Lì xì năm mới: Tiếc gì câu nhau câu chúc tử tế, người nhận thêm ấm lòng

Từ hồi còn nhỏ, không cần phải ai dạy hay nghiên cứu sách vở văn hóa xa xưa về nguồn gốc của lì xì, chúng tôi cũng biết phong tục này là cách mà mọi người gửi gắm những lời chúc tốt đẹp trong dịp năm mới, mong sao cho trẻ con khỏe mạnh, học giỏi; còn ông bà cha mẹ sống vui vẻ hạnh phúc với con cháu.

Mọi người đều biết điều này cả, nhưng có vẻ như người ta nghĩ ai cũng chỉ coi trọng vật chất, đong đếm xem được bao nhiêu. Từ một người chiếc phong bao lì xì "phá chuẩn" như vậy, dần dần nó đã thành cái nếp: tiền lì xì quan trọng hơn lời chúc.

Những ngày xuân năm cũ, trẻ con háo hức, khấp khởi chờ ngày Tết để được nhận bao lì xì. Con cháu trong nhà xếp hàng lần lượt, nghe lời chúc của ông bà cha mẹ rồi nhận lì xì. Đứa nào cũng cảm ơn rối rít rồi mới ù chạy ra ngoài sân. Một thuở khó như vậy, bao lì xì có giá trị vật chất không lớn nhưng niềm vui thì chắc đủ đầy hơn bây giờ.

Lì xì năm mới: Tiếc gì câu nhau câu chúc tử tế, người nhận thêm ấm lòng - Ảnh 1.

Những bao lì xì ngày Tết gửi gắm cả lời cầu chúc cho mọi người một năm mới bình an, hạnh phúc. (Ảnh: Vũ Tuấn Anh)

Lì xì, tiếc gì nhau câu chúc tử tế?

Tôi có một ông anh họ cũng lớn tuổi, họ hàng bắn đại bác không cũng tới và chẳng biết có bao giờ gặp nhau trong năm hay không. Tết đến, ông cũng đến nhà tôi chơi cùng vợ con. Mẹ tôi cứ xầm xì rằng ông anh họ xa này rất giàu, theo kiểu vàng nhẫn đầy tay, khá giả và rất sang.

Vừa bước vào phòng khách, sau màn chào hỏi qua lại hai bên, ông anh này rút ngay ra một bao lì xì, chẳng biết là bao nhiêu nhưng rất kiểu cách, đặt ngay trước mặt tôi kèm theo một câu nói cụt lủn, chỏng lỏn:

"Đây, cho chú", ông anh nhìn tôi kiểu "cầm lấy đi nhanh lên" rồi cũng chẳng nói gì. Bố mẹ tôi thì đỡ lời: "Nó lớn rồi đi làm cậu mừng tuổi làm gì nữa".

Lì xì năm mới: Tiếc gì câu nhau câu chúc tử tế, người nhận thêm ấm lòng - Ảnh 2.

Lì xì, tiếc gì nhau câu chúc mà không dành cho nhau, thay vì chỉ có những đồng tiền mang nặng giá trị vật chất?

Tôi cảm ơn anh, chúc một câu ngắn gọn rồi nhận lì xì. Còn nán lại cho tới khi ông anh này đi về cũng không thấy có thêm một lời chúc nào nữa cả.

"Lời chào cao hơn mâm cỗ", cái câu nói này thời nào cũng chẳng sai nếu chừng nào xã hội còn coi trọng lễ nghĩa. Mà giờ chắc người ta chỉ nhìn "cỗ" xem màu xanh hay màu đỏ, hay biết đâu lại là mâm cỗ ngoại. Còn về phần "chào" thì dường như người ta cũng quên; có cũng được, không có cũng chẳng sao, còn không thì làm câu liến thoắng đầu môi, cụt lủn cho nhanh rồi xong phần hỏi đáp.

Giờ lì xì cứ như một thủ tục, lì xì với bao lời chúc nhau may mắn, hạnh phúc thì ít mà trả lễ, đáp lễ thì nhiều. Nhiều gia đình Tết nhất, thấy áp lực cả chuyện lì xì bao nhiêu cho vừa. Sao không ai nghĩ, chúc sao cho vừa, cho khéo để khỏi làm buồn lòng nhau?

Vui thay câu chúc Tết, chứ đâu chỉ bao lì xì

Rồi nhà tôi lại có khách, Tết nhất thì đúng là có khách là chuyện bình thường. Khách lần này là mấy cô chú bạn bố mẹ và gia đình, chắc cũng phải tới hơn chục người. Bọn trẻ đang chạy quanh phòng rồi cũng trật tự khi nghe một ông chú bắt đầu mừng tuổi. Chú đưa bao lì xì cho từng đứa một, kèm theo vài câu chúc ngắn ngắn như: "hay ăn chóng lớn", "học giỏi nhé"... Đến lượt tôi.

"Thằng này năm nay lớn rồi, thôi chắc không phải mừng tuổi đâu nhỉ".

Nói xong, chú đấy cũng quay đi luôn, không thêm bớt một câu gì nữa. Tôi hơi nhíu mày nhìn ông chú kia, một cách vừa ngao ngán, vừa ái ngại. Tất nhiên là nếu không có tiền mừng tuổi của chú, chúng tôi cũng không nghèo hơn hay giàu đi. Nhưng Tết mà, sao khó khăn với nhau một câu chúc vậy? Chẳng lẽ những người được nhận tiền lì xì thì mới là người được chúc năm mới?

Lì xì năm mới: Tiếc gì câu nhau câu chúc tử tế, người nhận thêm ấm lòng - Ảnh 3.

Lì xì nhau năm mới, vui thay vì câu chúc, chứ đâu phải chỉ những tờ tiền?

Khi những giá trị vật chất len lỏi trong từng phong tục nếp xưa, lũ trẻ sẽ nhìn người lớn hành xử như một kim chỉ nam cho nhiều cái Tết về sau. Tôi đã nhìn thấy lũ trẻ vùng vằng với cha mẹ vì chỉ được mừng tuổi "có ngần này", một ông sếp giàu có đếm tiền mừng tuổi con nhân viên như ban phát tiền thưởng đầu năm. Cái phong bao đỏ kia cũng ít dần, người ta đưa cho nhau như muốn cho gia chủ biết để "lại quả".

Rồi những tờ tiền xanh đỏ kia cũng chuyển rời từ người này qua người khác, còn câu chúc nhau hạnh phúc thì vẫn còn mãi không ai lấy được. Liệu có mấy ai để tâm đến điều đó?

Cái chuyện ngày Tết và bao lì xì nó còn dai dẳng và vô vàn tình huống oái oăm hơn, từ năm này qua năm khác. Không bàn về chuyện người lớn dạy trẻ con, chuyện giá trị vật chất bao lì xì... Nhưng chỉ mong đầu năm, nếu đã lì xì nhau, xin hãy trao cả những lời chúc ý nghĩa, tử tế trong năm mới.

Lì xì đúng cách, chúc tử tế; nghe có vẻ đơn giản mà không dễ chút nào.

Lì xì năm mới: Tiếc gì câu nhau câu chúc tử tế, người nhận thêm ấm lòng - Ảnh 4.

Lì xì đúng cách, nghe có vẻ đơn giản mà không dễ chút nào.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment