Tôi thật sự "chán" kiểu đào tạo của trường quốc tế lắm rồi!

Tranh luận cho con học trường công hay trường tư vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" khi mỗi phụ huynh lại có hàng loạt những quan điểm và sự lựa chọn khác nhau. Là một phụ huynh có con 7 tuổi đang theo học tại một trường quốc tế ở TP.Hồ Chí Minh, anh Ninh Gia Hạnh cũng đã đưa ra quan điểm của mình từ những điều "mắt thấy tai nghe". Được biết, vợ chồng anh Hạnh cho con học trường quốc tế từ năm 3 tuổi. Anh Hạnh hài hước đùa rằng: "Con tôi trường quốc tế và bây giờ vẫn còn học không biết bao giờ mẹ cháu mới cho nghỉ để chuyển sang trường công đây".

Sở dĩ vợ anh mãi không cho con nghỉ học trường quốc tế bởi môi trường giáo dục này tồn tại vô số những chuyện "ngược đời":

Có dại mới cho con học trường quốc tế. Tôi thật sự "chán" cái kiểu đào tạo của trường quốc tế lắm rồi!

Thứ nhất: 8h30 khi đường xá thông thoáng thì xe mới đến đón đi học, tôi hỏi nhà trường sao đón muộn thì họ nói là tránh kẹt xe.

Tôi thật sự chán kiểu đào tạo của trường quốc tế lắm rồi! - Ảnh 1.

Học sinh ở trường quốc tế nơi con anh Hạnh học có rất nhiều hoạt động vui chơi (Ảnh: N.G.H).

Thứ 2: Khi lên xe và đến trường thì chúng bạn nói chuyện với nhau toàn cái thứ tiếng nước ngoài tôi chẳng hiểu gì, tôi đang lo lắng cho tiếng Việt của con tôi.

Thứ 3: Đi học trong cặp không có quyển sách quyển vở nào hết, chỉ có 1 bộ đồ để thay. Tôi hỏi nhà trường sao không có sách vở mà học hành gì. Trong khi tiền thì lấy gấp 10 lần trường bình thường bên ngoài? Nhà trường bảo là không có vì không có.

Thứ 4: 3h30 chiều xe đã đưa về nhà. Tôi lại hỏi sao về sớm thế thì họ bảo tránh kẹt xe. Ôi thôi vậy thầy cô dạy cho con những gì hả?

Tôi hỏi có bài tập về nhà không? Họ nói không. Trời ơi học cái kiểu gì thế hả trời? Trong khi con người ta học ngày sáng học chiều học ngày học đêm mà vẫn chưa hết bài tập, bố mẹ phải học phụ con nữa mới hết. Thầy cô làm tôi rảnh quá rồi đó nhé.

À thi thoảng có bài tập mà thầy cô bắt bố mẹ làm chung với con mới chấp nhận. Các thầy cô đưa những đề tài chẳng liên quan đến toán hay làm văn tập đọc gì hết, đề tài là "Cha mẹ cùng con quan sát ánh sáng và bóng tối chụp hình lại". Rồi đề tài là: Hãy cùng làm với con 3 thí nghiệm quan sát mô tả lại. Toàn những chuyện đâu đâu.

Thứ 5: Một năm thì nghỉ 4 lần mỗi lần 15 ngày, hè thì nghỉ đủ 3 tháng không thiếu 1 ngày, mỗi lần nghỉ là tôi phải thiết kế ra một kỳ du lịch đâu đó cho hết những ngày nghỉ chứ chẳng biết làm gì với những ngày đó cả.

Thật sự tôi đang lo lắng cho cái kiểu vừa học vừa chơi này.

Để giải quyết vấn đề thắc mắc của tôi, tôi lên trường vài lần để xem tình hình dạy dỗ học hành như thế nào? Đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Tôi thật sự chán kiểu đào tạo của trường quốc tế lắm rồi! - Ảnh 2.

Một ngày học ở ngôi trường quốc tế này đã ít thời gian mà chơi tới 3 lần, chơi nhiều hơn học (Ảnh: N.G.H).

Đầu tiên tôi đánh giá trường không biết bố trí nhân sự: cả trường có 10 lớp mỗi lớp chưa đến 10 em vậy là cả trường chỉ có chưa tới 100 em mà tổng giáo viên khoảng 30 chưa tính lái xe. Vậy trung bình giáo viên 3 cháu, sao mà phí phạm nhân sự như vậy chứ, hay là quản lý yếu kém? Hay là giáo viên trình độ yếu quá. Thật là chẳng biết bố trí nhân sự gì cả trong khi ngoài kia 1 cô mấy chục cháu.

Thứ 2 là không biết gia tăng lợi nhuận: Sân trường thì quá rộng đến nỗi đi bộ mỏi chân, sân cỏ thì quá lớn. Nếu đưa cho tôi thì tôi nuôi thêm mấy con bò để ăn cỏ rồi bán lấy tiền chia cho thầy cô. Sân bóng, hồ bơi, khu vui chơi thì nhiều thật là phí phạm, lẽ ra tận dụng cho thuê ngoài giờ đi chứ.

Tôi thật sự chán kiểu đào tạo của trường quốc tế lắm rồi! - Ảnh 3.

Ngôi trường quốc tế nơi con anh Hạnh học với sân trường quá rộng đến nỗi đi bộ mỏi chân (Ảnh: N.G.H).

Sân trường quá rộng họ không biết tận dụng để làm chỗ giữ xe thêm. Hoặc cho thêm mấy người bán hàng vào để ăn chia tăng doanh thu.

Nếu cơ sở vật chất như vậy tôi sẽ nghĩ ra nhiều loại phí để thu, như phí bảo trì, cơ sở vật chất, phí môi trường trồng cây.... Phụ huynh ở đây đâu thiếu tiền!

Thứ 3: Trong phòng chẳng có ghế bàn gì cả học hành chẳng ngồi ngăn nắp, thích thì nằm thích thì ngồi. Chẳng khoanh tay giơ tay phát biểu khi cho phép.

Học sinh chẳng thấy tôn ti trật tự gì cả, coi thầy cô như bạn bè. Thầy cô cũng vậy, đứng đâu là học sinh "bâu" lại chỗ đó thật là không có trên có dưới.

Nhớ có lần khi học môn viết thư nhà trường cả đám học sinh ra bưu điện thành phố mua tem thư rồi dán vào phong bì nhét vào thùng thư gửi về nhà, có phải là mất công vô ích không?

Học môn toán thì chẳng đứa nào học giống đứa nào, mỗi đứa học một kiểu kèm với sở thích. Tôi hỏi sao không không bắt chúng ngồi ngăn nắp lại rồi dạy thì ông Tây nói là mỗi đứa có một sở thích khác nhau, tuy học toán nhưng đứa thích vẽ thì phải dạy toán theo kiểu vẽ. Trời không nhẽ ông dạy toán mỗi đứa mỗi giáo án riêng. Đúng là phí công sức của thầy cô giáo quá!

Tôi thật sự chán kiểu đào tạo của trường quốc tế lắm rồi! - Ảnh 4.

Không chỉ sân bóng mà bể bơi cũng rất rộng (Ảnh: N.G.H).

Một ngày học đã ít thời gian mà chơi tới 3 lần, chơi nhiều hơn học, rồi chẳng có dạy thêm gì cả, không biết tận dụng phụ huynh gì cả!

Trong trường thì dạy đủ thứ không thiếu thứ gì: đàn, múa, hát hò linh tinh không chừa môn nào, mới có mấy tuổi đã bắt phải đàn và năng khiếu. Chán cái trường này quá rồi đó!

Thi thoảng bắt phụ huynh bỏ ra hàng triệu đồng mua vé đi xem mấy đứa học sinh trường biểu diễn vớ vẩn, mới lớp 4 lớp 5 mà đứa nào cũng đã đàn ca múa hát sành điệu thì không biết lớn lên nó ăn chơi nhảy múa thế nào nữa.

Mà cũng hay vở nhạc kịch dài tầm 60 phút mà sao cả trường biểu diễn như chuyên nghiệp vậy. Mới lớp 5 đứa nào cũng biết chơi 1 loại nhạc cụ, học sinh cứ tụ tập 5 đứa là có thể thành ban nhạc.

Tôi thật sự chán kiểu đào tạo của trường quốc tế lắm rồi! - Ảnh 5.

Mỗi học sinh thầy có một giáo án (Ảnh: N.G.H).

Đi học về cái gì cũng đòi tự làm, đôi lúc muốn tỏ ra tình cảm giúp đỡ tí thì cũng bị nói: "Bố để con tự làm!".

Tôi hỏi giáo viên ở đây dạy học kiểu gì? Họ chỉ nói sơ sơ là mỗi đứa trẻ có 1 năng khiếu, 1 cá tính khác nhau nên chúng tôi nghiên cứu riêng và đào tạo riêng cho từng đứa phát triển nhất khả năng của chúng.

Tôi nói sao các thầy cô rảnh quá vậy? Dạy chung 1 giáo án thôi, học như nhau cho tiết kiệm, ngồi ngăn nắp nhồi kiến thức vào, đứa nào học kém thì bắt đi học thêm, học sinh học không đủ thì bố mẹ học tiếp sức để có cơ hội kèm cặp, thể hiện tình yêu thương chứ có người lại bảo con học trường quốc tế là bố mẹ lười không yêu con, không dạy con.

Đôi lúc muốn con có điểm 9 điểm 10 để khoe thành tích với đám bạn nhưng khổ nỗi trường không lấy thành tích làm thước đo.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment