Một trong những điều dễ thương nhất Sài Gòn, đó là mối giao hòa đồng đẳng của nhiều loại ẩm thực, từ thức ăn no cho tới thức ăn chơi, từ món miền Tây cho đến món miền Bắc, từ món ngoại quốc theo làn sóng trẻ về Việt Nam cho đến những món ăn lâu đời, đặc sản của một vùng quê nghèo hẻo lánh nào đó…
Bánh cuốn, món ăn thơm thảo ở xứ Bắc, từ nông thôn đến nơi thành thị có mặt ở Sài Gòn hồi nào, không ai biết câu trả lời rành rọt, nhưng chắc chắn ít nhất đã được 63 năm, theo chân những người dân Bắc tha phương vào đàng trong tìm đường mưu sinh, thuở 1954. Nhắc đến bánh cuốn, chẳng thể nào quên điểm danh quán Song Mộc, dám chắc thuộc hàng tiên phong trong công cuộc gầy dựng bức họa đồ ẩm thực Sài Thành.
Tôi còn nhớ, lần đầu đến đây vào một buổi sáng tinh mơ, ở một năm nào đó rất xa về phía trước. Sài Gòn khi ấy như thể chỉ còn chúng tôi, những thị dân luôn dậy rất sớm để ăn bữa sáng thơm thảo trước khi phố thị nhộn nhịp loài người.
Sài Gòn khi ấy như thể chỉ còn chúng tôi, những thị dân luôn dậy rất sớm để ăn bữa sáng thơm thảo trước khi phố thị nhộn nhịp loài người.
Chúng tôi lững thững giữa bầu trời sương sớm, nhỏ nhẻ nói chuyện với nhau về những tờ nhật trình đưa tin nóng hỏi sáng nay, về những mẩu tin thời tiết trên radio tối qua, hay cả về những câu chuyện giật gân xứ sở ngoại quốc...
Buổi sớm ấy, có những cao niên tản bộ tập thể dục, quơ quàng tay chân nhẹ nhàng, thấy chúng tôi xốn xang cũng ghé mắt nhìn theo hiếu kì rồi quay mặt đi như thể tránh một điều chi thiếu tế nhị. Một vài người bán vé số sớm cũng cố len vào đám đông để hy vọng bán được dăm ba tờ, kiếm vài đồng bạc lẻ rồi hòa cùng mọi người chờ mua một dĩa bánh cuốn lót dạ.
Những mâm bánh cuốn Song Mộc chỉn chu được mang ra cho thực khách.
Bên kia đường, ông già vác cây guitar điện sau một đêm lê la chơi nhạc mưu sinh, cũng chờ bình minh lên để ăn dĩa bánh, ông tiện tay chơi một bản rồi cất giọng ca nửa đục nửa trong, cứ nức nở trong sương sớm Sài Gòn.
Cuối cùng hàng bánh cuốn Song Mộc dọn ra, chúng tôi chênh chao ngồi trên ghế cóc, đồng lòng kêu mỗi người một dĩa, ăn xong thì mạnh ai nấy tính tiền ra về, như thể chưa từng quen biết.
Vậy đó, với người ở đây, quanh cái hẻm nhỏ trong khu Vườn Chuối, và cả những thị dân khác vô tình tạt vào nếm thử, Song Mộc không đơn giản chỉ là một nơi bán bánh cuốn cho những thị dân thèm vị xứ đàng ngoài, mà đây, còn là nơi lưu dấu biết bao nhiêu kỷ niệm, về những bữa sáng tinh sương rất Sài Gòn.
"Song Mộc" có nghĩa là hai cái cây dùng để dựng quán từ những ngày đầu, cách đây 63 năm.
Trở lại Song Mộc trong một lần gần đây, không phải vào những bữa sáng sớm như đã từng, mà là vào buổi trưa của một ngày Sài Gòn hơi nhạt nhòa buồn bã với những trận mưa kéo dài sáng đêm. Tôi vẫn ngồi vị trí cũ, và ý nhị kêu cho mình một dĩa bánh cuốn nóng thơm lừng với mấy miếng chả to bằng cườm tay em bé.
Cô Cao Thị Ngọc Bích Thủy, người đời thứ 2 cai quản gian bếp bánh cuốn Song Mộc sau khi mẹ chồng lui về tịnh dưỡng tuổi già cách đây tầm 30 năm.
Chẳng hiểu sao cái quán bánh cuốn lề đường, nghe nói khởi sự cách đây 63 năm lại có cái tên thơ mộng như vậy, buột miệng hỏi bâng quơ thì cô Thủy, chủ quán đáp lời: "Hồi đó, ba má chồng cô từ Bắc vô Nam lập nghiệp, ông dựng lên cái quán cho bà bán bánh cuốn. Rồi cái quán có hai cây cọc dựng lên tấm bạt che nắng che mưa nên ông mới đặt là song mộc, song mộc là hai cái cây đó. Ông khi đó làm nghề dạy chữ nên văn chương hay lắm".
Cô kể, ông vào Sài Gòn dạy học, còn bà mang cái tài khéo phụ nữ đất Bắc mở quán hàng, ngót cũng 63 năm, và hơn 30 năm nay, bà giao cơ nghiệp ấy cho cô, con dâu bà.
Cô Thủy luôn tự hào khi nhắc đến quán bánh cuốn được mẹ chồng giao lại.
Tôi trộm nghĩ, 63 năm trước, Sài Gòn đang trong công cuộc đón nhận những văn hóa ẩm thực xứ phương Tây với đầy đủ những món ăn béo ngậy tinh tế xa xỉ, chẳng hay món bánh dân dã của phương Bắc vào Sài Gòn có ai hào hứng không, rồi tự cười mình hỏi thừa, nếu không, chắc gì đến hôm nay, 63 năm sau, tôi vẫn còn được nếm?
Với nét mặt tự hào về cái nghề của do chính mẹ chồng truyền lại, cô Thủy bảo: "Mẹ chồng cô kể lại, hồi đó người Sài gòn đón nhận món này rất hết mình, chắc vì món nào ăn với nước mắm thì đều là 'người trong nhà' hết, bà bán không ngơi tay, từ sáng đến đêm không ngớt khách.
Thậm chí, thời bao cấp đó, nhà nhà khó khăn, cơm gạo, thịt cá ăn còn không có, hàng nhà cô vẫn rất đông khách. Hồi đó dĩa bánh cuốn cũng có thể coi là thước đo giàu khổ đó con. Phải nhà giàu mới dám ăn dĩa bánh cuốn ở đây chứ chẳng giỡn chơi".
"Thời bao cấp, có khi phải nhà giàu mới dám ăn dĩa bánh cuốn ở đây chứ chẳng giỡn chơi".
Nghĩ cũng phải, trong một lần hóng chuyện nào đó lâu rồi, cũng ở cái hẻm 107 Vườn Chuối, lúc ngóc mỏ chờ bánh cuốn sớm này, có một ông chú nói rằng thời bao cấp, thì dù bánh cuốn Song Mộc không xa xỉ cao cấp bằng beurre hay fromage được bán với giá trên trời ở những khu chợ cũ chuyên bán hàng đóng hộp Mỹ, nhưng cái thứ béo ngậy trong chả nhà làm, vị ấm nóng của từng lớp bánh mới tráng, thơm nức mùi gạo, cộng thêm vị cay nhè nhẹ trên đầu lưỡi của nước chấm ngòn ngọt, mằn mặn, ăn kèm với hành phi giòn tan vòm miệng luôn là món quà linh đình cho tụi nhỏ nhà khá giả hồi đó.
Hương vị của bánh cuốn Song Mộc vẫn tuyệt vời như những ngày đầu buôn bán.
Thậm chí là cả bây giờ, nghe nói hương vị nó vẫn tuyệt vời không đổi sau từng ấy năm, nếu có khác thì chỉ khác cái là có thêm rau thơm ăn kèm như giá trụng, xá lách, húng lủi và vài lá quế. Nếu bạn quen với kiểu tráng bánh mỏng và dai, nhân bánh hơi ướt ướt ăn kèm với nước mắm ngọt dịu chiều lòng người Sài Gòn, thì bạn sẽ "wow" khi ăn bánh cuốn Song Mộc, bởi nhân bánh hơi khô, đầy đủ thành phần thường thấy như thịt, củ sắn, mộc nhĩ... được xào khéo léo, hòa quyện như là ruốc, bao bên ngoài là phần vỏ bánh không mỏng không dày, không bở mà cũng không dai.
Quán bánh cuốn Song Mộc còn một điều thú vị khác là 63 năm trước, hai người chủ quán là hai người đàn bà chung chồng, theo chồng từ Bắc vào Nam lập nghiệp.
Còn một điều đặc biệt nữa của cái tên Song Mộc, đó là quán có đến hai nữ chủ nhân, là hai người vợ của ông. Cô Thủy kể, hồi đó vô Nam, ông dắt theo hai cô đào xinh đẹp, bà Ba là mẹ chồng cô Thủy và bà Hai là vợ lớn. Sau một thời gian chung sống, chẳng rõ lý do gì mà bà Hai sang nước ngoài sống, còn bà Ba ở lại, gắn bó với quán bánh cuốn cho đến khi truyền nghề cho con dâu.
Ăn bánh cuốn ở đây thì ai kêu cô Thủy mới làm, chứ không làm trước sợ mất ngon.
Sau huyền thoại ẩm thực Tàu, thì nền ẩm thực Sài Gòn còn chịu ơn lớn từ những lương dân phía Bắc vào Nam lập nghiệp bán buôn.
Thấy tôi tròn mắt ra chiều ngạc nhiên về chuyện ông cụ là thầy giáo mà lại hai vợ, cô Thủy phân bua: Ba chồng cô đẹp trai phong độ lắm đó con, mà tốt tính nữa. Tốt tính mới nhiều người theo. Giờ cô thấy nhiều người nói mấy ông già xưa nhiều vợ một nhà toàn người xấu không ra gì, cô lại nghĩ khác.
Con thử nghĩ đi, bây giờ có anh nào xấu tính, người ta nói với mấy đứa con gái trong nhà mình là thôi đừng có mê, đừng có theo, chắc chắn không ai thèm đâu. Bởi phải tốt mới nhiều người theo".
Thôi kệ những chuyện cổ xưa, bởi những người thời ấy chắc chẳng còn là mấy, mà còn, chắc cũng mong manh sương khói lắm rồi. Hai bà chủ quán bán buôn ra sao, sống với nhau hòa thuận nhường nào, chuyện chung chồng, chung giường chiếu, chung cả ước mơ thế nào, chắc chỉ người thời ấy mới biết với nhau. Nhưng nói chẳng quá lời, người Sài Gòn có lẽ phải chịu ơn ông giáo đã đưa vợ từ phương Bắc vô Nam, lập nên cái quán bánh cuốn Song Mộc này, để đời sau vẫn còn được thưởng thức.
Có thể nói, mút mùa từ thời ban trưởng Triều Châu Chợ Lớn làm nên huyền thoại mì Hai Tôm cho đến tận bây giờ, thì bức họa đồ ẩm thực Sài Gòn, ngoài chịu ơn lớn của người Tàu khu người Hoa Chợ Lớn, còn chịu ơn của những lương dân xứ Bắc, đã cùng khai khẩn làm nên một nền ẩm thực Sài Thành vô cùng đa chủng và thanh tân, như món bánh cuốn ngon tuyệt hảo, 63 năm tuổi đời này đây.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon