"Muốn có cái Tết tử tế, đàn ông phải biết... vô tâm!"

Khi tất cả chị em dường như đang sợ Tết hơn mong Tết vì những nỗi niềm như làm dâu dịp Tết, quà biếu, nội trợ và những áp lực chính đáng của ngày người ta vẫn bảo "vui như Tết" thì "anh Chánh" Hoàng Anh Tú đã có bài viết như nói hộ nỗi lòng chị em về bí quyết để có 1 cái "Tết tử tế".

Dưới đây là trích nguyên văn bài viết của Hoàng Anh Tú: 

"Tôi nghĩ, Tết vốn là để chúng ta... vô tâm, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ nữa. Hãy vô tâm nhiều hơn nữa với nhau trong cuộc hôn nhân của bạn, đừng xét nét nhau nữa mà làm gì. Chứ tôi thấy, Tết nào cũng thế, chúng ta luôn bị quan tâm nhau một cách thái quá, từ việc lương thưởng bao nhiêu, Tết trọng nội hay trọng ngoại, chồng lười nhác việc nhà, vợ keo kiệt bủn xỉn với nhà nội, mẹ chồng mắng mỏ con dâu vì bỏ bê ngày Tết... Tôi nghĩ, sao chúng ta cứ tự làm khổ mình đến như vậy?

muon-tet-vui-vo-chong-phai-vo-tam
Hoàng Anh Tú luôn là người nói những lời có cánh về vợ mình

Tết vốn là để chúng ta vô tâm! Vợ không biết cúng lễ hay cỗ bàn thì có sao? Chồng nhác chuyện dọn dẹp cửa nhà thì có gì? Tết vốn là dịp để nghỉ ngơi sau cả năm trời lao động vất vả kia mà? Có nhiều người đàn ông thích đưa vợ con đi du lịch Tết thì cũng sẽ có nhiều người phụ nữ muốn Tết là quây quần, là dịp để trang hoàng nhà cửa, nấu những bữa cơm ngon hơn cả ngày thường. Hay có những người chỉ thích về quê ăn Tết xưa, lu bu cỗ bàn mấy ngày Tết trong hạnh phúc. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Đừng cứ cho là đàn ông phải chiều vợ, nịnh vợ mới là đàn ông chuẩn mực. Phụ nữ phải phơi phới như hoa, quần là áo lượt đi chơi Tết mới là phụ nữ hạnh phúc. Sao chúng ta cứ lấy tiêu chuẩn của mình ra để áp đặt cho người khác vậy?

Tôi nghĩ, Tết vốn là để chúng ta vô tâm. Mà không chỉ Tết, cả ngày thường nữa. Vô tâm với những lỗi lầm của nhau, kiểu giận đấy rồi lại quên ngay, cho thanh thản. Các nhà khoa học đã chứng minh phụ nữ thích đàn ông vị tha hơn cả đẹp trai. Và đàn ông sẽ thấy hạnh phúc hơn với người vợ mau quên. Đàn ông mà đi soi mói, chấp nhặt từng ly từng tí với vợ thì chẳng bao giờ gia đình có cái Tết tử tế. Phụ nữ mà cứ nhớ dai thù lâu thì cả đời chỉ sống trong ấm ức, tủi nhục. Vì thế, hãy vô tâm đi.

Cuộc sống vốn chẳng nhiều nhặn gì. Chúng ta cứ chấp nhặt nhau, cứ xét nét nhau, cứ thấy những điều bất ổn của nhau thì chỉ đau, chỉ khổ và buồn thôi. Vô tâm đi, Tết càng phải vô tâm. Hôn nhân vốn bao hàm cả sự thỏa hiệp để bước tới, để đi xa. Tết nhất có mấy ngày để lười biếng vậy. Có phải thế không mà mùng một sớm mai, người ta kiêng kỵ cãi nhau, Tết nhất kiêng kỵ quét nhà?

Một cuộc hôn nhân khỏe mạnh vốn không phải là một cuộc hôn nhân vô trùng và sạch sẽ đâu. Chồng tệ cái này, kém cái kia, làm đâu hỏng đấy nhưng anh ấy cũng có cả tá những thứ được hơn những gã đàn ông khác. Vợ có thể vụng, có thể hay than thở, hay mè nheo, hay cằn nhằn thì cô ấy cũng có cả tá cái được khác. Mà vợ, chồng không nhiều ưu điểm thì cũng có sao, miễn là Tết này hai đứa cứ phớ lớ nói cười là được.

Thì thế, Tết vốn là để chúng ta học bao dung với nhau, học lờ lớ lơ đi những thứ nhỏ nhặt để cùng nhau tận hưởng một cái Tết trọn vẹn vậy".

Hoàng Anh Tú

Gia đình nhỏ hạnh phúc của Hoàng Anh Tú

Dưới đây là cuộc trò chuyện ngắn với Hoàng Anh Tú để chị em hiểu rõ hơn quan điểm của người viết:

- Nếu đọc không kĩ thì có lẽ người ta sẽ tưởng anh cổ xúy sự vô tâm thật đấy...

Tôi công nhận! Bởi khá nhiều người chỉ đọc tít bài rồi phán xét như thể đã đọc cả bài vậy! Nhiều tai nạn do phát ngôn thì ít mà do giật tít thì nhiều là vậy!

- Dường như không phải anh đang nói cho cánh đàn ông mà anh đang đứng về phía chị em khi họ bị áp lực vì Tết bởi chồng họ luôn câu nệ mâm cao, cỗ đầy, ăn Tết thì phải ăn Tết nhà chồng...

Tôi đứng về phía Tết hạnh phúc! Chị em cũng vậy mà anh em cũng thế! Tết là hạnh phúc chứ không phải Tết là muốn… chết! Bởi quả thực, đâu phải anh em muốn Tết mâm cao cỗ đầy mà nhiều chị em cũng thích “trưng bày” ngày Tết đấy chứ! Tôi sợ nhất là những người phụ nữ bày vẽ ra đủ kiểu rồi than mệt, than chồng không giúp đỡ. Hay những người đàn ông lúc nào cũng muốn Tết hoành tráng trong khi chả giúp vợ!

- Mong ước 1 cái Tết an nhàn mà thực sự được chơi Tết chứ không phải ăn Tết là nỗi niềm của chị em, nhưng đâu có phải ai cũng có suy nghĩ tiến bộ được như anh?

Tôi công nhận! Nhất là ở dưới quê. Nhiều khi làm cả năm chỉ để gom góp cho cái Tết sung túc, đầy đủ. Có nhiều người còn đi vay tiền nặng lãi chỉ vì Tết thì phải to. Rồi lì xì phải lớn để không bị xấu mặt với chòm xóm. Tết an nhàn thực sự đòi hỏi người ta coi Tết như 1 kỳ nghỉ lễ chứ không phải ngày trọng đại của một năm!

- Theo anh, chị em cần làm gì để "vùng lên" không phải trong ngày 8/3, mà vào 1 dịp Tết những đến tận quá 10 ngày?

Khi tôi viết bài này, nhiều chị em đã inbox cho tôi nói lời cảm ơn và nhân tiện nhờ tôi tư vấn cách nào vượt qua kỳ Tết mệt với họ hàng nội ngoại này. Tôi vẫn bảo: Đưa bài cho chồng đọc đi! Rồi cùng nói với nhau. Bởi nhiều khi tự mình nói ra dễ bị suy diễn là vợ lười biếng, trốn việc hoặc không coi trọng gia đình chồng. Vậy thì để “ông Tú” ông í nói như thế, như thế, anh thấy sao? Tết này nhà mình có nên vô tâm tí không? Tôi nghĩ thế đi, để ông Tú mang tiếng xúi bậy cũng được. Nếu chồng bạn cũng tâm đắc thì tốt rồi. Tiến hành thôi! Tết lười biếng cả ngày nằm ôm nhau đi chơi với nhau đi! Bằng nếu chồng lên án này nọ thì là lên án cái ông Tú í! Và nói thật, đó là 1 bà vợ bất hạnh rồi!

Previous
Next Post »
Thanks for your comment