Ngày 29/10 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết triển khai dự án Bữa ăn học đường giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng triển khai cho giai đoạn tiếp theo. Hội nghị có GS.TS. TTND Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia (Bộ Y tế), TS. Lê Văn Tuấn – đại diện Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục & Đào tạo), ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, lãnh đạo công ty Ajinomoto Việt Nam; lãnh đạo và chuyên viên các Phòng GD&ĐT, ban Giám hiệu và cán bộ phụ trách công tác bán trú của 340 trường tiểu học bán trú tại TP Hà Nội.
Xuất phát từ thực trạng dinh dưỡng Việt Nam, dự án Bữa ăn học đường đã được Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Công ty Ajinomoto Việt Nam thực hiện triển khai từ năm 2012.
Kết quả triển khai Dự án Bữa ăn học đường đến tháng 10/2020.
Dự án bao gồm các nội dung: Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp phích Ba phút thay đổi nhận thức và xây dựng bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Sau 8 năm, Dự án đã được triển khai tại hơn 4.000 trường tiểu học bán trú tại 62 tỉnh thành toàn quốc, mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh bán trú và giáo dục kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho học sinh.
Hà Nội là một trong những tỉnh thành đầu tiên ban dự án chọn triển khai thí điểm từ năm 2015. Tháng 4/2017, dự án chính thức triển khai áp dụng cho các trường tiểu học bán trú trên toàn thành phố.
Hình ảnh học sinh thưởng thức bữa ăn theo phần mềm tại các trường miền Bắc.
Dự án thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy nhà trường áp dụng như: Tập huấn trực tiếp cho các phòng GD&ĐT, Hướng dẫn trực tiếp tại trường, Hỗ trợ trao đổi thông tin dự án đến phụ huynh học sinh và Tư vấn hướng dẫn sử dụng cũng như chia sẻ thêm thông tin về dự án, thực đơn qua điện thoại. Tính đến tháng 8/2020, dự án đã cử chuyên viên đến tập huấn trực tiếp cho 261 trường tiểu học bán trú tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút sự quan tâm đông đảo đại diện các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nêu bật tầm quan trọng của Dự án Bữa ăn học đường: "Xây dựng dự án Bữa ăn học đường theo tôi là hết sức quan trọng, đó là vì tương lai trẻ em và cũng là tương lai của đất nước. Chúng ta nên nhớ rằng, những mầm non đang ngồi trên ghế nhà trường là những công dân sẽ làm chủ đất nước. Chính vì vậy, dinh dưỡng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng."
GS.TS.TTND Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều chia sẻ và đóng góp của các đơn vị trong quá trình triển khai dự án. Theo bà Tạ Phương Lan, đại diện Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng, nhận thấy những lợi ích tích cực mà dự án mang lại, Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo các trường triển khai áp dụng.
Bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai) cũng cho biết, sau một thời gian triển khai, thói quen ăn uống của học sinh đã chuyển biến rõ ràng theo hướng tích cực. Các em thích ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước, cân bằng các chất dinh dưỡng, biết quý trọng đồ ăn. Chất lượng dinh dưỡng bữa ăn bán trú được cải thiện rõ rệt sau khi áp dụng dự án Bữa ăn học đường.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội đánh giá cao những lợi ích mà dự án mang lại đồng thời khẳng định sẽ triển khai đồng loạt dự án 100% các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, để giúp cho công tác bán trú của nhà trường được thực hiện tốt và giúp bữa ăn của học sinh tiểu học được cải thiện và đảm bảo dinh dưỡng.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon