WHO cảnh báo: Bệnh lây truyền qua đường tình dục đang kháng kháng sinh và đe dọa con người

Mới đây, tổ chức Y tế thế giới WHO đã đưa ra cảnh báo về khả năng kháng thuốc kháng sinh của 3 bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục là Chlamydia, bệnh lậu và bệnh giang mai. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây (từ 2003), WHO chưa phải đưa ra cảnh báo nào về các bệnh này.

Theo đó, mỗi năm có tới 200 triệu người mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục này và bệnh thường được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh đơn giản trong liệu trình ngắn. Tuy nhiên, ngày nay, với tốc độ phát triển chóng mặt của bệnh, phương pháp điều trị này đã không còn hiệu quả. 

"Kháng kháng sinh trong các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục - STIs đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Điều này làm cho hiệu quả điều trị giảm đi", cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết.


STD kháng kháng sinh
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang có xu hướng kháng kháng sinh. Ảnh minh họa
Cho đến nay, tình trạng kháng một loạt các loại thuốc kháng sinh của chủng bệnh lậu đã được phát hiện. Đồng thời, kháng kháng sinh cũng tồn tại ở các bệnh chlamydia, giang mai mặc dù ít phổ biến hơn. Hiện chỉ có hai loại thuốc kháng sinh còn có thể điều trị bệnh lậu là: azithromycin và ceftriaxone.

Một số loại kháng sinh khác như penicillin, tetracycline và fluoroquinolones đã không còn tác dụng với các bệnh nhiễm trùng. Càng ngày, tình trạng kháng càng trở nên nghiêm trọng, dẫn đến sai sót trong chẩn đoán và điều trị.

Một khi không được chẩn đoán và điều trị chính xác, thích hợp, 3 bệnh này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả nhiễm trùng vùng chậu; mang thai ngoài tử cung; tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu và tử vong sơ sinh... Theo số liệu của WHO thì trong năm 2012, số ca lây truyền bệnh giang mai từ mẹ sang con khiến cho thai nhi tử vong sớm, thai chết lưu hay tử vong sơ sinh là hơn 200.000. 

Nhân viên y tế Teodora Wi, người nắm rất rõ về cảnh báo của WHO, tiết lộ virus gây bệnh lậu là "siêu virus" vì nó liên tục thích nghi với tất cả các loại thuốc kháng sinh mới. Nó cũng có thể lây nhiễm sang các bộ phận sinh dục, trực tràng, và cổ họng.

Điều đáng nói nữa là khi bị nhiễm trùng qua đường tình dục, nguy cơ bị nhiễm HIV cũng cao hơn. Bệnh lậu và chlamydia nếu không được điều trị có thể khiến cả nam giới và phụ nữ bị vô sinh.

Nhằm ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh lan rộng, WHO đã đưa ra những hướng dẫn mới nhằm đảm bảo rằng các bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh tốt nhất với liều lượng đúng để điều trị từng bệnh cụ thể.

STD kháng kháng sinh

Điều quan trọng là phải loại bỏ lạm dụng kháng sinh và người bệnh phải nhận thức được việc dùng thuốc đúng liều.

Để giảm sự lây lan của dịch bệnh, dịch vụ y tế các quốc gia cần phải theo dõi các mô hình kháng kháng sinh trong các bệnh nhiễm trùng trong nước mình. Chẳng hạn, đối với bệnh lậu, WHO khuyến cáo các cơ quan y tế nghiên cứu các dạng kháng thuốc tại địa phương và tư vấn cho các bác sĩ để kê đơn thuốc kháng sinh hiệu quả nhất sao cho khả năng kháng thuốc là thấp nhất.

Các quan chức y tế cảnh báo, điều quan trọng là phải loại bỏ tình trạng lạm dụng kháng sinh và người bệnh phải nhận thức được việc dùng thuốc đúng liều.

Trong khi đó, đối với bệnh giang mai, WHO khuyến cáo một loại kháng sinh cụ thể - benzathine penicilin - được tiêm vào mông hoặc đùi cơ bắp.

Bên cạnh đó, WHO cũng nhấn mạnh việc sử dụng bao cao su là cách hiệu quả nhất để bảo vệ chống lại nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục này.

Dấu hiệu nhận biết bệnh lậu:

- Đau rát khi tiểu tiện hoặc có mủ vàng sẫm đặc chảy ra theo khi tiểu tiện

- Ngứa rát quanh vùng âm hộ, đau âm ỉ ở bụng dưới

- Đau vùng xương mu khi giao hợp

- Viêm tấy đỏ, có mủ vùng âm hộ, âm đạo… 

- Có khí hư, lỗ cổ tử cung có thể đỏ, trợt phù, lộ tuyến là biểu hiện đã viêm cổ tử cung

- Có thể đau vùng hố chậu hoặc hạ vị, đau ở giữa, một bên hoặc hai bên

- Sốt, buồn nôn, nôn, điều này cho thấy có thể đã lây lan nhiễm trùng lên các phần phụ...

- Ngứa nhiều ở quy đầu và xung quanh dương vật bị tấy đỏ (ở nam giới)

Dấu hiệu nhận biết bệnh chlamydia:

- Dịch âm đạo bất thường

- Cảm giác bỏng rát hoặc đau khi đi tiểu, giao hợp

- Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp

- Đau bụng, cơn đau có thể đi kèm với đau xung quanh tử cung hay gan

- Đau ở lưng dưới hoặc xương chậu

Các triệu chứng nhiễm Chlamydia ở nam giới thường kín đáo và khó phát hiện hơn.

Dấu hiệu nhận biết bệnh giang mai:

Giai đoạn 1: 

- Xuất hiện các vết săng - Vết trợt nông hình tròn hay bầu dục bằng phẳng với mặt da, màu đỏ tươi, không có mủ, không có vảy thường đơn độc, không ngứa, không đau.

- Săng xuất hiện ở cổ tử cung, thành âm đạo, môi lớn, môi bé, âm vật. Còn có thể có ở một số vị trí khác như họng, lưỡi hoặc môi, trán...

Giai đoạn 2: 

- Sốt, hạch bạch huyết sưng to, không đau kèm theo đau đầu, đau cơ...

- Chán ăn, cơ thể suy nhược

- Niêm mạc da xuất hiện nốt ban, mụn mủ... có thể xuất hiện ở niêm mạc môi, khoang miệng, quy đầu...

Giai đoạn cuối:

- Xuất hiện những khối u sùi, ăn sâu và lớp da, xương... có thể loét, chảy mủ lẫn máu, không đau

- Có những tổn thương gồ lên bề mặt da, màu hồng, tập trung thành từng đám

Nếu bệnh để càng lâu, các xoắn khuẩn giang mai sẽ ăn sâu vào máu, da, cơ xương... dẫn đến nhiều tổn thương nghiêm trọng về tim mạch, nội tạng...


(nguồn: DailyMail)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment