Những cô gái vàng làng thể thao: Trong vinh quang tự hào là tủi thân nước mắt

Một người bình thường cần khoảng 4,000 giờ trau dồi để đạt thành quả trung bình, 8,000 giờ để chạm mức khá tốt, 10,000 giờ đổ mồ hôi, sôi nước mắt để chinh phục đỉnh cao của một kỹ năng. Như vậy nếu một vận động viên nữ bỏ ra 10 tiếng tập luyện mỗi ngày, bền bỉ trong 3 năm thì chị mới có cơ may trở thành cô gái vàng làng thể thao, được ẵm trên tay chức vô địch. Ấy vậy mà suốt 3 năm hy sinh tuổi xuân gian khổ, thêm 10 năm thi đấu cống hiến hết mình, nào ai dám chắc các chị sẽ nhận về những điều xứng đáng.

1. Nếu bạn nghĩ phần thưởng là tiền?

Vậy hãy lấy ngay bóng đá ra làm ví dụ. Ở mùa V-League 2016, Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF công bố mức thưởng 3 tỷ đồng cho đội giành huy chương vàng Giải vô địch bóng đá nam. Trong khi đó, ở Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia cùng năm, phần thưởng cho quán quân chỉ chạm mốc 300 triệu đồng - bằng đúng 1/10 những gì các anh được nhận.

Trở lại câu chuyện của SEA Games 29, với phần thưởng kỷ lục 4 tỷ đồng, nhiều người cho rằng tuyển nữ Việt Nam hoàn toàn không bị “bạc đãi”. Song nếu tìm hiểu tiếp, người ta mới biết lý do của việc này là bởi VFF đã dồn 3 tỷ đồng tiền thưởng dự kiến từ tuyển nam sang cho các chị em. Và quyết định ấy mới chỉ được đưa ra khi tuyển nam chúng ta vừa thất bại ê chề.

Những cô gái vàng làng thể thao: Trong vinh quang tự hào là tủi thân nước mắt - Ảnh 1.

Từ ngân sách hạn chế cho tuyển nữ mang về vinh quang, tới phần thưởng được định đoạt vào phút chót, chặng đường tới ngôi vô địch chưa bao giờ trải hoa hồng (Nguồn: Facebook Giáo sư Văn Như Cương)

So với cánh đàn ông, các cô gái vốn chẳng có được xuất phát điểm tương đương. Trong quá trình tập luyện, các chị cũng không có đủ động lực về vật chất tương xứng. Đó là chúng ta mới chỉ nói tới bóng đá – môn thể thao vua được xem là “con cưng” trong làng vận động viên.

Những cô gái vàng làng thể thao: Trong vinh quang tự hào là tủi thân nước mắt - Ảnh 2.

Vậy ở các môn thi đấu khác như điền kinh, đua xe, đấu kiếm, hố sâu ngăn cách thu nhập mà phụ nữ chịu ảnh hưởng đầu tiên, còn có thể lớn tới mức nào? (Nguyễn Thị Thật – HCV môn đua xe đạp nữ tại SEA Games 29 - Ảnh: Hoàng Hùng)

Không hề quá lời khi khẳng định: trên đấu trường thể thao chuyên nghiệp, dù trong nước hay quốc tế, ngay từ đầu phụ nữ đã nhận phần thiệt về mình.

2. Hay phần thưởng là sự mến mộ của công chúng?

Dễ thấy, mỗi cầu thủ bóng đá nam đều có tiềm năng trở thành “miếng mồi” béo bở cho truyền thông. Sau một pha ghi bàn ở giải đấu hữu nghị, vượt xa giới hạn chuyên môn, đời tư của các anh ngay tức thì được “đá” qua đủ lĩnh vực. Lương tháng của anh năm nay đã đủ mua nhà, gương mặt anh đáng giá bao nhiêu trong hợp đồng quảng cáo, chị nhà anh đã có cháu chưa, người yêu anh khiến anh lơ là tập luyện thì phải,…

Vậy còn các nữ chiến binh của ta trên đấu trường Đông Nam Á – công chúng còn nhớ gì về họ sau ngày nâng cúp trên tay? Tưởng như 10 năm nay các chị vẫn loanh quanh với mấy câu chuyện vượt khó, vượt khổ như căn bệnh mãn tính. Ai cũng thấy và biết, nhưng ít ai đủ tâm, đủ tầm để vào cuộc “chữa trị”.

Từ bát mỳ tôm thầy trò “chống đói”, từ nỗ lực đơn độc trên sân cỏ, các chị âm thầm “chiến đấu” vì sắc áo màu cờ. Những 5 lần vô địch - lần nào cũng vỡ òa, cũng nức lòng và truyền cảm hứng. Thế nhưng, dù là 4 tỷ đồng, hay bao nhiêu phần thưởng đưa ra hình như vẫn không “mua” lấy được sự đón chào thật tâm của người hâm mộ.

Những cô gái vàng làng thể thao: Trong vinh quang tự hào là tủi thân nước mắt - Ảnh 3.

Hình ảnh của Giải vô địch quốc gia 1 năm về trước: 22 người đá với khán đài trống trơn chỉ vỏn vẹn 2 người ngồi xem (Ảnh: Internet)

Liệu ai còn nhớ chính cô gái mà mình chê “đá chẳng ra hơi” ở sân Thống Nhất ngày ấy, hôm nay mang về cúp vô địch SEA Games mà tuyển nam đã khao khát nhiều năm chưa thành?

Trong thể thao, nếu thất bại khi thi đấu là một nỗi buồn, thì sự ngoảnh mặt làm ngơ của người hâm mộ luôn là một nỗi đau thật sự.

3. Tiền bạc không hẳn, lòng mến mộ có trọn vẹn đâu, thế các chị còn lại gì sau chiến thắng?

Tất nhiên sẽ luôn là khập khiễng nếu so lối chơi thể thao của các anh với cách chơi của các chị. Đa phần các môn thể thao nữ vẫn được xem là phiên bản “bắt chước” của thể thao nam. Và bởi vì “bắt chước” nên nó sẽ không “xịn”, không hay, không kịch tính, máu lửa và không giá trị bằng “hàng thật”.

Nhưng nghịch lý chưa dừng lại ở đó. Đàn ông chơi thể thao càng giỏi, càng hay thì lại càng hấp dẫn và phong độ. Phụ nữ chơi thể thao càng giỏi, càng hay rất có thể lại thu về lắm thiệt thòi. Người ta dễ mềm lòng trước “nàng thơ” có ba vòng quyến rũ, dáng vóc mảnh khảnh, nước da trắng ngần, nhẹ nhàng uyển chuyển. Chứ mấy ai muốn chở che một cô gái mạnh mẽ như chiến binh, da sạm đi vì dãi nắng dầm mưa, quen tập tành hơn vun vén cho tổ ấm. Ít nhãn hàng chăm sóc sắc đẹp mời nữ vận động viên về làm “gương mặt thương hiệu” đơn giản vì các chị không đủ xinh đẹp, nữ tính sau vài năm lăn lộn với nghề. Nhiều bố mẹ không lấy các chị làm gương cho con gái mình vì: “Đàn bà gì tập hùng hục thế kia sau này khổ chết!”.

Những cô gái vàng làng thể thao: Trong vinh quang tự hào là tủi thân nước mắt - Ảnh 4.

Với những “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam, khoảnh khắc đeo trên cổ huy chương vàng, cầm trên tay cúp vô địch tựa như một cái “ngưỡng” (Ảnh: Internet )

Bước qua ngưỡng ấy, trở về với vai trò của người phụ nữ bình thường, hẳn các chị quá đỗi chơi vơi.

Như Chương Thị Kiều, hậu vệ vừa tròn 22 tuổi đá bóng với ước mơ vô cùng giản dị “muốn có chút ít lận lưng” vì “em không được học hành nhiều”. Còn với hậu vệ Nguyễn Thị Xuyến, khoản tiền tiết kiệm hàng tháng của chị là nguồn sống cho cả gia đình thuần nông. Ở tuổi 30, khi đã tới dốc bên kia của thể thao chuyên nghiệp, chị chẳng còn bằng cấp gì ngoài đam mê với trái bóng tròn, tương lai như vậy liệu có quá bấp bênh? Hay người Hà Nam có lẽ chẳng còn bất ngờ trước hình ảnh Nguyễn Thị Liễu – tiền vệ của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam đang ngồi bên gánh hàng rau như bất kỳ cô “gái quê” nào khác.

Những cô gái vàng làng thể thao: Trong vinh quang tự hào là tủi thân nước mắt - Ảnh 5.

Gắn bó với nghề 10 năm, Liễu tâm sự: “Bóng đá chiếm đến 80% cuộc sống của em lúc này. Dồn sức tập luyện và thi đấu là cách giải tỏa mọi nỗi âu lo”(Ảnh: Internet)

Những cô gái trẻ như Xuyến, Liễu, Kiều đến với thể thao bằng cái duyên và “sống chết” với nghề bằng niềm đam mê chưa bao giờ tắt. Ngay cả trong những giờ phút khó khăn, đau khổ nhất, các cô lại coi “nghiệp đấu” như một điểm tựa tinh thần.

Những cô gái vàng làng thể thao: Trong vinh quang tự hào là tủi thân nước mắt - Ảnh 6.

Hình như chỉ ở trên sân bóng, đường chạy, làn bơi, các chị mới rạng rỡ tỏa sáng, được là mình trọn vẹn (Dương Thúy Vi, HCV môn Wushu tại SEA Games 29 - Ảnh: Internet )

Các chị có hạnh phúc không? Có chứ! Đâu có ai thu hoạch “trái ngọt” sau nhiều năm chăm bẵm lại không hạnh phúc. Các chị có tự hào không? Tất nhiên rồi! Làm gì có ai mang vinh quang về cho nền thể thao quốc gia lại không tự hào.

Nhưng các chị có tủi thân không? Riêng điều này không ai dám chắc. Trong thành công và nước mắt mừng vui của các chị ở thời khắc này, tất cả đã đã chứa đựng mầm mống âu lo về cuộc sống ngoài thi đấu. Thanh xuân của phụ nữ - đẹp thì rực rỡ thật đấy – nhưng bền liệu sẽ được bao lâu? Đam mê theo trái bóng, đường đua đánh đổi bằng nhan sắc xinh đẹp của thời trẻ. Chiến thắng của hôm nay đánh đổi bằng sức khỏe của ngày sau. Hào quang của danh hiệu vô địch đánh đổi bằng tháng ngày kiếm tìm hạnh phúc gia đình trong mòn mỏi.

Chẳng quá lời khi nói rằng nếu phụ nữ bình thường khổ 1, thì những bóng hồng trong thể thao khổ 10. Bạc bẽo là thế mà có mấy ai bỏ nghề? Bởi vì đam mê vẫn cháy, lửa cống hiến vẫn còn, nhẫn nhục là đức tính, chịu đựng thành bản năng, và sự cô đơn trên đỉnh vinh quang hình như là điều quá quen thuộc.

Những cô gái vàng làng thể thao: Trong vinh quang tự hào là tủi thân nước mắt - Ảnh 7.

Như Facebook Long Pham ngậm ngùi viết về các chị: "Hạnh phúc dù lớn nhưng ngắn, đặt trong những hi sinh dài thì không sao bì được".

Các chị vẫn đẹp và quá giỏi, nhưng đó là cái đẹp và giỏi theo chuẩn mực riêng mà không phải người bình thường nào cũng đều khao khát. Phải chăng khi đã rời thể thao để về với nhịp sống thường nhật, một lần nữa phụ nữ lại nhận phần thua trong “trận đấu” với đời, bởi sự đánh đổi luôn luôn là quá lớn!

Chẳng phải người trong nghề, những gì chúng ta biết về các chị vẫn chỉ mãi là một góc nhỏ của hành trình thể thao lắm gian truân. Xem các chị thi đấu, đã có lúc ta quên đi yếu tố chuyên môn, thấy mình được truyền cảm hứng nhiều hơn từ nỗ lực và nghị lực phi thường của những cô gái vàng. Và chúng ta lan truyền câu chuyện về các chị với ước mong bày tỏ sự ngưỡng mộ và đồng cảm, trước là của những người yêu thể thao, sau là của những người phụ nữ.

Mấy ngày hôm nay nếu có chăm chỉ lắng nghe cộng đồng mạng, chắc chắn bạn không thể bỏ qua hình ảnh VĐV Nguyễn Thị Oanh vực người bạn thân của mình là Phạm Thị Huệ tỉnh dậy sau khi hai người chạm vạch đích đầu tiên, mang về một HCV, một HCB cho thể thao Việt Nam. Trên cuộc đua tới đỉnh vinh quang của các cô gái, người ta mừng thật, song vẫn thấy có gì vừa tủi, vừa thương, có cả sự cô đơn lẫn trong giọt nước mắt nghẹn ngào vì chiến thắng.

Những cô gái vàng làng thể thao: Trong vinh quang tự hào là tủi thân nước mắt - Ảnh 8.
Những cô gái vàng làng thể thao: Trong vinh quang tự hào là tủi thân nước mắt - Ảnh 9.

(Ảnh: Internet)

Sau tất cả, vẫn là những người phụ nữ ở bên nhau, tự cho nhau động lực chiến đấu trên chặng đường vô vàn thử thách.

Để rồi khi đơn độc nơi góc khuất sân đấu, khi lầm lũi bước ra khỏi hào quang, khi vật lộn trong cuộc mưu sinh chẳng chừa một ai dù là nhà vô địch, các chị vẫn cần lắm những yêu thương và che chở. Bình dị và giản đơn như bất kỳ người phụ nữ bình thường nào trên thế giới này.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment