Nhà chồng tôi có 2 anh em trai. Chồng tôi là con trưởng, khi chúng tôi cưới nhau thì chú út vẫn còn đang đi học năm thứ hai đại học. Hai anh em yêu thương nhau lắm. Tôi cũng quý chú út, coi như em trai ruột của mình mà đối xử. Chú út cũng rất biết điều, chúng tôi cho em tiền đóng học và tiền ăn uống, mỗi khi về em lại mua chút đồ chơi gì đó cho con tôi hoặc mua cho anh trai hộp thuốc bổ.
Mọi chuyện đều em đẹp cho tới khi em chồng tôi lấy vợ, rồi mẹ chồng tôi qua đời. Bố chồng tôi vẫn rất minh mẫn, nhưng ông sợ sau ông già rồi lú lẫn nên quyết định chia tài sản cho các con trước.
Mảnh đất của nhà hơn 400m2 được chia đôi bằng nhau, lấy cây mít ông nội trồng từ nhỏ làm mốc, hai nhà bằng nhau. Chồng tôi là con trưởng, chịu trách nhiệm chăm sóc ông đến cuối đời và thờ tổ tiên nên được phần có căn nhà khang trang đang ở (đây cũng là căn nhà vợ chồng tôi xây). Còn vợ chồng chú út, ông sẽ bán mảnh vườn (cách nhà 100m), lấy tiền đó cho chú út xây nhà ở mảnh bên kia. Tùy chú út xây to xây nhỏ, thừa thiếu tiền thì phải chịu.
Chồng tôi rất bực bội nhưng vì anh thương em trai nên im lặng đi vay thêm cho 100 triệu. (Ảnh minh họa)
Vợ chồng tôi và vợ chồng chú út đều đồng ý. Bố chồng tôi bán mảnh đất đó được 600 triệu, đưa cả cho chú út, vợ chồng tôi không động đến một đồng. Vậy nhưng em dâu luôn nghĩ bố chồng đã cho trước chúng tôi một ít. Giọng điệu của em ấy là: Chị dâu khéo mồm khéo miệng, thế nào chả dỗ ngọt được bố chồng cho vài chục triệu rồi, có khi cả trăm triệu.
Mặc dù bố chồng tôi đã đưa cả giấy tờ mua bán ra nhưng em dâu vẫn tị nạnh ra chiều không bằng lòng. Lúc vợ chồng tôi xây căn nhà đang ở, chúng tôi tính vì anh là trưởng, sau còn có công to việc nhỏ nên chúng tôi ráng vay mượn xây căn nhà 100m2, 100m2 còn lại thì làm sân. Khi đó bố mẹ chồng chỉ cho được 300 triệu, còn lại là tiền vợ chồng tôi tiết kiệm, tiền bố mẹ tôi cho, tiền chúng tôi đi mượn. Nào đâu được một cục 600 triệu như vợ chồng em dâu đâu.
Xây nhà ở quê 600 triệu là đủ. Nhưng vợ chồng em chồng cũng thích xây to, rồi cửa gỗ lim, chấn song cửa và lan can bằng sắt đặc. Căn nhà dự tính xây 3 tầng nhưng xây được 2 tầng đã hết số tiền bố chồng tôi cho. Rồi hai vợ chồng lao đi vay mượn. Đến khi xây xong nhà, còn chưa sơn được nhà, chưa mua được nội thất, mà số tiền nợ đã lên tới 600 triệu.
Hai vợ chồng em như đến bắt vạ vợ chồng tôi. Vợ chồng tôi cũng đã giúp các em 150 triệu, vì chúng tôi cũng mới trả nợ xong, tiết kiệm được từng đó. Nhưng em dâu cứ nói vợ chồng tôi giàu có mà không chịu giúp đỡ khi các em khó khăn. Chồng tôi rất bực bội nhưng vì anh thương em trai nên im lặng đi vay thêm cho 100 triệu (đứng tên anh).
Em dâu đã gọi người về đo đạc và tính cách hạ cây sấu. (Ảnh minh họa)
Nửa tháng trước, em dâu muốn mua sắm giường với tủ nên đòi bố chồng bán cây mít được trồng ngăn cách giữa mảnh đất. Cây mít này tồn tại đã mấy chục năm, gắn liền với tuổi thơ của bố chồng và chồng tôi nên hai người rất tiếc. Chú út ban đầu cũng không đồng ý, nhưng bị vợ khóc lóc nằng nặc đòi nên cũng xuôi theo. Tính ra thì cây mít nằm ở giữa, cũng không phải của nhà nào. Nhưng em dâu đòi bán với lý do: Lỡ đâu mưa bão, mít gãy cành hoặc bật gốc đổ vào hỏng nhà.
Cây mít đó bao năm nay chưa từng có vấn đề gì, kể cả gãy cành cũng không. Mỗi năm bố chồng tôi vẫn thu cả chục triệu tiền bán quả mít. Giờ em dâu cứ lấy lý do sợ cây đổ để đòi chặt bán. Vợ chồng tôi không dám cản bởi không nói trước được tương lai nó có gãy cành hay đổ do mưa bão không. Bố chồng tôi ngăn thì em dâu nói: "Thế sau mưa bão cây đổ vào nhà con, sập cả nhà, chết cả người thì bố tiếc mít hay tiếc chúng con?". Bố chồng tôi nghe thế lại ngậm ngùi không lên tiếng nữa.
Mấy hôm nay tình hình nhà tôi rất căng thẳng, em dâu đã gọi người về đo đạc và tính cách hạ cây mít. Bố chồng tôi thì cứ thở dài ngao ngán, không ăn uống gì, gầy đi trông thấy. Chồng tôi cũng tiếc. Tôi định vay thêm tiền bằng số tiền cây mít đó cho em dâu mượn, nhưng cũng sợ tiêu hết rồi em ấy lại đòi bán mít thì chẳng có ích gì. Mong mọi người cho tôi lời khuyên nên làm theo cách nào?
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon