Quế Hằng được mệnh danh là “người đàn bà quyền quý”. Gần 40 năm sự nghiệp diễn xuất của mình, chị luôn vào vai những người đàn bà giàu có, quý phái, sang trọng và yêu chiều bao bọc con cái đến mức… phát ghét. Cũng thi thoảng đóng vai một bà nhà quê đấy, nhưng cũng là người nhà quê có của ăn của để. Tựu trung lại là không thể nghèo, không thể khổ và không thể xấu xí.
NSƯT Quế Hằng
Bị chết vai, tới nỗi Quế Hằng chả buồn nhớ tên các phim mình đóng. Nhưng gần trăm vai diễn bà mẹ trong các bộ phim dài tập đã đưa chị vào hàng ngũ những "bà mẹ quốc dân" của truyền hình Việt.
Ở tuổi cận kề 60, Quế Hằng trẻ trung hơn nhiều so với trên phim. Nhưng nét quý phái, sang chảnh, yêu kiều thì y hệt. “Thì lâu nay mọi người đều bảo tôi đóng y nguyên xi ngoài đời” – Quế Hằng giải thích. Mà quả có vậy. Bà chủ của quán cà phê số 4 Bảo Khánh diện chiếc váy màu hồng sen rực rỡ, tóc cắt ngắn để mái ngố trẻ trung, vóc dáng thanh mảnh, dáng đi điệu đàng, nụ cười quý phái, ánh mắt kiên nghị. Đúng là Quế Hằng chỉ việc bê mình lên phim, chẳng mất công diễn xuất - nếu cứ nhìn vào ngoại hình ấy mà đánh giá.
NSƯT Quế Hằng vào vai mẹ Sơn trong phim Zippo, mù tạt và em
Gái phố cổ trốn nhà đi thi tuyển diễn viên và cuộc hôn nhân sắp đặt
Quế Hằng là con gái phố cổ, sinh trưởng trong gia đình nề nếp. Ông nội và bố là bác sĩ, mẹ là giáo viên. Từ nhỏ Quế Hằng đã được giáo dục để trở thành người làm khoa học theo truyền thống trong gia đình. Nhưng cô tiểu thư xinh đẹp có ngoại hình sáng bừng và chiều cao nổi trội hơn bạn bè đồng trang lứa lại chỉ ôm giấc mơ bay nhảy. Rồi thì Quế Hằng bày tỏ mong muốn trở thành tiếp viên hàng không nhưng bị gia đình gạt phắt đi. 18 tuổi, đọc được thông tin Nhà hát Kịch Việt Nam tuyển diển viên, Quế Hằng rủ em gái Quế Phương bí mật trốn nhà đi thi với suy nghĩ đơn giản là: làm diễn viên sẽ được đi nhiều nơi. Thế nào mà cả chị lẫn em đều đỗ.
Nhưng việc hai cô con gái vượt qua hàng trăm thí sinh để trở thành diễn viên của Nhà hát Kịch hàng đầu Việt Nam không khiến bố mẹ Quế Hằng tự hào. Thậm chí, trong suốt gần một năm trời, Quế Hằng và Quế Phương thường xuyên bị cha mẹ cho ăn đòn vô cớ, mà nguyên nhân sâu xa đều bắt nguồn từ nỗi tức giận của các cụ vì con cái dám trái lời mình, bứt ra khỏi truyền thống gia đình để theo đuổi nghệ thuật.
Có lẽ vì trái lời các cụ trong chuyện nghề nghiệp rồi, nên đến chuyện hôn nhân, Quế Hằng ngoan ngoãn nghe theo sắp đặt của cha mẹ. Người đàn ông mà gia đình Quế Hằng chọn sẵn cho con ở ngay cùng phố. Đôi lúc ra động vào chạm, cả hai chỉ nhìn nhau cười chứ chẳng cất lời chào hỏi. Nhưng một người chững chạc đường hoàng, một người yêu kiều xinh đẹp nên tự sinh cảm mến. Cũng chỉ kịp dừng ở đó thì đã đến đám cưới rồi.
Quế Hằng kể: “Tình yêu đến sau hôn nhân đấy. Cưới xong, bố mẹ chồng chị không muốn con dâu tiếp tục con đường nghệ thuật. Các cụ vẫn giữ quan niệm cũ là xướng ca vô loài. Nhưng mình anh ấy ủng hộ. Hôm đi diễn đêm, anh ấy cũng chờ hàng tiếng đồng hồ ngoài gốc cây, đợi vợ diễn xong lại chở vợ về. Giai đoạn mà kinh tế cả nước lao đao, nhà ai cũng chật vật, anh ấy hi sinh công việc nhà nước, ra ngoài buôn bán, cáng đáng kinh tế gia đình để chị yên tâm làm nghề và hoàn toàn tự do để làm nghề. Có bao nhiêu phim chị đóng thì anh ấy xem hết bấy nhiêu phim.”
Quế Hằng còn bảo, trên phim, các vai bà mẹ của chị được chồng yêu chiều nể sợ thế nào thì ngoài đời cũng thế. “Chồng chị chiều chị. Có khi còn chiều hơi quá” – Quế Hằng thủ thỉ. Ánh mắt thoáng rưng rưng. Cuộc hôn nhân của Quế Hằng và “gã trai phố cổ” chiều vợ đã đi qua 36 năm. Quế Hằng đã từng có lúc thốt lên với chồng: “Kì lạ nhỉ! Sao em với anh sống với nhau bao nhiêu năm trời mà chưa một lần to tiếng với nhau?”
“Bắt nạt” chồng và chiều con như trên phim
Lứa diễn viên khóa I cùng vào Nhà hát với Quế Hằng có Quốc Khánh, Trọng Trinh, Trung Anh, Phú Đôn, Lan Hương, Đỗ Kỷ… Đại đa số đều trở thành những gương mặt nghệ sĩ gạo cội hiện nay. Nhưng vào thời điểm những năm 80, họ là lứa diễn viên thiệt thòi nhất. Khi sân khấu đang thời hoàng kim, thì những cây đa cây đề như Trần Tiến, Trọng Khôi, Phạm Bằng, Tuyết Mai… còn đang sung sức, chưa có đất dành cho lớp trẻ của Quế Hằng. Đến khi thế hệ Quế Hằng trưởng thành thì sân khấu đã bước vào giai đoạn xuống dốc không phanh, kéo dài nỗi đìu hiu mãi tới giờ. Điện ảnh và truyền hình trở thành cứu cánh, giúp tên tuổi của họ tới được với công chúng.
Quế Hằng cùng với Quốc Khánh, Trung Anh, Lan Hương, Đỗ Kỷ... là thế hệ nghệ sĩ thiệt thòi của sân khấu kịch Bắc
Nhưng mặc dù có trong tay gia tài nhiều tác phẩm điện ảnh và hàng trăm vai diễn truyền hình, Quế Hằng lại cứ đau đáu với sân khấu, nơi chị xem là ngôi nhà thứ hai của mình. “Đóng chục vai truyền hình cũng không sướng bằng diễn 2 tiếng trên sân khấu kịch” – Quế Hằng bảo. Thế nên, hỏi về vai diễn, chị nhớ bà chủ chứa của Ngôi nhà quỷ ám, Trần Thị Dung của Mỹ nhân và anh hùng, chứ nói đến phim truyền hình thì chị cứ “hử” “hả”, “phim gì ấy nhỉ”, hay “phim của Anh Khoa”, “phim của Trọng Trinh”, “phim của Đỗ Đức Thành”… Chỉ nhớ đạo diễn hợp tác cùng, chứ chẳng nhớ tên phim cũng chẳng nhớ tên mình.
Quế Hằng bảo chị bị “chết vai” là tại đạo diễn. “Đạo diễn đọc kịch bản, thấy nhân vật này quyền quý, sang trọng, có chút ghê gớm sắc sảo, chiều con và bắt nạt chồng thì nghĩ ngay đến mình. Thậm chí biên kịch viết đến nhân vật có tính cách như vậy là nghĩ đến Quế Hằng rồi, thế là cứ phóng tay viết đo ni đóng giày cho mình luôn.”
Song, “của đáng tội, trên phim thế nào thì ngoài đời mình cũng na ná vậy” – Quế Hằng dí dỏm. Nếu thời trẻ, các đạo diễn thường mời chị vào vai chính diện thì càng có tuổi họ lại hay giao vai phản diện cho chị. Những mẫu đàn bà quyền quý nhưng nghiêm khắc, cổ hủ và yêu con đến ích kỉ. “Tính cách chị ngoài đời cũng rất cổ hủ. Trông chị ăn mặc hiện đại, nhiều người nghĩ tính chị trẻ trung, chứ kì thực chị cổ hủ lắm” – Quế Hằng thừa nhận. Cái sự cổ hủ của Quế Hằng thể hiện ra ngoài ánh mắt ngày càng kiên nghị, có chút hoang mang bối rối, có chút ngỡ ngàng xa lạ với thời cuộc. Sự cổ hủ ấy va đập với những giá trị hiện đại, và phần nào đó bảo thủ trong nếp nghĩ cũ, khó chấp nhận những điều quá mới mẻ. “Các con chị chê chị cổ hủ. Rồi chúng bảo, sao cứ đến bữa cơm là mẹ lại nói nhiều thế. Ơ, thì có mỗi bữa cơm là lúc gia đình đoàn tụ với nhau, rồi ai về phòng nấy, mình không tranh thủ dặn dò nhắc nhở con thì biết lúc nào. Mà chỉ nhắc nhở thôi, thủ thỉ thôi đã thành bà mẹ lắm điều rồi. Chứ chị không thích nặng lời mắng mỏ con cái. Mình yêu con quá, lo cho con quá, làm tất cả vì chúng mà chúng chưa chắc đã hiểu, đã tiếp nhận. Hoặc có tiếp nhận nhưng không hiểu được nỗi lòng mình”. Quế Hằng kể, mà như đang lật lại những thước phim chị đóng.
NSƯT Quế Hằng: "Mình yêu con quá, lo cho con quá, làm tất cả vì chúng mà chúng chưa chắc đã hiểu, đã tiếp nhận. Hoặc có tiếp nhận nhưng không hiểu được nỗi lòng mình”.
Thế nên, với con cái, dù luôn mang tiếng “chiều con quá”, bị cả chồng lẫn mọi người trong nhà chỉ trích là chiều con thì Quế Hằng vẫn luôn có sự va đập với bọn trẻ. “Ngày chúng còn nhỏ, lúc nào mình cũng ôm chúng vào lòng, không nhả ra. Lúc nào cũng sợ xung quanh không an toàn với con, sợ lắm. Rồi chúng lớn lên, chúng ra nước ngoài học tập, va chạm nhiều hơn, hiểu biết hơn, chúng quay sang chê mình cổ hủ. Mà mình cổ hủ thật, cuộc sống khép kín từ nhà hát, trường quay về nhà, có mấy khi va chạm với ai. Thành ra, rất nhiều khi chị phải thay đổi, nương theo con vì thấy quan điểm của con đúng.”
Nói về những vai diễn bị ghét của mình, mà gần đây nhất là vai bà mẹ sắc sảo và ích kỉ trong Zippo, mù tạt và em, Quế Hằng bảo: “Đúng là bà mẹ ấy ghê gớm thật. Đứa cháu chị bảo :“bác ơi, sao trong phim bác ghê gớm thế, sao bác ác với chị Lam thế?”. Nhưng nếu đứng ở vị trí người mẹ thì chị lại thấy cảm thông. Người mẹ nào mà chẳng yêu con. Đôi khi vì quá yêu con nên sinh ra phiến diện, ích kỉ không hay. Sự ích kỉ ấy cũng là vì muốn che chở cho con, bao bọc con trước cuộc đời, bất chấp việc con đã trưởng thành và chúng phải tự giải quyết các vấn đề của chính mình. Trái tim của người mẹ có lí lẽ riêng. Con dù lớn bao nhiêu thì trong vòng tay mẹ vẫn là một đứa trẻ. Người mẹ sẵn sàng làm tất cả để cho con được hạnh phúc.”
Hỏi Quế Hằng sẽ làm gì nếu con trai chị cũng rơi vào tình cảnh như nhân vật Sơn (Mạnh Trường đóng), chị có ứng xử tàn nhẫn với cô gái kia hay không, Quế Hằng cười và ngẫm nghĩ rất lâu. Rồi chị thành thật: “Lòng người mẹ thương con vô bờ. Chị cũng thế. Nhìn con như thế thì chắc chắn là chị sẽ đau lòng lắm. Phải làm gì ư? Chị cũng không biết được. Đừng bắt chị không được ích kỉ, phiến diện. Thôi thì thuận theo tự nhiên đi. Đến đâu hay tới đó.”
Quế Hằng bảo, có nhiều người hỏi chị đóng nhiều vai bà mẹ như thế hẳn là sẽ có nhiều kinh nghiệm rút ra để dạy con đây. Nhưng thực tế thì chị chưa bao giờ rút được kinh nghiệm gì từ các vai diễn của mình. "Phim là phim mà đời là đời. Xem phim mình có thể nói "à nếu là mình thì mình sẽ không làm như bà này", hay "người này giống mình quá, mình phải thay đổi để không có kết cục như bà ta". Nhưng thực tế thì làm gì có ai rút kinh nghiệm được cho ai. Nói là mình ngoài đời giống trên phim nhưng giống là giống cái phác họa thôi. Còn hoàn cảnh của mình khác, tính cách của mình khác, tính cách của con mình cũng khác nên hành xử của mình phải khác. Không thể mang từ phim xuống để áp dụng vào cuộc đời của mình được" - "bà mẹ quốc dân" phân trần.
Kho phục trang không đếm nổi số lượng
Nỗi khổ lớn nhất mà có khi lại là niềm vui thích lớn nhất của Quế Hằng, ấy là chị thường xuyên phải mua sắm váy áo. Mỗi năm đóng vài phim truyền hình dài tập, mỗi phim cả vài chục bộ đồ, mà người diễn viên thì phải tự lo lấy phục trang. Khốn nỗi, chị lại toàn vào vai quyền quý. “Bà mẹ quốc dân” sang chảnh giàu có thì đâu thể ăn mặc tùy tiện được. Mà catse thì eo hẹp, eo hẹp đến nỗi có lúc chị từng tự thốt lên với mình: “Tại sao mình lại đánh giá mình bèo bọt đến thế!”.
Tiền catse chưa bao giờ đủ cho những bộ váy áo hàng hiệu để thay đổi liên tục trong mỗi phân cảnh. Nhưng không vì thế mà chị làm cho qua quýt. Trước khi đến trường quay, thường chị sẽ nhấc điện thoại gọi cho bạn diễn, rằng “anh ơi nay anh mặc bộ đồ gì?”, “con ơi, nay con mặc màu gì?”. “Phải hỏi trước để mình còn biết chọn bộ đồ nào phù hợp, làm sao khi vào khuôn hình là phải đồng bộ, hài hòa. Nhiều khi mình cũng phòng bị, mang nhiều bộ đồ đi. Các diễn viên trẻ bây giờ họ bận bịu hơn, ít kĩ lưỡng hơn. Có khi họ chỉ mang mỗi bộ đồ, hoặc có mang hơn một nhưng ngại thay đổi. Thì mình lại phải thay bộ khác để phù hợp với cảnh quay cùng họ. Ăn mặc hợp với bạn diễn chỉ là một phần, còn phải ăn mặc hợp với bối cảnh nữa. Trước khi đến trường quay, chị cũng phải hỏi xem bộ salon trong bối cảnh màu gì để biết phối đồ. Họa sĩ thiết kế có lúc yêu cầu, có lúc không vì ở trường quay vô cùng tất bật. Mà làm phim truyền hình bây giờ thì em biết rồi đấy. Nếu mình cũng ào ào, không chịu chăm chút kĩ lưỡng cho vai diễn của mình thì thiệt thòi trước hết là mình, sau là khán giả” - Quế Hằng tâm sự.
NSƯT Quế Hằng: "Nếu mình cũng ào ào, không chịu chăm chút kĩ lưỡng cho vai diễn của mình thì thiệt thòi trước hết là mình, sau là khán giả”
Cũng vì cái sự kĩ lưỡng ấy mà Quế Hằng tự làm khổ mình ở trường quay. Có ngày quay phải thay đến cả vài chục bộ đồ, thở không ra hơi. Và cũng vì cái sự kĩ lưỡng ấy mà phòng phục trang của chị chứa nhiều đồ đến mức chị không đếm nổi. “Mỗi phim mới chị đều phải sắm thêm đồ. Không thể lấy phục trang của phim này để mặc cho phim kia được. Có người sơ suất, mặc cùng một bồ đồ cho hai phim khác nhau. Đến khi cả hai phim phát cùng thời điểm trên hai kênh thì “dính chưởng”. Khán giả họ chỉ cần lướt qua, thấy mình ăn mặc phim này giống phim kia là họ đánh giá rồi. Cho nên chị không bao giờ cho phép mình có sơ suất như thế.” – Quế Hằng giải thích về kho phục trang khổng lồ trong nhà - “Chị phải phân thành các khu vực, xếp đồ theo mẫu nhân vật và theo màu. Ví như khu vực đồ công sở, khu vực đồ diêm dúa, cầu kì, khu vực phục trang người nhà quê, rồi khu vực phục trang màu sắc rực rỡ cho những vai đỏm dáng, nhí nhảnh và hơi đồng bóng một tí… Phân ra như thế để dễ chọn lựa khi đi quay, đồng thời tránh bị nhầm lẫn.”
Quế Hằng ngoài đời hồn hậu, điệu đà và lãng mạn, khác hẳn sự sắc sảo, ghê gớm đầy toan tính trong các vai diễn trên phim
Nhưng, nói như các đạo diễn là Quế Hằng chỉ việc “bê mình lên phim”, ngoài đời chị cũng điệu đà, kĩ lưỡng trong ăn mặc không kém các nhân vật của mình. Có khác chăng, cô tiểu thư phố Bảo Khánh hiền lành, nền nã, hồn hậu khác hẳn vẻ sắc sảo, ghê gớm thường thấy trên phim. Lại có chút hồn nhiên vô tư, có chút đỏm dáng nhí nhảnh, có chút lãng mạn bay bổng, không một tì vết toan tính trên gương mặt có đôi mắt hút hồn và nụ cười quý phái. Ai ghét Quế Hằng trên phim, có lẽ nên một lần gặp chị ngoài đời.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon