Môi trường công sở cũng giống như cuộc đời, dù cho bạn có tài giỏi hay may mắn đến cỡ nào cũng sẽ có lúc gặp chuyện trắc trở. Thuận buồm xuôi gió trong công sở à? Quên đi nhé! Và những khoảnh khắc "bi kịch" nhất trong cả một đời gắn bó làm việc với công ty chính là khi bạn làm sếp nổi giận, tốc hỏa mắng cho một trận ra trò ngay giữa văn phòng hoặc trong cuộc họp có đầy đủ những con người đang chực chờ hạ bệ. Chỉ cần bạn phản ứng sai một tí thôi thì coi như mất trắng.
Vậy làm cách nào cho đúng? Để giải đáp cho câu hỏi này xin mời mọi người tham khảo 5 bước ứng xử thông minh của dân công sở Nhật trong tình huống sếp hóa Hỏa Diệm Sơn dưới đây.
1. Xin lỗi ngay và luôn
"Xin lỗi" có lẽ là một trong những động từ thường thấy nhất và hay được người Nhật sử dụng nhất trong cuộc sống thường ngày. Người Nhật cho rằng không có thứ gì xoa dịu tốt hơn lời xin lỗi đối với một người đang nóng giận. Dù đúng hay sai, xin lỗi trước để giảm thiểu thiệt hại cái đã rồi mới tính sau. Trong môi trường công sở thì càng phải dùng từ này thường xuyên, đặc biệt là khi sếp cáu giận.
Khi giận dữ vì một vấn đề gì đó từ nhân viên của mình, lời mà sếp muốn nghe nhất chính là lời xin lỗi.
Sếp là người nắm quyền sinh sát, có nóng giận một cách vô lý (theo mình nghĩ) thì cố gắng đôi co chẳng có lợi ích gì, lắm lúc còn chuốc thiệt về thân.
Nhớ nhé, khoan hẵng trình bày, cứ xin lỗi đi đã. Tuy nhiên, cũng đừng quên việc xin lỗi chỉ là cách tạm thời, hạ được một phần hỏa nhỏ của sếp thôi. Kế đến phải nhanh chóng làm tới cách thứ 2.
2. Lắng nghe lý do sếp giận dữ bằng cả chân tâm
Sau lời xin lỗi, nhiều người sẽ có xu hướng bắt đầu trình bày, kể khó, kể khổ bảo vệ bản thân. Nhưng đây thực sự là một điều tối kỵ, có thể phá hỏng những hiệu quả của lời xin lỗi vừa nói ban đầu. Rất có thể, mọi lời giải thích với sếp lúc này đều chỉ là sai, thậm chí sếp còn cho rằng nhân viên của mình là một người ngoan cố. Thế nên, tốt nhất là im lặng. Im để nghe sếp nói. Im để thể hiện mình là một con người biết lắng nghe. Dù có hơi chói tai nhưng phải ráng, dùng cả chân tâm mà cố gắng. Biết đâu nhận hết cơn thịnh nộ này rồi chân trời bình an sẽ tới.
3. Thời điểm trình bày đây rồi
Đây có lẽ là thời điểm mà nhiều người trót dại làm sếp giận dữ mong chờ nhất. Cả một lúc như ngồi trên lò lửa thật sự không dễ chịu đúng không nào? Ấy thế, trước khi bắt đầu vào phần trình bày của mình, quan sát sếp trước cái đã.
Khi cảm thấy sếp đã hạ hỏa, gương mặt sếp thả lỏng, đôi tay không còn nắm chặt thì mới dịu dàng giành "diễn đàn", nhớ là dịu dàng thôi, đừng có nhảy xộc ra như kiểu: "Này sếp nói nãy giờ hơi nhiều rồi đấy, tới lượt em". Xong rồi bắt đầu sẻ chia với những ngôn từ hết sức bình tĩnh và khôn ngoan, tránh việc chọc cho núi lửa lại bùng lên một lần nữa.
Nhưng thế nào mới là khôn ngoan? Tất nhiên là hiểu rõ vấn đề và biết được lý do làm sếp giận dữ. Nếu mình không sai, nhẹ nhàng giải thích cho sếp hiểu, đồng thời vẫn cứ xin lỗi vì đã làm sếp hiểu lầm. Còn nếu sai, nhanh chóng thừa nhận lỗi, đưa ra các lý do phù hợp cho lỗi lầm. Không có những lý do ấy thì hãy tự hạ thấp bản thân, chia sẻ do mình chủ quan, non kém nên đã dẫn đến sự việc đáng tiếc. Và nếu không bị mắng oan hãy đi tiếp bước 4, 5.
4. Đưa ra biện pháp khắc phục, cùng lời hứa không tái phạm
Sau khi thừa nhận lỗi, hãy chủ động xin ý kiến của sếp, xem sếp có giải pháp nào để giúp bạn sửa chữa lỗi lầm và cải thiện tình hình hay không. Thường thì đang trong cơn cáu giận, sếp gần như chẳng nghĩ được gì đâu, huống hồ là cho nhân viên vừa làm mình "phát điên". Khi sếp bày tỏ thái độ "bó tay" trước tình hình thì bạn hãy nhanh chóng đưa ra giải pháp của bản thân. Đây là một cách "lấy công chuộc tội" hóa dữ thành lành cực kỳ hiệu quả đấy nhé. Nhưng vẫn phải chú ý, giải pháp đưa ra phải hợp lý, phù hợp và bạn có thể thực hiện được chứ đừng có nói suông rồi lần sau… À không có lần sau luôn đấy chứ!
Tiếp đó, một lời hứa chắc nịch không tái phạm lần nữa cũng sẽ ghi điểm trong mắt sếp, giúp bạn thoát thân trong tình huống ngặt nghèo nhất trong đời sống công sở lắm gian nan trắc trở.
5. Cẩn trọng trong những ngày tiếp theo, vượt qua thử thách ngầm
Rời khỏi cuộc căng thẳng với "tính mạng được bảo toàn" nhưng khoan vội mừng. Bởi sau lời hứa hẹn không tái phạm và giải pháp mà bạn chủ động đưa ra kia, sếp vẫn sẽ âm thầm quan sát bạn trong nhiều ngày tiếp theo đấy. Đây là một thử thách ngầm mà bạn cần phải vượt qua. Khi và chỉ khi vượt qua được nó bạn mới thật sự có những tháng ngày bình bình an an. Còn không, đừng hòng mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty.
Tất nhiên, làm việc môi trường công sở mà thi thoảng cảm nhận được một ánh mắt đầy sát khí với thái độ dò xét nhìn mình thật chẳng dễ chịu chút nào, thôi thì chẳng còn cách nào khác ngoài cố gắng và cẩn trọng.
Hãy thể hiện cho sếp thấy sau lần bị mắng tả tơi ấy, mình đã có thái độ nghiêm túc trong công việc, siêng năng chăm chỉ hơn và cải thiện được các nhược điểm của bản thân.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon