Hoa bưởi - loài hoa quê kiểng "ướp" thơm chốn kinh kỳ tháng Giêng hai

Tháng Giêng - phố xá thơm mùi hoa bưởi

Người Hà Nội thường có cảm tình đặc biệt với những thứ quê mùa. Càng sâu trong lòng phố, nơi những gia đình lâu đời ẩn mình, dễ thấy thấp thoáng bóng cau qua bức tường cao. Dọc ngang Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phan Châu Trinh…, giữa mênh mông xanh rì vời vợi của xà cừ và sấu, khách bộ hành hay chạm mắt vào bóng rợp của những cây đa cổ thụ, những khóm tre bời bời chẳng biết lạc lõng nơi góc phố tự thủa nào.

Chẳng vậy mà, mùa nào thức nấy, những hồn cốt quê mùa trải quanh vùng đồng bằng Bắc bộ cứ ùa vào lòng phố hồn nhiên. Tháng ba nhót chín, tháng 5 hoa nhài ướp sắn dây, tháng 7 chè sen nhãn lồng, tháng 10 sắn nếp nướng than hoa, tháng giêng ruộng ải rau khúc đâm lên mơn mởn gợi thèm món xôi thơm dậy vỉa hè.

Hoa bưởi - loài hoa quê kiểng "ướp" thơm chốn kinh kỳ tháng Giêng hai - Ảnh 1.

Và cũng lại mùa nào hương ấy. Này hoa sen mùa hạ, ngọc lan mùa thu, mùi già tháng Chạp và… hoa bưởi Giêng hai.

Hà Nội những ngày Giêng hai, thời gian uể oải trôi, thời tiết thì đỏng đảnh dằn dỗi với người. “Giêng hai trời lất phất mưa/ Trăng không đủ sáng để đưa nhau về” (*). Đất trời lúc hửng lúc mù, lúc hanh hao lúc nồm ẩm, mưa phùn dấm dứt bất ngờ buổi chiều muộn hay đêm khuya. Giữa cái khung cảnh lề mề rê dắt trễ nải ấy, mùi hương ngan ngát của hoa bưởi như cứu rỗi cả mùa xuân.

Hoa bưởi Giêng hai từ quê vào phố, trên những chiếc xe đạp, xe máy cũ kỹ lem lấm đất, đong đẩy mẹt tre non lá ngang dọc từ Hàng Gà, Hàng Lược, ngược lên Quán Thánh, Thụy Khuê, kéo về Lê Duẩn, Kim Liên, Xã Đàn, Cát Linh, Giảng Võ, Láng Hạ… Màu trắng tinh khôi mướt mát căng mọng của những búp bưởi non gợi nhớ da thịt của người con gái thanh tân. Và hương thơm thì thì vấn vít dòng người nườm nượp lại qua.

Những thức cầu kỳ, tinh tế từ loài hoa "quê kiểng"

“Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối”, hễ mùa hoa bưởi về trong lòng phố, người ta lại bật ra câu hát câu thơ ấy như một sự trở dậy khó lý giải của tiềm thức. Dù có khi lòng chẳng bối rối chút nào. Hoặc giả là, bối rối vì những món ẩm thực quê mùa dậy vị giác nôn nao. 

Tầm này, vùng Hưng Yên Hải Dương đã bắt đầu rỡ sắn dây. Các bà các mẹ tháo vát vườn tược ở quê lại rủ nhau làm bột sắn đầu mùa. Xay xay lọc lọc, bột sắn trắng nõn nà thì đem phơi bên hiên, tranh thủ lúc hửng trời thì hong ngoài sân gạch. Bột se rồi, tính đem gói ghém cất đi thì nhìn ra vườn hoa bưởi nứt căng nhú nụ, phả hương qua làn mưa lây rây len lỏi trong cái ẩm nồm ướt át. 

Các bà các mẹ khéo léo, tỉa những chùm hoa rủ sát đất hay vổng trên ngọn cao. Mà phải lựa đúng lúc ban mai, khi những nụ hoa ngậm sương vừa hé mở, chưa bung hết cánh. Lại phải lựa khi mưa phùn đã ngớt, gió bấc se se, hoa mới không ngấm nước ủng cánh mà trữ hương nồng nàn dưới lớp biểu bì tươi mọng.

Bông bưởi trắng ngần được tách từng lớp, bỏ đi phần nhụy vàng hăng đắng, rải đều lên mẻ bột tơi, ủ kỹ lại cho đến lúc từng hạt sắn dây quyện đẫm hương hoa vào từng thớ mịn thì lại khéo lựa nàng trời làm nũng, mang ra hong sấy. Người Hà Nội cầu kỳ, tinh tế nên biết trân quý những thức ngon quê mùa tỉ mẩn, dầy dà hết cả Giêng hai mới được 1 mẻ thơm ngon ấy chăng?

Lại nữa, mía độ này đương xuân, không đậm ngọt nhờ ủ nắng như tháng 9, tháng mười, nhưng nếu chùm hoa bưởi chua bánh tẻ ướp cùng thì vị thanh mát không gì sánh nổi. Mía dóc vỏ, chẻ khúc đôi hay tư, xếp khéo trong hộp rồi rắc lên những cánh bưởi ngan ngát trước khi đậy kỷ và cất vào ngăn mát tủ lạnh chừng một hai giờ. Món ăn thì dân dã mà thực là thú ăn chơi phong lưu chốn kinh kỳ.

Hà Nội càng hiện đại, đường phố càng tắc nghẽn, bụi mịn càng tím lịm, thì cái thứ hoa quê kiểng lại càng ăm ắp phố phường như một cứu cánh. Như thể nhờ cái màu cái mùi tinh khôi lừa mị ấy mà người ta tạm quên đi những cảnh báo ô nhiễm đủ màu. 

Hoa bưởi - loài hoa quê kiểng "ướp" thơm chốn kinh kỳ tháng Giêng hai - Ảnh 4.
Hoa bưởi - loài hoa quê kiểng "ướp" thơm chốn kinh kỳ tháng Giêng hai - Ảnh 5.

Hoa bưởi bỗng dưng trở thành một thú chơi “hot trend” trong nhiều năm. Và lẽ tất nhiên, trồng bưởi lấy hoa cũng trở thành dịch vụ nông nghiệp. Hoa từ mạn Hòa Bình xuống, từ Hưng Yên lên, bán cất cho các đầu mối ở Hà Nội rồi theo các xe rong tỏa đi khắp phố. Gặp hoa bưởi Diễn thì cánh nhỏ, nở cong, 20 ngàn đồng một lạng, gặp hoa bưởi chua thì cánh to mọng 25 ngàn một lạng. Tuy thế, giá cả cũng lại phụ thuộc kẻ bán người mua khéo mặc cả, đưa đẩy vừa lòng nhau.

Vì là “hot trend” nên hoa bưởi không còn quanh quẩn trong gian bếp của các mẹ các cô toàn vẹn nữ công gia chánh khéo chiều chồng bằng những thức quà truyền thống như khúc mía ướp, như bát tào phớ nước đường thoang thoảng hương hoa. Hoa bưởi vào cả văn phòng, công sở, thơm tho trên bàn làm việc hay sáng bừng trên bàn khách, trong những chiếc lọ gốm nhỏ xinh, vừa kiêu hãnh vừa e thẹn. 

Hoa bưởi - loài hoa quê kiểng "ướp" thơm chốn kinh kỳ tháng Giêng hai - Ảnh 6.

Tất nhiên hoa bưởi không để cắm. Những đài hoa nhanh chóng rủ xuống chỉ sau một đêm cô đơn. Nhưng chẳng ai nỡ vứt bỏ, khi cái linh hương không chịu tàn cùng xác hoa đã chuyển màu ngà tái. Cứ thoang thoảng, nồng nàn, luẩn quất, làm dịu đi tiết trời ấm ớ ẩm ương.

Có lẽ bên ngoài "biên giới" của Hà Nội, người ta sẽ chẳng tin rằng, thứ hoa đơm trái to bằng một ôm tay lại có thể “nói hộ lời yêu” như nhà thơ Phan Thanh Nhàn từng gieo đức tin vào lòng những người yêu nhau. Đã là tình yêu thì phải hoa hồng, hoa lưu ly, hoa tử đằng, hoa tulip, những thứ hoa rực rỡ khát khao kia.

Nhưng nếu một ngày có dịp chìm vào lòng Hà Nội độ Giêng hai, nằm trong căn gác nhỏ có ô cửa xanh hé mở, nghe mưa phùn rơi đêm thấm vào lòng đất ẩm, nghe li ri tiếng côn trùng thở than, khi ấy một chùm hoa bưởi đã rủ đài cũng khiến bạn nôn nao thương nhớ. Thứ hương thơm dịu dàng, ve vuốt, thầm thì, à ơi ru giấc mộng đêm xuân có tình yêu ủ ấm.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment