nhiều hơn số người sống trong tình trạng rối loạn tự kỷ, và có nghĩa là chúng ta cần phải hiểu để chia sẻ với một phần ngày càng lớn lên của xã hội.

Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn được đưa ra trong báo cáo mới đây của NAS có tên “Too much information” cho thấy rằng hiểu biết của người bình thường về rối loạn tự kỷ là rất hạn chế. Khảo sát hơn 7000 người mắc bệnh tự kỷ cùng người thân của họ, NAS cho biết chỉ có 16% số người được hỏi có cái nhìn đúng về căn bệnh này, trong khi đó tới 87% nói rằng người khác luôn nhìn chằm chằm vào những hành vi kỳ lạ của người thân họ, và 84% cá nhân mắc tự kỷ cảm nhận được rằng người khác đang đánh giá những hành vi hay cách xử xự kỳ lạ của họ. Hơn thế, 50% số gia đình không cho phép người thân hoặc con cái mắc tự kỷ ra ngoài bởi những lo lắng về phản ứng và cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội.

Đừng bỏ qua video này để hiểu rõ hơn về thế giới hỗn loạn trong mắt những đứa trẻ tự kỷ - Ảnh 3.

Để chấm dứt sự phán xét vô cớ từ xã hội, đồng thời làm dấy lên những thông cảm, đồng cảm của những người chưa có cái nhìn đúng đắn về rối loạn tự kỷ, mới đây, NAS đã sản xuất một đoạn video với nội dung mô phỏng sự quá tải trong việc tiếp nhận và phản ứng với những thông tin thuộc về cảm giác mà trẻ em mắc chứng tự kỷ có thể trải qua.

Thế giới trong mắt đứa trẻ tự kỷ.

Mặc dù chỉ dài khoảng một phút với cách truyền tải vô cùng khó chịu với người xem nhưng đoạn video là cách tốt nhất để chúng ta có thể hiểu rõ nét nhất về “những cuộc đấu tranh ngầm” trong cuộc sống thường ngày của các em. Từ đó, có cái nhìn chia sẻ hơn và cảm thông hơn với cách hành xử cũng như những hành vi của các em.

Với tính giáo dục và nhân văn cao, đoạn video của NAS đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía cộng đồng và được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội.

“Khi mọi người nhận ra rằng người đối diện đang bị mắc tự kỷ và hiểu được những khó khăn mà người đó phải đối mặt thì họ sẽ thay đổi cách phản ứng, đồng thời có thái độ đồng cảm và chia sẻ hơn”, đó là một trong những lý do để NAS sản xuất đoạn video này.

Nguồn: Tổng hợp

Previous
Next Post »
Thanks for your comment