Không chỉ là sự âu yếm, biết được lợi ích to lớn này, bố mẹ sẽ càng muốn chạm vào con thường xuyên hơn

Trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên quy mô toàn cầu, làm thế nào để chúng ta đảm bảo được rằng chúng ta vẫn đang chăm sóc và quan tâm đến trẻ tốt nhất khi lại được khuyến cáo là nên giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc gần?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những tiếp xúc và âu yếm của mẹ trong thời gian này lại cần thiết hơn bao giờ hết đối với trẻ. Thậm chí khi một người mẹ bị dương tính với virus như COVID-19, WHO vẫn khuyến nghị là các mẹ vẫn tiếp tục cho con bú, gắn kết với con và ở cùng phòng, nhưng tất nhiên là phải có những biện pháp đề phòng thích hợp. Lý do là bởi những tiếp xúc của người mẹ đối với con mang lại rất nhiều lợi ích lâu dài.

Thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, mẹ có nên tiếp xúc và chạm vào bé nhiều không? - Ảnh 1.

Những tiếp xúc của người mẹ đối với con mang lại rất nhiều lợi ích lâu dài.

Giúp xoa dịu và chữa lành khi trẻ đang bị ốm

Một nghiên cứu được thực hiện tại Sao Paulo, Brazil đã chỉ ra rằng những trẻ bị suy hô hấp và các bệnh khác cho thấy sự cải thiện trong các triệu chứng quan trọng sau khi được tiếp xúc với phương pháp xúc giác trị liệu (therapeutic touch). Những trẻ này không chỉ có thể cảm thấy thư giãn hơn sau khi được chạm nhẹ, mà những cơn đau cũng được giảm đáng kể.

Đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ

Trải nghiệm đầu tiên về thế giới của một đứa trẻ để lại những ảnh hưởng cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy giáo dục và sức khỏe của trẻ em có tên The Urban Child Institute cho biết những cử chỉ chạm nhẹ nhàng của mẹ trong những tuần đầu đời giúp hỗ trợ phát triển các khả năng thể chất, ngôn ngữ và kỹ năng nhận thức.

Thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, mẹ có nên tiếp xúc và chạm vào bé nhiều không? - Ảnh 2.

Ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt tinh thần của trẻ cho đến khi trưởng thành

Một nghiên cứu kéo dài 20 năm dõi theo cuộc sống của những đứa trẻ sinh non và thiếu cân cho biết những đứa trẻ được chăm sóc theo kiểu chuột túi (kangaroo care) hay còn được biết đến rộng rãi hơn với cái tên phương pháp da tiếp da đều trưởng thành với tinh thần và cảm xúc ổn định. Trong khi đó, những đứa trẻ bị chia cắt khỏi mẹ và nằm trong lồng kính trong những tuần đầu cho thấy những dấu hiệu kiểm soát cảm xúc kém. Khi đã thành người lớn, quan sát cũng thể hiện rằng những người này có hệ miễn dịch yếu hơn và dễ bị căng thẳng và áp lực.

Thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, mẹ có nên tiếp xúc và chạm vào bé nhiều không? - Ảnh 3.

Hãy nhớ rửa tay sạch trước và sau khi chạm vào bé.

Những lợi ích nói trên chứng minh rằng sự tiếp xúc, âu yếm và chạm của mẹ là vô cùng quan trọng đối với trẻ, thậm chí cả khi chúng ta phải đối mặt với những nguy cơ virus không nhìn thấy được. Nếu bạn vẫn ngại ôm hoặc bế con vì lo sợ lây truyền vi khuẩn, virus, hãy làm theo những lời khuyên của WHO để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho con mình:

- Nhớ thực hiện vệ sinh hô hấp đúng cách.
- Đeo khẩu trang bất cứ khi nào cần thiết.
- Rửa tay sạch trước và sau khi chạm vào bé.
- Thường xuyên khử trùng, khử khuẩn các loại bề mặt trong nhà.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment