Mỗi chúng ta chắc chắn ít nhiều đều có những lúc tức giận và nóng nảy bởi trong cuộc sống những áp lực và stress luôn bủa vây con người. Đặc biệt là những ông bố bà mẹ khi phải chịu áp lực công việc lại vừa phải đau đầu chăm con nhỏ. Trẻ con, ở độ tuổi hay quấy nhiễu và "ẩm ương", cũng có thể nổi giận vì bất kì nguyên nhân gì. Đối phó với những cơn giận của bản thân đã khó, đối phó và giải quyết những cơn giận của con trẻ lại càng khó hơn vì cách bố mẹ giải quyết ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của con. Điều này khiến không ít phụ huynh băn khoăn vì không biết phải làm thế nào mới đúng.
Đối phó với những cơn giận của bản thân đã khó, đối phó và giải quyết những cơn giận của con trẻ lại càng khó hơn.
Các chuyên gia tâm lý của chuyên trang làm cha mẹ Thestir cho rằng: Có một loại thước đo mức độ kiên nhẫn và rộng lượng của cha mẹ chính là cơn giận của trẻ con. Chứng kiến cơn giận của trẻ, sẽ là sai lầm nếu cha mẹ vội chiều theo đòi hỏi hay trừng phạt chúng ngay tại chỗ. Thay vào đó, Curry Winters - một nhà báo đồng thời là một bà mẹ nổi tiếng với phương pháp homeschooling của riêng mình cho 3 cậu con trai, đã gợi ý một giải pháp cho các bậc cha mẹ khi phải đối phó với những đứa trẻ đang tức giận, đó chính là cứ để con thoải mái bộc lộ hết cảm xúc.
Hầu hết những biện pháp mà các bậc phụ huynh thường chọn như quát mắng hay chiều theo những đòi hỏi của trẻ để làm dịu cơn tức giận đều không có hiệu quả bởi chúng không thể thay đổi được những cảm xúc và cảm giác của trẻ. Bố mẹ thường bắt con dừng cơn giận ngay hoặc thay đổi thái độ mà không trao cho con những công cụ cần thiết để điều chỉnh hành vi và cảm xúc.
Người lớn chúng ta thường tự thấy rằng những cơn giận của mình là chính đáng bởi chúng ta tự trải qua và cảm nhận được sự thất vọng và bất mãn. Chúng ta có thể kể tên những cảm xúc đó, nhưng trẻ con thì không thể.
Trẻ con cũng trải qua những cảm xúc y hệt như người lớn, nhưng sự khác biệt là ở chỗ suy nghĩ của chúng chưa được phát triển hoàn thiện, ngôn từ chưa được đầy đủ và những trải nghiệm cũng chưa đủ nhiều để dạy chúng rằng những cảm xúc đó rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng đó chẳng phải là nhiệm vụ của bố mẹ sao? Để giúp con trải nghiệm những cảm xúc, hiểu và có thể giải thích được những cảm xúc đó? Chúng ta phải giúp con học cách không nên che giấu những cảm xúc, nhưng thay vào đó là cảm nhận chúng và trải nghiệm chúng một cách chân thật, để từ đó có thể phản ứng với chúng một cách phù hợp.
Hãy cứ để con gào thét hoặc ném đồ chơi vì đó là cách để con tự mình trải nghiệm và đối mặt với những cảm xúc.
Trẻ con bẩm sinh thường đã biết cách tự do bộc lộ cảm xúc, chúng khóc khi thấy buồn, cười khi thấy vui và khóc thét khi tức giận, chỉ cách dạy dỗ của người lớn mới có thể thay đổi được điều đó. Vì thế, bố mẹ không nên bắt con phải kìm nén hoặc che giấu cảm xúc, ví dụ điển hình là quát nạt con mỗi khi con nổi giận. Những cảm xúc không có gì sai cả, cũng không có gì đáng xấu hổ, thứ duy nhất sai chỉ là phản ứng của chúng ta.
Chúng ta có những con thú bông để chúng ném và những bức tường trong phòng ngủ để chúng có thể đá. Tuy nhiên, bố mẹ cũng đồng thời phải để ý và điều chỉnh cho con nếu những hành động lúc giận của con quá cực đoan hay thái quá, tránh hình thành nên thói quen la hét và đập phá đồ mỗi khi tức giận. Chúng ta nên cùng con làm dịu cơn giận, đặt tên cho những cảm xúc và cùng nhau tìm hiểu vì sao chúng ta lại cảm thấy như vậy để cùng nhau "trưởng thành".
Làm như vậy, bố mẹ đã giúp con lớn lên hiểu rõ về những cảm xúc của bản thân, từ đó giúp con có thể thay đổi thế giới của chính mình thay vì để thế giới thay đổi mình.
Nguồn: Scarymommy
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon