Tình yêu chỉ có tính lý thuyết nên được tồn tại trong sách vở và trí tưởng tượng của người ta thôi. Thực tế cuộc sống phũ phàng hơn nhiều. Một khi, dính dáng đến chuyện gạo, dầu, mắm, muối… sẽ liên quan tới tiền bạc. Nhiều người ngại nói chuyện kinh tế trong tình yêu vì sợ ý nghĩa đơn thuần của tình cảm bị thay đổi. Đừng như thế, cuộc sống hôn nhân vì những cái thực tế ấy đủ sức đè bẹp tình yêu đấy.
01
Liên là một cô gái xinh đẹp. Gia đình cô kinh doanh các sản phẩm hải sản. Tuy cũng kiếm ra tiền nhưng vì bố cô bệnh tật nhiều nên kinh tế cũng chẳng mấy dư dả. Liên là con cưng trong nhà vì cô là út.
22 tuổi, cô có người yêu. Bạn trai hơn cô 5 tuổi, không có công việc ổn định, hút thuốc, nhậu nhẹt, chửi thề… không thiếu thứ nào. Gia đình anh cũng không có điều kiện.
Bố mẹ Liên phản đối quyết liệt chuyện yêu đương này của con gái. Họ không đồng ý cho cô qua lại yêu đương chứ không phải tính chuyện xa xôi. Nhà Liên không giàu nhưng các anh chị trưởng thành cả, cô là út nên chuyện tiền bạc cô cũng không quá bận tâm. Học xong trung cấp nấu ăn, Liên xin làm được trong nhà hàng nhưng mức lương của cô đâu có cao.
Thấy con gái không cam lòng, vì thương cảm, mẹ cô đã dành một buổi tối ra để phân tích đủ lý lẽ.
Mẹ Liên nói đủ đường cho cô hiểu cưới đàn ông nghèo rất khổ, đàn ông không có chí hướng, ăn chơi đủ bề, tiền kiếm không ra như thế càng khổ nhiều hơn. 27 tuổi, anh ta chỉ được cái mã bề ngoài, việc làm chẳng ổn định, kế hoạch tương lai cũng không, Liên say đắm vì cái gì? Bà còn kết luận thẳng, nếu cưới anh ta, một kẻ chẳng có tiền thì người khổ là Liên và tương lai rất dễ dàng ly hôn.
Cô im lặng, không cãi lời nào bởi trong lòng đã có dự tính riêng rồi. Ba ngày sau, Liên bí mật lấy sổ hộ khẩu, lên phường xin giấy chứng nhận độc thân và lén đến quê anh chàng kia, cả hai làm đăng kí kết hôn.
Xong xuôi mọi việc, Liên mới gọi điện về báo cho gia đình. Mẹ cô ngã gục, ông bố giận con đến tột cùng nhưng làm được gì khi sự đã rồi. Anh chị cô họp gia đình, tuyên bố sẽ không cho Liên một xu nào, xem cô “cựa quậy” ra sao trong cuộc hôn nhân ấy.
02
Thấy người thân không nhắc gì đến chuyện tự ý kết hôn nữa, Liên mừng thầm trong bụng. Cô nghĩ rằng sẽ khiến cho bố mẹ, anh chị phải “sáng mắt” bằng việc sống thật tốt, sẽ thành công. Cô cho rằng mình vượt qua được đủ rào cản để cưới người yêu thật tốt. Nếu không lấy được người mình toàn tâm toàn ý sống cùng cả đời, đó mới là bất hạnh. Liên cố vin vào những cái đấy làm tiền đề cho cuộc hôn nhân của mình.
Cô và chồng thuê một căn nhà nhỏ. Liên hừng hực ý nghĩ xây dựng gia đình hạnh phúc, đập tan suy nghĩ lấy chồng phải nhìn vào kinh tế của bố mẹ và anh chị. Thế nhưng, lý tưởng và sự cố gắng chỉ mình Liên theo đuổi thôi.
Chồng không tìm được việc, không sao, cô đi làm. Chồng không thích việc nhà, không sao, Liên sẽ lo hết. Chồng muốn uống rượu, hút thuốc, có hề gì đâu nhỉ, đàn ông nào chẳng vậy. Thời gian đầu của hôn nhân, Liên thoải mái chiều chồng hết mức. Với cô, tất cả những gì chồng mình làm đều chấp nhận được.
Tuy nhiên, dần dần cô cảm thấy quá sức chịu đựng. Tiền Liên kiếm được chỉ 8 triệu một tháng nhưng phải chi tiêu cho đủ thứ. Tiền nhà cửa, ăn uống ở cô. Tiền nhậu nhẹt tiêu pha của chồng cũng ở cô. Chưa kể hàng loạt chi phí không tên khác nảy sinh trong cuộc sống hôn nhân. Liên chẳng dám sinh con vì cảm thấy không tự tin lo cho nó.
Hai vợ chồng cãi nhau trong bữa ăn liên tục. Chồng Liên tỏ ra bất mãn. Anh ta tức tối vì Liên chưa muốn sinh con, bực bội khi bị vợ nhắc nhở chuyện kiếm việc làm và nhiều lần phải nhận lời từ chối khi xin tiền tiêu pha cá nhân. Mâu thuẫn gia đình càng ngày càng tăng, Liên cảm thấy ngột ngạt và hối hận vì quyết định “mù quáng theo tiếng gọi trái tim” khi xưa.
Liên thử nói chuyện với chồng một lần nữa, khuyên anh đi kiếm việc làm, tiêu tiền tiết kiệm một chút. Nhiều gia đình ban đầu chẳng có gì nhưng nhờ tiết kiệm và tích cóp, họ mua được nhà, sắm được xe. Chồng cô gạt đi với lý lẽ hết sức buồn cười: “Gia đình tôi cũng nghèo mấy chục năm qua chẳng làm sao cả, vẫn vui vẻ, hạnh phúc. Có tiền là lo toan được mọi chuyện hay sao. Cô coi trọng tiền như vậy sao?”.
Đến nước này cô thất vọng hoàn toàn. Cả hai ly hôn sau 2 năm bên nhau. Liên bẽ bàng nhận ra, kết cục của mình hôm nay đã được mẹ dự đoán trước khi cô lấy trộm sổ hộ khẩu, đi đăng ký kết hôn trong bí mật.
03
Trên đời này, đôi khi tình yêu biến thành cái bẫy với nhiều cô gái khi tiến đến hôn nhân. Họ ngây thơ nghĩ rằng khi tìm người kết hôn thì phải lấy người mình yêu. Họ hoàn toàn không để ý đến chuyện đối phương có đủ kinh tế không, có mục tiêu trong cuộc sống không hay có chăm chỉ với công việc không.
Tình yêu đẹp thật sự. Nó là điều kiện tiên quyết để dẫn đến hôn nhân nhưng không phải là toàn bộ của một cuộc hôn nhân. Nói một cách đơn giản và trực diện thì rõ ràng, tình yêu chẳng thể nào “mài ra ăn được”.
Nhiều cô gái ngây thơ luôn muốn chứng minh tình yêu của mình là nhất. Họ bỏ qua hàng loạt lời khuyên can, sống chết với tình yêu ấy mà không biết rằng thực tế cuộc sống sẽ khác.
Hôn nhân, cuộc sống thường ngày của vợ chồng sẽ là cơm áo gạo tiền, chăm con, nuôi con, đối nội đối ngoại… Chẳng có gì trong những điều ấy thoát khỏi chữ tiền hết cả.
Nói thế để biết, lấy chồng không bắt buộc phải chọn chồng giàu mà phải tìm người biết suy nghĩ, có chí hướng và ít nhất, họ có thể làm ra tiền, luôn muốn tiến lên phía trước. Nếu họ nghèo một chút nhưng biết cố gắng, chăm chỉ, có mục tiêu thì không sao. Thế nhưng đàn ông sắp 30 mà cơm ăn còn ngửa tay xin vợ, nói đến công việc, tương lai thì chỉ là con số 0, chẳng muốn đụng tay làm gì cả, những người như thế không xứng nghĩ tới việc kết hôn.
Yêu và cưới là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Chỉ đến khi cưới rồi, người ta mới hiểu rằng hôn nhân chỉ có duy nhất tình yêu thì chẳng đủ sức mạnh để duy trì!
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon