"Cười vỡ bụng" tâm sự đi đẻ của mẹ Lào Cai: Bầu 42 tuần mong mãi một cơn đau đẻ, sinh xong muốn bắt taxi đi trốn

Hành trình mang thai, sinh con và nuôi con đối với mỗi người mẹ và cả các ông bố chắc chắn là những trải nghiệm đáng nhớ và ý nghĩa nhất cuộc đời. Nhiều người vẫn nói, khi em bé chào đời, mọi thứ mới thực sự bắt đầu. Sự xuất hiện của một đứa trẻ chắc chắn sẽ khiến cuộc sống của bố mẹ thay đổi rất nhiều và nhận ra những vất vả, đau đớn trong lúc mang thai vẫn chưa là gì so với việc chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. 

Mới đây, bà mẹ trẻ tên Hạnh Nguyên (27 tuổi, hiện sống tại Lào Cai) đã có những chia sẻ dưới góc nhìn đầy hài hước về câu chuyện đi đẻ của mình. Bên cạnh đó là những thay đổi trong cuộc sống sau khi có thêm thành viên với những mệt mỏi, stress nhưng cũng không kém phần thú vị, ý nghĩa.

Mang thai tăng 25kg người nặng nề, thấy người ta đau đẻ mà thèm

"Mình bầu 42 tuần mới đẻ, suýt nữa thì để sang tận 43 tuần. Bầu bí mình tăng 25kg, bụng to nặng nề nên từ lúc được 38 tuần trở đi thì ngày nào cũng chỉ mong một cơn đau đẻ. Nhưng đời đâu có như là mơ, càng mong càng không xuất hiện một chút dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất. Con gái trong bụng vẫn nhởn nhơ đạp đạp, trườn trườn cả ngày. 

Đi khám thai những tuần cuối, bác sĩ nhìn chán lắm nên dặn dò: "Cháu về nhà từ tối nay trở đi ngày nào cũng quan hệ cho bác". Hôm sau lên khám mình báo cáo: "Cháu chỉ thấy mệt thôi bác ạ". 

"Cười vỡ bụng" chuyện đi đẻ của mẹ trẻ Lào Cai: Thấy người ta đau đẻ mà thèm, sau sinh trầm cảm chỉ muốn bắt taxi chạy trốn - Ảnh 1.

Chị Hạnh Nguyên tăng 25kg khi mang thai, cơ thể thay đổi khá nhiều.

Bầu rảnh nên ngày nào cũng nghĩ ra đủ thứ để ăn cố, ăn đến qua cả ngày dự sinh mà bụng vẫn cao, vẫn chưa đẻ. Đùng một cái thì mình ốm. Khi ốm, sự nhạy cảm tăng lên nhiều lần nên buổi tối hôm ấy, ăn uống tắm rửa xong xuôi, bỗng dưng thấy con hình như không đạp nữa, một lúc lâu lâu cũng không thấy nó đạp. Thế là xuống thông báo với mẹ chồng xong gọi luôn taxi đến bệnh viện. 

Chồng đang đi chơi được triệu tập có mặt ngay lập tức, đến viện còn trước cả vợ. Mình vào luôn phòng cấp cứu thông báo: "Chị ơi em quá ngày dự sinh rồi, bây giờ em không thấy em bé đạp nữa, chị kiểm tra luôn cho em với", giọng như sắp khóc ý. Ok! Thay đồ nằm lên giường, sau một hồi kiểm tra và đo tim thai, chị y tá nhìn mình một cái rất bất lực rồi bảo: "Ơ thế bắt nó đạp suốt không cho nó đi ngủ à?". Lại tẽn tò đi ra, bảo chồng: "Chưa đẻ anh ạ". Nhưng vì là trường hợp đặc biệt, do quá ngày dự sinh, mình được hân hạnh giữ lại nằm viện để theo dõi. 

Cứ tưởng nằm viện dưỡng thai là sướng, nhưng không, do tạm hết giường bệnh nên ngày đầu được nằm ở phòng chờ sinh, hòa chung cùng không khí nhộn nhịp khoa đẻ. Cứ 30 phút mình lại được triệu tập vào phòng trong để đo tim thai và sẽ có một chị bác sĩ thực hiện "khám trong". Và tuy phải vào kiểm tra liên tục nhưng bác sĩ trong đó cũng thay liên tục, nên cứ mỗi lần là lại phải tua lại bài: "Em đã quá ngày dự sinh". 

Câu chuyện đi đẻ của chị Hạnh Nguyên khiến nhiều người thích thú. 

Nằm cả đêm dài, không ngủ, thầm ước ao những bà đang rên la ngoài kia chính là mình, ôi sao nhìn người ta đau đẻ mà mình thèm thế. Phải nói thêm là mình đang ốm, và không thuốc thang gì cộng với nằm viện ngủ không đủ giấc, ăn cũng chẳng ngon, nên giọng khản đặc không thể nói được, người mệt rũ ra. 

Cứ lê lết trong viện 2 ngày như thế, đến sáng ngày thứ 3 khi vào khám thì gặp một bác sĩ nam rất trẻ. Đến đoạn "khám trong" mình mới mở miệng cố gắng thông báo: "Bác sĩ ơi, em là quá ngày dự sinh thôi chứ chưa có dấu hiệu sinh". Anh bác sĩ giật mình, đo nhiệt độ, lúc đấy em sốt 39 độ rồi, thế là cho mổ luôn. Anh ý quát: "Sốt cao còn định đợi đẻ thường đến bao giờ, tim thai có thể ngừng đập bất cứ lúc nào". 

Mình bước ra thông báo với chồng: "Phải mổ rồi chồng ơi". Chưa chuẩn bị tinh thần xong thì mình đã phải ngồi vào xe lăn và được y tá đẩy lên phòng mổ. Chồng cứ đi cạnh động viên: "Cố lên em nhé". 

Vì tinh thần là đẻ thường đến tận phút cuối, mà giờ lại thành đẻ mổ, nên mình hết sức hoang mang sợ hãi. Nằm lên bàn mổ mình cứ run lên bần bật, lại được cô em y tá lấy ven đúng 5 lần vẫn trượt. Mổ thì nhanh lắm, sau khi lấy ven, cho nằm nghiêng như con tôm để gây tê rồi lại nằm ngửa ra thông ống tiểu. "Xoẹt xoẹt - bịch bịch - ấn ấn - lôi lôi - giật giật" chắc tầm 5 phút là mình thấy con ra đời. 

Nhanh đến mức mình chưa kịp có cảm xúc gì, lúc bác sĩ đưa cho một cục đỏ hỏn còn tưởng... mô hình. Xong mình nghĩ trong đầu: "Ơ bình thường khi đưa em bé ra mẹ sẽ khóc kiểu xúc động". Nghĩ thế nên mình cũng rặn được mấy giọt nước mắt ra luôn mới hay chứ. 

"Tiểu công chúa" lì lợm hơn 42 tuần vẫn chưa chịu ra gặp bố mẹ giờ đã lớn thế này.

Được nhìn con 20 giây thì phải xa nhau, con được mang ra cho bố còn mẹ thì nằm khâu nốt và vệ sinh, sau đó được đẩy vào phòng hồi sức lạnh khủng khiếp. Mình bị tác dụng phụ của thuốc gây tê nên co giật, người cứ giật đùng đùng và run như đang ở Bắc Cực. 

Vẫn đang trong cơn sốt cao nên mình sợ, cố gắng mở mắt vì cứ nghĩ nhắm mắt vào là sẽ chết. Lấy hết sữa bình sinh vẫy tay gọi cô y tá đến đo nhiệt độ. 40 độ C, cô y tá chạy loạn lên đi tìm bác sĩ tiêm mấy liều giảm sốt mới đỡ. 

Nằm đợi trong phòng hồi sức 6 tiếng, trong đầu sốt ruột không biết con mình như nào, đã kịp nhìn mặt cho kỹ đâu. Không biết chồng mình có đang đợi mình ở ngoài hành lang giống như phim, cảnh người nhà đi đi lại lại trước cửa phòng phẫu thuật không nhỉ? Về sau có nghe mẹ chồng kể, lúc y tá vừa trao con cho bố xong là hai bố con bế nhau một góc ngồi khóc tu tu. 

Lúc về phòng được gặp con mới buồn cười, thấy còn hồi hộp hơn lúc đẻ. Giờ mới được nhìn mặt con dù chẳng có sức mà bế. Chạm mặt nhau mà sao thấy con mình nó buồn cười thế. Không nỡ nói là xấu nhưng so với con khỉ thì cũng không kém là mấy. 

Sau sinh mệt mỏi đến mức muốn bắt taxi chạy trốn

Và thế là một trang mới của cuộc đời mình bắt đầu. Sau đó là những ngày ngập tràn trong bỉm, sữa, phân, nước tiểu... Mình sốt liên tục vì tắc sữa, em bé khóc dạ đề, stress vì thiếu ngủ, thay đổi nội tiết nên rụng tóc, quá béo mà không giảm được cân... 

Có những đêm trong đầu mình chỉ nghĩ đến một viễn cảnh là đứng dậy ngay lập tức, gọi 1 cái taxi rồi đi đâu thì đi, miễn tránh xa khỏi con bé khóc ngặt ngẽo kia, tránh xa khỏi cuộc sống "địa ngục" này. Rồi mình tưởng tượng cách giết chồng mỗi khi cãi nhau. Hoặc là nghĩ những thứ tồi tệ vớ vẩn khác một cách thích thú. 

Chị Hạnh Nguyên đã lấy lại được vóc dáng thon thả, nhan sắc xinh đẹp. 

Tất nhiên là mình chưa bao giờ thực hiện những điều đấy. Bởi chồng mình vẫn thương con, yêu vợ, và xét cho cùng thì ai cũng là lần đầu, anh ấy cũng lần đầu làm bố, bố mẹ chồng cũng lần đầu làm ông bà nội, mình cũng lần đầu sinh con, ai cũng có những trải nghiệm riêng và bối rối riêng. Vậy nên nhiều lúc dù rất bực mình vẫn cố hướng tới những suy nghĩ tích cực để loại bỏ những điều tiêu cực trong đầu. Mọi thứ cũng dần đi vào quỹ đạo, mình đỡ stress và quay lại cuộc sống như trước.

Điều quan trọng nhất mình muốn nhắn đến các chị em là, em bé sinh ra là điều tuyệt vời nhất, chúng ta có thể làm tất cả mọi thứ cho con nhưng cũng đừng quên đi bản thân. Mẹ có vui, có khoẻ mới chăm được con vui, khoẻ. 

Còn với chồng, hãy xem anh ấy là người đồng hành bên cạnh, để yêu thương, để chia sẻ, giúp đỡ nhau chứ đừng đòi hỏi anh phải yêu em, anh phải chăm con, anh phải kiếm tiền... Hãy đơn giản hơn đi: "Anh ơi em thấy mệt, em cần anh yêu em"; "Anh ơi con cần được thay bỉm, ah thay hộ em"; "Anh ơi em chẳng làm đc gì cả nên anh nuôi em đi"... Từ ngày ngộ ra chân lý này, vợ chồng mình giảm tần suất cãi nhau từ mỗi ngày 1 lần xuống còn mỗi tuần 1 lần thôi". 

Trải nghiệm mang thai, sinh con với chị Hạnh Nguyên hay bao người mẹ khác chắc chắn sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ. 

Câu chuyện của chị Hạnh Nguyên đã nhận được rất nhiều sự chú ý của mọi người. Dưới phần bình luận, cư dân mạng vừa thích thú với những chia sẻ hài hước về câu chuyện đi đẻ của chị, vừa bày tỏ sự cảm thông với những thiệt thòi mà chị Hạnh Nguyên nói riêng và các mẹ bỉm sữa nói chung phải đối mặt trong quá trình mang thai, sinh con và chăm sóc em bé. 

Để mang được thiên thần nhỏ để đến với thế giới này, phụ nữ đã phải trải qua nhiều thiệt thòi như thế đấy. Vì vậy, các ông bố cũng như gia đình hãy đồng cảm, thấu hiểu và cùng san sẻ với những người mẹ trong việc chăm con. Đồng thời dành thời gian để trò chuyện, tâm sự mỗi ngày, cùng nhau cố gắng đem lại cho chính bản thân mình và các con cuộc sống vui tươi, hạnh phúc nhất.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment