Chú chó nhỏ mù trong chiếc giỏ đánh giày của người đàn ông câm – câu chuyện về tình bạn “đồng cam cộng khổ” từng để lại cho bao người nhiều xúc cảm và cả nước mắt cách đây mấy tháng. Một ngày cuối thu, chúng tôi quyết định trở lại. Trở lại để xem, sau những tung hô và quan tâm hào nhoáng của cộng đồng, sau khi “bỗng dưng nổi tiếng”, cuộc sống của anh thế nào, chú chó đã lớn ra sao. Và hơn hết, là tìm hiểu xem, hạnh phúc liệu vẫn nằm ngoan trong chiếc giỏ đánh giày ngày nào không.
Anh đánh giày câm và chú chó mù cách đây vài tháng.
4 tháng trôi qua, người đàn ông mà người ta gọi là “Anh Ô” - bị câm, liệt một tay nhưng rất hiền lành - vẫn ngủ say sưa trước mái hiên một quán bar ở quận 1, mặc kệ dòng người tấp nập mỗi sáng ném vào anh những ánh nhìn tò mò, hiếu kì. Và khi thức dậy, anh bắt đầu đem hết gia sản mà mình có (gồm một cái túi vải, hộp đánh giày cùng chú chó) qua phía bên kia đường, nơi có quán nước đã tồn tại chục năm của người đàn bà nhân hậu. Người đàn bà đó xem chừng rất thương anh, sáng nào cũng cho anh ly cà phê đen (mà tôi tin rằng hậu vị ngọt lắm cái tình của người Sài Gòn). Và ở vệ đường đó, anh đánh răng, rửa mặt, "tè bậy" rồi ngồi nhẩn nha thưởng thức ly cà phê cùng điếu thuốc, trong khi con chó nhỏ đang chạy nhảy chơi đùa. Không khác gì một ông giám đốc!
Người đàn bà kể, bằng sự háo hức của một người nhiều chuyện và hãnh diện vì hiểu rõ cuộc sống của "giám đốc" nhất, rằng hồi trước có tiền tối tối anh hay bắt xe bus về nhà với mẹ ở quận 2. Nhưng từ khi có chú chó, đủ tiền anh cũng ít về, vì người ta không cho chó lên xe bus. "Nó thương con chó lắm. Hiền hiền hề hề vậy thôi, ai đụng vô con chó là nó quạu đó. Dắt qua đường mà ai lỡ quẹt xe trúng con chó là thể nào cũng có chuyện. Ngày xưa, trước khi nhận nuôi con này, nó từng có một con chó khác. Quý lắm. Rồi bị bắt mất. Thế là bỏ hết công việc, bỏ hết tiền bạc thuê xe ôm chạy khắp nơi kiếm. Mà không kiếm ra. Tội lắm. May mà xin được con này. Chỉ là nó bị mù mà thôi..."
Dường như đã từng có rất nhiều người hỏi thăm chuyện đời của anh Ô, nên người đàn bà kể chuyện rất tự nhiên như đã kể đi kể lại hàng trăm lần. Bà dùng những từ rất Sài Gòn, sỗ sàng, phóng túng nhưng đâu đó trong ánh mắt, nụ cười, bà thương anh Ô không khác gì như thương một người trong gia đình. "Bữa giờ nó bệnh đấy, nhìn mặt nó hốc hác kìa. Tội lắm chẳng đùa, cứ nằm mãi ở mái hiên cơ mà. Con chó thì hôm bữa ăn trúng cái gì mà ói quá trời. Cái thằng này, cứ cho nó ăn bậy bạ, có ngày chết chẳng đùa".Đáp lại, anh Ô vẫn cười hề hề hề hề, ra kiểu "Con biết rồi bà cứ nói mãi thế". Người đàn bà quay qua tôi nói nhỏ: "Nó khôn lắm đó. Nhìn khùng khùng mà nói gì nó cũng hiểu hết đó".
Cười hề hề là cách giao tiếp duy nhất của anh.
Cũng như bao người khác, tôi đến gặp anh và chú chó với một sự háo hức mong chờ được chứng kiến những giờ khắc cảm động, chạm đến tâm hồn mãnh liệt như trên phim, à như kiểu Những thước phim đắt giá ấy. Nhưng khi tôi đi theo anh nguyên một ngày, đôi khi còn ngáp lên ngáp xuống vì nếu không đánh giày thì anh sẽ đi bộ, nếu không đi bộ thì anh sẽ ngồi xuống hút thuốc... Chẳng có gì khác! Rồi tôi giật mình tự hỏi, mình đang tìm kiếm điều cao xa gì ở hai nhân vật này vậy?
Tôi nghĩ tôi đi tìm định nghĩa về 'Hạnh phúc". Và bây giờ, tôi đã thấy cái "hạnh phúc" đó rồi. Là khi anh ngồi đánh giày bằng một bàn tay của mình, thì chú chó vẫn quẩn quanh gặm đồ chơi, đôi khi sủa một hai tiếng ra vẻ rồi nằm bẹp xuống bên canh chờ đợi. Là khi cả hai xiêu vẹo trên đường, bỗng chú chó "đi bậy" trước một cửa hàng ăn sang trọng, anh đều sẽ “dọn dẹp” rất đàng hoàng – điều mà đôi khi chúng ta còn chẳng tìm thấy được ở những người không câm, không nghèo, quần là áo lượt và ăn học đủ đầy. Là khi dù nghèo đến vậy, nhưng cả khu Thái Văn Lung sầm uất hầu như ai cũng biết đến “cặp đôi hoàn cảnh” này. Người ta thương anh, thương chú chó, tìm mối đánh giày giúp anh và chú chó được nhiều hơn những bữa no. Có nhà hàng sushi thỉnh thoảng còn cho chú chó mấy con tôm luộc.
Khi hỏi: "Anh có đang hạnh phúc không?" , một phút giây nào đó tôi chợt giận mình vì có thể đã hỏi nhầm câu, dùng sai từ và vô duyên không thể tả, vì anh có biết nói đâu. Tôi cũng không chắc anh đã hiểu câu hỏi đó và từ “hạnh phúc” như thế nào. Nhưng hóa ra không cần phải "nghiêm trọng" đến vậy. Tôi đến với anh và chú chó, mang theo câu hỏi về hai từ hạnh phúc. Để rồi anh đánh giày câm và chú chó mù đã cho tôi một câu trả lời, một định nghĩa khác cho cái gọi là hạnh phúc.
Hạnh phúc mà tôi định mang đi hỏi, vô tình đã được đặt trong rất nhiều sự so sánh không cần thiết, trong nhiều bài báo sâu sắc giả tạo sáo rỗng. Người ta tung hô, tò mò, hiếu kỳ... nhưng rồi thôi, họ quay về với cuộc sống hàng ngày, đôi lần còn chép miệng thương cảm cho hai số phận nương tựa vào nhau, chứ có mấy ai hiểu được hạnh phúc nguyên bản mà họ đang trải qua? Khi tôi thấy anh vẫn cười hề hề, ôm chú chó vào lòng cưng nựng, gật đầu cho câu hỏi về hạnh phúc, tôi đã thật sự tin như thế! Hạnh phúc đâu cần ai khác hỏi để mình công nhận. Hạnh phúc chính là điều mà anh và chú chó nhỏ tự mang đến cho mình, và tự giữ lấy.
Nên hôm nay, vào một ngày gần cuối năm, tôi thấy hạnh phúc vẫn luôn tồn tại, vẫn nằm ngoan đấy trong chiếc giỏ đánh giày. Và hạnh phúc sẽ còn được viết tiếp!
"Anh đánh giày câm và chú chó mù" là một trong 20 đề cử của hạng mục Top 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2015. Cổng bình chọn của WeChoice Awards 2015 sẽ chính thức được mở vào ngày 8/1 để độc giả tham gia vote cho những đề cử của mình tại tất cả các hạng mục trong khuôn khổ giải thưởng năm nay. Ở giải thưởng WeChoice mùa 2, độc giả chỉ có thể bình chọn cho các đề cử qua app WeChoice Awards được tích hợp trong ỨNG DỤNG ĐỌC TIN KENH14. Mọi thông tin về các đề cử, số phiếu bình chọn, cũng như những tin tức về lễ vinh danh cuối cùng sẽ được cập nhật tại đó. Vào ngày 26/1 , cổng bình chọn sẽ được đóng. Sau đó, BTC sẽ công bố những cái tên được vinh danh nằm trong các hạng mục giải thưởng của WeChoice Awards 2015 thông qua lễ trao giải được tổ chức tại Tp.HCM. |
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon