Với nam giới, vì những đặc điểm tâm sinh lý, vì lòng tự trọng mà đôi khi khó đối mặt với vấn đề vô sinh hiếm muộn. Để các cặp vợ chồng có thể hiểu thêm cũng như có kế hoạch khám hiếm muộn sớm, từ đó có hướng điều trị thích hợp, bác sĩ Cường đã "điểm mặt" những nguyên nhân, triệu chứng của vô sinh nam.
Những nguyên nhân gây vô sinh nam
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh ở nam giới. Ở đây, có thể liệt kê ba nhóm nguyên nhân chính:
1. Nguyên nhân bệnh lý
- Giãn tĩnh mạch tinh: Là hiện tượng giãn bất thường của tĩnh mạch tinh và đám rối tĩnh mạch tinh. Đây là một trong các nguyên nhân thường gặp nhất của vô sinh nam.
- Ẩn tinh hoàn.
- Bất thường về nhiễm sắc thể: một số hội chứng di truyền như hội chứng Klinefelter, Kallmann, Kartagener… gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới.
- Tắc nghẽn đường dẫn tinh: có thể do bẩm sinh như bất sản ống dẫn tinh hoặc mắc phải do viêm nhiễm, chấn thương trước đây.
- Nhiễm trùng: viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai có thể ảnh hưởng đến đường dẫn tinh gây vô sinh nam.
- Rối loạn xuất tinh: xuất tinh ngược dòng hoặc mất khả năng xuất tinh do một số bệnh lý hoặc sau chấn thương cột sống.
- Kháng thể kháng tinh trùng: là các tế bào hệ thống miễn dịch xác định nhầm tinh trùng là yếu tố ngoại lai có hại và cố gắng loại bỏ chúng.
- Bệnh lý ung thư và khối u: một số khối u ở các tuyến tiết ra hormone liên quan đến sinh sản, chẳng hạn như tuyến yên, tinh hoàn có thể gây ra tình trạng vô sinh. Trong một số trường hợp, phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị để điều trị khối u có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
- Mất cân bằng nội tiết tố.
- Vấn đề với quan hệ tình dục: bao gồm rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, giao hợp đau, bất thường về mặt giải phẫu như lỗ tiểu lệch thấp, hẹp bao quy đầu.
- Một số loại thuốc: liệu pháp thay thế testosterone, sử dụng steroid đồng vận kéo dài, thuốc điều trị ung thư (hóa trị liệu), một số loại thuốc chống nấm… có thể làm giảm sản xuất tinh trùng và giảm khả năng sinh sản của nam giới. Môi trường làm việc, sinh hoạt có nhiệt độ cao. Độc tố và hóa chất như benzenes, toluene, xylene, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, dung môi hữu cơ... Bức xạ hoặc tia X…
2. Nguyên nhân môi trường
Tiếp xúc quá nhiều với các yếu tố môi trường bất lợi, có thể làm giảm sản xuất hoặc chức năng của tinh trùng:
Môi trường làm việc, sinh hoạt có nhiệt độ cao. Độc tố và hóa chất như benzenes, toluene, xylene, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, dung môi hữu cơ... Bức xạ hoặc tia X…
3. Nguyên nhân về lối sống, thói quen sinh hoạt
Việc sử dụng chất kích thích (ma tuý), lạm dụng rượu bia, thuốc lá có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Ngoài ra, thường xuyên stress, tâm trạng lo âu, phiền muộn; thể trạng thừa cân, béo phì cũng ảnh hưởng nhất định đến chức năng sinh sản của nam giới.
Dấu hiệu nhận biết vô sinh ở nam giới
Bác sĩ Cường cho biết mặc dù hầu hết nam giới bị vô sinh không nhận thấy các triệu chứng khác ngoài việc không thể có con tự nhiên với người bạn đời nhưng vẫn có một số dấu hiệu và triệu chứng liên quan mang tính chất "cảnh báo" để có thể đi khám sớm.
Trong đó, dấu hiệu đáng lưu ý nhất là căn cứ vào những bất thường ở tinh hoàn như đau, sưng tinh hoàn, có khối bất thường vùng bìu... Ngoài ra, nam giới nếu gặp vấn đề về chức năng tình dục như khó xuất tinh, tinh dịch ít, giảm ham muốn tình dục hoặc khó duy trì sự cương cứng (rối loạn cương dương)... cũng có thể là dấu hiệu của vô sinh.
Bên cạnh đó, màu sắc, mùi của tinh dịch cũng phản ánh chất lượng của "tinh binh" hoặc tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý.
Nếu tinh dịch có mùi bất thường như hôi tanh hoặc rất nặng mùi thì có thể đó là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh lây qua đường tình dục. Trong trường hợp tinh dịch có mùi ngọt đậm có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, nếu thấy tinh dịch có màu vàng đậm hoặc màu xanh lá, rất có thể là dấu hiệu của viêm tuyến tiền liệt hoặc do chế độ ăn nhiều hành tỏi, uống nhiều rượu, sử dụng cần sa…
Ngoài ra, trạng thái đặc, loãng... của tinh dịch cũng "chỉ điểm" nhiều vấn đề đáng lưu ý. Cụ thể:
- Tinh dịch loãng như nước vo gạo, lượng tinh dịch mỗi lần xuất tinh ít có thể là dấu hiệu gợi ý tình trạng giảm số lượng, chất lượng tinh trùng. Ở nam giới, bình thường mỗi lần xuất tinh, thể tích tinh dịch phải từ 1,5 – 2ml.
- Tinh dịch vón cục: Xuất hiện những hạt trắng nhỏ như hạt gạo, khi bóp thấy mịn như bột. Tình trạng này ảnh hưởng đến độ nhớt của tinh dịch, khiến tinh trùng dễ bị chết và khó di chuyển.
- Tinh dịch bị đặc: Ở nhiệt độ 37 độ C, tinh dịch từ trạng thái sệt, quánh sẽ hóa lỏng sau khoảng thời gian chưa tới 1 giờ. Nếu tình trạng hóa lỏng không diễn ra hoặc chỉ hóa lỏng một phần là dấu hiệu cho thấy tinh dịch bị đông đặc, tình trạng này khiến tinh trùng khó di chuyển đến gặp trứng, gây ảnh hưởng đến kết quả thụ thai.
Bên cạnh những dấu hiệu trên, những thay đổi bất thường ở cơ thể nam giới như mất khả năng ngửi, tăng trưởng tuyến vú bất thường, giảm hoặc rụng lông cơ thể, có các dấu hiệu của các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể hoặc nội tiết tố… cũng cảnh báo nguy cơ hiếm muộn ở nam giới.
Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các trường hợp vô sinh nam tới điều trị, khởi phát từ những dấu hiệu trên. Bác sĩ Cường cho hay, hiện có nhiều kỹ thuật có thể giúp nam giới có thể thực hiện chức năng sinh sản, thậm chí, nam giới vô tinh vẫn có thể có con bằng chính tinh trùng của mình nhờ kỹ thuật mổ vi phẫu MicroTESE, tức vi phẫu tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn. Kỹ thuật này đã được áp dụng thành công thời gian qua tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội với tỷ lệ tìm thấy tinh trùng rất cao, ít tổn thương mô tinh hoàn, ít biến chứng. Đây là kỹ thuật dùng để điều trị nhóm không có tinh trùng, kể cả khi tinh hoàn bị teo hay tổn thương nặng do biến chứng của quai bị.
Bác sĩ cũng cho biết thêm, thời điểm hiện tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận các hồ sơ xét duyệt chương trình "Miễn phí 20 ca Mổ vi phẫu tìm tinh trùng Micro TESE" với các điều kiện: Chồng vô tinh không bế tắc có chỉ định phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm; Người vợ không quá 38 tuổi; Ưu tiên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Theo bác sĩ Cường, ngoài yếu tố tâm lý, sở dĩ nhiều nam giới ngại ngùng và cảm thấy bất tiện là nhiều bệnh viện sản phụ khoa không có trung tâm nam khoa chuyên biệt nên họ phải đến các trung tâm khác để điều trị, sau đó lại trở lại bệnh viện sản phụ khoa để phối hợp điều trị với vợ. Riêng ở những bệnh viện kết hợp điều trị cho cả nam và nữ như Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thì việc tiếp nhận điều trị cùng lúc cho cả 2 vợ chồng thuận tiện hơn rất nhiều. Các cặp đôi cũng thoải mái và hợp tác với bác sĩ tốt hơn, từ đó kết quả điều trị cũng sẽ tốt hơn.
"Ngoài ra, sự sẻ chia, cảm thông giữa hai vợ chồng, người thân cũng rất quan trọng. Vì áp lực tâm lý, sự buồn tủi, xấu hổ có thể khiến hành trình chữa hiếm muộn càng khó khăn hơn." – bác sĩ Cường nói thêm.
Bác sĩ Cường chia sẻ, dù nam hay nữ giới nếu xảy ra tình trạng sau 1 năm kết hôn (6 tháng với phụ nữ trên 35 tuổi), quan hệ tình dục thường xuyên mà không sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng người vợ vẫn không thể có thai tự nhiên thì nên khám hiếm muộn ngay.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon