Bắt học sinh ngậm bút 3 phút vì mất trật tự, giáo viên bị yêu cầu gặp toàn bộ phụ huynh để xin lỗi
Ngày 26/9, lớp 1/5 trường Tiểu học Lê Lợi (TP.Huế) có tiết học tiếng Anh, nhưng giáo viên môn này được trường bố trí đi bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Để ổn định trật tự lớp, trường điều động cô Phạm Thị Hương Lan - là giáo viên dạy môn thể dục, đến phụ trách.
Do học sinh nói chuyện gây mất trật tự, cô Lan yêu cầu học sinh trong lớp bỏ bút vào miệng và ngậm bút để giữ trật tự. Sau khi được con em kể lại sự việc, nhiều phụ huynh đã bức xúc phản ánh việc làm của cô Lan đến lãnh đạo nhà trường.
Ngày 28/9, ông Đoàn Quý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi xác nhận việc cô Phạm Thị Hương Lan bắt học sinh ngậm bút trong miệng là đúng sự thật. Tuy nhiên các em không phải ngậm bút suốt tiết học như phản ánh của phụ huynh, mà chỉ trong vòng 3 phút.
Ông Quý cũng khẳng định, hình phạt này là sai phương pháp và nhà trường không tán thành. Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường đã kiểm điểm và buộc giáo viên này phải gặp toàn bộ phụ huynh, học sinh lớp 1/5 để xin lỗi.
Trường Tiểu học Lê Lợi - nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: NV/ Lao Động.
Ngày 29/9, sau khi bị kỷ luật, cô Lan chia sẻ với truyền thông: "Tôi chỉ muốn học sinh không làm ảnh hưởng đến các lớp bên cạnh và giữ an toàn khi các em dùng bút chọc phá nhau". Cô nói học sinh tiểu học rất hiếu động, thích trêu nhau. Việc bắt các em để bút ngang miệng và ngậm giống như một trò chơi, không gây nguy hiểm và nhiều em tỏ ra thích thú.
Qua vụ việc, cô Lan thừa nhận sử dụng hình thức phạt ngậm bút để giữ trật tự là sai, cô phân trần nếu không làm vậy rất khó để giữ trật tự, nhất là với học sinh lớp 1 vừa chuyển từ mẫu giáo lên, chưa quen với khuôn phép.
Tranh cãi về hình phạt: Người chỉ trích cô giáo, người cho rằng "ngày xưa đi học ai chả bị thế"
Cô Lan bắt toàn bộ 40 học sinh lớp 1/5 ngậm bút trong vòng 3 phút, tuy nhiên hình phạt này lại không hề được quy định trong bất cứ văn bản nào. Bản thân cô và nhà trường cũng thừa nhận, cách dạy trẻ như vậy là hoàn toàn sai. Nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc trước việc làm của giáo viên này. Họ cho rằng, học sinh hư giáo viên có thể liên lạc với bố mẹ, chứ không nên có những hình phạt như thế.
Anh G.H. chia sẻ, "Tôi thấy nhiều bình luận so sánh với ngày xưa, xưa và nay đã khác lắm rồi. Hồi xưa cha mẹ cứ nghĩ giáo viên phạt là đúng, không khéo về nhà còn bị đánh thêm, nhưng rõ ràng giáo viên không có quyền hạn đó".
Học sinh sai đương nhiên sẽ bị phạt, nhưng điều quan trọng là hình thức phạt như nào cho đúng và hợp lý. Theo chị T.T (có con học lớp 2 ở Hà Nội), ngậm bút đơn giản là mất vệ sinh, và cô giáo đã sai khi chọn hình thức này.
"Tại sao nhà trường không liệt kê hết các trường hợp được xem là vi phạm nội qui, kỷ luật và các hình thức phạt bằng một nội qui cụ thể, chi tiết cho giáo viên, phụ huynh và cả học sinh biết để nếu xảy ra vi phạm thì áp dụng? Việc bắt con trẻ mới 6, 7 tuổi ngậm bút là hơi quá" - chị T. nêu quan điểm.
Anh T.C. (Hà Nội) cho hay, học sinh nào nói chuyện thì phạt em ấy đứng tại chỗ hoặc bên góc lớp là được. Trẻ con chỉ cần phạt một đứa là cả lớp sợ. Bút rất bẩn, cho nên việc giáo viên phạt cả lớp ngậm bút dễ phát sinh nhiều chuyện không hay sau này.
Theo cô Lan, việc các em ngậm bút giống một trò chơi, không gây nguy hiểm, nhiều em tỏ ra thích thú.
"Nếu không may vài hôm sau có cháu nào bị bệnh thì phụ huynh sẽ đổ lỗi cho cô ngay, bây giờ đủ các thứ bệnh không biết trước được đâu. Thay vì bàn tới sự trừng phạt sao không tìm ra nguyên nhân là gì và tìm cách giải quyết nó hơn là trừng phạt răn đe. Mong rằng các thầy, cô giáo rút kinh nghiệm" - anh C. giãi bày.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ học sinh cho biết, cô giáo Lan có sai, nhưng việc nhà trường buộc cô giáo phải xin lỗi toàn bộ phụ huynh và học sinh là không đáng.
"Tôi yêu cầu các trường ra mức phạt rõ ràng cho các học sinh phạm lỗi để phụ huynh biết. Phụ huynh nào không đồng ý với nội quy của trường thì cho con chuyển trường. Bây giờ cái gì cũng ý kiến trong khi chính các phụ huynh khi đi học ngày xưa bị như thế là chuyện quá đỗi bình thường. Tôi phản đối bắt cô giáo xin lỗi. Đã dạy dỗ phải có răn đe, phụ huynh nào chỉ vì cô giáo răn đe con mình phạt ngậm bút mà làm lớn chuyện, là không hợp lý" - anh Đ. (TPHCM) chia sẻ.
"Một câu chuyện nhỏ nhưng lại bị xé ra to. Nhớ khi bé tôi bị thầy phạt quỳ gối trên ghế, khoanh tay ngậm bút 30 phút vì tội nói chuyện trong lớp. Tới giờ, người thầy tôi kính trọng nhất chính là ông. Ngậm bút thực chất không có gì to tát. Nói chuyện nhiều cô cho ngậm ngang cây bút để răn đe, ngày xưa ai đi học chả bị thế. Chính những ông bố, bà mẹ làm hư con mình" - chị L.L. bình luận.
Ảnh minh hoạ.
Chị M.V. có con gái đang đi học lớp 1. Con chị vừa bị cô phạt ngậm bút vì nói chuyện riêng. "Con cũng chừa làm việc riêng trong giờ, để học bài và tiếp thu. Cá nhân, mình thấy hình phạt này có gì đâu mà phải kiểm điểm giáo viên. Phải làm vậy học sinh mới sợ mà học chứ".
Anh Đ.T. - một phụ huynh có con nhỏ chia sẻ, nếu trẻ hư mà cô không phạt mới sợ, vì học sinh sẽ xuống dốc không phanh. Còn nếu phạt để học sinh biết sai mà sửa thì anh lại mừng. "Tôi không bao giờ dung túng cho cái sai, phạt là để đứa trẻ biết sai mà từ sau không dám tái phạm. Con tôi học lớp 1, nó về kể: "Cô cho mấy bạn hay nói chuyện ngồi 1 chỗ và các bạn ấy nói chuyện hoài à". Tôi liền xuống nói với cô: "Nếu cháu có hư, cô cứ phạt cháu như úp mặt vào tường, đánh vào mông, hoặc khoanh tay đứng góc lớp"".
Dân mạng thi nhau kể chuyện bị phạt thời "tuổi thơ dữ dội"
Câu chuyện cô giáo bắt học sinh ngậm bút khiến nhiều người chợt nhớ về thời đi học ngày xưa và thi nhau kể kỷ niệm bị phạt của chính mình. Bạn N.T. nhớ lại, thời đó đủ thứ hình phạt còn "gian nan" hơn cả chiếc bút ngậm ngang miệng, nào ngậm phấn, ngậm nguyên quả chanh. Thậm chí, nếu học sinh nhỡ nói chuyện trong giờ thì xác định xuống phòng hiệu trưởng "làm việc".
"Ngày xưa đi học bị cô đánh cho gãy cả thước với tội nghịch bút. Về mình kể lại với bố mẹ còn bị... ăn chửi nữa cơ. Đứng trên bục giảng học sinh ngồi dưới "nhao nhao" làm sao mà học. Đùa chứ, nếu quay về 20 năm trước chắc thầy cô của tôi phải xin lỗi học sinh mỗi ngày" - bạn T. hài hước kể.
"Ngày ấy mình cũng bị phạt nào ngậm bút, quỳ gối rồi cũng lớn lên trưởng thành, vẫn quý thầy cô. Thậm chí còn bị phạt 2 thằng xách 2 đầu ghế, đứng co 1 chân. Con mình giờ mắc lỗi là úp mặt vào tường, 2 nách kẹp 2 dép cho khỏi nhúc nhích! Không có phạt gì rồi con cái trở nên lì lợm thích thì học không thì thôi lại đổ cho nhà trường" - anh D.K. nhớ lại.
Ảnh minh hoạ.
Facebook- er H.M.Đ. kể, thời của cậu (khoảng 20 năm trước) toàn phạt ngậm bút, đánh vào tay, ba mẹ biết về nhà còn phạt thêm và thấy bình thường.
"Ngày xưa đi học trễ tôi bị cô vụt thước kẻ gỗ vào tay, làm thêm cái bảng kiểm điểm mang về cho bố ký để hôm sau nộp. Mang về để được ký thì ăn thêm mớ roi cây nữa, sau đó nhớ mãi để không vi phạm. Ngày nay phụ huynh không cần biết con học sao, cái hư không chỉnh mà nhìn vào việc cô phạt để tố làm thầy cô bị tâm lý khi học sinh mình sai" - Đ. nói.
"Ngày xưa cứ cuối tuần họp chủ nhiệm đứa nào bị vào sổ đầu bài là y như rằng một list nằm dài trên bàn bị đánh cho nát mông. Hồi xưa lớp bị phạt là bắt ngậm bút một tiết rồi mới được thả. Như mình không thuộc bài, lại bị huyết áp thấp mà cô bắt đứng ngay cửa, say nắng đứng lâu té xỉu luôn nhưng không lên tiếng gì. Còn có đứa bạn bị đánh in lẫn cả cái thước tím bầm tay. Thời nay có giống thời xưa vui cười biết mấy - bạn N.T.T hài hước chia sẻ.
Hiện tại, câu chuyện xôn xao vốn không nằm ở hình phạt đúng hay sai mà ở chuyện nữ giáo viên phải xin lỗi phụ huynh học sinh, bị kiểm điểm liệu có phải là cái giá quá đắt? Và có lẽ một giải pháp thay thể để "trị" những học trò ngỗ nghịch một cách nhẹ nhàng, mềm mỏng là điều mà nhà trường và giáo viên cần nhất lúc này.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon