Người ta thường nói "khi bạn sinh ra, tất cả mọi người xung quanh đều cười, chỉ riêng bạn là khóc; bạn hãy sống sao để khi bạn lìa đời, tất cả mọi người xung quanh đều khóc, chỉ riêng bạn mỉm cười". Quả thật, chỉ cần nhìn vào đám tang của ai đó, người ta sẽ biết họ từng đối xử với mọi người như thế nào và được người khác yêu quý bao nhiêu.
Hơn 2.000 người đã đến tiễn biệt người phụ nữ "bình thường nhưng không hề tầm thường" này.
Không phải quan chức, chẳng phải ngôi sao hay là một người có quan hệ rộng, ấy vậy mà một cụ bà thường dân ở Đài Loan, Trung Quốc đã khiến cho dư luận phải xôn xao vì vào ngày bà rời xa thế giới này, có tới hơn 2.000 người đến tiễn biệt bà trong nước mắt.
Bà Trang Chu Ngọc Nữ sinh năm 1920 tại Bành Hồ, Đài Loan, Trung Quốc. Năm 16 tuổi, bà kết hôn với một người đàn ông cùng quê rồi chuyển đến Cao Hùng, Đài Nam sinh sống.
Không lâu sau, chồng bà đi lính, để bà một mình nuôi đứa con thơ nơi thành phố xa lạ, rộng lớn. Cuộc sống khi ấy vô cùng khốn khó, người mẹ trẻ phải mưu sinh bằng công việc đánh xe bò vừa vất vả lại chẳng kiếm đủ tiền ăn, không có nơi để trú ngụ.
Đúng vào giai đoạn khó khăn nhất, hai mẹ con bà đã được những người công nhân tốt bụng cưu mang. Tuy cuộc sống của họ cũng chẳng lấy gì làm khá khẩm, phải làm việc quần quật suốt cả ngày mà chỉ kiếm được chút tiền ít ỏi, thế nhưng họ vẫn giang rộng vòng tay đùm bọc những người khổ sở hơn mình.
Khi đó, bà Ngọc Nữ mới thực sự hiểu được thế nào là tình người. Bà vô cùng trân trọng tình cảm cũng như ân nghĩa mà những người công nhân đã trao cho mình.
Sau chiến tranh, c hồng bà trở về, hai vợ chồng họ chăm chỉ làm lụng và cuộc sống dần trở nên khá giả. Bà Ngọc Nữ lúc này liền quay lại tìm những vị ân nhân năm xưa để trả ơn, thế nhưng tất cả bọn họ đều từ chối nhận sự báo đáp của bà, bởi họ cho rằng đó là những việc mình nên làm và hoàn toàn không mong đợi sự hồi báo. Suy nghĩ mãi, bà Ngọc Nữ đã quyết định nấu cơm mang đến cho họ mỗi ngày mà không nhận bất kỳ khoản chi phí nào.
Thế rồi, bà nhận thấy rằng tất cả những người công nhân ở khu lao động nghèo ấy đều đi sớm về muộn, chi tiêu cực kỳ dè sẻn và ăn uống rất khổ sở. Đồ ăn của họ vừa nguội ngắt lại vừa ít ỏi, có những người ăn chẳng bao giờ đủ no. Thậm chí có một số người trong đó còn không kiếm nổi một chỗ ở tử tế.
Trước tình cảnh này, bà Ngọc Nữ đã nghĩ cách chia ngôi nhà của mình thành nhiều căn phòng nhỏ rồi cho những người công nhân ở miễn phí. Bên cạnh đó, bà còn mở một sạp cơm tự chọn nho nhỏ cũng miễn phí để giúp đỡ những người nghèo khó hơn mình.
Suốt nhiều năm trời, cho dù trời nắng hay trời mưa, giá thịt tăng hay giá rau giảm, bà Ngọc Nữ vẫn đều đặn nấu cho hàng trăm công nhân sống quanh đó 3 bữa ăn nóng hổi mỗi ngày. Trước những hành động thiết thực này, nhiều người đã kính cẩn gọi bà là "Bồ Tát sống", là "Thần hộ mệnh của người lao động nghèo"...
Lâu dần, sạp cơm tự chọn của bà Ngọc Nữ ngày càng thu hút thêm nhiều thực khách. Mọi người kiến nghị bà thu tiền chứ không phát cơm miễn phí nữa để họ đỡ cảm thấy áy náy. Bà Ngọc Nữ đắn đo rồi đưa ra mức giá rẻ mạt chỉ 3 Đài tệ (tương đương 2 nghìn đồng), rồi tăng lên 5 Đài tệ (tương đương 3,5 nghìn đồng), và cuối cùng dừng ở con số 10 Đài tệ (tương đương 7 nghìn đồng)/suất trong nhiều năm liền. Đôi khi, bà để cho những người lao động nghèo tuỳ tâm trả tiền, bởi bà biết có những lúc họ chẳng có nổi 10 Đài tệ trong người để đi ăn cơm.
Thử hình dung xem, giữa thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn, vật giá leo thang chóng mặt như hiện nay, bạn sẽ mua được gì với số tiền ít ỏi ấy? Vậy mà mỗi ngày, có ít nhất 200 người công nhân nghèo chỉ cần bỏ ra vài nghìn lẻ là có cơ hội được thưởng thức những bữa cơm nóng hổi, đầy đủ dưỡng chất do chính tay bà Ngọc Nữ nấu trong suốt nhiều năm liền.
Có lẽ chẳng có bà chủ quán ăn nào vất vả như bà Ngọc Nữ, bà chẳng bao giờ biết tiền lãi là gì, bởi vì đến vốn bà còn chẳng bao giờ thu về đủ. Để có tiền mua nguyên liệu mỗi ngày, bà đã phải hy sinh toàn bộ khoản tiền dưỡng lão của mình, bà phải bán hết 7 gian nhà mà vợ chồng bà đã tích cóp cả đời mới mua được, thậm chí bà còn phải đi nhặt rác kiếm thêm thu nhập và nợ người ta đến 500 nghìn Đài tệ (tương đương 358 triệu đồng).
Không mong hồi báo, cũng chẳng cần điều kiện, bà Trang Chu Ngọc Nữ cứ âm thầm giúp đỡ những người lao động nghèo suốt 55 năm trời. Các con bà và cả những người hàng xóm đều không thể hiểu nổi bà làm những việc đó để làm gì, bà hy sinh như vậy để đánh đổi điều gì?
Có lẽ, đối với bà lão này, giúp người là niềm vui, là lẽ sống của đời bà, như vậy là đủ rồi.
Thời gian dần trôi, bà Ngọc Nữ ngày càng già yếu, răng cũng rụng gần hết, đi lại cũng khó khăn hơn trước rất nhiều. Thế nhưng, bà vẫn kiên quyết duy trì hàng cơm chưa bao giờ có lãi của mình.
Đến năm 70 tuổi, khi sức khoẻ đã đi xuống, bà đành phải điều chỉnh cường độ bán hàng xuống 2 bữa cơm mỗi ngày, thay vì 3 bữa như xưa.
Năm 80 tuổi, tuy nằm trên giường bệnh nhưng bà Ngọc Nữ vẫn mải lo lắng không biết những người công nhân ăn có đủ no không, ai sẽ lo cho họ nếu bà ra đi... Chính điều này đã tiếp thêm cho bà động lực để nhanh chóng khỏi bệnh và tiếp tục duy trì quán cơm của mình.
Năm 96 tuổi, bà Trang Chu Ngọc Nữ vĩnh viễn rời xa thế giới này. Hơn 2.000 người đã đến tiễn đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Những giọt nước mắt tiếc nuối, những tiếng nấc nghẹn vì xót thương khiến cho người ta cảm nhận được lòng kính trọng và tình yêu thương vô bờ bến mà những người xung quanh dành cho bà.
Đến lúc này, các con của bà Ngọc Nữ và những người hàng xóm mới vỡ lẽ, thì ra mọi việc mà bà làm bấy lâu nay là không hề vô ích, kỳ thực thì bà vẫn luôn bận rộn vun vén một mầm cây, một mầm cây cao lớn vô tận mang tên tình yêu thương...
Có thể, bạn chỉ là một hạt bụi trong cuộc đời này, bạn không có khả năng làm nên những điều vĩ đại hay giúp thế giới đổi thay, thế nhưng, bạn có thể dùng những hành động nhỏ nhặt của mình để tô điểm thêm cho cuộc sống muôn màu. Chỉ cần là một bát cơm nóng hổi khi đói lòng, hay một ngọn lửa nhỏ sưởi ấm giữa đêm đông... chắc chắn rằng bạn sẽ góp phần khiến cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
Tuy cuộc sống vô cùng vất vả, nhưng bà Ngọc Nữ luôn cảm thấy mãn nguyện với những việc mình làm.
Quán cơm đặc biệt của bà phục vụ ít nhất 200 người lao động nghèo mỗi ngày.
Có lẽ bạn cũng giống tôi, không thể cầm được nước mắt khi biết nguyên nhân thực sự khiến cụ bà này làm ăn thua lỗ suốt 55 năm qua...
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon