2 lần sinh mổ, 2 trải nghiệm hoàn toàn khác nhau nhưng ấn tượng của mẹ Thu Phương (sinh năm 1988, hiện đang sinh sống và làm việc tại Phú Thọ) vẫn nguyên vẹn với cảm giác "đau đớn và sợ hãi". Hai con chị là Bảo Trâm và Đức Phúc sinh chỉ cách nhau 2 năm nên việc sinh mổ cũng khiến vợ chồng chị lo lắng hơn với nhiều nguy cơ bác sĩ cảnh báo. Giờ đây, khi việc sinh nở đã qua nhưng bà mẹ 2 con vẫn còn nhớ như in hành trình vượt cạn với lo lắng, sợ hãi, hoang mang và ngập tràn hạnh phúc. Chị đã ghi lại nhật kí sinh nở của mình như một kỉ niệm để lớn lên các con có thể biết được mình đã chào đời như thế nào.
Lần 1: Váy vén lên tận ngực, nằm tênh hênh trên giường
"Ục!" nước xối xả chảy ướt sũng quần, mẹ bước xuống giường, cuống cuồng không hiểu chuyện gì xảy ra. Tim đập thình thịch gọi điện cho bố "Chồng ơi, vợ vỡ ối rồi, chuẩn bị nhập viện thôi". Thấm nhuần tư tưởng của các bác đi trước truyền lại "Vỡ ối nhưng còn lâu mới đẻ được", thế là mẹ vẫn bình tĩnh đi tắm rửa và ăn cơm, rồi gọi taxi cùng dì con vào viện.
Lần đầu sinh mổ, mọi thứ đều khác xa với hình dung của chị Phương.
Ôi, khoa sản là đây sao?! Sao không phải là cảnh sản phụ mỉm cười, bác sĩ nắm tay an ủi, động viên, sao không phải là phòng sinh 1 sản phụ 1 hộ sinh và các bác sĩ... mà lại là tiếng các mẹ bầu la hét "Đau quá!!!!", tiếng người nhà nhốn nháo "Đẻ chưa?" "Mấy kg?" "Mang khăn, bỉm đến đây"... tiếng các cô hộ sinh "Người nhà sản phụ A đâu?" "Nào, còn kêu nữa là không có sức mà đẻ đâu, lúc đấy đừng có kêu bác sĩ nhá!!", "Chị kia tên là gì? Bao nhiêu tuần rồi? Nặng mấy kg?"...
Sau khi làm xong thủ tục thăm khám, mẹ phải đi siêu âm. Lúc này con bắt đầu thúc xuống cửa mình đòi chui ra, từng cơn cứ quặn lên dồn dập. Ngoài trời khá lạnh, chắc khoảng 15-17 độ, gió thổi rít lên ầm ào. Chiếc váy đụp - "đồng phục" khoa sản mẹ đang mặc cứ bay phần phật theo gió.
Bắt đầu lên bàn đẻ. Ôi, cái giường đẻ sao cao thế, vất vả trèo lên trèo xuống, mẹ còn bị 1 cô hộ sinh quát "Cái chị kia, nghiêng người bám vào mà xuống, ngồi chồm chỗm leo thế ngã bây giờ". Mẹ lập cập vâng dạ, đầu trỗng rỗng, bụng vẫn quặn từng cơn.
Bé Bảo Trâm chào đời sau khi mẹ trải qua hai lần đau đớn, vừa đau đẻ, vừa đau mổ.
Tranh thủ lúc qua cơn đau, mẹ ngắm 1 lượt khắp căn phòng, có khoảng chục giường, mỗi giường có 1 mẹ bầu chờ sinh. Có 1 điểm chung là tất cả đều nude phía dưới. Váy vén lên tận ngực, nằm tênh hênh trên giường, có mẹ rên rỉ kêu đau, có mẹ môi mím chặt vật lộn trên giường, có mẹ nằm im không nhúc nhích. Xa xa 1 góc phòng, các mẹ chưa sinh thì đứng lố nhố chờ y tá nghe tim thai. Có mẹ đang được bác sĩ đỡ đẻ, tiếng em bé khóc làm mẹ càng mong ngóng giây phút được đón con chào đời.
Khoa sản khá đông bác sĩ nam, lúc mới vào mẹ cũng thoáng chút bối rối và xấu hổ. Mẹ được nằm chạy máy monitor theo dõi. Con vẫn dồn dập đòi ra, cái cảm giác đúng như người bị táo bón mà rặn mãi không được. Mẹ rặn và liên tục rặn, mặt căng lên đỏ phừng phừng, mồ hôi vã ra.
Hiện tại, cô công chúa Bảo Trâm đã được hơn 3 tuổi và rất ra dáng đàn chị.
"Nào, 2 chân đạp vào bàn đạp, tay nắm thành giường, hít thật sâu rồi rặn ra" mẹ răm rắp làm theo hướng dẫn. "Cố lên nhé, anh hướng dẫn em rồi làm theo nhé, nào..." 1..2..3.. lại tiếp tục. Cô y tá vuốt tóc mẹ động viên rồi dùng hai tay lấy hết sức đè bụng mẹ xuống. Mẹ cảm giác ngực mẹ bẹp dúm xuống chiếc giường, không thể thở nổi nữa rồi. Cuối cùng mẹ vẫn không thể sinh con theo cách tự nhiên, bác sĩ bảo xương chậu mẹ bé quá, chuyển sang sinh mổ.
Mẹ lại ngồi dậy thay đồ đi mổ, lên bàn mổ vẫn còn cố rặn xem có được không, cố theo kiểu còn nước còn tát. Bác sĩ tiêm gây tê tủy sống cho mẹ và bắt đầu rạch rồi ấn rồi xoay. Oe, oe... con đã chào đời lúc 0h30’, nặng 3,2 kg. Mẹ thấy như trải qua 1 thế kỉ dài đằng đẵng, bao vất vả cuối cùng cũng được gặp con.
Lần 2: Chân nặng trĩu nhưng vẫn cảm giác từng đường dao sắc lẹm lướt qua bụng
Con 38 tuần, mẹ đi siêu âm, bác sĩ bảo vết mổ cũ mỏng quá, ối cũng còn ít, đầu con tụt xuống dưới rồi, vào viện chủ động mổ thôi.
Hai bố mẹ thu dọn đồ đạc, qua phòng khám sản của viện để khám trong rồi đi siêu âm mất cả buổi sáng. Nói khám trong cho oách chứ thực ra đó chính là 1 kiểu "móc cua" các mẹ ạ, thốn đến tận rốn.
Dù là sinh mổ chủ động nhưng lần sinh mổ thứ 2, chị Phương vẫn không tránh khỏi lo lắng, sợ hãi.
Mẹ nằm ngửa trên bàn, "chuẩn bị lên thớt", dây quấn chằng chịt quanh bụng. Mẹ nghe tiếng con đạp lụp bụp qua máy. Cả đêm hôm đó mẹ cứ phải canh giờ để đi khám và đo máy. Một đêm đầy tâm trạng và mệt mỏi của bố và mẹ.
Sau khi nghe tư vấn trước mổ của bác sĩ, mẹ lập cập thay đồ và được bố đẩy sang phòng mổ. Trước khi cánh cửa phòng mổ khép lại, mẹ còn cố ngoái lại nhìn bố con, cảm giác như đây là giây phút sinh tử li biệt, nước mắt rơm rớm tủi thân lắm.
Bác sĩ bắt đầu tiêm thuốc gây tê vào cột sống, 1 cảm giác buốt man mát chạy dọc cơ thể, 2 chân bắt đầu nặng trĩu và mất dần cảm giác. Mẹ nghe thấy dao kéo leng keng, mẹ sợ thuốc chưa ngấm nên cố ngóc đầu lên: "Bác sĩ ơi, em vẫn nhấc chân được đấy nhé". Bác sĩ bắt đầu lướt đường dao sắc lẹm đầu tiên lên bụng mẹ, đi qua từng lớp mỡ dầy, người ấn bụng mẹ, người xử lý bên dưới, cuối cùng con cũng cất tiếng khóc chào đời.
Mẹ Phương và bé Đức Phúc 5 ngày sau sinh.
Mẹ run run thở phào nhẹ nhõm. Mẹ được cô hộ sinh cho nhìn con, cô còn nghiêng người con cho mẹ thơm má. Ôi chao, không bao giờ mẹ quên được giây phút thiêng liêng ấy, con bé bỏng trắng hồng, nhắm mắt, môi chúm chím, má phinh phính chạm vào má mẹ thật mềm mại.
Xong xuôi, mẹ được đưa ra nằm ở phòng hậu phẫu. Nằm đó chắc khoảng 4-5 tiếng, mẹ buồn ngủ và lạnh kinh khủng, bác sĩ phải đắp chăn cho mẹ. Mẹ nằm đó chỉ nhìn chằm chằm đồng hồ và mong từng phút được về với con.
Mổ xong là quá trình đau vết mổ, đau cơn co tử cung, đau lung tung khắp chỗ. Nằm không yên, ngồi cũng không được, đứng tập đi thì như có nghìn mũi kim chọc chọc vào từng thớ thịt. Trộm vía lần này mẹ lại dậy đi nhanh hơn lần 1, đau đớn ban đầu qua nhanh...
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon