Là một trong những lứa diễn viên đầu tiên được đào tạo bài bản của điện ảnh Việt, NSƯT Ngọc Thu gần như "chết" tên sau vai diễn chị Út Tịch trong phim “Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Trần Khánh Dư.
Thời điểm vào vai một người mẹ miền Nam "còn cái lai quần cũng đánh", nghệ sĩ Ngọc Thu mới ngoài 20 tuổi, còn chưa xây dựng gia đình. Bộ phim sau đó đã giành giải Bông Sen Vàng ở LHP Việt Nam lần thứ 5 và giải Lọ hoa pha lê tại LHP Quốc tế Karlovy Vary vào năm 1980.
Vẻ ngoài nhỏ nhắn, nhu thuận, lại có khí chất sang trọng của con gái Hà Nội, song có lẽ ấn tượng bởi chị Út Tịch quá lớn, sau đó, Ngọc Thu liên tục được mời vào những vai có số phận éo le, trúc trắc, không làm vợ liệt sĩ (phim "Bức tường không xây" của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi) thì cũng là gái ế, mẹ đơn thân, người phụ nữ cô đơn trong chính gia đình mình (các phim "Đàn chim trở về"; "Sơn ca trong thành phố"; "Học trò thủy thần"; "Mặt trời bé con"...).
Ngược với các số phận trên màn ảnh, đời tư của NSUT Ngọc Thu lại khá bình yên. Chị là một trong số ít diễn viên đi ngược với định kiến “hồng nhan bạc phận” khi có cuộc hôn nhân êm ấm với NSND Bùi Bài Bình và hai cậu con trai thừa hưởng mọi nét đẹp của bố và mẹ.
Mối duyên của cặp vợ chồng vàng trong làng điện ảnh Việt bắt đầu từ năm thứ 2 đại học. Chị Thu chia sẻ:
“Hồi ấy học chung lớp, chưa bao giờ chị nghĩ rằng, cuộc đời chị rồi sẽ gắn bó với một anh chàng gầy gò, lêu nghêu, không mấy nổi bật ấy”. Nhưng chẳng ai học được chữ ngờ, sau khi hai người thành đôi, bạn bè vẫn chưa hết ngạc nhiên: thế là thật đấy à?
Thực ra câu đùa của bạn bè cũng không phải không có lý, bởi xét trên bề nổi tảng băng, Ngọc Thu và Bùi Bài Bình có rất nhiều điểm giống nhau, đến nỗi ra ngoài cả định luật: trái dấu mới hút nhau. Cả hai đều ngẫu nhiên đến với điện ảnh. Thời trẻ, Bùi Bài Bình từng theo học khóa sửa ô tô ở Công ty Cầu đường Hà Nội và dự định theo nghề này cho dễ kiếm sống. Còn Ngọc Thu vì tò mò mà đăng ký tuyển diễn viên nhưng đến phút cuối sợ quá không dám vào phòng thi, cuối cùng có lẽ do nghề chọn, chị vẫn một đường đi tới thành công.
Ấn định các vai diễn của hai người cũng giống nhau, Ngọc Thu chuyên các số phận nữ éo le, trắc trở, nhiều nỗi niềm, Bùi Bài Bình cũng vậy đến mức có người nói vui: “không khổ không phải Bùi Bài Bình”.
Nói về chồng mình, NSUT Ngọc Thu cho biết: anh Bình ngoài đời là người ít nói, sống giản dị, chân tình, và rất yêu bạn, đến nỗi nhiều khi người làm vợ cũng có chút tủi. Từ ngày về chung một nhà, việc tề gia nội trợ, nuôi dạy con cái đều do một tay chị vun vén. Thời điểm nghề diễn không đủ nuôi diễn viên, cũng là chị chấp nhận chọn lui về hậu trường, mở quán cà phê kiếm sống để chồng yên tâm theo nghiệp diễn.
Thành công với nhiều bộ phim điện ảnh và những vai “hiền” như trong các bộ phim như “Kén rể", "Bức tường không xây", "Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh", "Thị trấn yên tĩnh", "Lấy nhau vì tình", "Mưa dầm ngõ nhỏ", "Sơn ca trong thành phố", "Ngày chủ nhật vắng Chúa"... nhưng vai Hòa trong phim điện ảnh "Mùa ổi" (Đạo diễn Đặng Nhật Minh) đã khép lại chặng đường Bùi Bài Bình trong vai một con người "hiền lành, tử tế, tốt bụng".
Bốn năm sau đó, anh xuất hiện trở lại trên màn ảnh với một hình ảnh mới: Vai Trưởng thôn với tính cách phản diện trong phim "Hương đất" của đạo diễn Quốc Trọng. Và đến vai Tòng trong "Ma làng", Khuếnh trong "Gió làng Kình" (Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), Bùi Bài Bình thực sự tạo dấu ấn khó thay thế với cái nhìn tinh quái, đểu cáng, cái nhếch mép xảo quyệt và sự ti tiện của một con quỷ đội lốt người.
Không ít người xem phim đến quán cà phê gặp Bùi Bài Bình đều phải thốt lên: "Sao anh ác thế?". Thậm chí, có lần cậu con trai bé của Bùi Bài Bình xem đã giận bố và bảo: "Lần sau bố đừng đóng vai đểu nữa, bạn bè con xem phim ghét bố mà… ghét lây cả con!".
Trở lại với “hậu phương” của bác Thành (vai diễn mới nhất của Bùi Bài Bình trong “Lối nhỏ vào đời”), năm 2006, sau bộ phim "Gió mùa thổi mãi", Ngọc Thu quyết định rời Hãng Phim truyện Việt Nam để về hưu non cùng đợt với các nữ diễn viên như Minh Châu, Thanh Quý, Diệu Thuần... Chị bảo, đó là một quyết định khó khăn và là một sự mất mát lớn. Cả đời theo đuổi nghiệp diễn, về hưu non có nghĩa là một sự thất bại trong chặng đường nghề nghiệp của mình. Thất bại không phải vì mình không có năng lực, không phải mình không yêu nghề, nhưng thực sự là chuyện "cơm áo không đùa".
Gái có công chồng chẳng phụ. Nhiều lần, nghệ sĩ Bùi Bài Bình đã bày tỏ sự trân trọng, biết ơn dành cho "nóc nhà" của mình.
Anh tâm sự: "Vợ tôi hy sinh nhiều lắm, khi phải gác lại giấc mơ diễn viên của mình để lui về hậu phương làm kinh doanh, chăm sóc cho gia đình nhỏ trong khi tôi đi biền biệt theo chân các đoàn phim... Tôi là một người đàn ông hạnh phúc theo cách của mình và biết tự làm mình hạnh phúc. Theo quan niệm của tôi, hạnh phúc đâu chỉ là sự hào nhoáng bề nổi như người đời lầm tưởng. Với tôi hạnh phúc là được chứng kiến sự trưởng thành của con cái, được chia sẻ cùng vợ niềm đam mê nghề nghiệp. Trong gia đình tôi là một “vai phụ”. Nếu xem gia đình là một cuốn phim thì Ngọc Thu mới là vai chính".
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon