Là người Sài Gòn hay ở miền khác, nhắc đến tên chợ Hồ Thị Kỷ thì đa phần đều bật ra ý nghĩ đầu tiên là "hoa", bởi đây là khu chợ hoa sầm uất nhất thành phố. Hoa từ khắp các tỉnh miền Tây, Đà Lạt, thậm chí nhập khẩu từ những đất nước xa xôi cũng dồn cả về đây. Phải, chợ hoa đầu mối lớn nhất thành phố viễn Đông này còn được mệnh danh là Lang Biang giữa lòng Sài Gòn, bởi hương sắc ngập tràn và cảnh giao thương sầm uất suốt 30 năm qua.
Nghe dịu dàng thơm tho là thế, nhưng khu chợ này không chỉ là thiên đường của mỗi hoa, nó còn có tên gọi khác là chợ Campuchia, bởi cộng đồng người Việt gốc Miên quần tụ về đây sinh sống đã nhiều thập kỷ. Khác với khu bán hoa 24/24, mé còn lại của chợ toàn là hàng quán với những món ăn độc đáo đặc trưng văn hóa ẩm thực Campuchia.
Chợ Hồ Thị Kỷ không chỉ nổi danh là đất hoa, nó còn tồn tại những hàng quán lâu đời của người Việt gốc Campuchia với văn hóa ẩm thực phong phú, đặc sắc.
Từ sáng sớm đến tối khuya, những con hẻm ngoằn ngoèo quanh chợ đông như mắc cửi, kẻ mua người bán tấp nập rộn ràng.
Chẳng ai biết gia tộc đầu tiên sống ở đây tạo dựng cơ nghiệp bán buôn từ năm nào, vì sao cộng đồng người Campuchia thuở ấy lại chọn nơi này để an cư, chỉ biết rằng, cuộc sống hiện tại của những gia đình ngay trong phố chợ đều hiền hòa, ổn định.
Ghé chợ Hồ Thị Kỷ, đảm bảo không bao giờ đói với vô số hàng quán ăn uống, chủ yếu là các món từ món miền Trung và món ăn Campuchia.
Không bao giờ sợ mưa làm ướt áo, lạnh người, vì đã có hàng quần áo sỉ lẻ giá rẻ, mại dô!
Không sợ khát, đã có mấy anh trà lắc đủ vị mang đi khắp chợ.
Ngoài những món đặc trưng Nam Bộ như phá lấu, gỏi, bánh dừa, hủ tiếu... thì trong chợ chủ yếu là hàng quán bán đặc sản Campuchia như chè, xôi xiêm, chè bí đỏ, chè thốt nốt, chè bánh lọt, chè mũ gòn... Những cái tên lạ lùng độc đáo, khiến mọi lữ khách ngang qua khu chợ đều thấy tò mò. Dạo một vòng quanh chợ, ghé cỡ 2 - 3 hàng thôi thì dù người ăn khỏe đến mấy cũng căng bụng như chiếc trống, nhìn đâu cũng thích sà vô nhưng không thể nhồi nhét thêm gì, dù chủ quán cô nào cũng nhiệt tình mời mọc.
Những hàng ăn của người Việt và người Việt gốc Campuchia nằm xen kẽ nhau trong chợ, với hàng trăm món khác nhau.
Thau phá lấu bình dân làm từ tai, lưỡi, nội tạng heo... trông ngon mắt hấp dẫn vô cùng.
Dì bán bánh chiên ngay ngã tư giữa chợ, thơm nức mũi.
Khoai chiên có 10 ngàn/bịch, ăn đã đời luôn.
Bánh dừa Bến Tre được gói cẩn thận trong những chiếc lá xinh xinh lạ mắt.
Từ chối thì tiếc, nhưng nếu xuề xòa ngồi xuống ăn thì thể nào cũng không thở nổi vì no. Mà đâu có đắt đỏ gì, món nào cũng chỉ vài ngàn, mắc lắm chỉ cỡ 15 - 20 ngàn. Tôi đố ai có thể cầm 100 ngàn đi khắp chợ thưởng thức hết đặc sản Campuchia mà tiêu hết rồi, bụng vẫn còn đói đấy. Xoa bụng liên tục, mà nhìn khắp nơi cái gì cũng muốn cầm lên cắn phập một miếng thật đã, chẳng cần thùy mị khép nép làm chi, bởi ẩm thực vỉa hè phải dân dã mộc mạc mới vui, mới thấy cuộc đời hạnh phúc.
Nổi bật trong chợ là món chè Campuchia, với nhiều loại phong phú và hương vị thì ngon miễn chê.
Cô bán chè xinh đẹp nhất nhì chợ, đông khách vô cùng.
Món bánh bí đỏ ngọt lịm, thơm bùi với màu vàng quyến rũ.
Người gốc Campuchia có thói quen ăn gạo tẻ và ăn nhiều cá hơn thịt, ảnh hưởng mạnh mẽ bởi ẩm thực Ấn Độ và Trung Hoa, chủ vị là nhạt, ngọt và béo, các gia vị được dùng chủ yếu là cay như sa tế, ớt, tiêu, nhục, hồi v.v. cùng một số loại rau quả độc đáo như chúc, ngãi, sầu đâu...
Thế nên, chẳng có gì lạ khi ngay đầu chợ, mấy hẻm lối vào phía đường Lý Thái Tổ chỗ nào cũng đầy nhóc tiệm bán khô cá, kèm cả gia vị người Miên. Nổi tiếng nhất trong số đó là hàng cô Mai với thương hiệu Tư Xê, không cần phải quảng cáo gì rất nhiều thị dân Sài thành đều biết, nhất là dân ăn nhậu, họ đều mê những xâu cá vàng ươm trong veo dưới nắng treo lủng lẳng cạnh những xâu lạp xường, khô nhái, khô bò đủ màu.
Tiệm khô cá Tư Xê nức tiếng, có "thâm niên" ở chợ Hồ Thị Kỷ từ những năm 70.
Cô Mai chủ quán ngày nào cũng tất bật ở tiệm, sống chung với mùi cá tôm đã quen.
Cô nhiệt tình giới thiệu món sầu đâu chấm mắm me, đặc sản truyền thống của Campuchia.
Khô cá sặc rằn, người miền khác nếu được ăn lần đầu dễ bị "sặc" vì rất mặn.
Khô cá lóc biển Hồ, chỉ Campuchia mới có, được tiểu thương chợ Hồ Thị Kỷ kỳ công mang từ bên kia sang bán.
Khô nhái - món "vũ nữ chân dài" bao người yêu thích.
Khô bò kiểu Campuchia trông thật hấp dẫn.
Nhìn ngon lành thế này, chắc ít khách lạ phương xa đoán được đây là khô rắn.
Ngoài cá, mắm, đặc sản trứ danh của Campuchia còn có đường thốt nốt. Cô Mai bật mí, đường thốt nốt xịn được đóng khuôn tròn như cái bát, bao giờ cũng có mùi thơm dịu, cào nhẹ ra lớp bột rất mịn, màu vàng nhạt.
Tấm lòng nhiệt thành, chân ái với văn hóa ẩm thực truyền thống của những người Việt gốc Campuchia được họ gìn giữ, chia sẻ với cuộc sống muôn màu sắc của Sài Gòn. Họ hòa mình vào sự đông đúc ồn ã của thành phố triệu dân này, nhưng không hề hòa tan bản sắc mà làm giàu thêm cảm tình của người Sài Gòn bằng sự cởi mở, ấm áp, dễ thương dễ quý.
Khu chợ này, đâu chỉ quyến luyến chân du khách bởi những món ăn ngon, mà còn bởi nụ cười, giọng ca ngẫu hứng giữa phố chợ của anh ship hàng, hương khói thơm lá chuối nướng ban chiều, và biết bao điều xinh xắn khác nữa, chẳng thể tìm lại được ở đâu ngoài mảnh đất đáng yêu này: Sài Gòn.
Tiệm chả cuốn, nộm đu đủ, bánh tầm bì... của Trang - cô gái mới tròn 20 tuổi.
Luôn tay từ sáng tới trưa, dù có mấy người phụ giúp nhưng cô chủ nhỏ vẫn làm không kịp để phục vụ khách.
Mẹt bánh chuối khổng lồ khiến những vị khách ngang qua đều thích thú đứng lại xem.
Món chuối nướng độc đáo của người miền Tây, xiêu lòng bao thực khách, trẻ già lớn bé.
Những trái chuối xinh xắn mập mạp được xiên que, nướng thơm lừng trên bếp than với lá chuối.
Một hình ảnh rất đỗi Sài Gòn, bình dị mà thân thương.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon