Hoa hậu luôn là một chủ đề được công chúng quan tâm tại Việt Nam. Sự xuất hiện của bất kỳ tân hoa hậu nào cũng mang lại đề tài bàn tán trong công chúng. Với tần suất một năm hàng chục cuộc thi hoa hậu, công chúng trong nước không bao giờ thiếu chuyện để bàn tán về những cô hoa hậu.
Đó là một áp lực bất cứ hoa hậu nào mới đăng quang cũng phải chịu.
Đăng quang hoa hậu ở tuổi 21, Ý Nhi đưa người hâm mộ đi từ phát ngôn gây sốc này sang phát ngôn gây sốc khác. Từ phát ngôn về nỗ lực động chạm đến giới trẻ, phát ngôn về câu chuyện người đẹp và đại gia, cho đến phát ngôn gần nhất khi được hỏi 3 người nổi tiếng đến từ Bình Định. Chỉ sau một thời gian đăng quang ngắn, Ý Nhi đã có cho mình một lượng anti fan đông đảo đến hơn nửa triệu. Đây là một con số "đáng mơ ước" với những người xây dựng các nhóm cộng đồng nhưng quả thật là một nỗi buồn với tân hoa hậu.
Hãy tưởng tượng ở tuổi 21, có hơn 500.000 người Việt Nam ghét bạn, luôn tìm mọi điều không hay về bạn trên mạng xã hội và ngoài đời để biến thành chủ đề bàn tán sôi nổi. Giống như cách tin giả lan truyền, những điều tiêu cực thường lan rất nhanh; tưởng tượng những group như vậy như một quả bóng căng phồng sự tiêu cực và một ngày phát nổ sẽ đổ hết lên đầu Ý Nhi.
Tôi muốn bắt đầu bằng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Ý Nhi không phải hoa hậu đầu tiên vấp phải sự chỉ trích lớn như vậy từ công chúng, và chắc chắn không phải hoa hậu cuối cùng. Hãy trách Ý Nhi đầu tiên khi cô phải biết rằng: Hoa hậu luôn là đối tượng cho công chúng bàn tán. Phát ngôn của Ý Nhi khi đã thành hoa hậu khác rất nhiều so với phát ngôn của Ý Nhi khi còn là một cô tân sinh viên vô tư với cuộc sống bình thường. Không ít hoa hậu trước đêm chung kết phải khoá Facebook, tìm cách chặn càng nhiều nguồn thông tin cá nhân lọt ra ngoài càng tốt vì họ hiểu rằng đó sẽ là nguồn cơn cho những scandal và sự giận dữ của dư luận.
Khi một người được coi như "chuẩn mực" của sự hoàn hảo - ở đây muốn nói về các Hoa hậu, không ít người sẽ cố gắng tìm những điều "không chuẩn mực" trong cuộc đời họ. Để làm gì? để tự an ủi bản thân rằng kể cả hoa hậu cũng có những điều chưa tốt. Ý Nhi đã vô tình để lộ ra những điều ấy trong các bài phát biểu trả lời báo chí của bản thân. Dành thời gian nhiều cho các bài tập hình thể, tập đi catwalk, tập trả lời phỏng vấn, Ý Nhi có bao giờ dành thời gian để tự ngẫm xem nên trả lời báo chí như thế nào? Những câu hỏi của báo giới thường không đánh đố, lặp đi lặp lại với một vài motif dành cho các hoa hậu, tôi nghĩ rằng một hoa hậu có thể đủ khôn ngoan để tìm ra cách trả lời hợp lòng công chúng nhất.
Đằng sau thí sinh đi thi hoa hậu giờ đây không phải như vài chục năm về trước; họ có cả một ekip, có công ty bảo trợ để lo về hình ảnh, từ trang phục, kỹ năng catwalk cho đến kỹ năng ứng xử. Những người đứng phía sau Ý Nhi đang loay hoay ra sao với phát ngôn của tân hoa hậu là một câu hỏi đáng bàn.
Nhưng khi chê trách Ý Nhi vì những phát ngôn ngô nghê của bản thân, hãy nhớ rằng trước khi đăng quang một hoa hậu, Ý Nhi cũng là một cô gái 21 tuổi như bao người khác. Ở tuổi 21, ai có thể can đảm và tự tin nói rằng, mọi phát ngôn chúng ta nói ra đều là chuẩn mực? Bỏ xuống chiếc vương miện, Ý Nhi cũng có những suy nghĩ, quan điểm cá nhân riêng.
Tôi đã từng cười khi xem các cô hoa hậu thi ứng xử trả lời bằng tiếng Anh đầy ngô nghê nhưng khi một lần được ngồi dưới khán đài xem chung kết một cuộc thi hoa hậu, tôi hiểu mọi thứ áp lực như thế nào. Đó là khi hàng nghìn con mắt đổ dồn về phía bạn, là khi ánh đèn sáng choáng khiến bạn trở thành tâm điểm của sự chú ý, là khi bạn lỡ quên đi mất vài câu đã "học tủ" trong phần thi ứng xử và lập cập tìm câu trả lời cho phù hợp.
Trước khi buông những lời ác ý dành cho Ý Nhi, hãy khoan dung hơn với cô gái trẻ 21 tuổi. Nếu bạn là một người làm cha mẹ, Ý Nhi có thể chỉ hơn con bạn vài tuổi. Nếu bạn đâu đó ở độ tuổi 30s, hãy thử ngẫm lại bản thân của 10 năm về trước. Ở tuổi 21, một người trẻ có thể văng tục vài lần trong bực tức, lỡ lời làm tổn thương một ai đó, buông vài câu không hay, sợ hãi khi phát biểu trước công chúng, nói vài lời ngô nghê, quên đi một sự kiện lịch sử - những điều đó không hoàn toàn là tiêu chí để đánh giá nhân cách của một con người. Ở tuổi 21, chúng ta có quyền không hoàn hảo vì đó là năm tháng vỡ ra nhiều bài học để bước vào quãng đường trưởng thành. Đăng quang hoa hậu không đồng nghĩa với việc ngủ dậy một đêm, bạn bỗng trở thành một con người khác. Mọi thứ đều cần thời gian.
Điều đáng quan ngại hơn trong những vụ việc như vậy không phải vài phát ngôn của những cô hoa hậu trẻ, nếu đánh giá kỹ cũng rất vô thưởng vô phạt. Thứ công chúng nên quan tâm nhiều hơn là sự bùng nổ của các nhóm thù ghét (hate group) với một vài cá nhân nổi tiếng. Ở đó, người ta gieo xuống những "hạt mầm" của sự tiêu cực và được nuôi dưỡng bằng hàng trăm nghìn những người ủng hộ khác. Nguy hiểm hơn, trong rất nhiều thông tin được netizen khai thác về đời tư của hoa hậu, không ít tin trong đó là tin giả và không có nguồn chính thức. Một cô gái trẻ 21 tuổi có thể không phải mối nguy hiểm trên mạng xã hội như sự bùng nổ của tin giả hay sự tiêu cực lan toả chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của rất nhiều cá nhân, dù dự phần hay không dự phần vào câu chuyện.
Những người ghét Ý Nhi có thể nói rằng, "nếu cô ta đã sẵn sàng làm một hoa hậu, cô ta phải chấp nhận việc sẽ bị dư luận soi mói và phát ngôn chỉn chu." Tôi nghĩ đó là một thách thức và áp lực quá lớn với bất cứ ai, chứ không phải chỉ một hoa hậu 21 tuổi. Chính sự kỳ vọng của công chúng khiến họ trở thành một đám đông giận dữ. Khi mỗi năm có đến hàng chục cuộc thi hoa hậu, hơn ai hết, khán giả phải là người nên hạ thấp hơn những tiêu chuẩn này lại.
Scandal với Ý Nhi rồi cũng sẽ qua, có thể với Ý Nhi sẽ cần nhiều thời gian hơn cũng như những hành động cụ thể. Tuy nhiên, sẽ có nhiều bài học để lại cho các hoa hậu trẻ không bao giờ thừa thãi.
Hãy luôn tự hỏi bản thân trước bất cứ câu hỏi nào của báo giới và cộng đồng mạng: Nếu trả lời như vậy có khiến ai bị tổn thương không? Câu trả lời đã đủ chính xác chưa? Liệu có cần đưa thêm bối cảnh để khán giả hiểu hơn không? Hãy luôn nghĩ kỹ trước khi trả lời, bạn có thể trả lời chậm hoặc nhắn nhủ với các anh chị phóng viên rằng chưa thể trả lời câu hỏi này ngay tại đây. Một câu trả lời muộn còn hơn một câu trả lời sai.
Khi trả lời trực tiếp, hãy cố gắng trả lời ngắn. Những câu trả lời càng dài, càng dễ lòng vòng và bộc lộ điểm yếu trong câu trả lời. Hãy dành những câu trả lời dài cho việc trả lời bằng văn bản hoặc khi có sự chuẩn bị trước.
Hạn chế những câu trả lời mang tính đại diện cho một cộng đồng nào đó khi bạn không có đủ thẩm quyền; cũng đừng so sánh bản thân với "người trẻ", "phụ nữ" hay các đối tượng khác khi câu trả lời của bạn thể hiện việc bạn hơn người khác. Hãy luôn khiêm tốn, cầu thị, có tinh thần học hỏi và luôn giữ cho mình một tâm thế rằng, đăng quang hoa hậu không có nghĩa mình giỏi hơn người khác.
Nếu một hoa hậu có thể chi tiền cho các khoá học catwalk, thể hình, đừng tiếc tiền cho những khoá học về ứng xử hoặc tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia xây dựng hình ảnh. Họ sẽ có lời khuyên thiết thực cho bạn nên hay không nên trả lời như thế nào trước báo giới và công chúng.
Tôi tin rằng một điều đáng trách khác trong những câu chuyện như vậy là phong trào hoa hậu ở Việt Nam ngày càng tràn lan, với càng nhiều cuộc thi mọc lên như nấm, nhưng không đi về chiều sâu... Suy cho cùng, hoa hậu là kết quả của cuộc tìm kiếm những hình mẫu mới về sự hoàn hảo mà người ta ao ước. Công chúng càng chú ý một Hoa hậu nào đó, các đơn vị sản xuất chương trình hoa hậu càng có lý do để tổ chức, các cô gái trẻ càng muốn tham gia để thay đổi cuộc đời; và khi tham gia ở độ tuổi quá trẻ không đủ độ "chín", họ càng dễ trở thành tâm điểm của dư luận. Đó như một vòng luẩn quẩn khó có điểm dừng.
Người hâm mộ sẽ ngày càng khắt khe hơn với các cô Hoa hậu khi giới trẻ ngày này ý thức được nhiều vấn đề với các cuộc thi sắc đẹp hơn trước đây. Ý Nhi hay những thế hệ hoa hậu đi sau, đặc biệt những cô gái đăng quang khi tuổi đời còn trẻ, cần phải hiểu rằng sắc đẹp đã không còn là yếu tố duy nhất được công chúng đặt lên bàn cân khi đánh giá một cô Hoa hậu. Các tiêu chuẩn về đạo đức, tính cách, con người ngày càng được quan tâm hơn. Nói đi cũng phải nói lại, công chúng có thể khoan dung cho Ý Nhi nhưng không thể búi xùi cho qua hết lần này đến lần khác - và có lẽ sự bất mãn lần này cũng đến từ việc đã có quá nhiều những lần hoa hậu ăn nói thiếu chuẩn mực, nhưng thế hệ hoa hậu sau không rút ra được bài học từ thế hệ trước. Công chúng không thể thông cảm mãi và hoa hậu cũng không thể mãi ngô nghê. Sai lầm có thể khiến Ý Nhi phải trả giá - nhưng hy vọng, đó sẽ là bài học cho cả một thế hệ hoa hậu tương lai của Việt Nam.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon