Với những đứa trẻ này, đi nghỉ mát, đi chơi là điều hết sức xa xỉ. Niềm vui ngây thơ của các em chỉ đơn giản là được tha thẩn vui chơi, hát hò với nhau.
Đầu hè, ven lối vào xã Tân Phú (huyện Quốc Oai) đôi vạt hoa tím chạy dọc ruộng lúa đương thì trổ hạt. Trong cái nắng vàng tươi phủ xuống những ngõ xóm đã lát bê tông ở thôn Phú Hạng, thỉnh thoảng lại có lũ trẻ đạp xe, hoặc ùa ra ríu rít gọi nhau. Những đứa trẻ nhà mẹ Hồng không nhập hội, chỉ lấp ló ngoài cổng, cười hắc hắc rồi lại chạy tọt vào nhà. Chúng là con của gia đình đông con thuộc dạng hiếm ở Hà Nội: 8 đứa cả thảy.
Hồng có 8 lần mang thai và sinh nở, có 1 bé vắn số mất sớm, còn lại 7 đứa trứng gà trứng vịt sàn sàn tuổi nhau, lớn nhất học lớp 8, nhỏ nhất cũng sắp lên 3. Những lúc không đi học, cả đám sẽ tự xoay xở bày trò chơi, cãi nhau chí chóe rồi lại làm hòa. Cuối tuần, nếu 3 đứa em họ nhà chú xuống nhập hội, nhà sẽ có 10 đứa trẻ, ồn ào nhộn nhịp không khác gì một vườn trẻ. Nhưng chúng chẳng bao giờ đánh nhau.
Nhà con đàn, lũ trẻ của Hồng vừa thuần khiết, ngây thơ kiểu trẻ em lớn lên ở nông thôn, vừa “già dặn”, biết điều, hiểu chuyện. Chúng không có điều kiện để ra giá, mặc cả bố mẹ mua đồ chơi, đi nghỉ mát hoặc những thứ “xa xỉ” khác như những đứa trẻ nhà ít con.
Hồng cất lời, chất giọng không rõ vui hay buồn, bảo, cũng may vì bọn trẻ không biết đòi hỏi và cũng chẳng nhiều ước mơ. Sinh liền 8 đứa con trong 13 năm, chỉ riêng mang bầu, sinh nở, chăm con, lo cho con ăn học cũng đã đủ vắt kiệt sức của Hồng. Thế nên người phụ nữ 31 tuổi gần như chẳng bao giờ đưa con đi chơi.
Chị bảo ngày lễ ngày nghỉ, với ngần ấy đứa trẻ, nếu cho đi chơi hết thì không đủ khả năng, mà cho 1, 2 đứa bé đi thì thương những đứa còn lại thiệt thòi, nên đành… để ở nhà hết cho xong.
Đồ chơi cũng vậy, mua cho đứa này mà đứa kia nhịn thì tội nghiệp, mà nếu mua thì bao nhiêu cho đủ. Thành thử, mang tiếng nhà có trẻ con, nhưng nhà Hồng chẳng có món đồ chơi con nít nào, trừ cái tivi mới tậu cho lũ trẻ xem Youtube, hát karaoke những khi rảnh.
Những ngày lễ mà trẻ con đứa nào cũng trông đợi, như kiểu 1/6, Trung thu, ở xã ở thôn tổ chức hoạt động tập thể nào thì bọn trẻ tham gia, còn không thì thôi. Chỉ có Tết đến, dù bọn trẻ không dám mè nheo, nhưng Hồng sẽ luôn mua cho chúng tấm áo manh quần mới cho phấn khởi.
Đúng như trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, người ta hay tếu táo “con nhà nghèo thường tự biết điều”, 7 đứa con của Hồng: Dung, Duyên, Hằng, Ngọc, An, My, Hiền, mỗi đứa biết điều một kiểu. Mẹ đi làm từ khi con còn đỏ hỏn, có khi làm tăng ca, thêm công trình ngoài, rồi chạy chợ kiếm thêm, thành thử có cả bầy con nhưng không đứa nào bện hơi, quấn quýt với mẹ quá nhiều. Khi còn đỏ hỏn, bọn trẻ sẽ do bố chăm là chính. Cứng cáp một tí thì một tay chị cả nâng giấc. Lớn thêm chút nữa, tầm 2 - 3 tuổi, chúng sẽ học được cách tự trông mình.
An, thằng con trai duy nhất của gia đình đang học lớp 1. Nó biết làm toán cộng, trừ từ hồi mẫu giáo. Giờ, nó chẳng cần ai đón đưa, có cái xe đạp con con, cứ thế đi học hoặc đi chơi quanh ngõ xóm. Những khi ở nhà, nó lại luyện chữ bằng cách hát karaoke, hoặc nhảy nhót làm vui cho đám chị em.
My, mấy tháng nữa sẽ vào lớp 1. Cô nhóc xinh xắn nhất trong đám trứng gà trứng vịt và thường được người ta đến… xin về nuôi, từ hồi gia đình em bắt đầu “nổi tiếng”. Hồi đó, cô út Hiền còn đang đỏ hỏn, người lạ cứ nườm nượp đến xin bố Trường, mẹ Hồng cho con. Xin bé Hiền không được, thấy My xinh xinh, hay hay thì lại gạ cho My về nuôi. Thành ra con bé bị ám ảnh. Thấy người lạ đến chơi nhà, hỏi han chuyện em Hiền hay khen nó xinh, y như rằng My chạy biến, nép sau lưng các chị nghe ngóng.
Hồng kể, khe khẽ như sợ các con nghe thấy lại khóc: “Có người xin trứng hoặc thuê đẻ bảo sẽ bồi dưỡng tiền, rồi dỗ cho con đi đến nhà khác thì nó có cuộc sống sướng hơn… Nhưng từng đứa là từng khúc ruột mình dứt ra, là máu mủ mình ấp ủ trong lòng, đâu phải con chó con mèo mà bảo đem cho xong là dứt. Có đứa đến vì nhỡ nhàng mà chửa thật, nhưng vợ chồng mình luôn coi đàn con là món quà, khổ mấy cũng cố nuôi cho chúng ăn học”.
Cô út Hiền giờ đã gần 3 tuổi, líu lô nói chuyện, hát ca suốt ngày. Từ khi cai sữa, bé Hiền út ít chỉ bám rịt lấy chị Dung, chị đưa đón đi học, tắm táp cho, ngủ luôn cùng chị. 1 tuổi, cô bé đã tự biết xúc ăn. Giờ thì lý luận ác lắm rồi, mà theo mẹ Hồng mách là: “Các con nhà chú lớn hơn hẳn mấy tuổi, chị ta vẫn một điều xưng chị hai điều xưng chị. Đặt tên Hiền để nó lành lành tí, ai ngờ ghê gớm nhất nhà”.
Hỏi ước mơ sau này lớn lên làm gì, mấy đứa trẻ chỉ cười toe bảo không biết, chưa nghĩ đến chuyện xa xôi đó. Hỏi ngày Quốc tế thiếu nhi sắp tới muốn được tặng quà gì, hai cô chị đã hết tuổi thiếu nhi chạy biến. Còn đàn em nhỏ thì bẽn lẽn bảo, nếu có một con búp bê để mấy đứa con gái cùng chơi, hoặc mỗi đứa được mua cho một gói bim bim, cốc trà sữa, thế là tuyệt nhất rồi.
Không chỉ bé My mà Dung và Duyên, hai con lớn nhà Hồng cũng rất nhạy cảm với chuyện nhà đông con. Bị trêu ghẹo suốt, hai đứa có phần nhút nhát. Đang vo gạo, rửa rau hay quét tước, cứ thấy bóng máy ảnh là chúng vứt đấy, giấu mặt vào buồng. Mà cũng mới gần đây chúng mới có buồng riêng, là thành quả bố với chú tự tay xây, con phụ vữa, bê gạch suốt 3 tháng nghỉ dịch mà thành. Còn trước, chúng toàn nằm chen chúc với giường bố mẹ, hoặc nằm ngủ dưới đất.
Dung 15, còn Duyên đã 14, trổ mã, ra dáng thiếu nữ lắm rồi. Ở tuổi này, con nhà khác đã biết son phấn, có đứa còn có bạn trai. Còn Dung và Duyên thì đã thay mẹ quán xuyến việc nhà suốt mấy năm nay. Dung như “bà mẹ nhí” của các em, vừa đảm đương việc nhà vừa huấn luyện hai em Hằng, Ngọc rửa bát, lau nhà và chăm nom cho hai đứa nhỏ nhít, việc gì cũng đến tay.
Còn Duyên, cô bé học giỏi nhất trong đám nhóc tì có phần lém lỉnh hơn chị. Duyên thường nhận nhiệm vụ đi chợ, và với chừng 100 nghìn mẹ phát cho bữa trưa dành cho 8 - 9 người, cô bé không chỉ khéo cân đối thức ăn mà còn “ranh mãnh” thi thoảng bớt chút đỉnh để mua quà bánh cho em. Tiền ăn sáng, tiền mừng tuổi mọi người cho, tiền học bổng cấp huyện năm ngoái được thưởng, Duyên thường không tiêu mà gom lại thành tấm thành món rồi đem gửi bà nội, dặn bà đem gửi ngân hàng “để sau con có vốn”.
Ước mơ của hai cô chị lớn cũng rất giản đơn, là bố mẹ lo cho học được đến hết cấp 3, rồi sau đó xoay tiền để chúng đi xuất khẩu lao động, kiếm tiền nuôi thân, nuôi em. Duyên, dù học giỏi nổi tiếng trong xã, trong huyện, nhưng cũng không dám nghĩ đến việc thi Đại học, vì biết sau lưng mình là cả đàn em nhỏ. Còn Dung, đi học về là tỉ mẩn làm việc nhà, chăm sóc lũ em, rảnh là lại học tiếng Anh trên mạng “để sau đi nước ngoài cho dễ”.
Với Hồng, điều trăn trở lớn nhất của chị cũng rất thực tế. Không phải là tương lai của lũ trẻ, không phải con sẽ làm nghề gì, có cơ hội phát triển bản thân ra sao, chị chỉ sợ các con mình bị tổn thương bởi những lời gièm pha ngoài xã hội. Người chòng ghẹo vợ chồng chị, lôi chuyện tế nhị ra giễu cợt cũng có, mà xỉa xói vào mặt, rồi ép bỏ thai cũng có, Hồng chẳng động lòng. Nhưng cứ động đến đàn con là chị xù hết lông lên. Hồng sợ nhất ai quở chúng, thương xót kiểu “nhà đông con nheo nhóc”, “vào nhà khác chắc được ăn trắng mặc trơn, không đói khổ thế này”, nên chị gồng gánh mọi bề, không để con khổ quá.
31 tuổi, 8 mặt con, sống có chết có, Hồng vẫn yêu đàn con của mình, từng đứa một, theo cách riêng của chị. Hỏi đến giờ đã có cách tránh thai chưa, chị chỉ cười cười, thẽ thọt bảo: “Thì sau cu An, em cũng vẫn uống thuốc, tính ngày ấy chứ, dưng mà…”. Nói rồi, Hồng ngước mắt nhìn ra góc bếp đương xây dang dở, xa xa là vườn hồng bì đang bói quả, xanh như những ước mơ trong veo của lũ trẻ nhà Hồng.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon