Trường đào tạo ông già Noel náo nhiệt chuẩn bị Giáng sinh

1

Trường Charles W. Howard Santa Claus nằm ở bang Michigan (Mỹ) và được ví như Harvard trong lĩnh vực đào tạo ông già Noel. Năm 1937, ông Howard thành lập trường ở New York. Sau khi ông qua đời, hai học trò là vợ chồng Mary Ida và Nate Doan tiếp quản ngôi trường rồi chuyển đến Midland, Michigan. Năm 1987, Tom và Holly Valent nắm quyền điều hành, biến ngôi trường trở thành tổ chức phi lợi nhuận.


2

Mỗi năm, trường đón nhận hàng trăm học viên đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Đan Mạch hay Na Uy. Tại đây, các ông bà già tuyết tương lai phải tham gia nhiều khóa huấn luyện như học cách làm đồ chơi bằng gỗ, kể chuyện cổ tích, lái cỗ xe tuần lộc và quan trọng nhất là cách truyền không khí Giáng sinh tới trẻ em. 


3

Với niềm đam mê cháy bỏng, ông Randy Schneider trở thành ông già Noel chuyên nghiệp từ năm 1999. Ông Schneider chia sẻ những ngày mới bước vào nghề, ông thường phải dùng râu giả nhưng giờ ông đã sở hữu bộ râu thật của riêng mình.


4

“Hoá thân thành ông già tuyết là một đặc ân. Mọi đứa trẻ sẽ mãi nhớ những kỷ niệm với chúng tôi”, ông Tom nói. Ông Tom và Holly cho biết họ phải khước từ hơn 100 học viên bởi số lượng người đăng ký khoá học quá đông.


5

Những chiếc xe màu đỏ sẽ mang biển đăng ký cá nhân mỗi học viên như “HOHO’, “UBGOOD” hay “IMCLAUS”. Vào mùa Giáng sinh, chúng phải hoạt động hết công suất.


6

Ban quản lý cho biết năm 2016, trường Charles W. Howard Santa Claus 

đón 

số lượng bà già Noel đông nhất từ trước đến nay. "Đúng là nơi tuyệt vời để tìm kiếm bạn đời", một bà già Noel bông đùa. Bà Kathy Amstrong đã tìm thấy “ông già tuyết” của đời mình ở đây, họ đã 

"góp gạo thổi cơm chung" vào đúng dịp Giáng sinh.


7

Cả 2 kết hôn được 44 năm, họ từng là bác sĩ vật lý trị liệu. Sau khi nghỉ hưu, họ tìm đến trường Charles W. Howard Santa Claus để tìm niềm vui cuộc sống. "Chúng tôi quyết định làm một điều gì đó ý nghĩa", Kathy chia sẻ.


8

Chiếc áo len bà Kathy đan cho ông Bill tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu của họ trong đêm Giáng sinh. "Chiếc áo có hình tuần lộc", bà Kathy nói với giọng đầy tự hào. "Rất vừa vặn", ông Bill đáp lời.


9

Khoá học chỉ diễn ra trong 3 ngày tại Santa House ở Midland, Michigan. Ngoài học cách tạo các dáng yoga hài hước, thực hành kỹ thuật thở và tập hát, họ còn vũ điệu hoá những hoạt động thường ngày như gói quà, nướng bánh và đeo tất trên nền nhạc của những giai điệu Giáng sinh như "Jingle Bells" hay "Santa Claus is Coming to Town".


10

"Thậm chí, chúng tôi còn học ngôn ngữ ký hiệu. Điều quan trọng là có thể lan toả không khí Giáng sinh tới các trẻ em trên toàn thế giới ", ông Bill, thành viên trung thành của Hội ông già Noel râu thật thế giới, chia sẻ.


11

Ngoài ra, họ còn học cách chăm sóc râu và dùng dầu bạc hà để tạo mùi dễ chịu. Trong phòng trang điểm, ông già tuyết Leon McBryde dạy các học viên các mẹo để vào vai hoàn hảo như: cách làm cong bộ râu, làm má ửng hồng, hay định hình lông mặt theo phong cách ông già Noel.


12

"Phần khó nhất đối với tôi là luôn giữ màu tóc và râu trắng", ông Schneider cho hay.


13

Vào buổi chiều, các ông già tuyết tương lai ăn vận đẹp đẽ, lên xe buýt đi tới cửa hàng đồ chơi để chuẩn bị cho những món quà cho đêm Giáng sinh.


14

Ông Santa Fred Osther, 80 tuổi, trông giống như vị thần lùn giữ cửa của Na Uy với chiếc mũ chóp nhọn màu đỏ. 


15

"Ôi, ông già Noel có thật này", bé Claire, 5 tuổi, ngạc nhiên.

Theo Zing

Previous
Next Post »
Thanks for your comment