Tử vong trong giấc ngủ: Căn bệnh giết người thầm lặng dễ bị bỏ qua

1. Nhồi máu cơ tim góa phụ

Nhồi máu cơ tim góa phụ (Widowmaker heart attack), gọi tắt WHA thực chất là bệnh nhồi máu cơ tim khi ngủ có mức độ gây tử vong cao. Căn bệnh làm nghẽn mạch máu nghiêm trọng dẫn tới các tổn thương ở vùng cơ tim làm cho tim không thể bơm máu được. Nhồi máu cơ tim góa phụ không phải tấn công phụ nữ mà cả ở hai giới, diễn ra đột ngột khi động mạch chính gần như tắc nghẽn hoàn toàn. Và do không có oxy, nên các tế bào trong cơ tim bắt đầu bị chết. WHA xuất hiện khi động mạch chính bên trái hoặc động mạch đi xuống phía trước bên trái (LAD) bị tắc. Nếu bị tắc 100% thì nguy cơ tử vong là điều khó tránh khỏi.

Các triệu chứng của WHA rất đa dạng như đau ngực, khó chịu, kiểu như đau đè ép lên ngực, hoặc tức ở giữa ngực trong vài phút. Cảm giác này có thể biến mất nhưng sau đó lại quay trở lại, đau một hoặc cả hai cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày. Ngoài ra còn có triệu chứng như khó thở, nhất là ở phụ nữ, buồn nôn, ra mồ hôi lạnh, hoa mắt, đau phía sau hàm...

Nguyên nhân kết hợp giữa lối sống và di truyền, do cholesterol cao, nhất là ở nhóm người hút thuốc lá, béo phì, tuổi trên 45, mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường không được điều trị, duy trì lối sống tĩnh tại, ít vận động và có tiền sử gia đình mắc bệnh tim.

Tử vong trong giấc ngủ: Căn bệnh giết người thầm lặng dễ bị bỏ qua - Ảnh 1.

Khi xuất hiện đau tim WHA cần phải đưa ngay đi cấp cứu, thời gian được xem là yếu tố sống còn của người bệnh. Bắc sĩ sẽ can thiệp để loại bỏ nguy cơ tắc động mạch chính hoặc LAD trong vòng 90 phút sau cơn đau tim. Thông thường, không cần phẫu thuật mà thay vào đó, bác sĩ có thể phải đặt stent để nong mạch hay mở thành động mạch để giúp tim hoạt động trở lại. Nếu tắc nghẽn ba hoặc nhiều động mạch vành trở lên thì có thể phải phẫu thuật tim.

2. Chết đuối trên cạn

Thông thường chỉ có chết đuối dưới nước, chứ mấy khi chết đuối trên cạn. Về mặt kỹ thuật chết đuối trên cạn (Dry Drowning) là thuật ngữ đề cập đến một bệnh lý chết đuối với lượng nước vô cùng ít ỏi, đi qua cổ họng và thâm nhập vào phổi dẫn tới tình trạng suy hô hấp sau vài giờ, thậm chí vài ngày trong lúc nạn nhân đang ngủ thiếp đi, nó rút dần dưỡng khí oxy bên trong cơ thể làm cho con người ngạt thở và tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, chết đuối trên cạn hay chết đuối thứ cấp, nước không bao giờ đến phổi. Thay vào đó, hơi thở trong nước khiến dây thanh quản của người bệnh, nhất là trẻ nhỏ khi ngủ bị co thắt và đóng lại. Điều này đồng nghĩa, đường hô hấp bị đóng, làm khó khăn cho việc thở. Chết đuối thứ cấp xảy ra nếu nước chảy vào phổi, gây kích thích niêm mạc và chất lỏng của phổi tích tụ, gây ra tình trạng có tên phù phổi, làm cho việc thở tồi tệ trong vòng 24 giờ. 

Đây là căn bệnh thường xảy ra sau khi bơi, hoặc trong khi ngủ chiếm 1% - 2% tổng số ca đuối nước. Triệu chứng bao gồm ho, đau ngực, khó thở, người trong cuộc cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, suy giảm năng lượng do không nhận đủ oxy.

3. Enterovirus D68

Enterovirus D68 (EV-D68) được y học đề cập lần đầu tiên vào năm 1962. Virus này gây ra các triệu chứng đa dạng, từ nhẹ đến nặng hay thậm chí là không có bất cứ triệu chứng nào và có mức độ nguy hiểm hơn cả Ebola. Nó dẫn tới hàng loạt vấn đề nghiêm trọng về hệ hô hấp, đặc trưng bởi tiếng thở khò khè; đôi khi đi kèm chứng nhược cơ và viêm tủy sống. EV-D68 có thể giết chết một người khi đang ngủ, nhất là người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ hay người cao tuổi.

Enterovirus thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu. Enterovirus là tên gọi chung của nhóm siêu vi thuộc họ Picornaviridae, lan từ người mang mầm bệnh sang người lành qua con đường ho hay hắt hơi. Các triệu chứng có thể biểu hiện từ thể nhẹ đến nặng, gây khó thở. Trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ nhiễm virus EV-D68 cao do miễn dịch thấp. Đối với trẻ nhỏ, EV-D68 gây nên nhiều các triệu chứng nguy hiểm hơn, như thở khò khè và khó thở. Cũng như các virút gây nhiễm trùng phổi khác, trẻ có bệnh hen hay đã có tiền sử bị chứng khó thở thường sẽ bị khởi phát cơn hen và có nguy cơ mắc thêm nhiều bệnh đường hô hấp nguy hiểm khác khi nhiễm phải loại virus này.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc trị cũng chưa có vắcxin đặc hiệu đối với loại virút nói trên. Khi trẻ xuất hiện triệu chứng như khó thở và thở gấp, rút lõm lồng ngực, hãy đưa trẻ tới trạm cấp cứu gần nhất để được điều trị ngay lập tức. Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ là rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch. Trong trường hợp không có sẵn nước và xà phòng, có thể sử dụng các dung dịch rửa tay chứa cồn thay thế. Hạn chế chạm vào các bề mặt ở nơi công cộng. Các bề mặt và các đồ vật thường xuyên tiếp xúc cần phải được làm sạch thường xuyên.

4. Hội chứng tử vong về đêm không rõ nguyên nhân

Hội chứng tử vong về đêm không rõ nguyên nhân (Unexplained nocturnal death syndrome hay SUNDS) được đề cập trong y văn thế giới lần đầu vào năm 1917. Theo các báo cáo y học thì nhiều ca tử vong liên quan đến SUNDS đều thuộc nhóm người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Tại Philippines, hội chứng SUNDS được gọi là Bangungut còn người Hawaii thì gọi nó là Bệnh giấc mơ. Hội chứng SUNDS xuất hiện nhiều ở Đông Nam Á. 25% là do tình trạng trội ở nhiễm sắc thể thông thường. Đa số là do đột biến ở gen có chức năng mã hóa bán đơn vị alpha kênh natri (SCN5A) nằm trên nhiễm sắc thể thứ 3, từ đó gây giảm sự tập trung ở kênh natri và gây ra sự biến đổi về điện sinh lý tim. Ngoài ra, còn nhiều bí ẩn liên quan đến SUNDS khoa học vẫn chưa hiểu hết.

Những người mắc bệnh có nguy cơ gia tăng nhịp thất nhưng đôi khi lại không có bất kỳ triệu chứng nào nên người dễ bị bỏ qua. Triệu chứng chỉ được phát hiện trên điện tâm đồ, người bệnh hay bị ngất, nhịp tim không đều hoặc đánh trống ngực, ngưng tim. Chẩn đoán bằng cách hỏi bệnh sử và khám thực thể, áp dụng điện tâm đồ (ECG), kiểm tra điện sinh (EP) và xét nghiệm di truyền. Điều trị chủ yếu là phòng ngừa như thuốc tránh tăng nặng triệu chứng, giảm sốt và cấy máy khử rung tim (ICD).

Tử vong trong giấc ngủ: Căn bệnh giết người thầm lặng dễ bị bỏ qua - Ảnh 2.

5. Ngộ độc CO

Carbon monoxide hay CO là loại khí không màu, không mùi, thường tồn tại trong khí thải xe cộ, bếp, lò nướng, lò sưởi... Phần lớn CO không thể phát hiện được nếu không có thiết bị đo lường chuyên dụng. Nếu tích tụ trong không gian nhỏ không có lối thoát có thể khiến con người bị ngộ độc. Nạn nhân tỉnh táo thường xuất hiện triệu chứng như chóng mặt, suy nhược, đau đầu, đau bụng. Nếu đang ngủ mà trúng độc CO sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng, kể cả người lớn khỏe mạnh.

Ngắn gọn hơn, ngộ độc cacbon monoxit thường xảy ra khi hít thở quá nhiều khí CO. Các triệu chứng thường được mô tả là như thể bị cúm như nhức đầu, chóng mặt, yếu, nôn, đau ngực và nhầm lẫn. Nếu nhiễm nặng có thể dẫn đến mất ý thức, rối loạn nhịp tim, động kinh hoặc tử vong. Ngộ độc CO tương đối phổ biến, xảy ra thường xuyên hơn vào mùa đông, đặc biệt là từ việc sử dụng máy phát điện di động, lò đốt... dưới dạng vô tình hoặc cố ý do CO được tạo ra trong quá trình đốt cháy không hết chất hữu cơ, như hiện tượng sưởi ấm bằng than tổ ong trong phòng kín hoặc dùng nhiên liệu carbon để nấu nướng. Carbon monoxide gây ra các phản ứng phụ bằng cách kết hợp với hemoglobin để hình thành carboxyhemoglobin (HbCO) ngăn ngừa máu vận chuyển oxy. Chẩn đoán được dựa vào HbCO trên 3% trong số những người không hút thuốc và hơn 10% trong số những người hút thuốc.

Các nỗ lực để ngăn ngừa ngộ độc bao gồm việc lắp các thiết bị cảnh báo CO, lắp đặt hệ thống phóng không thoát thải. Điều trị ngộ độc bao gồm việc cung cấp 100% oxy cùng với chăm sóc hỗ trợ, thực hiện cho đến khi các triệu chứng không còn nữa và mức HbCO nhỏ hơn 10%.

(Theo Listverse/Webmd- 9/2018)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment