Những dãy phố lụp xụp, những món hàng cũ kỹ, những thứ một thời từng được ao ước, bày biện ở nơi sang trọng, giờ nép mình trong chốn nhẹ nhàng, tĩnh lặng hơn. Chúng vẫn ngày đêm tồn tại, là nguồn sống của biết bao phận người, góp phần tạo nên những dãy phố bán đồ chuyên biệt độc đáo.
Con đường Nguyễn Kiệm (P3, Q.Phú Nhuận) từ lâu trở thành nơi tập kết đồ công nghệ cũ. Hàng hoá đổ về đây rất đa dạng, từ những chiếc ipad, điện thoại di động, đồng hồ điện tử đến đồ phụ tùng nhỏ như pin, cục sạc, dây cáp... Chúng, nếu không trầy trụa, xước một hai chỗ nơi tấm lưng thì cũng bị bong tróc lớp nhựa bên ngoài.
Những người bán buôn ở đây đa phần là dân tỉnh đổ về, hành trang của họ chỉ là một chiếc ba lô, tấm bạt cũ sờn 4-5 mét vuông, chiếc xe honda cà tàng và mớ “ve chai” được tích hợp từ rất nhiều nguồn khác nhau. Chớp mắt cái, có ngay một quầy bán hàng đa dụng.
Hằng ngày, “phiên chợ công nghệ” bắt đầu tầm 9-10 giờ sáng, nhưng đỉnh điểm là buổi chiều, khi người dân trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Họ tranh thủ tìm kiếm cho mình những món hàng hiệu, bình thường có giá cao ngất ngưởng. Chính vì rẻ tiền nên không có chuyện mặc cả, khách cứ ngồi hẳn trên xe, được thì quơ tay sang, kẻ lấy tiền, người giao hàng. Tiếng động cơ xe máy ồn ã, tiếng chèo kéo bắt khách hoà lẫn với tiếng rè rè của những món hàng cũ, cứ thế thanh âm cuộc sống dường như níu những con người lao động lam lũ đến gần nhau hơn.
Không chỉ là hàng cũ rẻ tiền, nhiều mặt hàng ở đây được xếp vào hạng quý hiếm, không dễ tìm kiếm trên thị trường. Trong đó, nổi bật là gian hàng bán đồng hồ cổ.
Mấy năm gần đây, chợ điện tử ế ẩm hẳn. Phần do hàng hoá công nghệ giờ đã quá nhiều, phần vì người ta cũng ngại mua đồ cũ, chất lượng không đảm bảo. Các quầy hàng cứ thế nằm im lìm xơ xác, lâu lâu có một vài khách, nhưng họ chủ yếu vì hiếu kỳ, đến ngắm nghía rồi đi.
Trái ngược với sự xô bồ, ngụp lặn của đường công nghệ Nguyễn Kiệm, đường sách Trần Nhân Tôn (Q5) tỏ ra lặng lẽ và thư thái hơn. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là những bảng thu mua sách cũ treo dọc trước các cửa tiệm, gặp những cơn gió thổi nhẹ, bay phấp phới, lơ lửng giữa không trung, xạc xào qua hàng dài những đầu sách.
Sách ở đây khá đa dạng thể loại, đủ các niên đại, từ khoa học, thuờng thức đời sống, giáo khoa đến những cuốn truyên tranh mà trẻ nhỏ yêu thích. Nhưng nhiều nhất vẫn là sách văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Nhiều đến nỗi chủ sách bán như giấy vụn, cân ký cho đi.
Mới biết một khi sách đã xuất bản nhiều năm, qua tay nhiều người, thì dù mới hay cũ, cũng bị vật đổi sao dời làm phai mờ giá trị, như vết mực nhoè hoen ố trên những hũ mực Tàu ủ rũ treo trên nóc kệ.
Khách đến tiệm chú Tín thường cũng là những người trong nghề, họ lấy về bán lại giá cao hơn. Chính vì thế, không mua thì thôi, đã mua thì phải xách cả bao tải lớn.
Những lần như vậy, vợ chồng chú Tín vui lắm. Nó như động lực để họ gắn bó với nghề cha truyền con nối này. Ông tâm sự, khi bán đắt thì để đó dành dụm, bù đắp cho những ngày thiếu trước hụt sau. Có vậy tiệm mới trụ được năm này qua tháng khác.
Người chủ hiệu sách biết hai thứ tiếng Anh – Pháp này còn có sở thích sưu tầm đồ cổ. Ông say sưa nói với những món đồ mình may mắn sở hữu, như chiếc bình gốm niên đại ba trăm năm, nhũng tờ tiền qua các thời kỳ, cuốn sách có bút tích của vua chúa thời phong kiến…
Rảo bước từ từ ra khỏi con đường tri thức, bóng dáng những người mua sách cứ in hằn trong tâm trí. Đó là những sinh viên nghèo đang miệt mài với bộn bề cơm áo, những đứa trẻ hãy còn uơm mầm mơ uớc bên những cuốn truyện tranh. Là bà lão vui tuổi già trong cuốn tạp chí về chiều. Là chị sắp đến kỳ sinh nở, bụng to khệ nệ, mong mỏi ngày con chào đời qua trang sách tương lai…
Trời chuyển xế tà, góc đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) chộn rộn thanh âm phát ra từ những chiếc đàn ghita còn dang dở. Người nghệ sĩ già đang nắn nót dây đàn, nhắm mắt căng tai lắng nghe những thanh điệu mình vừa bấm, để vừa duỗi dây, vừa chỉnh lại cho hay.
Ông là chủ tiệm đàn Ngọc Sơn, tiệm có thâm niên cao nhất trong số gần 40 tiệm đàn đặt san sát nhau ở đây. Nhờ vào danh tiếng này, tiệm của ông luôn đông khách đặt hàng, làm không nghỉ tay, hết lô đàn này đã đến lô đàn khác.
Đừng tưởng những cây đàn chỉ dành cho tầng lớp nghệ sĩ hay dân có tiền, chúng đủ sức quyến rũ và làm xiêu lòng những bạn trẻ thích mơ mộng.
700 ngàn là giá của một cây đàn rẻ nhất, khoản tiền không quá lớn để một sinh viên có máu văn nghệ mua về tập chơi.
Phía tiệm đàn Tâm Ngọc Anh đối diện, các con ông Sơn cũng khá vội vã cho đợt hàng phải giao gấp. Họ chăm chú đến nỗi mắt chỉ chăm chăm dán xuống những phím đàn.
Làm đàn nói chung có 3 khâu cơ bản: Chuẩn bị thô, làm sơn và thành phẩm. Mỗi khâu đều có khó khăn nhất định, nhưng khâu thành phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, khả năng quan sát và sự nhạy cảm cao của người làm nghề.
Phía trên những bậc thang của tiệm Tâm Ngọc Anh chất chồng những cây đàn cũ. Nó là chứng nhân của thời gian, hoà vào cuộc đời người thợ đàn suốt từ thuở lọt lòng đến khi khôn lớn. Chúng được đặt trang trọng ở tầm cao.
Nhìn những chiếc đàn dần nên dáng nên hình, khái niệm thời gian như thành vô nghĩa. Đêm đã lên đèn, những người thợ lại chất những cây đàn thô lên xe, chuyển chúng đi làm sơn. Thấy trong mắt họ ánh lên niềm hi vọng. Rằng những cây đàn và thanh âm réo rắt mà họ ướm vào sẽ vang vọng khắp phố phường, hoà điệu trong cái hồn quê hương.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon