“Nhận vơ” bánh tặng trường Ams, tâm thư ồn ào, tuyên chiến với bánh mì vỉa hè, cùng những nghi ngờ của cộng đồng mạng về việc “chém gió” doanh thu 40 tỉ/năm… Tất cả những điều đó khiến khi nhắc đến cái tên Minh Nhật, người ta nhớ đến hình ảnh cô quán quân MasterChef xinh đẹp cùng loạt phát ngôn đậm chất showbiz tỏ rõ sự thiếu kinh nghiệm trong ứng xử thì nhiều, mà hình ảnh của một đầu bếp giỏi và nữ doanh nhân khởi nghiệp thành công một chuỗi bánh mì với 20 điểm bán & cửa hàng đồ xào tự mix thì ít.
Minh Nhật hay được nhớ đến với những phát ngôn đậm chất showbiz.
Buổi tọa đàm “Khi Phụ nữ khởi nghiệp” diễn ra vào ngày 28/07 tại BK Holdings vừa rồi với sự chia sẻ của Minh Nhật đã cho thấy một khía cạnh khác của cô cựu sinh viên đại học Ngoại Thương. Rằng dù chê gì thì chê, người ta cũng không thể phủ nhận một điều Minh Nhật là một người làm kinh doanh thành công. Và thành công ấy không chỉ đến từ danh hiệu Vua đầu bếp năm nào.
6 tháng không biết làm gì với xưng danh Vua đầu bếp cho đến khi lựa chọn bánh mì
“Lúc nhận được phần thưởng Vua đầu bếp, em có đến 6 tháng không biết làm gì với danh hiệu đó cả”. Minh Nhật chia sẻ một cách thẳng thắn. “Em chỉ biết là mình cần nghỉ ngân hàng, cần làm một cái gì đó cho mình, nhưng em loay hoay rất lâu. Cho đến khi quyết định làm bánh mì”.
“Lúc nhận được phần thưởng Vua đầu bếp, em có đến 6 tháng không biết làm gì với danh hiệu đó cả”.
Sau 2 năm kinh doanh, Minh Nhật hiện sở hữu chuỗi cửa hàng bánh mì với hơn 20 điểm bán cùng cửa hàng đồ xào tự mix đầu tiên tại Hà Nội. Danh hiệu Vua đầu bếp rõ ràng là một sự may mắn, nhưng không phải là tất cả với cô gái sinh năm 91 này.
Từng là một cô gái học chuyên Lý Ams, rồi học Ngoại Thương, đi làm ngân hàng 2 năm mới bắt đầu có ý định tham gia Vua đầu bếp, Minh Nhật tỏ ra hiểu rõ hơn ai hết rằng tất cả vốn liếng cô có trong tay khi đó chỉ là đam mê, chẳng có gì khác.
“Mỗi ngày em đi làm ngân hàng từ 8h sáng đến 6h tối, về nhà ăn uống dọn dẹp xong là bắt đầu học. Em học bài bản các lý thuyết nấu trước, bắt đầu từ từng loại thịt một, rồi đến cách kết hợp nấu món Âu, món Việt. Xong các món mặn thì em chuyển sang học làm bánh, tỉ lệ bao nhiêu, làm bánh su kem, bánh tart, bánh ga tô như thế nào, phải học hết. Vì không học thì dân ngoại đạo như em làm sao mà thi được. Em học lý thuyết từ 9h tối đến 12h đêm, rồi em chuyển sang thực hành từ 12h đêm đến 3h sáng, ròng rã suốt 2 tháng đều như vắt chanh, không bỏ buổi nào. Suốt 2 tháng bố mẹ em sáng nào cũng không cần mua đồ ăn sáng (cười)”.
Không chỉ có thể, Minh Nhật còn sẵn sàng bỏ cơ hội làm ngân hàng với lương gấp đôi chỉ để đi thi một cuộc thi mà thậm chí còn chưa biết qua được đến vòng nào, mặc cho gia đình can ngăn. Rõ ràng người ta nhận thấy sự đam mê, nỗ lực và ý chí từ cô gái này “không phải dạng vừa đâu”.
“Em thấy bánh mì ở Việt Nam thì nhiều, nhưng chưa có ai làm nó thành một thương hiệu lớn, chưa ai nâng tầm ẩm thực đường phố để có thể đưa tới các bạn bè quốc tế cả, nên em sẽ làm”. Kể từ khi có ý tưởng, Minh Nhật đã ăn bánh mì liên tục từ Bắc vào Nam ròng rã suốt mấy tháng liền, chỗ nào được đánh giá có bánh mì ngon đều phải đến ăn thử để tìm ra được công thức phù hợp nhất. “Cửa hàng đầu tiên, em set up mất 3 tháng, bán thử nghiệm không tên tuổi gì suốt 1 tháng, nhận được sự ủng hộ rồi mới bắt đầu chạy marketing & quảng cáo. Sau cửa hàng đầu tiên thì mọi thứ về sau cứ càng làm càng sáng, chi phí giảm xuống, thời gian mở cửa hàng cũng rút ngắn hơn rất nhiều”.
Quán quân Masterchef 2014 chia sẻ tại sự kiện "Khi phụ nữ khởi nghiệp".
Minh Nhật cũng chia sẻ nhiều về tầm quan trọng của quy trình và bài toán nhân sự khi làm chuỗi. Việc trực tiếp đóng vai khách hàng khó tính “săn” nhân sự từ các chuỗi cửa hàng ăn nhanh có tiếng như KFC, Loteria… để mời họ về học tập quy trình, sau đó xây dựng ra các bộ quy trình chuẩn và hệ thống từ bếp tổng cho đến cửa hàng, đến nhân sự văn phòng… rồi chú ý đến những thứ nhỏ nhặt như quy trình training 6 ngày cho nhân sự mới, 5 bước lau lò vi sóng, quy trình định lượng tuyệt đối nguyên vật liệu tại bếp tổng (bắt buộc 1 lát chả 15gr, 1 xiên bò đúng 45gr)… cũng cho thấy tầm nhìn xa và sự cầu toàn của cô gái này.
Hãy làm những thứ thị trường cần, làm những thứ mình mạnh và làm những thứ mình đam mê. Đó là những yếu tố tiên quyết giúp khởi nghiệp thành công có thể rút ra được từ câu chuyện của Vua đầu bếp Minh Nhật.
Đừng mưu cầu một sự bình đẳng tuyệt đối cho phụ nữ khi bắt tay vào kinh doanh
“Đến bây giờ mẹ em vẫn nói với em hằng ngày, rằng đừng cố gắng làm nhiều quá. Con gái thì nên ổn định, có một công việc nhàn thôi thì mới lấy chồng được (cười)” - Minh Nhật chia sẻ khi được hỏi về gia đình. “Mẹ em chỉ mong em đi làm ngân hàng 20 triệu/tháng rồi lấy chồng là bà mừng nhất, vì mình là phụ nữ”.
"Mẹ em chỉ mong em đi làm ngân hàng 20triệu/tháng rồi lấy chồng là bà mừng nhất, vì mình là phụ nữ".
Chia sẻ của Minh Nhật khiến chúng ta thấy rõ rằng, người nhà mình là những người yêu thương mình đến thế, còn không đồng tình được hoàn toàn, thì đừng nói là người ngoài. Ông bà vẫn có câu “giỏi việc nước – đảm việc nhà”, nhưng vô hình chung trong xã hội Á Đông, phần “đảm việc nhà” thì vẫn được dùng để làm thước đo đánh giá “năng lực” của một người phụ nữ nhiều hơn. Phụ nữ mạnh mẽ trong kinh doanh không được đánh giá và nhìn nhận tích cực như nam giới. Những định kiến chắc chắn ai cũng từng nghe sẽ là “phụ nữ làm nhiều để làm gì, chỉ cần làm vừa vừa thôi, còn lại để chồng lo”, “phụ nữ thì làm sao làm được cái đó” hoặc “phụ nữ giỏi quá thì dễ đánh mất hạnh phúc gia đình”…
Ngay cả đối với những gia đình ủng hộ chuyện nữ cường, những thiệt thòi của phụ nữ cũng vẫn là thật và không hề phóng đại. Thay vì được tập trung một vai cho công việc xã hội như đàn ông, họ thường phải gánh trọn vẹn công việc chăm sóc gia đình ở phía vai bên kia, khiến hai vai vừa đầy vừa nặng.
Phụ nữ khởi nghiệp phải làm tròn hai vai: cả công việc và gia đình.
Tạp chí kinh tế danh tiếng Havard Bussines Review đã chỉ ra, ngay trong đánh giá của các nhà đầu tư, trong các cuộc pitching để gọi vốn, nam giới thường nhận được những câu hỏi mang tính tích cực và gợi mở hơn so với nữ giới. Bloomberg cũng đã từng nghiên cứu về các startup công nghệ từ năm 2007-2015, chỉ có 7% là nữ giới sáng lập và lượng gọi vốn cũng chỉ bằng khoảng 77% của nam giới. Thị trường nước ngoài còn như vậy, áp vào thị trường thuần Á Đông như Việt Nam thì còn như thế nào?
Và phái yếu, vốn dĩ sinh ra đã sở hữu một số tố chất thua thiệt so với nam giới, bên ngoài vấn đề dễ thấy nhất về sắc vóc. Ông Nguyễn Tiến Trung, một startup nhiều kinh nghiệm, cố vấn và đầu tư cho nhiều dự án kinh doanh cũng chia sẻ trong buổi tọa đàm: “Chúng tôi đã áp dụng một bài đánh giá tố chất người chủ doanh nghiệp từ Đức với nhiều doanh nghiệp Việt, và kết quả thu được rõ ràng rằng có 2 yếu tố các bạn nữ đang yếu thế hơn hẳn so với nam giới: đó là khả năng mạo hiểm và khả năng quản lý tài chính doanh nghiệp”.
Phụ nữ và đàn ông mãi mãi không thể bình đằng 100% được, đó là sự thật mà chúng ta nên chấp nhận.
Phụ nữ và đàn ông mãi mãi không thể cân bằng được, đó là sự thật mà chúng ta nên chấp nhận. Vậy thì phụ nữ khởi nghiệp có được những lợi thế gì hơn đàn ông?
Điểm mạnh hay điểm yếu là do tự mình nhìn nhận và tận dụng
“Phụ nữ có bản năng nhẹ nhàng, mềm mỏng, thường tinh tế và đôi khi kiên nhẫn hơn đàn ông. Một ví dụ rõ ràng là khi em đi làm các thủ tục hành chính hoặc đi thuyết phục khách hàng. Em thấy đó là cái yếu, nhưng cũng là những cái lợi rất bản năng mà em nhận thấy rất rõ ràng khi đóng vai trò là một người phụ nữ làm kinh doanh” – Minh Nhật chia sẻ: “Nên em không cố gắng để so đo cho bằng đàn ông làm gì cả. Mình có điểm yếu thì cũng có những điểm mạnh của riêng mình. Quan trọng là mình sử dụng nó ra sao thôi”.
Mình có điểm yếu thì cũng có những điểm mạnh của riêng mình. Quan trọng là mình sử dụng nó ra sao.
“Ở thời điểm hiện tại, phụ nữ khởi nghiệp nhận được lợi thế rất lớn. Xu hướng bây giờ muốn xóa nhòa định kiến phụ nữ thua thiệt hơn đàn ông, nên đang có rất nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan cả trong và ngoài nước. Ngay cả nhiều dự án kinh doanh nhỏ khi yêu cầu gọi vốn cũng yêu cầu 1 trong 2 người sáng lập là phụ nữ.” – Ông Nguyễn Tiến Trung chia sẻ thêm.
Rõ ràng, là phái yếu cũng là một điểm mạnh. Vì chúng ta là phái yếu, nên cộng đồng đều đang đứng về phía chúng ta. Tháng 6/2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”, mục tiêu hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, phấn đấu đạt mục tiêu 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp... Các tổ chức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh như WISE cũng góp phần định hướng và tạo cơ hội tiếp cận các nguồn lực chất lượng cho chị em đứng ra làm kinh tế.
Rõ ràng, là phái yếu cũng là một điểm mạnh. Vì chúng ta là phái yếu, nên cộng đồng đều đang đứng về phía chúng ta.
Minh Nhật cũng chia sẻ thêm về việc cần cân bằng giữa công việc và gia đình: “Trước đây hồi mới làm, cứ hết giờ văn phòng là em phải dạo qua các cửa hàng một lượt, ngày nào cũng đến tối muộn mới về nhà. Nhưng sau khi vào guồng, thì em sắp xếp công việc để gắng về ăn cơm với bố mẹ một tuần 3-4 lần".
"Em may mắn tìm được một người thông cảm hết sức cho công việc của em, nên em cũng dễ dàng làm kinh doanh hơn rất nhiều”- Quán quân Vua đầu bếp Minh Nhật khi được hỏi về sự ủng hộ của bạn trai - “Người yêu em là người chấp nhận được rằng 14/02 em có thể ở cửa hàng chăm sóc khách chứ không phải ở nhà để chăm sóc nhau. Em biết yêu em anh ấy thiệt thòi nhiều, thế nên dù bận rộn em cũng sẽ dành thời gian để bù đắp thêm tình cảm nữa”.
Cho đến khi nhận thức xã hội có thể thay đổi để đi đến sự công bằng tuyệt đối, đến khi nào phụ nữ được nhìn nhận một cách hoàn toàn công bằng, sống đúng với khả năng, năng lực và tính cách của mình, không phải uốn theo những kì vọng nào của ai khác, thì các chị em hãy nhớ, tận dụng lợi thế của mình và nỗ lực cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, để những mạnh mẽ ở phía sau cánh cửa nhà, chính là những yếu tố tiên quyết giúp có một sự nghiệp thành công bền vững.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon