Thạc sĩ - Bác sĩ Phạm Thị Bích Na hiện là giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM. Chị là khách mời thường xuyên của các show truyền hình về làm đẹp, phụ nữ hiện đại. Chị có nhiều chia sẻ mới lạ về cách nhìn cuộc sống, đặc biệt về phụ nữ và cách nuôi dạy con.
Khi sinh con, người suy nghĩ sinh cho vui cửa vui nhà thì ít mà tư tưởng sinh con, nuôi con khôn lớn để sau này con là chỗ dựa của cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già thì nhiều. Với bác sĩ Bích Na, sinh con ra đơn giản là để được cùng con trải nghiệm cuộc sống.
Tư tưởng con cái phải phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, làm tròn đạo hiếu vô hình chung khiến đứa trẻ vừa ra đời phải mang một gánh nặng trên vai. Theo chị, chỉ cần con cái khỏe mạnh, cùng bố mẹ đi qua quãng đường càng lâu càng tốt là đã đủ hạnh phúc rồi.
Chúng tôi xin chia sẻ lại quan điểm của chị:
Cuối tuần cà phê cà pháo, tình cờ nghe được câu chuyện bàn bên, một chị thao thao bất tuyệt chuyện được đứa con trai nối dõi tông đường, mong về già nương tựa nhưng giờ nó chỉ biết có vợ. Tháng về thăm đôi lần cho vài đồng rồi thôi. Chị bảo, biết thế đừng đẻ nó ra, cứ sống thong dong hai vợ chồng cho thoải mái.
Ô hay, một đứa trẻ không tự ý bước vào cuộc đời bạn, ngược lại, bạn mới người muốn chúng ra đời. Na tin ai làm mẹ làm cha cũng muốn con cái thành người tử tế và sống một đời hạnh phúc. Muốn con hạnh phúc, hãy cởi bỏ những trách nhiệm cho chúng.

"Muốn con hạnh phúc, hãy cởi bỏ những trách nhiệm cho chúng", bác sĩ Bích Na chia sẻ.
Xã hội văn minh, con cái, cha mẹ và cháu chắt chênh lệch tuổi tác, quan điểm sống, thói quen sinh hoạt ăn uống sẽ không giống nhau. Không phải cứ ở cùng ông bà, chăm lo từng miếng cơm miếng nước khi ông bà còn khỏe mạnh thì mới là hiếu thảo. Biết hỏi han, biết chăm lo khi bố mẹ đau ốm vậy là đủ hạnh phúc rồi.
"Nước mắt chảy xuôi", cha mẹ nào cũng làm tất cả vì con. Nhưng, con tiêu tiền của bố mẹ thoải mái, bố mẹ dùng tiền của con có chừng. Nhà bố mẹ là nhà con, nhưng nhà của con không phải nhà bố mẹ. Đó là những câu chuyện có phần "tàn nhẫn" nhưng là sự thật. Dù có hiếu đi nữa, thì chúng rồi sẽ có một tổ ấm riêng, những mối lo riêng. Khi ấy, con cái của chúng sẽ trở thành mối bận tâm trên hết, như chúng ta bận tâm con cái chúng ta lúc này.
Từ ngàn đời xưa ông cha chỉ làm nông nghiệp. Già thì không lao động được nên ở với con trai, để con nuôi. Nhà cửa, ruộng vườn cho con trai, nhất là trai trưởng vì lý do này. Trước đây, an sinh xã hội chưa được như bây giờ nên tư tưởng đó dường như là rất phổ biến. Sau này, khi cuộc sống trở nên khá hơn, có tích lũy khi đã về già thì cha mẹ có lẽ chủ yếu chỉ cần thăm hỏi nhau là được.

Bác sĩ Bích Na là mẹ của hai bé song sinh Pona và Mina.
Khi đến độ tuổi trung niên ta phải tính làm sao để về già không cần dựa dẫm vào con cái. Ai chăm con mà mong con sau này chúng suốt ngày ở bên báo đáp rồi đến khi chúng bận rộn, không chăm sóc chu đáo lại tủi hờn, rồi trách cứ chúng và tự làm khổ mình. Nhiều người chờ con phụng dưỡng nhưng đến tuổi đáng lẽ thong dong vẫn phải xa quê lên thành phố chăm cháu. Cho nên, cởi bỏ tư tưởng này cũng là cách chúng ta cho bản thân cơ hội sống thoải mái.
Tình cảm cha mẹ con cái là tình cảm thiêng liêng, thế nên mối quan hệ trách nhiệm chăm sóc lo lắng lẫn nhau cần phải được duy trì. Việc hiếu thảo chưa bao giờ là dư thừa và cũng là một nét rất đẹp của văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, yêu kính cha mẹ là từ tâm của con, chứ không phải từ trách nhiệm của con.

Ngày xưa, nhiều người cũng hay nói có đứa con để tuổi già nương tựa, rồi có người yêu thương để không cô đơn, và Na vẫn luôn tin vào điều đó. Cho đến khi mang thai Pona mina, Na biết rằng Na chỉ cần con mình mạnh khỏe, hạnh phúc là được. Na cảm ơn con đã đến với cuộc đời mình, mang cho Na bao vất vả để Na hiểu sự vất vả của cha mẹ mình, mang cho Na bao tiếng cười để Na yêu đời, yêu chồng và gia đình mình hơn. Cho nên, Na thương yêu và biết ơn con mình thay vì mong cầu nó biết ơn mình.
Con cái không có lựa chọn cha mẹ. Chính cha mẹ mới chọn nó. Ai đó bảo, vợ chồng đến với nhau là duyên, còn con cái là nợ. Con cái là món nợ của những người cha người mẹ, chứ không phải sinh một đứa trẻ ra để trả nợ cho mình.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không thuộc về toà soạn.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon