Catherine Yến Phạm: Ép con học chữ sớm sẽ khiến trẻ "èo uột và ngắc ngoải" khi lớn lên

Đó là quan điểm của chuyên gia nghiên cứu tâm lý giáo dục trẻ em Catherine Yến Phạm đưa ra trong một bài viết được chia sẻ mới đây về chủ đề "Học đọc như thế nào?". Là người luôn giữ vững quan điểm tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con, nên cũng giống như việc cho con học tiếng Anh sớm, chị Yến Phạm cho rằng, rất nhiều bố mẹ hiện nay vì lo sợ con không bằng bạn bằng bè mà đua nhau cho con học chữ sớm. 

Chuyên gia Yến Phạm có phân tích chi tiết rằng tâm lý trẻ phù hợp với từng giai đoạn. Theo đó, chị cho rằng ở độ tuổi 4 - 5 tuổi, trẻ nên được bố mẹ giới thiệu và cho chơi với các con chữ. "Con chỉ cần biết đọc và biết đọc thành thạo vào năm lớp 3", "khoảng 9 tuổi trở đi, chúng ta cho các em bắt đầu viết thực sự". Không cần ép con học chữ sớm xong điều quan trọng là bố mẹ phải khơi dậy hứng thú học và đọc cho trẻ dần dần từ nhỏ, để đến 10 tuổi trở lên, trẻ sẽ chủ động học tập mà không cảm thấy áp lực với việc học hành.

Chúng tôi xin được trích đăng lại bài viết của chuyên gia tâm lý Yến Phạm xung quanh vấn đề học chữ ở trẻ:

Mấy hôm nay có nhiều phụ huynh hỏi tôi về việc lúc nào cho con học chữ và học chữ như thế nào? Nhiều mẹ lo lắng nếu không học chữ trước thì đến khi đi học lớp 1 con sẽ ra sao?

Tất cả những nhà khoa học thực sự trên thế giới đều đúc kết một điều rằng trẻ em chỉ sẵn sàng cho việc học đọc vào năm 6 tuổi. Vậy việc học đọc và viết cụ thể được áp dụng cho trẻ cụ thể như thế nào?

Từ 4 đến 5 tuổi: trẻ HỌC ĐỂ ĐỌC

Nhận biết: Đây là giai đoạn trẻ sẽ được bố mẹ và các cô giáo cho biết rằng, đây là chữ viết, chữ viết là thứ để con giao tiếp với người khác khi không thể nói chuyện với người đó. Lúc này trẻ học cách tiếp cận chữ viết là gì bằng cách cùng đọc truyện với ba mẹ (không cần biết đọc nhé), chỉ cần trẻ nhớ được nội dung câu chuyện thôi. Có trẻ rất thông minh về ngôn ngữ con có thể mở trang sách nhìn ảnh mà đọc làu làu từng chữ, đó là con có trí nhớ tốt nhưng bố mẹ đừng thấy như thế rồi bắt ép con học chữ ngay nhé. Hãy để con phát triển tự nhiên.

Chơi với chữ: khi con nhận biết chữ rồi, bố mẹ, thầy cô có thể cho con chơi với chữ bằng cách nặn chữ bằng đất sét, cắt trên giấy hay xé lá khô, hoặc sáng tạo trên cát… 

Có một trò chơi rất vui vẻ, đó là con viết các chữ lại với nhau rồi mẹ hoặc cô sẽ đọc, từ đó dạy con thế nào là chữ ghép mà đọc được, thế nào là ghép mà không đọc được, dạy con về nguyên âm và phụ âm. Nhớ là con CHƠI với chữ, SÁNG TẠO với chữ và HIỂU QUY LUẬT NGÔN NGỮ chứ không HỌC và tập đánh vần nhé! Đọc thơ là cách tốt nhất để trẻ hiểu quy luật về vần.

Học chữ

Học chữ

Khi con nhận biết chữ rồi, bố mẹ, thầy cô có thể cho con chơi với chữ bằng cách nặn chữ bằng đất sét, cắt trên giấy hay xé lá khô, hoặc sáng tạo trên cát… 


Dạy con đánh vần và học quá sớm chỉ làm tâm lý con sợ và không hứng thú học tập nữa, lúc đó chữ nghĩa đối với con là áp lực, y như việc bạn nhồi con ăn vậy!
Khi vào lớp 1 có thể con biết đọc, nhưng con sẽ có tâm lý sợ học, chán học. Dù có vượt qua tâm lý đó, có thấy mình… trên chúng bạn, thì con lại sinh ra tâm lý mình giỏi, mình chả cần học lại mấy thứ này để làm gì, và rồi con trượt dài luôn.

Thống kê cho thấy, trẻ biết đọc sớm không phải là trẻ học giỏi và sau này càng không phải là trẻ biết vượt qua áp lực để học tốt!

Từ 6 đến 10 tuổi: Trẻ chỉ cần biết đọc thành thạo vào năm lớp 3

Bạn sẽ thấy một điều, nếu như bạn giới thiệu và chơi với con đúng và hấp dẫn, trẻ sẽ cực kỳ hứng thú với chữ viết, con sẽ HỌC ĐỂ ĐỌC.

Ở lớp 1 khi con học hiểu thế nào là vần thông qua giờ đọc thơ của cô, các cô tạo môi trường chữ viết cho con thông qua việc kích thích con tự viết và tự tìm hiểu xem con đã viết gì, chữ đó viết thế nào. Con có thể nhớ mặt chữ bằng cách sáng tạo ra nhiều chữ qua việc làm chữ bằng mọi thứ, bây giờ sẽ ghép lại để viết những gì con thích, con quan sát xung quanh. 

Ví dụ con thấy bên ngoài tên trường, tên con, tên bố mẹ, tên các bạn, rồi con thấy xe cộ, ánh nắng, cô có thể gợi ý cho con bằng cách viết từng từ đó ra, để con biết những từ này, sau đó cùng nhau xây dựng một câu chuyện thông qua những từ như: bạn, ánh nắng, mẹ Nga, cô giáo, xe hơi… từ đó kích thích con có thể sáng tạo câu chuyện từ việc kết nối những gì thân thương nhất như tên mọi, kể câu chuyện của con thông qua hình ảnh đó, kể xong cùng cô viết lại… Rồi con học đọc ngay trên tác phẩm của mình. 

Con chỉ cần biết đọc và biết đọc thành thạo vào năm lớp 3, vậy là được, và phải đam mê đọc để đến được giai đoạn sau, đó là: ĐỌC ĐỂ HỌC.

Học chữ

Con chỉ cần biết đọc và biết đọc thành thạo vào năm lớp 3.

10 tuổi trở lên: Trẻ phải chủ động học tập

Từ 10 tuổi là tuổi bắt buộc đứa trẻ phải học thông qua việc chủ động học tập. Là tuổi con đã tìm thấy sự yêu thích của chính mình về một đế tài hay một môn học nào đó. Trước đó bố mẹ sẽ phải khuyến khích con đọc bằng cách mua thật nhiều sách hoặc mượn thư viện hay bạn bè nếu gia đình không có điều kiện, hay tìm một nơi con có thể thấy rất nhiều sách cho con tìm cái mình thích mà đọc. Nếu phụ huynh có thể, hãy cho con ăn ít thôi, chơi đồ chơi ít thôi, để tiền mua sách cho con, tạo một tủ sách thực sự cho con, ngoại trừ việc cho con tìm hiểu và đọc cái con thích, xin mua thêm nhiều thể loại khác nhau để trong nhà để con cùng mình khai mở những thứ mà chính bản thân con còn chưa biết là gì. Một khi trẻ em tiếp cận với tri thức nhân loại, nhất là văn học, khoa học, lịch sử và triết học, các em sẽ tự tìm ra chính mình, tự thích thú dần dần với những gì em được tiếp cận, được, kích thích và hướng dẫn từ cha mẹ!

Sách là một nguồn tài liệu vô cùng quý giá đối với các em!

Để rồi sau đó khi các em biết viết, khoảng 9 tuổi trở đi, chúng ta cho các em bắt đầu viết thực sự, thể hiện mình thực sự qua cách hướng dẫn các em viết văn sáng tạo. 

Việc học của con còn phải làm dài dài, từ lúc con 4 - 5 tuổi đến khi con lớn 14 - 15 tuổi, chỉ có đọc và viết thôi. Trọn vẹn con đường đó không thể một sớm một chiều được và cái gì ép nó chín sớm quá nó sẽ chỉ èo uột và ngắc ngoải khi lớn lên thôi. 

Cho con trưởng thành đúng với tuổi của con, đúng với sự phát triển cá nhân của con, bạn nên nhớ một điều nữa rằng, không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào cả. Có đứa học sớm hơn, có đứa biết đọc muộn hơn bạn nhé!

Cuối cùng, nếu bạn hiểu rồi mà vẫn chưa vượt qua được rào cản của sự sợ hãi con sẽ bị dị biệt, khác biệt, sợ người ta cười con, cô giáo ghét con, bạn nên nghĩ lại. Vì quan trọng nhất là bạn cho con hiểu rằng: con khác biệt là bình thường, khác biệt không xấu, mà không biết cố gắng mới tệ. Nếu bạn nói được với cô giáo rằng: xin lỗi cô, bé không được học chữ sớm biết đọc sớm vì chúng tôi hiểu con mình cần có thời gian để cố gắng và hòa nhập, mong cô cho bé cơ hội và giúp đỡ cháu. Có lẽ giáo viên sẽ hiểu. 

Học chữ

Bố mẹ sẽ phải khuyến khích con đọc bằng cách mua thật nhiều sách hoặc mượn thư viện hay bạn bè nếu gia đình không có điều kiện, hay tìm một nơi con có thể thấy rất nhiều sách cho con tìm cái mình thích mà đọc.

Thực ra, không nhà trường nào dám dạy chữ sớm trước chương trình, tâm lý học chữ sớm là tâm lý xuất phát từ nỗi sợ của phụ huynh trước một nhóm giáo viên nào đó. Họ sai, bạn sai theo họ vì bạn sợ, cả xã hội sai mà mặc nhận nó là đúng. 

Đừng sống mà làm nô lệ cho nỗi sợ của mình! Và đừng để con gánh chịu hệ quả của nỗi sợ thay mình! Tôi đã thấy những giọt nước mắt sợ đi học của trẻ bị ép học chữ sớm. Khóc không dám đến trường mẫu giáo. Thấy những đứa trẻ đọc từ 2 - 3 tuổi mà bị thui chột cảm xúc và lơ ngơ như người mất hồn. Thấy hàng loạt trẻ biết đọc rồi mà lớn cũng không sao tự học được. Thấy hàng triệu đứa trẻ không hề đọc nổi 1 quyển sách dù biết đọc. Có những trẻ biết đọc rồi, ham đọc lắm mà vẫn viết không nổi vài dòng! Nặn chữ nặn câu khó như lên trời xuống biển.

Một lần nữa, xin nhìn rộng, nhìn dài, xin đừng để con phải gánh chịu hậu quả thay mình! Đừng sợ nữa, đừng tham nữa. Chỉ cần bạn tâm an và sáng suốt thấy rõ con đường. 10 năm để học đọc và viết thông thạo, dài lắm mà cũng ngắn ngủi thay! 

Previous
Next Post »
Thanks for your comment