Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghe nữ bác sĩ thẩm mỹ kể những pha "rùng rợn" trong nghề “dao kéo”

9 năm công tác tại khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), ThS.BS CKII Trần Lê Hồng Ngọc (34 tuổi, quê Lâm Đồng) đã trải qua hàng trăm ca phẫu thuật, đưa người bệnh từ chỗ bị huỷ hoại cơ thể, nhan sắc quay trở về với cuộc sống bình thường.

Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghe nữ bác sĩ thẩm mỹ kể những pha rùng rợn trong nghề “dao kéo” - Ảnh 1.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Lê Hồng Ngọc

Từ cô gái sợ chuột đến nữ bác sĩ chuyên trị biến chứng vùng "nhạy cảm"

BS Ngọc kể: "Hồi mới vào đại học, mình cũng nhát lắm. Nhớ lần đầu tiên vào nhà xác, vừa nghe khí lạnh phả xuống, hít hơi phoóc-môn đã lạnh gáy, muốn quay ra ngay, về phòng tắm mấy lần vẫn còn ám ảnh mùi. Đến năm thứ hai học môn giải phẫu sinh lý, nhìn thầy mổ con chuột máu chảy bê bết mà mặt mày tái xanh, vì mình sợ nhất là chuột. Vậy mà đến ngày thi lại bốc trúng ngay đề mổ chuột, mổ xong muốn ngất xỉu...".

Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghe nữ bác sĩ thẩm mỹ kể những pha rùng rợn trong nghề “dao kéo” - Ảnh 2.

Là phụ nữ nên nữ BS thấu hiểu nhan sắc và cơ thể quan trọng thế nào với bệnh nhân. (Ảnh: NVCC)

Dần dà theo thời gian, cô gái trẻ quen dần với máu. Cha mẹ đều là bác sĩ chuyên khoa Nội nhưng BS Ngọc đặc biệt yêu thích ngoại khoa dù biết rằng sẽ rất cực, nhất là khi bản thân lại là nữ. Đeo đuổi đam mê, cô tốt nghiệp chuyên nghành Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ với tấm bằng loại giỏi.

"Vừa ra trường, mình nghe nhiều người giới thiệu khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ BV Trưng Vương đang tuyển BS. Lúc này mình chưa có khái niệm gì nhiều về chuyên khoa này. Nhưng qua quá trình học hỏi, làm việc với các đàn anh đã làm mình thật sự yêu thích" – BS Ngọc nói.

Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghe nữ bác sĩ thẩm mỹ kể những pha rùng rợn trong nghề “dao kéo” - Ảnh 3.

Ths.BS Hồng Ngọc (hàng dưới, thứ ba từ trái sang) hiện đang công tác tại BV Trưng Vương. (Ảnh: NVCC)

Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghe nữ bác sĩ thẩm mỹ kể những pha rùng rợn trong nghề “dao kéo” - Ảnh 4.

ThS. BS Trần Lê Hồng Ngọc là một trong những phẫu thuật viên trẻ nhất tại khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ. (Ảnh: NVCC)

Và quyết định này cũng chính là bước ngoặt trong cuộc đời nữ BS.

"Nhiều lần mình thấy bệnh nhân có 1 ổ loét rất sâu, bỏng nặng tưởng không thể cứu chữa. Vậy mà các đàn anh vẫn có thể ghép da, chuyển vạt thành công, để mấy tháng sau sức khoẻ người bệnh trở lại bình thường. Mình bất ngờ, nghĩ sao hay quá. Khoảng thời gian này mình cũng được tiếp cận những người vì ham làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ lỗi mà dẫn đến kết cục đau lòng. Là phụ nữ với nhau, hơn ai hết mình thấu hiểu nỗi đau khi sắc vóc và nhân dáng bị huỷ hoại. Do đó, mình hiểu nhiệm vụ của mình không chỉ là khám chữa bệnh mà còn để tìm lại niềm tin cho bệnh nhân, nhất là những người phụ nữ bất hạnh" – BS Ngọc chia sẻ.

Sau quá trình học cao học, BS Hồng Ngọc trở thành phẫu thuật viên tại khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ vào năm 2012. Đến năm 2013, nữ BS tiếp tục theo học chuyên sâu về tạo hình thẩm mỹ tại Hàn Quốc.

Những ca bệnh nhớ đời

Hỏi về ca phẫu thuật đầu tiên, BS Ngọc lắc đầu, bảo rằng quá nhiều không nhớ nổi. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân để lại trong cô ấn tượng khó phai.

"Có một chị là bầu sô gánh hát cải lương, hồi trẻ rất đẹp, khi luống tuổi thì má bắt đầu hóp lại. Nghe lời bạn, chị đi bơm silicon lỏng khắp mặt. Khi chị đến gặp mình thì mặt chị đã sưng vù lên, tròn như quả banh vậy. Mình phải phẫu thuật tạo hình cho chị đến hơn 10 lần thì gương mặt chị mới được cải thiện, dù không thể về như ban đầu. Giờ chị vào BV chắc cả khoa ai cũng nhớ".

Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghe nữ bác sĩ thẩm mỹ kể những pha rùng rợn trong nghề “dao kéo” - Ảnh 5.

Nữ BS thường xuyên đối mặt với những ca bệnh éo le. (Ảnh: NVCC)

"Hay có một cụ bà đã hơn 80 tuổi tìm đến bệnh viện khi ngực bị biến dạng nặng nề, các khối áp-xe đã cứng và vón cục khiến cụ đau đớn mỗi ngày. Hỏi ra mới biết, cụ tiêm silicon vào ngực cách đó đã hơn 50 năm, biến chứng đã lâu nhưng vì ngại cứ để nguyên. Khi phẫu thuật cho cụ, nhìn thành ngực bám đầy silcon không thể lấy ra hết, mình vừa đau xót, vừa không hiểu tại sao cụ có thể chịu đựng lâu đến như vậy" – BS Ngọc kể.

Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghe nữ bác sĩ thẩm mỹ kể những pha rùng rợn trong nghề “dao kéo” - Ảnh 6.

ThS.BS Ngọc trong một lần chia sẻ về những tai nạn của chị em phụ nữ khi đi làm tóc.

Nhưng lạ nhất với nữ BS xinh đẹp có lẽ là trường hợp của một người phụ nữ kinh doanh hải sản ở chợ đầu mối. BS Ngọc nói: "Bệnh nhân kể ban ngày đi bán hải sản, tối đi hát nên có đi sửa cằm nhưng không may bị lỗi. Khi đến BV, mình sửa xong thì cô ấy lại đi căng da mặt "chui", khiến hai bên gò má có vết sẹo như hình còn rết. Tái đi tái lại đến 5 lần, cứ đi làm lỗi rồi vào BV sửa, dù lần nào mình cũng khuyên can nên đến những cơ sở thẩm mỹ uy tín".

Với những bệnh nhân nghèo, nỗi lo không chỉ dừng lại ở chuyện chuyên môn. Không ít lần vị nữ BS cùng các điều dưỡng trong khoa giúp họ chữa trị bằng việc tìm những mạnh thường quân, thậm chí có khi phải bỏ cả tiền túi ra giúp. "Sợ nhất là khi giúp người này xong thì người khác phân bì, bảo rằng mình cũng nghèo sao không hỗ trợ, cho tiền, lúc đó các y bác sĩ chúng tôi vô cùng khó xử" – BS Ngọc chia sẻ.

Mỗi lần đi trực lại thấy áy náy với con

Đã có một con gái đáng yêu gần 3 tuổi, lại rất bám mẹ, nên công việc của BS Hồng Ngọc càng thêm bận rộn. Cô chia sẻ, sáng nào đi làm, con gái cũng khóc không chịu cho mẹ đi. Vì cả hai vợ chồng đều là BS, thường xuyên phải trực mổ nên việc phân chia lịch chăm sóc con cũng là vấn đề đau đầu. "Có hôm hai vợ chồng cùng dính lịch trực, mình phải mang con gái qua nhà bà con nhờ giữ dùm, thời gian cho bệnh nhân còn nhiều hơn cả thời gian cho con. Mỗi lần trực mổ lại thấy áy náy với con" – BS Ngọc chia sẻ. Đây cũng là lý do mà đến giờ này cô vẫn không muốn mở phòng khám tư để tăng thu nhập. Nữ BS muốn dành hết thời gian rảnh còn lại cho con.

Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghe nữ bác sĩ thẩm mỹ kể những pha rùng rợn trong nghề “dao kéo” - Ảnh 7.

Nữ BS cùng con gái yêu Bội Bội gần 3 tuổi. (Ảnh: NVCC)

Đến thời điểm hiện tại, không thể đếm xuể có bao nhiêu khuôn ngực, gương mặt lỗi đã "qua tay" của vị nữ BS. Cô chia sẻ, trung bình mỗi ngày phải phẫu thuật từ 3-5 ca mổ. "Nhiều ca phải phải dùng sức để kéo rộng phẫu trường, hay cuộc mổ kéo dài nhiều giờ liền, là nữ mình cũng gặp khó khăn lúc đầu. Giờ thì mình đã quá quen, không thua kém BS nam nào". – BS Ngọc vui vẻ cho biết.

Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghe nữ bác sĩ thẩm mỹ kể những pha rùng rợn trong nghề “dao kéo” - Ảnh 8.

Cả hai vợ chồng BS Hồng Ngọc đều là phẫu thuật viên nên thường bận rộn, ít có thời gian bên con gái. (Ảnh: NVCC)

Hết lòng là vậy nhưng nỗi buồn nghề nghiệp là điều khó tránh khỏi. Đó có thể là lời ca thán của người bệnh khi nhan sắc không cải thiện như ý muốn của họ, hoặc quá trình điều trị kéo dài khiến bệnh nhân và người nhà nôn nóng, gây sức ép với BS.

"Có nhiều bệnh nhân rất dễ thương nhưng cũng có người nóng nảy cọc cằn. BS cũng vậy, đôi khi vì áp lực công việc khiến lời nói không trôi chảy làm mất lòng người bệnh. Do đó, mình luôn tâm niệm dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải cân nhắc trong lời nói và phải phân tích thật kỹ cho người bệnh tất cả nguy cơ có thể xảy ra với họ. Để bệnh nhân quá ảo tưởng hay quá mong đợi vào sự hồi phục như ban đầu rồi thất vọng, chẳng khác nào thêm một lần huỷ hoại thân xác của họ" – BS Ngọc rút ra bài học cho mình.

Ngày thầy thuốc Việt Nam, nghe nữ bác sĩ thẩm mỹ kể những pha rùng rợn trong nghề “dao kéo” - Ảnh 9.

Dù trong thời gian nghỉ ngơi, nữ BS vẫn tư vấn tận tình khi có người bệnh liên hệ. Cô mong xã hội hiện tại sẽ có cái nhìn tích cực hơn về nghề y.

Nữ BS mong xã hội sẽ có một cái nhìn tích cực hơn về nghành y chứ không nên đánh đồng tất cả. "Chẳng có BS nào muốn nuôi bệnh cả, ai cũng muốn bệnh nhân mau chóng xuất viện, bởi bệnh nhân có khoẻ mạnh thì BS cũng được thơm lây. Mình luôn hi vọng chị em phụ nữ và kể cả nam giới mỗi khi làm đẹp hãy thật cân nhắc. Đẹp phải đi đôi với an toàn mới là cái đẹp bền vững" – cô nhắn nhủ.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment