Nghe mẹ đảm mặc hàng thùng từ "tấm bé" đến khi thành gái 1 con chia sẻ kinh nghiệm để mua được đồ "độc-lạ", ai gặp cũng phải mê

Chơi hàng thùng (hay còn gọi là đồ si) có lẽ là niềm đam mê với nhiều người khi trưởng thành có kinh tế ổn định muốn tìm các món đồ độc lạ, không đụng hàng. 

Hoặc có thể là các bạn sinh viên chưa có điều kiện tài chính ổn định cần tìm những món thời trang có giá thành phải chăng. 

Nhưng dù xét cả hai trường hợp đi chăng nữa chắc cũng phải ngả mũ với chị Hạ Vy (sinh năm 1989) hiện đang ở Sài Gòn.

Với kinh nghiệm mặc đồ hàng thùng từ nhỏ cho tới khi đã là gái 1 con, chị Hạ Vy có cho mình rất nhiều kinh nghiệm mua đồ chuyện nghiệp mà không phải chị đảm yêu đồ hàng thùng nào cũng biết.

Nghe "mẹ đảm" mặc hàng thùng từ "tấm bé" đến khi thành gái 1 con chia sẻ kinh nghiệm để mua được đồ "độc-lạ", ai gặp cũng phải mê - Ảnh 2.

Chị Hạ Vy.

Được mẹ cho mặc "hàng thùng" ngay từ khi còn nhỏ

"Hồi nhỏ mẹ mình hay mua cho mình mấy bộ đầm công chúa hàng thùng át hết đám bạn con nhà giàu mặc đồ mới. Lớn lên thì mình mặc đồ cũ của các chị lớn. Giờ đến con cũng được mình cho mặc đồ hàng thùng từ nhỏ", chị Hạ Vy chia sẻ việc mặc đồ si qua nhiều thế hệ của gia đình mình.

Sở dĩ có chuyện này bởi gia đình chị Hạ Vy có tinh thần bảo vệ môi trường rất lớn. Cả gia đình thường hạn chế mua đồ mới, cả vật dụng trong nhà chứ không chỉ riêng các món đồ thời trang. 

Bởi lẽ, mọi người luôn tâm niệm 1 chiếc quần jeans muốn sản xuất cần đến 11000 lít nước, sau đó phải chở qua tầm 14000 cây số để đến cửa hàng bán lẻ. Nếu chỉ mua sắm theo sở thích mà không có kế hoạch sẽ lãng phí quá nhiều tài nguyên.

Nghe "mẹ đảm" mặc hàng thùng từ "tấm bé" đến khi thành gái 1 con chia sẻ kinh nghiệm để mua được đồ "độc-lạ", ai gặp cũng phải mê - Ảnh 3.

(Hình minh họa).

"Mình luôn dành tình cảm và trân trọng từng món đồ si. Dù số tiền bỏ ra mua là 5 ngàn hay vài triệu đồng cho một món thời trang thì mình đều sẽ giặt tay, phơi ngang đem đi hấp hoặc đem đi ra tiệm giặt nếu với những món đồ đặc thù như giày và túi. 

Món đồ mình thích, mình sẽ mặc tới khi mòn hoặc rách, còn xổ chỉ là mình sẽ may lại, dù có xổ 100 lần", chị Hạ Vy chia sẻ.

Bí kíp chọn đồ si được "chắt lọc" qua nhiều năm

Sau nhiều năm "chơi" đồ si, bí kíp chọn đồ của chị Hạ Vy "giắt lưng" quả thật không ít. Với chị, bất chấp là đồ si hay đồ mới khi mua: Hoặc là phải thật bung xòe, hoặc là phải thật tối giản mà sang trọng. Vì 2 thứ đó sẽ tôn vinh nhau lên tối đa. 

Chị Hạ Vy sẽ sẵn sàng kết hợp đồ hiệu với đồ si chỉ có giá 30k, cũng một phần vì tính cách hơi bất cần nên không quan tâm người ngoài đánh giá. Chị có thể mặc đồ si đi tiệc 5 sao và thậm chí nhiều người còn khen và hỏi mua đồ ở đâu nữa.

Nghe "mẹ đảm" mặc hàng thùng từ "tấm bé" đến khi thành gái 1 con chia sẻ kinh nghiệm để mua được đồ "độc-lạ", ai gặp cũng phải mê - Ảnh 4.

(Hình minh họa).

"Muốn chọn đồ si đẹp bạn cần phải hiểu rõ quần áo, vải vóc và cả ngành công nghiệp may mặc thời trang. Muốn hiểu rõ hơn các bạn nên thỉnh thoảng mua đồ hiệu về mặc để cảm nhận sự khác biệt. 

Quy tắc tối thượng khi chọn đồ si đó là nhìn nhãn mác trước tiên. Nhãn có không đọc đựơc cũng phải đánh giá được người ta làm cái nhãn có tâm hay không. Cái dòng nhãn ni lông, 4 cạnh may có 2 cạnh, còn 2 cạnh cọ vào lưng ngứa là tuyệt đối không nên mua.

Thứ hai, nếu bạn là người khó tính hoặc nhà đã có quá nhiều đồ, dư mặc, chỉ muốn đào mua đồ si ở dạng "tinh hoa" thì nên nhìn vào đường may. Đường nối mà may bọc cẩn thận, không bị hở các đường vắt sổ, không xổ chỉ là có thể mua.

Thứ ba, nên hiểu rõ thân hình của mình. Ví dụ như hông to nên thấy quần áo có dáng hạ eo là không mua. Mình đã từng rất tâm đắc câu này vì mua một chiếc đầm babydoll hạ eo dễ thương mà thử mấy lần đều không thể nào vừa mắt được nên chỉ đành cất tủ. Một lần nữa, dành cho các bạn đã có quá nhiều đồ: Biết chắc vừa khít với mình, hợp gu, tôn dáng hãy mua".

Nên mua đồ si ở đâu và chú ý những điều gì

Ở Sài Gòn, theo chị Hạ Vy có thể tới mua ở chợ si Hoàng Hoa Thám, Nghĩa Phát, đi khui kiện khu Nhật Tảo hay tới của hàng Goosewalk. Nếu ở Mỹ có thể mua ở các thương hiệu lớn như Thredup, Poshmark. Nếu ở Đức có Kleiderkreisel.

Vì khá ít đi chợ trời, mua đồ cá nhân bán mà chủ yếu chị Hạ Vy lại lựa chọn đi các cửa hàng chuyên đồ cũ hoặc đồ vintage hơn. Bởi theo chị, tới những địa chỉ này sẽ tiết kiệm được thời gian chọn đồ, mẫu đẹp độc lạ hơn. 

Khi mua đồ si ở nước ngoài, chị em cũng nên để ý tới size quần áo để chọn cho vừa với cỡ người. Vì các sản phẩm nước ngoài, nhất là đồ si của các nước phương Tây thường có size to và màu sắc lạnh hơn. 

Nghe "mẹ đảm" mặc hàng thùng từ "tấm bé" đến khi thành gái 1 con chia sẻ kinh nghiệm để mua được đồ "độc-lạ", ai gặp cũng phải mê - Ảnh 5.

(Hình minh họa).

"Mình thấy khi đi mua đồ si ở Việt Nam cần chú ý nhiều tới đồ có bị hư, bị rách hay không. Đặc biệt nhiều shop còn tự chế và sửa lại đồ bị lỗi. Mua ở nước ngoài sẽ ít bị hơn. Ngoài ra, nếu mua đồ si ở nước ngoài như của hội chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện thì đôi khi sẽ mua được rất rẻ hoặc được cho luôn. Cái này hồi sinh viên mình đã từng mua khá nhiều lần. 

Mua đồ si cũng khá hời cho những ai có size XXS vì không bao giờ sợ bị mua đắt. Size khá kén người mặc nên họ thường cố gắng bán đúng giá để thanh lý nhanh món hàng. Ngoài ra cũng tùy gu của chủ cửa hàng nữa, hoặc món mình chọn gout lạ thì sẽ dễ được bớt giá".

Previous
Next Post »
Thanks for your comment