Hương Tràm bị stress, tự bóc da tay đến rỉ máu, bác sĩ cảnh báo hội chứng tự ngược đãi bản thân
Mới đây, mạng xã hội đang xôn xao thông tin ca sĩ Hương Tràm đăng ảnh 2 ngón tay bị bóc da với caption: "Làm sao ngưng việc này lại hả Tràm" khiến fan vô cùng lo lắng. Theo đó, phía quản lý của ca sĩ cho biết, thời gian gần đây Tràm hay bị stress. Và mỗi lần như vậy, cô lại tự ngồi bóc tay. Stress đối với một nghệ sĩ mà nói thì cũng nhiều người gặp phải nhưng đến mức tự hành hạ bản thân thì thực sự quá tiêu cực.
Hương Tràm bị stress, tự bóc da tay đến rỉ máu.
Có thể nói, trong cuộc sống hàng ngày, hiện tượng tự hành hạ bản thân mỗi khi bị stress không hề thiếu. Đâu đó xung quanh bạn vẫn có những người thường xuyên nhổ tóc không kiểm soát chỉ vì căng thẳng, tự rạch da thịt chảy máu, đập đầu vào tường, tự đánh mình bị thương… Tất cả những hành vi tự ngược đãi bản thân ấy đều xuất phát từ stress quá mức, dẫn đến những việc làm không thể kiểm soát và bạn chỉ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi tự hành hạ bản thân như vậy.
Tự ngược đãi bản thân – Hội chứng bệnh thời hiện đại ai cũng phải dè chừng
TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hành vi tự ngược đãi bản thân xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống hiện đại. Nếu như trước đây, người ta chỉ thấy hội chứng tự ngược đãi bản thân ở nữ giới thì hiện nay xuất hiện ở cả nam giới và mọi lứa tuổi.
Hành vi tự ngược đãi bản thân xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống hiện đại.
Bản thân bác sĩ cũng từng điều trị cho một nữ sinh viên 21 tuổi dùng dao lam cắt 16 vết vào tay. Khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân cắt những vết thương nông, đủ rỉ máu tại hai cổ tay. Bệnh nhân cho biết mình phải chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống nhưng không biết giải quyết như thế nào nên cứ mỗi khi quá stress, cô lại tự cứa vào tay mình để lòng nhẹ nhõm, thoải mái hơn.
Nói như vậy để thấy, hội chứng tự ngược đãi bản thân là chuyện rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại, không cứ gì người làm trong giới nghệ sĩ như ca sĩ Hương Tràm. Trong y học, hội chứng tự ngược đãi bản thân có tên self-harm, tức là căng thẳng tâm lý kết hợp với rối loạn trầm cảm. Khi tự làm đau bản thân, cơ thể sẽ giải phóng chất giảm đau, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
TS Phương nhấn mạnh: "Hội chứng tự ngược đãi bản thân thường gặp nhất ở lứa tuổi vị thành niên vì đây là đối tượng gay gặp phải những áp lực từ việc học tập, sức ép từ gia đình ảnh hưởng đến sở thích, lối sống, đam mê, ngay cả những suy nghĩ lệch lạc, bi quan và bế tắc. Hội chứng nguy hiểm nhất ở chỗ có thể gây ra những thương tích cho bản thân người bệnh. Nếu như tình trạng này kéo dài, bệnh nhân không được điều trị thì tới một mức độ nào đó có thể gây ra chết người".
Để nhận biết hội chứng tự ngược đãi bản thân hay hội chứng tự hành hạ bản thân, chuyên gia lưu ý, ngoài việc tự gây đau, làm tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần thì bệnh nhân còn có các biểu hiện như: Các stress về tâm lý kéo dài, cảm thấy bất mãn, luôn căng thẳng, buồn bã, chán nản, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu giận, luôn có cảm giác ức chế, tim đập nhanh, hay bị đánh trống ngực, cơ run mỏi, cảm thấy có cục ở họng, khó nuốt, vã mồ hôi…
Nếu như tình trạng này kéo dài, bệnh nhân không được điều trị thì tới một mức độ nào đó có thể gây ra chết người.
Đối tượng dễ mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân thường là những người có nhân cách dễ bị tổn thương như người cầu toàn, hay đòi hỏi, người hay lo lắng, thích phô trương… Nếu bạn nhận thấy người thân, bạn bè xung quanh có các dấu hiệu này thì cần phải hạn chế các dụng cụ, đồ dùng có khả năng gây sát thương ở quanh họ.
Người bệnh cũng cần điều trị các sang chấn tâm lý. Hành vi tự ngược đãi bản thân không phải là bệnh mà là hội chứng bệnh, do đó cũng đòi hỏi người thân luôn bên cạnh, giúp đỡ, sẻ chia và chỉ dẫn cho người bệnh một cách đúng đắn.
Bản thân mỗi người cũng cần đề phòng, tránh rơi vào hội chứng này. Trong cuộc sống hiện đại, không ai là không phải đối mặt với stress dù ít dù nhiều. Nếu gặp những rắc rối trong tâm lý hay các vấn để cảm xúc, tâm trạng, các mối quan hệ, bạn đừng quên luôn có những cách tích cực để giải quyết vấn đề như chia sẻ với người mình cảm thấy tin tưởng (có thể là cha, mẹ, anh, chị em, chuyên gia tâm lý, bác sĩ, giáo viên hay bạn bè của bạn). Nếu không thật sự thoải mái hãy viết ra giấy toàn bộ tình trạng hỗn loạn của bản thân, hay thậm chí là trò chuyện cùng thú cưng.
Nếu gặp những rắc rối trong tâm lý hay các vấn để cảm xúc, tâm trạng, các mối quan hệ, bạn đừng quên luôn có những cách tích cực để giải quyết vấn đề như chia sẻ với người mình cảm thấy tin tưởng.
Ngoài ra, bạn cũng cần xác định rõ vấn đề khiến bạn muốn tự làm hại chính mình. Hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân khiến bạn muốn làm chuyện này. Sau khi xác định được nguyên nhân, hãy chia sẻ với người có tình trạng tương tự để có người thông cảm, tư vấn, giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Và điều cuối cùng, quan trọng hơn tất cả, khi thấy có những dấu hiệu bất thường ấy, hãy nhanh chóng trao đổi với chuyên gia tâm thần hay nhà tâm lý học để chữa lành vết thương cảm xúc, áp lực tâm lý cũng như đưa ra các giải pháp lành mạnh để giải quyết áp lực.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon