Trang viên Hoa Hồng (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) có hơn 12.000 xác thai nhi. 12 năm làm công việc chôn cất thai nhi tại đây, chị Bé Bê chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau lòng.
Tình thương xoá nhòa nỗi sợ
Không đếm nổi những lần đem xác thai nhi bất ngờ lên trang viên nhưng có những ca mà hễ nhắc đến, chị Bé Bê lại kể rành mạch như mới vừa chôn cất bé.
"Lúc đó là 23h30 đêm, mình nhận được cuộc gọi từ bệnh viện (BV) tỉnh. Đây là ca sinh ba, 2 bé trai và 1 bé gái. Vì đến 3 đứa nên chôn xong cũng gần 2h sáng, gió thổi trên núi vù vù. Mình sang chùa nhờ các thầy tư vấn và đặt cho các con các pháp danh lần lượt là Tâm Duyên, Tâm Giác, Tâm Ngộ".
Hay trường hợp một người vợ có thai khi theo chồng từ Bắc vào Nha Trang làm ăn. Đến gần ngày sinh, bé bất ngờ mất tim thai. Tại BV, các bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị suy tim bẩm sinh.
"Lúc đó thai đã hơn 6 tháng, sắp đến ngày sinh rồi. Cha mẹ bé phần vì nghèo, phần lại sợ vong bé theo sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống nên gởi gắm lại hết cho mình rồi về quê ngay.
Với những bào thai đã lớn như vậy mình phải kiếm những chiếc rương để bỏ vào chứ không thể nào dùng hủ được" – chị Bé Bê giải thích.
Vậy làm sao để một phụ nữ trụ tại nơi có hàng ngàn xác thai nhi suốt mười mấy năm?
Nghe khách thắc mắc, chị Bé Bê mỉm cười. Lý do thì cũng chính vì chị là phụ nữ, cũng mang nặng đẻ đau, cũng có con.
Nên khi nghĩ đến cảnh các bào thai bị nạo ra khỏi bụng mẹ, bị tước đoạt sự sống là chị lại thấy thắt lòng.
"Ban đầu thì cũng sợ chứ. Nhưng tiếp xúc hoài thì thấy cũng bình thường. Mình thương các bé thì sẽ làm được" – người mẹ 2 con khẳng định.
Hầu như ngày nào trang viên Hoa Hồng cũng có xác thai nhi. Nên chẳng biết từ bao giờ, việc lo hậu sự cho người khuất mặt khuất mày với chị Bé Bê trở nên quá thuần thục.
Dẫn người viết xuống chân núi, người phụ nữ giới thiệu một căn phòng nhỏ có đầy đủ nhang đèn, nến, khăn, rượu, các hủ đựng thai nhi.
Khi tiếp nhận xác thai nhi, chị Bê sẽ dùng rượu tắm và lấy khăn lau. Bông gòn sẽ được chèn vào lỗ tai, lỗ mũi để giữ cho máu không chảy ra.
Khi đã sạch sẽ, các bé sẽ được bận áo quần, lót vải, bỏ vào hòm/hủ rồi cho trà vào. Tuỳ theo tôn giáo mà sẽ có cách lo hậu sự phù hợp.
Những đứa con nuôi… dưới mộ
Dạo một vòng trang viên, tôi thấy có nhiều ngôi mộ được đặt những tên như Phan Danh, Huỳnh Lê Vô Danh, Trần Vô Danh…
Những hài nhi chưa kịp chào đời, chưa được cha mẹ đặt tên nhưng lại mang nhiều họ khác nhau. Vậy, họ đó xuất phát từ đâu?
Chị Bé Bê giải thích, những trẻ mồ côi hay không xác định được cha mẹ tại trang viên nhiều không đếm xuể.
Có các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn là mạnh thường quân đến đây, phát tâm trợ duyên xây mộ rồi nhận bé làm con nuôi. Và thai nhi cũng được theo họ người hiến tặng mộ.
Kỳ diệu thay, rất nhiều trường hợp sau có lại sinh được con trong sự hạnh phúc của cả gia đình.
Tiếng lành đồn xa, nhiều cha mẹ đến đây "nhận con nuôi" dưới mộ để mong hưởng niềm vui có con trên trần thế. Họ nói vui với nhau, rằng trang viên dường như là nơi bắt đầu sự sống từ cái chết.
Trang viên Hoa Hồng những ngày Rằm, Tết trung thu hay ngày quốc tế thiếu nhi luôn đầy ấp hương khói của khách thập phương. Thời gian gần đây, điện cũng đã được chị Bé Bê cùng sự chung tay của mọi người kéo về thắp sáng từng dãy mộ.
Dù vậy, khó khăn vẫn còn chất chồng….
"Khổ nhất là khi mưa đến, nước chảy từ trên đỉnh núi xuống làm xói lở đất, xói luôn một số mộ phần. Nhớ năm 2017 khi bão lớn ập đến, đá sập đè lên các ngôi mộ, may là mình có đánh dấu kỹ nên không bị nhầm các bé.
Tương lai khi có thêm xác thai nhi, mộ phải xây lên trên cao vì ở dưới cạn đất rồi. Mình và mọi người đang cố phá đất đá nhưng cực và thiếu thốn quá. Mọi thứ đều phải làm thủ công vì không thể có phương tiện cơ giới nào đưa lên được.
Mong muốn của mình bây giờ là làm được những tấm nền sạch sẽ để quét dọn cũng dễ mà khi mưa lớn cũng không sợ bị sạt" – chị Bé Bê bộc bạch.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon