Bác sĩ Nguyễn Kỳ Vĩnh Thọ, khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM cho biết, nhiều tháng qua nơi đây đang điều trị cho một bệnh nhi bị biến dạng vùng xung quanh thái dương bên phải nặng nề vì một khối u tương đối hiếm gặp.
Bé Dương Thanh Duy.
Mắt bất ngờ sưng to, bé trai phát hiện mắc bệnh ung thư
Bệnh nhi là bé Dương Thanh Duy (14 tuổi, quê Tây Ninh), nhập viện vào tháng 6/2018 với khối u vùng thái dương bên phải.
Chị Thái Thị Tuyết Vân, mẹ bé Duy cho biết, hai năm trước vào mùa hè chị phát hiện vùng mặt bên phải con sưng to. Đưa bé lên BV Chợ Rẫy, các bác sĩ sinh thiết và phát hiện bé mang khối sarcoma cơ vân dạng hốc.
Để ngăn chặn tình trạng nguy hiểm, bé được phẫu thuật ngay sau đó để bốc trọn khối u ra ngoài.
Khối u phình to, che lấp mắt phải bệnh nhi.
Tuy nhiên thay vì tiếp tục hóa trị hậu phẫu, vì không đủ điều kiện kinh tế người mẹ đưa con trở về nhà.
Hậu quả là đến tháng 1/2018 bệnh tái phát, vùng thái dương sưng to, khối bướu phình lên che hẳn mắt phải nên gia đình đưa bé đến thẳng BV Ung Bướu TP.HCM.
Tại đây, bé được điều trị theo đúng phác đồ ban đầu, đã được vào hóa chất 5 lần. Khối bướu có đáp ứng thuốc một phần, giảm khoảng 20% kích thước, mắt đã hiện ra sau thời gian dài bị khối u che lấp.
Bé hiện đã vô hóa chất 5 lần.
"Bệnh nhi có giảm máu nhưng không đáng kể. Tương lai sẽ tiếp tục hóa trị ít nhất 10 toa, mỗi toa từ 6-8 triệu đồng, cho đến khi bướu gọn lại để xem xét phẫu thuật bóc tách khối u. Vì khối u nằm ở vùng thái dương nên nguy cơ di căn sang não khiến bệnh nhân tử vong có thể xảy ra" - bác sĩ Thọ thông tin.
Được biết, gia đình bé Duy có hoàn cảnh khó khăn. Cha đang bệnh thận và gai cột sống nhưng phải đi vác củi mướn để kiếm tiền chữa bệnh cho con.
Bé Duy hiện điều trị tại khoa Nhi, BV Ung Bướu TP.HCM.
Bệnh nhi có bảo hiểm y tế nhưng chỉ chi trả 80% viện phí, trong khi quá trình điều trị kéo dài. Hiện gia đình đã cầm cố đất đai và vay mượn rất nhiều.
Căn bệnh khiến 80% người bệnh bị tái phát sau điều trị
Theo bác sĩ Thọ, sacroma cơ vân (hay ung thư phần mềm) có tỉ lệ mắc phải tương đối thấp (tỉ lệ trên thế giới là 1/1 triệu người). Tuy nhiên những năm gần đây, BV Ung Bướu TP.HCM đã tiếp nhận từ 10-20 ca trẻ em mắc phải bệnh này.
Sacroma cơ vân thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi và độ tuổi dậy thì.
Khối u xuất phát từ u trung mô bào thai nên có thể xuất hiện ở nhiều chỗ như thái dương, mặt, đùi...
Đáng chú ý, vì bệnh diễn tiến âm thầm, chỉ phát hiện khi khối u đã phát triển lớn nên nhiều trường hợp phát hiện khi đã nặng. Thậm chí, ước tính có từ 10-20% bệnh nhân ngay từ lúc khám bệnh thì khối u đã di căn..
"Ban đầu, bệnh chỉ gây sưng to ở vùng xuất hiện bướu nhưng không đau, dễ nhầm lẫn nên khó phát hiện lúc ban đầu. Bệnh rất dễ tái phát dù có điều trị, tỉ lệ trên 80%" - bác sĩ Thọ nói.
Bệnh nhân chờ thăm khám tại BV Ung Bướu TP.HCM.
Bác sĩ cho biết, bệnh không có nguyên nhân cụ thể nào. Yếu tố nguy cơ gây nên sacroma cơ vân có thể kể ra như phóng xạ, đột biến gen. Ngoài ra môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, lối sống thiếu khoa học cũng là tác nhân gây bệnh.
Phân theo mức độ, sacroma cơ vân có 3 mức độ cơ bản: Nguy cơ thấp - nguy cơ trung bình - nguy cơ cao.
Theo tiến trình phát triển, bệnh chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Khối u tại chỗ, chưa có di căn hạch trong vùng.
Giai đoạn 2: U phát triển tương đối lớn nhưng vẫn khu trú tại vùng.
Giai đoạn 3: Khối u đã lớn và lan rộng xung quanh, không thể cắt bỏ hoàn toàn.
Giai đoạn 4: Khối u di căn, thường là di căn phổi và các vùng xung quanh nơi bùng phát. Ngoài ra còn có hạch, xương, gan...
Bác sĩ Thọ khuyên phụ huynh chú ý kỹ những thay đổi của con để phát hiện và can thiệp bệnh sớm.
Hậu quả là khối u sẽ chèn ép vùng phát bệnh, làm biến dạng, ảnh hưởng chức năng của các cơ quan xung quanh nó.
Khi khối u di căn đến những cơ quan lân cận, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao, nhất là những trường hợp di căn não như của bệnh nhi Duy.
Người mang khối sacroma cơ vân thường phải điều trị kéo dài, tốn kém và đau đớn. Bao gồm phẫu thuật kèm hóa trị. Trung bình từ 2-5 năm.
Bác sĩ Thọ cho biết, vì bệnh không có nguyên nhân và triệu chứng đặc thù khi mới xuất hiện nên bệnh nhân chỉ có thể đề phòng bằng cách tránh xa các yếu tố nguy cơ.
Cụ thể, nên ăn uống sạch sẽ, tránh xa nguồn phóng xạ và có lối sống khoa học.
Cha mẹ cần chú ý kỹ những thay đổi của con để phát hiện và can thiệp bệnh sớm.
Sarcoma cơ vân là loại sarcoma phần mềm thường gặp nhất ở trẻ em.
Khối u sarcoma cơ vân làm mất chức năng, gây bất thường trong hoạt động các cơ quan, tổ chức cơ thể. Tùy theo vị trí khối u mà có những biểu hiện khác nhau:
Nếu khối u ở vùng mi, ổ mắt thường gây ra lồi mắt, đôi khi liệt mắt. U cận màng não (trừ ổ mắt) thường gây tắc nghẽn mũi, xoang, tiết dịch mủ bất thường, liệt thần kinh sọ, có thể kèm đau đầu nôn, tăng huyết áp.
Khối u ở vùng bàng quang gây bí đái, đái máu, đôi khi chảy dịch nhày máu còn nếu ở vùng tuyến tiền liệt đôi khi gây đái buốt, đái rắt, táo bón, xu hướng di căn phổi, tủy xương và xương.
U ở vùng âm đạo của trẻ thường gây tiết dịch âm đạo bất thường còn ở vùng chi, thân mình xuất hiện vùng da màu đỏ, tăng nhạy cảm đau.
Nếu u vùng đáy chậu và quanh hậu môn thường giống như ổ áp xe hay polyp còn tại đường mật thì có biểu hiện vàng da tắc nghẽn.
Việc chẩn đoán sớm bệnh sarcoma cơ vân trẻ em có vai trò rất quan trọng vì bệnh này xâm lấn rất nhanh. Do đó, trẻ em cần được theo dõi và khám sức khỏe thường xuyên để tầm soát bệnh.
Phương pháp điều trị sarcoma cơ vân ở trẻ tùy thuộc vào vị trí khối u, mức độ xâm lấn, loại hình cụ thể của khối u và tình trạng sức khỏe, độ tuổi của trẻ.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon